Nhiều thách thức cho tương lai điện hạt nhân
Trong một báo cáo mới đây của Tổ chức Năng lượng nguyên tử thế giới (WNA), với những biến chuyển mạnh mẽ về công nghệ, ngành công nghiệp nguyên tử hiện đang phá vỡ những kỷ lục đã tồn tại một phần tư thế kỷ qua. Tuy nhiên, tương lai phát triển của điện nguyên tử cũng gặp nhiều thách thức.
Mục tiêu của ngành sản xuất điện hạt nhân là cung cấp 25% tổng lượng điện năng thế giới vào năm 2050
Kể từ năm 1990 đến nay, chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến cảnh nhiều lò phản ứng được xây dựng như thời gian gần đây, riêng năm 2015 đã có 10 lò phản ứng hạt nhân mới đã được vận hành. Theo báo cáo của WNA, trên thế giới, hiện có 66 lò phản ứng đang được xây dựng, trong đó 24 lò của Trung Quốc, và lên kế hoạch chuẩn bị cho sự ra đời của 158 lò khác.
Báo cáo của WNA đã đưa ra một triển vọng tươi sáng cho ngành công nghiệp này, góp phần làm dấy lên hy vọng về khả năng đáp ứng nhu cầu điện năng toàn cầu.
Hiện nay, ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân mới chỉ cung cấp 10% điện năng thế giới và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng lên 25% – điều đó đòi hỏi việc xây dựng một chương trình sản xuất điện nguyên tử hết sức lớn. Kế hoạch này sẽ hướng đến việc từ nay đến năm 2020 cần vận hành 10 lò phản ứng mới mỗi năm, đến năm 2030 là 25 lò phản ứng mỗi năm và đến năm 2050 là hơn 30 lò phản ứng.
Nhiều cơ hội phát triển
Ngành công nghiệp điện hạt nhân đặt nhiều hy vọng vào việc các chính phủ thực hiện đúng cam kết cắt giảm 2 độ C khí thải nhà kính bởi để đạt được điều đó, cần giải pháp quan trọng từ điện hạt nhân và năng lượng tái tạo.
Trong báo cáo của WNA có viết, WNA hy vọng hệ thống điện năng toàn cầu trong tương lai sẽ phát triển nhờ vào bước tiến của công nghệ trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, qua đó hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Mặc dù tràn trề hy vọng vào khả năng đáp ứng nhu cầu điện năng của điện hạt nhân nhưng WNA cũng thừa nhận, nền công nghiệp sản xuất điện hạt nhân “đang gặp thách thức”, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu, do điện hạt nhân không thể cạnh tranh về giá cả với điện năng từ các nguồn khác.
Tình hình có vẻ sáng sủa hơn ở Trung Quốc khi có 8 lò phản ứng mới đã vận hành và kết nối lưới điện từ năm 2015, nhiều lò phản ứng khác cũng đang trong giai đoạn lên kế hoạch chuẩn bị xây dựng. Đây là một phần trong kế hoạch từng bước giảm lệ thuộc vào than đá và cải thiện chất lượng không khí của Trung Quốc.
Nga, nhà xuất khẩu điện hạt nhân hàng đầu thế giới, đang nỗ lực phổ biến công nghệ, trong đó bao gồm cả việc cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng và thu hồi chất thải hạt nhân về Nga. Kế hoạch này không chỉ góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác về năng lượng giữa các quốc gia đối tác với Nga về mà còn có thể tác động đến những khía cạnh hợp tác khác. Vì vậy ngành công nghiệp sản xuất điện hạt nhân của Nga có những hợp đồng xây lò phản ứng mới ở Trung Quốc, Hungary, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ và có những khách hàng tiềm năng khác ở Jordan, Kazakhstan, Nigeria, Nam Phi… và nhiều quốc gia khác.
Trong báo cáo của WNA, Hàn Quốc và Ấn Độ được nhắc đến với những cam kết về phát triển điện hạt nhân trong năm 2015.
Các lò phản ứng khí cải tiến (AGR) của Anh đã được nâng cấp để tăng thời gian vận hành.
Tại châu Âu và Nam Mỹ, việc phát triển điện hạt nhân đang gặp nhiều thách thức. Ở châu Âu, dù đi đầu về thiết kế lò phản ứng kiểu mới nhưng hiện tại Pháp đang phải tạm dừng quá trình xây dựng lò phản ứng kiểu mới này vì nguyên nhân tăng vọt chi phí đầu tư. Còn Đức, một trong những quốc gia có nhiều lò phản ứng đang hoạt động nhất, thì gặp sự phản đối của phe đối lập chính phủ.
Những khó khăn
Cuộc bỏ phiếu rời EU của Anh được tiến hành sau khi WNA thực hiện nghiên cứu về tình hình phát triển điện hạt nhân thế giới, sẽ làm cho tình hình trở nên xấu hơn. Kế hoạch xây dựng 10 lò phản ứng mới của Anh, bao gồm 4 lò theo thiết kế của Pháp, giờ đây dường như ít có khả năng thực hiện.
Ở Bắc Mỹ, thành công của công nghệ tách dầu mỏ từ đá phiến cũng khiến cho điện hạt nhân khó cạnh tranh về giá cả với loại nhiên liệu này.
Tuy nhiên, báo cáo của WNA cũng nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực hơn của lĩnh vực điện hạt nhân là bên cạnh việc xây mới, việc gia tăng thời gian vận hành so với thiết kế ban đầu nhiều lò phản ứng cũng được tính đến. Trong nhiều trường hợp, kinh phí để nâng cấp lò phản ứng đang vận hành sẽ rẻ hơn nhiều so với xây mới nhưng trong một số trường hợp khác, dù được nâng cấp nhưng thời gian vận hành của nhiều lò phản ứng cũng không thể kéo dài quá lâu.
Báo cáo của WNA chỉ ra vòng đời của các lò phản ứng theo các thiết kế thông thường vào khoảng 60 năm, tuy nhiên có một biệt lệ với các lò phản ứng khí cải tiến (AGR, khí là chất tải nhiệt) ở Anh. EDF Energy, nhà cung cấp công nghệ AGR, vào tháng 1 vừa qua đã tuyên bố các lò phản ứng Heysham 1, Hartlepool đã được nâng cấp để kéo dài vòng đời thêm 5 năm còn với lò phản ứng Heysham 2 và Torness là 7 năm.
Thanh Nhàn tổng hợp