Những vấn đề của xã hội đương đại cần được trả lời

Trước đây, những nhà nghiên cứu thời kỳ đầu của KHXH&NV đã tạo dựng một nền tảng tốt nhưng trong những năm gần đây, có được bao nhiêu người ở tầm vóc đó? Họ nổi bật với những gì? Tôi sợ rằng nhìn lại thì hầu như không có nhiều dấu ấn so với các thế hệ đi trước và cũng còn đang “nợ” nhiều câu hỏi.


Trong quá trình phát triển, phải tính đến các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, vùng dân tộc thiểu số… Ảnh minh họa của UNICEF sử dụng trong bài viết cảnh báo Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đối với biến đổi khí hậu, trẻ em và phụ nữ là nhóm đặc biệt có nguy cơ rất cao.

Điều này dường như là một nghịch lý bởi chưa bao giờ chúng ta lại đứng trước nhiều vấn đề xã hội đến vậy như vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, di cư lao động xen lẫn với buôn bán người, tội phạm… Hiện thực đó đòi hỏi ngành KHXH&NV không thể đứng ngoài cuộc mà cần có trách nhiệm tìm hiểu để khảo sát, lý giải vấn đề. 

Lẽ ra KHXH&NV phải trả lời được hoặc chí ít là cho thấy nó đang trăn trở, dằn vặt. Nhưng gần như không thấy những công trình nghiên cứu giúp chúng ta hình dung mức độ phổ biến của những vấn đề đó, mức độ nghiêm trọng và hậu quả kinh tế – văn hoá xã hội của chúng cho hiện tại và tương lai đất nước. Còn phân tích một cách thấu đáo và lý giải nguyên nhân ư? Những nghiên cứu như vậy càng hiếm. Công bằng mà nói thì cũng có nhiều vấn đề đã được xới lên nhưng mới chỉ dừng lại ở mô tả, tìm ra được một vài mối  tương quan mà chưa chỉ ra được căn nguyên. Đó là lý do khiến KHXH&NV của Việt Nam chưa làm tròn vai trò của mình trong việc xay dựng các lý thuyết xã hội có thể được ứng dụng trong quản lý xã hội và làm nền móng cho giáo dục. Đó là lý do tại sao tôi thường nghĩ KHXH&NV đang “nợ” đất nước này.

Trong những năm gần đây có thể nhận lấy sự “khởi sắc” của một số ngành KHXH&NV của Việt Nam, khi số lượng xuất bản quốc tế tăng vọt, một số tác giả có bài được đăng trên các tạp chí danh tiếng. Đó là kết quả của việc gia tăng đầu tư cho khoa học nói chung và KHXH&NV nói riêng và “gặt hái” hoa trái từ thế hệ được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng xuất bản quốc tế không thể là chỉ dấu quan trọng nhất cho sự trưởng thành của KHXH&NV Việt Nam, và tôi vẫn cứ muốn quay về với câu hỏi KHXH&NV Việt Nam, kể cả với số lượng xuất bản quốc tế lớn ấy sẽ đóng góp như thế nào cho việc giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay? Một câu hỏi tiếp theo, liệu các công trình KHXH&NV bấy lâu nay đã đủ sức làm nên được những mô hình lý thuyết mà từ đó Đảng và nhà nước có thể áp dụng vào việc xây dựng đường hướng phát triển, quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi con người hay đưa ra triết lý cho giáo dục cho Việt Nam?

Nhưng việc chưa làm “tròn vai” của mình đối với xã hội hôm nay có phải là lỗi hoàn toàn ở các nhà KHXH&NV? Tôi không nghĩ là như vậy. Đã có một hai thế hệ các nhà KHXH&NV được học tập ở nước ngoài, được trang bị phương pháp luận, tiếp cận với những hệ thống lý thuyết khác nhau, nhưng tôi có cảm giác là ở Việt Nam, họ chưa phát huy được năng lực của mình. Môi trường học thuật ở Việt Nam khá nghèo nàn, không chỉ ít thảo luận về lý thuyết mà vẫn còn chưa có sự tranh luận học thuật và còn né tránh nhiều vấn đề. Ví dụ làm sao mà nghiên cứu tội phạm nếu không động chạm tới bất bình đẳng xã hội, lề hóa, tới hệ tư tưởng, tới những vấn đề thuộc cả về văn hóa truyền thống? Hoặc nghiên cứu những nhóm dễ tổn thương thì có ai dám chỉ ra tất cả những nguyên nhân thật sự là tại sao họ bị gạt ra bên lề? ai gạt họ ra? Chúng ta có chấp nhận những cách giải thích xã hội bằng các nền tảng lý thuyết khác với hệ tư tưởng, lý thuyết mà ta đang có hay không? Khoa học sẽ là gì nếu người ta cứ phải nói vòng vèo mà không chỉ trực diện vào những nguyên nhân mang tính hệ thống?

Vì đời sống xã hội vô cùng phong phú, đa dạng và uyển chuyển, nếu chỉ dùng một hệ lý thuyết để giải thích xã hội, thì lý thuyết đó có thể bất lực, không giải thích được. Khoa học xã hội muốn phát triển thì luôn phải được tranh luận, bị thách thức, nghi ngờ, cân nhắc… tránh việc luôn chỉ minh họa một chiều cho các quan điểm đã có sẵn từ trước và chỉ đi theo một lý thuyết nhất định. Nhưng thực sự là ta chưa thể làm điều ấy được. 

Muốn làm được điều ấy, việc quản lý KHXH&NV cũng phải thay đổi thực trạng hiện nay là cần tạo điều kiện cởi mở hơn để các nhà nghiên cứu có thể thẳng thắn tranh luận vấn đề, để đào sâu trăn trở những căn nguyên cốt lõi. Và quan trọng không kém là các ý kiến phải được lắng nghe, phải được chấp nhận dù nó khác biệt, nếu không KHXH&NV sẽ không thể giải quyết được điều gì. Do đó, dù có những nhà nghiên cứu công bố giỏi thì chúng ta sẽ chỉ có những “kỹ sư” trong KHXH&NV, áp dụng “kỹ thuật” vào để tìm ra những tương quan này tương quan kia, nhưng không thể phân tích đến cùng được, và từ các phát hiện của mình họ cũng không xây dựng được các lý thuyết xã hội hoặc cũng không đưa ra được cách lý giải cho thật thấu đáo và sâu sắc.□

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)