Nhớ giáo sư Nguyễn Đình Tứ

LTS: Nhân sinh nhật lần thứ 89 của giáo sư Nguyễn Đình Tứ, viện trưởng sáng lập Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và là người đảm trách một số chức vụ Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tia Sáng giới thiệu bài viết của giáo sư Cao Chi, một đồng nghiệp của ông tại Viện NLNTVN.

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ (giữa) gặp lại Viện sĩ N.N. Bogoljubov tại Dubna, năm 1981. Ảnh tư liệu

Tôi không thể nào quên được người bạn có thân hình nhỏ nhắn với đôi mắt sáng biểu thị thật sự một trí thông minh hiếm có.

Tôi quen anh Nguyễn Đình Tứ từ năm 1944, lúc còn học với anh ở trường Collège Võ Tánh, Qui Nhơn. Vào lúc ấy thi đậu Collège Võ Tánh là một điều khó khăn, còn được vào nội trú (internat) của trường lại là điều khó khăn gấp bội. Anh Nguyễn Đình Tứ và tôi may mắn được lọt vào trong một số ít học sinh nội trú của trường.

Năm ấy, chúng tôi học lớp đệ nhất niên. Nhiều bạn trong nội trú, kể cả các anh học các năm trên đều có cảm tình đặc biệt với anh Tứ vì tinh thần học tập cần cù và vì anh Tứ học rất giỏi, đạt nhiều thành tích, được bạn bè và các thầy chú ý.

Có những buổi chiều, chúng tôi ngồi bên nhau trên sân trường cùng hát bài ca mà học sinh nội trú rất yêu thích:

NGOÀI TRỜI ĐÊM

Trên cảnh vật lặng tờ màn đêm xuống buông dần,
Màn đêm che khuất là hoa núi sông…

Ta mau hát vang lên cho vầng đêm tối chóng tan,
Cho ngày mai đến tưng bừng…

Và ngày mai đã đến: chúng tôi học được một năm thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ.

Chúng tôi xa nhau. Tôi ở phía Nam, còn anh Tứ ở phía Bắc, học trường Huỳnh Thúc Kháng, lớp Toán học đại cương. Sau đó anh học lớp Khoa học cơ bản ở Nam Ninh, Trung Quốc. Tiếng đồn học giỏi của anh Tứ vang tận miền Nam: anh Tứ là người giải được tất cả các bài toán trong các quyển Brachet, vốn là những quyển sách toán có những bài tập rất khó.

Sau đó anh Tứ được cử đi học ở Trung Quốc, Đại học Thủy lợi Vũ Hán.

Và đến năm 1957 anh được Nhà nước Việt Nam cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân tại Dubna. Có lẽ quyết định này đúng với nguyện vọng thầm kín của anh Tứ. Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân là Viện Nghiên cứu hạt nhân và các hạt cơ bản của phe xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.

Tại đây sang làm việc có nhiều nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng, như Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.

Trong thời gian này tôi đang học tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonossov, Moscow. Tôi vội vàng đến Dubna tìm gặp anh Tứ. Thật vui mừng được gặp nhau sau bao nhiêu năm xa cách. Và khó quên được những buổi đi dạo cùng nhau trong những cánh rừng bạch dương quanh thành phố Dubna nổi tiếng.

Trong thời gian ở Dubna, anh Tứ đã trở thành một nhà khoa học xuất sắc ngành hạt nhân, thu được một kết quả khoa học quan trọng (cùng với các đồng nghiệp quốc tế): tìm ra hạt antisigma-minus hyperon. Thành tích này không dễ mấy nhà khoa học Việt Nam (hay quốc tế) có được.

Anh đã thay mặt nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học các nước đọc nhiều báo cáo tại các cuộc hội thảo quốc tế. Anh Tứ sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Trong những buổi trò chuyện, tôi cảm nhận ở anh sớm bộc lộ tư cách của một người lãnh đạo tương lai ngành hạt nhân của Việt Nam.

Sau khi được Giáo sư Tạ Quang Bửu chọn cử đến Dubna làm việc, tôi lại có vinh dự được làm việc cùng với các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có anh Tứ.

Chúng tôi nhớ lại, lúc bấy giờ trong anh em chúng tôi nhiều người cố gắng làm việc và đồng thời chuẩn bị luận án thì anh Tứ dường như xem việc bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học của anh là một việc nhẹ như lông hồng, mặc dầu kết quả nghiên cứu của anh có lẽ thừa đủ cho một luận án tiến sĩ khoa học.

Với cương vị bí thư chi bộ, anh Tứ đặt nhiệm vụ cho anh em Việt Nam tại Dubna là phải nghiên cứu những vấn đề liên quan đến công nghệ hạt nhân.

Hồi tưởng lại, tôi càng hiểu được rằng anh Tứ quả thật là một người có tầm nhìn rộng, có tinh thần yêu nước, luôn lo nghĩ đến việc làm sao cho nước Việt Nam chúng ta có được một ngành hạt nhân vững mạnh. Nhờ chủ trương đó mà các cộng tác viên Việt Nam tại Dubna đã để tâm nghiên cứu và tìm tòi nhiều tài liệu dính dáng đến công nghệ hạt nhân. Nhiều kiến thức và tài liệu tích lũy trong thời gian này đã giúp ích tôi rất nhiều khi làm chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước KC-09-17 (1990-1995) về việc đưa điện hạt nhân vào Việt Nam.

Khi công tác ở nước ngoài, anh Tứ đã toàn tâm toàn ý lo lắng đến tương lại ngành hạt nhân của Việt Nam. Về điểm này, có thể liên tưởng đến tấm gương sáng ngời của anh Trần Đại Nghĩa. Sau này khi về nước, anh Tứ là người trước sau như một, chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Như là một người trong ngành hạt nhân, tôi xin phép được nói rằng, người đầu tiên nghĩ về điện hạt nhân một cách toàn diện và khoa học chính là anh Nguyễn Đình Tứ. Ngày nay, ý nguyện đó của anh chưa thành sự thật (nhiều ý kiến phản bác điện hạt nhân).

Bản thân anh tự mình tìm tòi chạy những chương trình máy tính liên quan đến các tính toán trong nhà máy điện hạt nhân. Anh Tứ đã đem hết tâm huyết của mình cho ngành điện hạt nhân, từ khâu tổ chức đến khâu đào tạo cán bộ, xây dựng các đề tài cấp Nhà nước phục vụ điện hạt nhân. Như chúng ta biết trong thời gian qua chúng ta đã có những phác thảo các quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Có thể nói, đây là một tiến bộ quan trọng trong chương trình điện hạt nhân, tiếc rằng vì điều kiện khách quan nên dự án bị dừng lại, tuy nhiên trong các thành công ngành hạt nhân, phải công nhận công đầu thuộc về anh Nguyễn Đình Tứ.

Nhân ngày sinh lần thứ 89 của anh Nguyễn Đình Tứ (01/10/1932-01/10/2021), tôi xin viết mấy dòng cảm nghĩ tưởng nhớ đến anh, một nhà khoa học có phẩm cách đầy tài năng, khiêm nhường, không khoa trường, không màng danh vị, có Đảng tính cao và lòng yêu nước nồng nàn.

Nguồnhttps://vinatom.gov.vn/tuong-nho-giao-su-nguyen-dinh-tu/

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)