Những khám phá thiên văn nổi bật

Một trong kết quả nổi bật nhất của các nhà thiên văn trong năm 2006 là kiểm chứng lý thuyết lạm phát của vũ trụ, phát hiện thêm những vệ tinh của Dải Ngân hà.

Sứ mệnh thu thập bụi sao chổi của Stardust
 

Trạm thám hiểm không gian Stardust của NASA đã hoàn thành sứ mệnh. Khi bay qua Trái đất, nó giải phóng một thiết bị khoa học nặng 46 kg, lao vào bầu khí quyển với vận tốc 46440 km/h chứa các mẫu bụi thu thập được trong suốt quá trình bay qua sao chổi 81P/Wild 2.
Hơn 200 nhà khoa học trên thế giới bắt đầu phân tích. Các nhà khoa học chờ đợi tìm kiếm được những bụi đá có kích thước khoảng 10 micromet được cho là hình thành từ vùng bên trong của hệ Mặt trời. Nhà khoa học Brownlee nói “chúng tôi cơ bản đã tìm thấy những chất rắn ở những vùng lạnh nhất trong hệ Mặt trời đã được tạo ra trong những vùng nóng nhất của tinh vân tiền Mặt trời”.

WMAP nhìn lướt qua giai đoạn lạm phát của vũ trụ
 

Mô hình lạm phát đã được kiểm tra một cách ngoạn mục khi vệ tinh WMAP của NASA cung cấp các dữ liệu về sự phân cực và bản đồ toàn cảnh nền viba của toàn bộ bầu trời, trong đó, những photon được giải phóng từ 380.000 năm sau Big Bang (tuổi của vũ trụ là 13,7 tỷ năm). Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã xác định được ngôi sao đầu tiên bắt đầu chiếu sáng khoảng 400 triệu năm sau Big Bang. Lạm phát làm cho vũ trụ giãn nở với tốc độ cực kỳ nhanh trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn. Các kết quả chỉ ra rằng, mô hình lạm phát đơn giản nhất rất tương thích với nền viba. Điều này có vẻ như chúng ta có thể nhận biết được những hành xử vật lý ở thời điểm 10-35 giây sau Big Bang.

Phát hiện thêm nhiều vệ tinh mới của Dải Ngân Hà
 

Các nhà thiên văn ở đại học Cambridge, Anh, đã khám phá ra 7 thiên hà vệ tinh quay quanh Dải Ngân Hà và những vệt sao đan chéo nhau gần cực bắc của nó.
Những vệt sao được tạo thành khi lực triều của Dải Ngân Hà xé nát các thiên hà vệ tinh và các đám sao cầu một cách chậm chạp. Những ngôi sao bị dứt ra khỏi hệ thống phân bố dọc theo quỹ đạo của các thiên hà vệ tinh hoặc các đám sao cầu. Vào tháng 5, các nhà thiên văn đã thông báo hai thiên hà lùn mới là Booter và Canes Venatici lần lượt cách chúng ta 196 000 và 720 000 năm ánh sáng. Cả hai đối tượng này nằm trong những quầng vật chất tối khối lượng lớn của Dải Ngân Hà.
Một đuôi hình cung nổi bật tạo bởi thiên hà lùn Sagitttarius và một vệt mới quét 70o dọc theo bầu trời đặt tên là Orphan cùng với một vệt sao phân nhánh cũng được phát hiện. Nhà khoa học Belokulov cho rằng, nó được tạo bởi một thiên hà lùn Ursa Major II.

Sự va chạm giữa các sao Nơtron tạo ra những vụ nổ tia gamma ngắn
 

Các nhà khoa học đã củng cố mối liên hệ chặt chẽ giữa các vụ nổ kéo dài hơn 2 giây và những vụ nổ siêu sao mới. Tuy nhiên, những vụ nổ ngắn hơn vẫn còn là một bí ẩn. Gần đây, hai vệ tinh của NASA là Swift và HETE-2 đã ghi nhận chính xác 3 vụ nổ ngắn.
Swift quan sát một vụ nổ kéo dài 0,25 giây xảy ra ở một thiên hà ellip cách xa 3,5 tỷ năm ánh sáng, trong đó, năng lượng được giải phóng tương đương với năng lượng của Mặt trời phát ra trong 100 triệu năm. Các nhà lý thuyết gợi ý rằng, nguồn năng lượng này có thể là một sao nơtron bị một lỗ đen ở gần xé nát. Vượt ra ngoài 200 triệu năm ánh sáng, một vụ bùng nổ lớn từ những sao nơtron có từ trường siêu mạnh. Các quan sát gợi ý rằng, một sao nơtron đang quay quanh một ngôi sao bình thường và cách sao đó khoảng 1 phút ánh sáng, hút vật chất của sao đồng hành và biến thành một lỗ đen, từ đó tạo ra vụ nổ tia gamma ngắn.

Trở lại sao Kim
 

Sau 12 năm thám hiểm sao Kim bị ngắt quãng, trạm thăm dò không gian Venus Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đi vào quỹ đạo quanh hành tinh này vào ngày 11 tháng 4.
Mục tiêu nghiên cứu chính của Venus Express là bầu khí quyển. Những đám mây có thể quan sát rõ ràng trong vùng sóng tử ngoại xảy ra ở độ cao 50 km, và di chuyển vòng quanh xích đạo chỉ hết có 4 ngày-nhanh hơn 50 lần chuyển động tự quay của bề mặt hành tinh này. Sức mạnh nào đã thúc đẩy chuyển động nhanh như thế vẫn còn là một điều bí ẩn. Trạm thăm dò này đã bắt đầu cung cấp hình ảnh chi tiết đầu tiên về những cơn lốc ở cực nam của sao Kim. Phổ kế chụp ảnh nhiệt hồng ngoại và khả kiến (VIRTIS) có thể hoạt động ở nhiều bước sóng hồng ngoại khác nhau. VIRTIS cũng có thể quan sát nhiều lớp khí quyển để giúp các nhà khoa học mô hình hóa cấu trúc bầu khí quyển.

Hơn 200 hành tinh ngoài Mặt trời được khám phá
 

Vào cuối tháng 7 năm vừa rồi, các nhà thiên văn thông báo tổng số hành tinh quay quanh những sao khác lên đến hơn 200. Vào tháng 5, các nhà thiên văn Thuỵ Điển thông báo ba hành tinh cách chúng ta 42 năm ánh sáng có khối lượng bằng sao Hải Vương quay xung quanh sao HD 69830 lần lượt hết 8.67, 31.6 và 197 ngày. Các nhà thiên văn tin rằng, hành tinh ở gần nhất cấu tạo bằng đá, trong khi hành tinh ở ngoài cùng có khối lượng nhỏ nhất nằm trong vùng thích hợp cho sự sống, nơi nước ở thể lỏng có thể tồn tại trên bề của nhân rắn. Kính thiên văn không gian Spitzer của NASA đã ghi nhận một lượng lớn bụi nóng xung quanh một ngôi sao ám chỉ sự có mặt của một vành đai tiểu hành tinh lớn.
Kính thiên văn Hubble cũng đã xác định được 16 ngôi sao mờ trong chòm sao Sagittarius có những hành tinh đi qua trước. Các phép đo quang phổ đã khẳng định, hai trong số những ngôi sao này có mặt những thiên thể có khối lượng cỡ hành tinh.

Cuộc phiêu lưu tới tiểu hành tinh 25143 Itokawa của tàu thăm dò Hayabusa
 

Được phóng vào ngày 9 tháng 5 năm 2003, Hayabusa du hành trong không gian bằng việc sử dụng nhiên liệu xenon tới tiểu hành tinh 25143 Itokawa. Ngày 12 tháng 9 năm 2005, nó đã tiếp cận đến tiểu hành tinh này và gửi về Trái đất một kho dữ liệu thông tin phong phú. Sứ mệnh đầy hứa hẹn của trạm thăm dò không gian này là đổ bộ xuống bề mặt của tiểu hành tinh, thu thập mẫu vật và trở về Trái đất. Các hình ảnh cận cảnh cho thấy, Itokawa không có những miệng hố va chạm rõ ràng, những tảng đá có kích thước bằng một căn nhà nhô lên, những vùng bằng phẳng phủ đầy bụi.
Mặc dù Hayabusa đã hai lần chạm tới tiểu hành tinh này với ý định thu thập mẫu vật, nhưng các nhà khoa học ở Cơ quan Vũ trụ Nhật bản JAXA không thể khẳng định được nó có đạt được mục đích hay không? Các kỹ sư của JAXA vẫn liên lạc thường xuyên với trạm thăm dò này và họ đang cố gắng mang Hayabusa trở về Trái đất vào tháng 6 năm 2010.

Cuộc thám hiểm sao Hoả mang đến một bước nhảy lượng tử
 

Vào tháng 11, sau những điều chỉnh quỹ đạo, trạm thăm dò không gian MRO của NASA đã chính thức bắt đầu tiến hành các nghiên cứu của mình. Các thiết bị của MRO sẽ nghiên cứu sao Hoả từ tầng khí quyển trên cao xuống bề mặt. Một camera thời tiết sẽ quan sát toàn bộ hành tinh hàng ngày, trong khi một máy dò hồng ngoại sẽ ghi nhận nhiệt độ khí quyển và hơi nước. Thiết bị lập bản đồ khoáng chất có thể xác định những lớp trầm tích có liên hệ với nước, chẳng hạn như cacbonat, sulfate. Thiết bị chụp ảnh phân giải cao có thể chụp được những tảng đá có thích thước của một cái bàn. Một thiết bị rada khác cũng giúp pháp hiện ra nước và băng đá.
Bức tranh toàn cầu kết hợp từ những trạm thăm dò trước đó và những hình ảnh bề mặt chi tiết cung cấp bởi những xe tự hành sẽ cho thấy một bức chân dung khoa học về sao Hoả thay đổi như thế nào trong vài năm trước.

Hệ Mặt trời chỉ còn 8 hành tinh

Tháng 8 năm 2006, tại đại hội của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế tổ chức ở Prague, Cộng hòa Czech, các nhà thiên văn đã tiến hành bỏ phiếu không công nhận sao Diêm Vương là  một hành tinh trong hệ Mặt trời sau khi khám phá ra thiên thể 2003 UB313, hay còn gọi là Xena, lớn hơn sao Diêm Vương 5%. Kết thúc cuộc tranh luận sôi nổi, các nhà thiên văn đã đưa ra một phân loại mới gọi là “hành tinh lùn”, dành cho những thiên thể đủ lớn để lực hấp dẫn làm cho chúng có hình dạng tròn và đủ nhỏ để lực hấp dẫn không làm lệch hướng những thiên thể ở gần trên những quỹ đạo tương tự. Cùng với Diêm Vương tinh và Xena là tiểu hành tinh Ceres. Cả Diêm Vương tinh và Xena đều lần lượt nhận được một tên mới trong danh sách các tinh nhỏ là 134340 và 136199. Ngoài ra, Xena cũng nhận được một tên khác là Eris theo cách đặt tên truyền thống dựa theo thần thoại Hy Lạp. Như vậy, kể từ nay trong hệ Mặt trời chỉ còn 8 hành tinh.

Sự trở lại của tàu Discovery

Sau thảm kịch của tàu con thoi Columbia xảy ra vào tháng 2 năm 2003, chuyến bay của tàu con thoi Discovery vào tháng 7 là một thành công mỹ mãn. Chuyến bay đã dọn đường cho việc xây dựng mới Trạm không gian quốc tế ISS và sửa chữa kính không gian Hubble.
Các kỹ sư của NASA đã di chuyển mảnh cấu trúc xốp nặng 15 kg từ thùng bên ngoài của STS-121. Giám đốc chương trình tàu con thoi Wayne Hale gọi việc sửa chữa này là “sự thay đổi khí động học lớn nhất đối với tàu vận chuyển”. Một mảnh xốp tương tự đã từng gây nguy hiểm cho tàu con thoi Columbia.
Discovery sẽ nối kết với trạm quốc tế ISS. Một đội ngũ phi hành gia bao gồm những chuyên gia và các phi công, trong đó có những nhà du hành sẽ ở lại trên trạm ISS thực hiện những cuộc đi bộ ra ngoài không gian để kiểm tra và sửa chữa thiết bị.
Ngày 31 tháng 11, người quản trị của NASA Michael Griffin đã bật đèn xanh cho sứ mệnh thứ năm sửa chữa kính không gian Hubble sẽ thực hiện trước tháng 5 năm 2008.

Đức Phường ( theo Astronomy, 1/2007)

Tác giả