Những vấn đề về an toàn, thanh sát và an ninh

Sau thảm họa Fukushima, hiện nay điện hạt nhân đang có dấu hiệu hồi sinh với trọng tâm chuyển từ châu Âu sang châu Á. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo, để quá trình này phát triển bền vững, cần ghi nhớ ba chữ S - an toàn, thanh sát và an ninh (safety, safeguards and security).


IAEA là tổ chức quốc tế duy nhất giữ trách nhiệm thực thi 3 S

Những dự đoán mới nhất cho thấy, việc sản xuất điện hạt nhân toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Từ năm 2012 đến năm 2040, năng lượng hạt nhân sẽ phát triển nhanh thứ ba sau nguồn năng lượng từ khí tự nhiên.

Tổng năng lượng cơ bản (primary energy – năng lượng các nguồn tự nhiên chưa qua chuyển đổi) sẽ tăng từ 4% đến 6% trong giai đoạn này. Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến sự gia tăng của điện hạt nhân là do những lo ngại về an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Sự chuyển dịch từ Âu sang Á

Hiện nay, châu Á được coi là điểm tăng trưởng “nóng” của lĩnh vực điện hạt nhân thế giới, trong đó có sự góp phần đáng kể từ các dự án điện hạt nhân của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, những quy định 3S về hạt nhân càng trở nên quan trọng hơn với châu Á, nhất là vẫn có những lo ngại về an toàn và an ninh hạt nhân ở khu vực này, liên quan đến yêu cầu về đào tạo các chuyên gia trẻ về an toàn và an ninh hạt nhân.

Yêu cầu cơ bản đối với các quốc gia phát triển điện hạt nhân là triệt để tôn trọng các công cụ pháp lý mới nhất về an toàn hạt nhân, an ninh, và thanh sát hạt nhân cũng như tuân thủ đầy đủ những yêu cầu của nó. Cũng cần nói, tinh thần cảnh giác hạt nhân và việc duy trì phẩm cấp hạt nhân (nuclear order) của các quốc gia này phải là nhận thức tự thân, thậm chí nó phải vượt qua yêu cầu của các công ước quốc tế. Thảm họa hạt nhân tại Fukushima vào tháng 3 năm 2011 đã chứng minh những hạn chế tồn tại của cơ chế giám sát an toàn quốc tế và bài học là Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế  (IAEA) hiện đang phải nỗ lực tăng cường các tiêu chuẩn về an toàn và an ninh đối với các quốc gia phát triển năng lượng hạt nhân.

An toàn hạt nhân hậu Fukushima

Kế hoạch hành động về an toàn hạt nhân do IAEA soạn thảo vào năm 2011 sau thảm họa Fukushima là một dấu ấn quan trọng, tuy nhiên còn nhiều việc cần được thực hiện tại cơ sở hạt nhân và đảm bảo cho các cơ quan pháp quy hạt nhân hoạt động tốt. Trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, cần phát triển một cơ chế giám sát quốc tế minh bạch hơn, thậm chí khi đang có hiệu lực thì việc sửa đổi Công ước về bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM) là một bước tiến được hoan nghênh. Trong lĩnh vực chống khủng bố hạt nhân, Công ước quốc tế về chống hành động khủng bố hạt nhân (ICSANT) và CPPNM cần được phê chuẩn và thực thi một cách rộng rãi.


Công tác giám sát 3 S cần được thực thi một cách chặt chẽ và minh bạch

Ngoài các công ước quốc tế và những nỗ lực để đưa chúng thành những tiêu chuẩn cơ bản cần tuân thủ, trách nhiệm trực tiếp đối với an toàn và an ninh hạt nhân tiếp tục vẫn thuộc về từng quốc gia. Những vấn đề trong an toàn và an ninh hạt nhân đang vẽ nên bức tranh nhiều mảng màu. Trong khi những tiến bộ và  chú ý  được dành để giải quyết các lỗ hổng dễ tổn thương và các mối đe dọa, thì Bảng đánh giá so sánh an ninh hạt nhân (Nuclear Security Index) của Tổ chức Sáng kiến về Đe dọa Hạt nhân (NTI) cho thấy hệ thống an ninh hạt nhân toàn cầu hiện nay vẫn còn thiếu một bộ các tiêu chuẩn quốc tế chung và những cách làm tốt nhất. Hơn nữa, vẫn không có cơ chế để có thể kiểm kê vật liệu hạt nhân tại các quốc gia chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát  an ninh hạt nhân.

Sử dụng hạt nhân cũng có nghĩa là tôn trọng những biện pháp thanh sát để đảm bảo việc ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. IAEA, tổ chức đang nắm giữ trách nhiệm quốc tế duy nhất thực thi thanh sát, đã nâng cấp cách tiếp cận cũng như phương pháp thẩm định trong những năm qua. IAEA  cũng xuất bản hàng năm Báo cáo thi hành thanh sát (SIR) trong đó đánh giá việc làm của các quốc gia thành viên và đưa ra các khuyến nghị để cải thiện. SIR mới nhất đã yêu cầu củng cố tăng cường các cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia nơi thường thấy thiếu các nguồn lực hoặc thẩm quyền thích hợp trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh sát của mình.

Sự hỗ trợ của 3 S

An toàn hạt nhân, an ninh và thanh sát  là ‘bộ ba’ gần gũi có những tác động  hiệp lực cho nhau, và góp phần đem lại hiệu quả và hiệu lực phẩm cấp hạt nhân nói chung. Ví dụ, việc kiểm kê gần thời gian thực vật liệu hạt nhân, cùng với hệ thống giám sát, cung cấp thông tin có giá trị về vị trí và tình trạng của vật liệu hạt nhân. Điều này sẽ rất hữu ích đối với các biện pháp an ninh hạt nhân. Tương tự, các thông tin như vậy lại được dùng để đem lại lợi ích cho an toàn hạt nhân bằng cách đóng góp như là thông tin đầu vào để kiểm soát tính tới hạn và địa điểm của vật liệu hạt nhân.

Hiện nay, thông tin về cam kết của các quốc gia đối với an toàn , thanh sát và an ninh hạt nhân phân tán trong nhiều văn bản khác nhau của  IAEA và của Liên Hợp Quốc (LHQ), kể  cả hồ sơ của  các cuộc họp đánh giá và  nghị quyết của  ủy ban  1540 thuộc Hội đồng bảo an LHQ. Những thông tin này không chỉ không rời rạc, do đó càng khó hơn để trình bày một bức tranh hoàn chỉnh, mà dữ liệu được cung cấp cũng thường thiếu trong các đánh giá của công chúng về hiệu quả của các biện pháp này.

Cần có Báo cáo thực thi 3S

Các quốc gia có thể lựa chọn thêm phương cách để công bố một cách  công khai những quy định an toàn, thanh sát và an ninh  hạt nhân cũng như các thông tin khác có liên quan nhằm tạo thêm sự tin cậy rằng hệ thống pháp lý và pháp quy cơ bản về an toàn hạt nhân, bảo vệ và an ninh được đặt ra. Điều này đặc biệt hữu ích cho các quốc gia và khu vực mới bắt đầu tham gia vào chương trình phát triển điện hạt nhân.

IAEA đã hỗ trợ các nước thành viên của mình thông qua việc tiến hành đánh giá phản biện (peer reviews) một cách tự nguyện các khía cạnh khác nhau về an toàn, thanh sát và an ninh. Những chuyến đánh giá như vậy là công cụ hữu ích vừa cải thiện năng lực của các quốc gia vừa tạo sự tin cậy trong cam kết quốc gia liên tục đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo các công ước và hiệp ước khác nhau  Đẩy mạnh nền tảng này bằng việc công bố kết quả đánh giá quốc tế đó một cách thường xuyên sẽ giúp nâng cao tính minh bạch (transparency needle).

Tăng cường 3S hạt nhân nên được theo đuổi như là một công tác đang đem lại lợi ích cho ngành công nghiệp, người sử dụng cũng như người không sử dụng hạt nhân. Những sự cố hạt nhân có thể trải rộng từ  những tai nạn với ảnh hưởng phóng xạ địa phương  cho đến các cuộc tấn công khủng bố hạt nhân quy mô lớn với sự lan tỏa xuyên quốc gia, gây chấn động mạnh tới nền kinh tế quốc gia và khu vực, an ninh và tâm lý vượt xa tác động của bụi phóng xạ đơn thuần.

Để cung cấp cho cộng đồng quốc tế một bức tranh đầy đủ về tình trạng an toàn, thanh sát và an ninh hạt nhân, toàn cầu, IAEA nên cung cấp một báo cáo thực hiện hai năm một lần. Một báo cáo như vậy  sẽ đánh giá hiệu lực của các cam kết quốc gia với lập trường đảm bảo năng lượng hạt nhân được sử dụng một cách an toàn, tin cậy và hòa bình. Báo cáo phải chỉ ra những chỗ cần được tăng cường đồng thời đề xuất những cải tiến cần được các quốc gia hoặc cộng đồng quốc tế thực hiện .

Nguyễn Thị Thu Hà tổng hợp

Tác giả