Niềm tin và lựa chọn
Khi niềm tin được xác lập trên cơ sở chân lý và được thẩm định bởi sự hoài nghi lành mạnh, con người sẽ làm chủ được lựa chọn của mình, do đó làm chủ được bản thân mình. Khi đó, xã hội sẽ tự động chuyển từ xã hội vị thành niên – xã hội cam chịu áp đặt, sang xã hội trưởng thành – xã hội dân chủ, văn minh, bình đẳng.
Niềm tin
Niềm tin là kết quả tác động của chân lý, hoặc những giá trị phổ quát có ý nghĩa tương tự chân lý, lên nhận thức của con người. Người ta có niềm tin khi cho rằng đó là điều đúng, điều tốt, điều đẹp đẽ – những biểu hiện của chân lý.
Niềm tin thông minh cũng phải luôn được xem xét lại bởi hoài nghi và bổ sung thêm bởi chân lý trong một tiến trình biện chứng. Nếu không, niềm tin sẽ thoái hóa trở thành niềm tin mù quáng. |
Niềm tin khác với Đức tin. Đức tin có thể là kết quả của một màu nhiệm, một bản năng, một quán tính, một giáo điều, hoặc tệ hơn là một sự lười biếng. Đức tin có được thông qua sự tin tưởng tuyệt đối không cần nghi vấn. Nhưng niềm tin thì khác, niềm tin bao giờ cũng đặt trên cơ sở chân lý, và mang trong mình những vết sẹo của hoài nghi, xác lập được thông qua một quá trình hoài nghi lành mạnh và đầy đủ. Niềm tin như thế là niềm tin thông minh.
Niềm tin thông minh, vì thế, cũng mang trong mình tính tương đối về bản chất. Niềm tin thông minh cũng phải luôn được xem xét lại bởi hoài nghi và bổ sung thêm bởi chân lý trong một tiến trình biện chứng. Nếu không, niềm tin sẽ thoái hóa trở thành niềm tin mù quáng.
Cần nhấn mạnh rằng, dù xuất phát từ nguồn gốc nào đi chăng nữa, thì đức tin cũng mang tính thiêng liêng nhất định. Còn niềm tin mù quáng, dù được biện hộ bởi mỹ từ nào đi chăng nữa, cũng chỉ là biểu hiện cụ thể của sự dốt nát u mê.
Vì thế, để thoát khỏi niềm tin mù quáng, không còn cách nào khác là phải nhờ cậy đến ngọn đuốc soi đường của lý trí, như đã từng thấy trong phong trào Khai sáng trước đây, nhưng với một tinh thần mới: Hãy dám biết và hãy dám hoài nghi!
Lựa chọn
Hoài nghi, chân lý và niềm tin là những bước tiến của quá trình nhận thức. Nhưng quá trình này chỉ diễn ra trong đầu óc của mỗi cá nhân. Nếu chúng không được biểu hiện ra ngoài dưới dạng khả kiến và khả dụng là lựa chọn thì sẽ trở nên nửa vời, không có tác dụng gì nhiều đối với sự tiến bộ của xã hội như một tập thể liên đới.
Đi từ hoài nghi sang chân lý, niềm tin và lựa chọn, vì thế là một sự phát triển tự nhiên và lành mạnh của nhận thức, là một sự tất yếu cần-phải-thế.
Trên thực tế, lựa chọn là một trong những năng lực quan trọng nhất của mỗi cá nhân và cộng đồng. Cơ sở của lựa chọn là niềm tin. Nhưng niềm tin lại có niềm tin thông minh và niềm tin mù quáng, nên lựa chọn cũng tất yếu có lựa chọn thông minh và lựa chọn mù quáng, hay có thể định danh bằng tên gọi khác là lựa chọn tích cực và lựa chọn tiêu cực với việc xem xét sự phát triển như một quá trình liên tục và lâu dài.
Nếu lựa chọn là tích cực – tức lựa chọn trên cơ sở niềm tin thông minh, được xác lập trong quá trình tìm kiếm chân lý và hoài nghi lành mạnh – thì hoạt động của cá nhân và tổ chức xã hội sẽ mạch lạc, phản ứng sẽ hiệu quả. Nếu lựa chọn là tiêu cực – tức lựa chọn trên cơ sở niềm tin mù quáng, thì hoạt động sẽ rối rắm, phản ứng sẽ tình thế. Điều này biểu hiện rõ nhất trong hoạt động của một chính phủ, hoặc một tổ chức lớn trong xã hội. |
Lựa chọn tiêu cực – có cơ sở là niềm tin mù quáng, thiết lập bởi sự kết hợp giữa lười biếng và những giá trị đã lạc hậu, nhưng được tôn vinh như chân lý bất biến bởi một nhóm người hoặc một truyền thống – thường hay xảy ra vì nó dễ và an toàn. Người lựa chọn hoàn toàn thụ động như một cỗ máy, không tự ý thức được việc ý nghĩa của mình làm. Kết quả của sự lựa chọn này là thói a-dua theo đám đông hoặc sự cam chịu áp đặt một cách vô thức.
Lựa chọn tích cực – có cơ sở là niềm tin thông minh, xác lập được thông qua quá trình kiếm tìm chân lý và hoài nghi lành mạnh – thường ít xảy ra hơn vì nó khó, và đôi khi nguy hiểm cho chủ thể của lựa chọn do đi ngược với nhận thức của đám đông lười biếng. Nhưng bù lại, người lựa chọn thông minh được sống như một con người được khai sáng: chủ động phán đoán và đón nhận những hậu quả có thể xảy đến với lựa chọn của mình một cách có ý thức. Lúc đó, chủ thể của lựa chọn đã chuyển cách hoạt động từ “máy” sang “người”.
Nếu xét đến cùng bản chất của các hoạt động trong đời sống, dù là của một hệ thống vô sinh, một cá nhân hay một tổ chức xã hội, thì đó sẽ là một chuỗi các lựa chọn liên tiếp, ý thức hoặc vô thức. Lựa chọn trước là tiền đề cho những lựa chọn tiếp theo.
Bản chất hoạt động của một hệ thống vô sinh, như một cỗ máy tính chẳng hạn, nếu quy giản đến mức tối đa, sẽ là một chuỗi những lựa chọn liên tiếp trên cơ sở của một bộ qui tắc đã được thiết lập trước, bởi tự nhiên – gọi là quy luật – hoặc bởi con người.
Bản chất hoạt động của một cá nhân, nếu quy giản đến mức tối đa, sẽ là chuỗi các lựa chọn – cả thông minh lần mù quáng, được tiến hành một cách vô thức hoặc có ý thức – và chuỗi phản ứng với những hệ quả của những lựa chọn đó, tác động lên chính bản thân cá nhân đó hoặc cộng đồng liên đới.
Bản chất hoạt động của một tổ chức xã hội, ví dụ chính phủ của một nước chẳng hạn, nếu quy giản đến mức tối đa, cũng là chuỗi các lựa chọn – cả thông minh lần mù quáng, một cách vô thức tập thể hoặc có ý thức bởi một cơ chế phản ánh ý chí tập thể – những cách thức và giải pháp vận hành tổ chức đó nhằm đạt được một mục đích định trước, và ứng xử với những hệ quả cả tốt và xấu do những cách thức và giải pháp đó gây nên cho chính bản thân tổ chức đó và cũng như cho xã hội.
Vì thế, nếu lựa chọn là tích cực – tức lựa chọn trên cơ sở niềm tin thông minh, được xác lập trong quá trình tìm kiếm chân lý và hoài nghi lành mạnh – thì hoạt động của cá nhân và tổ chức xã hội sẽ mạch lạc, phản ứng sẽ hiệu quả. Nếu lựa chọn là tiêu cực – tức lựa chọn trên cơ sở niềm tin mù quáng, thì hoạt động sẽ rối rắm, phản ứng sẽ tình thế. Điều này biểu hiện rõ nhất trong hoạt động của một chính phủ, hoặc một tổ chức lớn trong xã hội.
Một cá nhân không có khả năng lựa chọn tích cực là một cá nhân chưa trưởng thành. Một xã hội không có khả năng lựa chọn tích cực cũng là một xã hội chưa trưởng thành. Tước đoạt khả năng lựa chọn tích cực của cá nhân và xã hội là một tội ác cần lên án.
Vì thế, muốn có một xã hội lành mạnh, tiến bộ, không còn cách nào khác là phải giải phóng khả năng hoài nghi, kiếm tìm chân lý, xác lập niềm tin và lựa chọn tích cực của mỗi người.
Khi những khả năng này được giải phóng, và đặc biệt, được đảm bảo bằng pháp luật, thì những phương án tốt nhất, những con đường nhanh nhất để đạt được sự tiến bộ, sẽ hình thành một cách tự nhiên, không chỉ với sự phát triển của mỗi cá nhân, mà còn cho toàn xã hội.
Con người khi đó là con người được giải phóng, được làm chủ bản thân mình. Xã hội – tập hợp của những cá nhân và tương tác giữa họ – khi đó sẽ tự động chuyển sang một mức phát triển mới, từ xã hội vị thành niên – xã hội cam chịu áp đặt, sang xã hội trưởng thành – xã hội dân chủ, văn minh, bình đẳng.