Nhớ về Thầy Trần Đại Nghĩa

Sau khi tốt nghiệp TSKH  ở Nga, về nước tôi đã có dịp được đi cùng với thầy Trần Đại Nghĩa và Tạ Quang Bửu trong đoàn cán bộ khoa học tham quan cố đô Huế. Mấy cán bộ ít tuổi chúng tôi luôn luôn bám theo hai Thầy để lắng  nghe và chiêm ngưỡng hai thần tượng!

“Người  dũng mãnh!”

Sau khi được nghe bài phân tích rất hay của người hướng dẫn viên về các áng thơ của Tự Đức, chúng tôi được dẫn ra nhà bia đá, đó là địa điểm  tham quan cuối cùng trong Lăng Tự Đức. Người hướng dẫn viên nhấn mạnh rằng, mọi thứ trong Lăng đều làm bằng gỗ, duy chỉ có tấm bia này là bằng đá và nhà bọc bia  lại cũng bằng đá, như thế Tự Đức có ý muốn để lại cho hậu thế cái bia này là chính. Rồi ông đọc và phân tích từng câu trong bản di chúc khắc chìm, nạm vàng trên tấm bia trong đó có câu cuối nói rằng Tự Đức là người có công hay có tội, cái đó hãy dành cho ngòi bút của các sử gia. Kết thúc buổi tham quan, đi được chừng mươi bước, Thầy Bửu bỗng nói với chúng tôi: “Bác Nghĩa là người  dũng mãnh!”. Chúng tôi đề nghị Thầy cho một dẫn chứng, Thầy nói, hôm họp Chính phủ để quyết định dời Thủ đô lên Xuân Hòa, bác Nghĩa không những không giơ tay tán thành mà sau đó còn đứng dậy phát biểu rằng, quyết định đâu là Thủ đô không hoàn toàn do chúng ta, mà do lịch sử của dân tộc và địa lý của đất nước. Nhưng rồi quyết định đã được thông qua.

Bài học từ chuyện chiếc màn tuyn

Trong quãng thời gian làm công tác quản lý khoa học và  Phó hiệu trưởng ở Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi cũng có đôi lần thay mặt nhà trường, trong những dịp các ngày lễ tết, đến thăm và tặng quà các cán bộ lão thành của trường. Nhớ nhất là lần tôi cùng với cán bộ phòng khoa học đến nhà Thầy Nghĩa, ở phố Hàng Chuối, tặng Thầy một món quà rất nhỏ, đó là chiếc màn tuyn, nhưng đó là sản phẩm do anh em cán bộ giảng dạy của trường cải tiến máy dệt  màn vải xô, mắt vuông, thành máy dệt được màn tuyn, mắt lục giác. Thời đó, màn xô cũng phân phối, còn màn tuyn thì rất hiếm vì trong nước chưa nhập được loại máy này. Thầy rất cảm ơn và khen ngợi về việc làm thiết thực đó, nhưng cương quyết không nhận quà, vì muốn dành cho nhiều giáo viên còn chưa có. Một điều bất ngờ nữa là sau nhiều năm, vào một dịp đi công tác khác, lúc rỗi Thầy còn nhớ đến chuyện chiếc màn tuyn ấy và hỏi rằng việc cải tiến máy dệt ấy khó đến mức nào mà cần đến các thầy Bách khoa. Tôi giải trình với Thầy, việc cải tiến từ máy dệt vải màn mắt vuông thành máy dệt vải màn mắt lục giác cũng không quá khó, nhưng để cho dàn máy cồng kềnh chạy thật êm, không gầm rú, thì tính toán và thử nghiệm mãi mới được. Tôi nói đến đó thì Thầy tiếp lời: “Không dễ đâu, đó là vấn đề dynamique des mécanismes!”. Thầy dùng thuật ngữ tiếng Pháp để nói về động lực học cơ cấu. Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện đó để nhắc nhở sinh viên của mình phải nắm rất chắc những kiến thức cơ bản để có thể nhìn ra ngay các nội dung khoa học khi giải quyết những nhiệm vụ kỹ thuât tưởng chừng đơn giản.

Những ngày đầu công tác hội

Giai đoạn mà tôi được gần gũi với Thầy Nghĩa nhiều nhất là trong công tác Hội. Với trách nhiệm là chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học và kỹ thuật Hà Nội nhiệm kỳ đầu tiên, tôi tham gia một số việc chuẩn bị cho đại hội thành lập LHH Trung ương, tiến hành sau đó khoảng một năm. GS. Trương Tùng, phó chủ tịch thành phố Hà Nội đồng thời là phó chủ tịch Hội Hà Nội, đã rất nhiệt tình tìm cách cấp trụ sở làm việc cho LHH -VN, tại số nhà 30B Bà Triệu, rất gần với hồ Hoàn Kiếm.

Ngay sau khi thành lập, Hội Hà Nội đã nhanh chóng kết nghĩa với Hội Kiến thức của thành phố Moskva. Nhờ sự hợp tác đó, Hội Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức được các câu lạc bộ khoa học, khai trương một triển lãm ở nhà thuyền trên hồ Thiền Quang và bắt đầu có các trang bị như ô tô, máy ghi băng các bài giảng  phổ biến khoa học v.v. Đồng thời qua đấy chúng tôi còn làm được một việc là cầu nối để LHH-VN hợp tác với Hội Kiến thức toàn Liên bang Xô viết. Trong quá trình hợp tác đó, tôi được chứng kiến, với các ấn  tượng  đẹp, trong nhiều cuộc tọa đàm giữa Thầy Nghĩa và các nhà khoa học và các nhà hoạt động hội khoa học kỹ thuật của Liên bang Xô viết. Thầy Nghĩa thường nhắc chúng tôi phải học tập kinh nghiệm của bạn trong hoạt động phổ biến nâng cao kiến thức khoa học cho quần chúng và cần nhận thức về vai trò cực kỳ quan trọng của quần chúng lao động, những người trực tiếp biến các thành tựu khoa học thành của cải vật chất cho xã hội.

Trong hoạt động hội, tôi cũng không ít lần được đi công tác đến các tỉnh thành với Thầy Nghĩa. Lần đi dự hội nghị ở LHH- Hải Phòng tôi thấy Thầy rất trăn trở về vấn đề quản lý kinh tế ở các địa phương. Thầy thường đem theo bộ sách quản lý kinh tế của  Tây Âu và giới thiệu với họ. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là những ngày cùng đi với Thầy vào dự đại hội thành lập  LHH- TP. Hồ Chí Minh. Tôi vẫn còn giữ được tấm ảnh chụp kỷ niệm ngày hôm đó.

Người thầy phải có trách nhiệm với quốc gia

Đêm hôm trước ngày đại hội, ban tổ chức đã đến báo cáo tình hình chuẩn bị với  GS.Trần Đại Nghĩa, tôi cũng ngồi tham dự. Sau buổi làm việc đó Thầy có vẻ ưu tư lắm và dường như không ngủ được. Thầy gọi tôi sang, pha một ấm chè và hai thầy trò nói chuyên với nhau đến khuya. Câu chuyện bắt đầu từ viêc sửa sang, chỉnh lý lại hai bài phát biểu để Thầy và tôi sẽ đọc vào sáng mai. Sau đó, Thầy hỏi thăm về tình hình hoạt động khoa học ở trường Bách khoa, rồi cả về cách thức triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học ở các trường của Nga và Thầy rất tâm tư về vấn đề đầu tư cho khoa học! Tôi cũng rất muốn được tiếp tục câu chuyện về mối quan hệ giữa sức mạnh của tính du kích linh hoạt và xu thế tự động hóa trong công nghiệp quốc phòng, nhưng cứ ngại để Thầy thức quá khuya, nên lại phải nhắc Thầy đi nghỉ. “Không sao! tôi ngủ ít nhưng sáng mai vẫn sẽ tỉnh táo”, thấy Thầy nói vậy, tôi không dám nhắc nữa. Từ đêm hôm đó, hai điều Thầy căn dặn, tôi vẫn nhớ mãi! Thầy bảo, khi giảng dạy người ta phải chia nhỏ kiến thức thành các môn học để cho sinh viên tiếp thu được, nhưng để làm được việc, phải làm sao cho họ biết vận dụng kiến thức tổng hợp. Ngạc nhiên hơn, Thầy còn  nhắc: “Trường  Bách khoa các anh tự gọi là ĐHBK Hà Nội đấy chứ, chắc là để dễ phân biệt với các trường bách khoa mới mở sau này, còn theo quyết định lúc thành lập năm 1956 thì chỉ ghi là Đại học Bách khoa thôi! Nói như thế, không phải là cốt giành lấy cái danh hiệu quốc gia để xin được thêm kinh phí đầu tư, mà ở chỗ cần phải tự xác định vị trí của mình để ý thức được phải dạy với trách nhiệm quốc gia và phải học vơi ý thức tự tôn của một dân tộc!”.Tôi nhớ mãi lời dạy đó và đã truyền đạt lại đến lãnh đạo Trường.

——

* GS.TSKH.NGND.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)