Nơi cái chết vẫn phục vụ khoa học

Cách đây 40 năm chuyên gia pháp y Bill Bass đã thành lập Body Farm, một phòng thí nghiệm ngoài trời, nơi xác người được để mục rữa tự nhiên vì mục đích nghiên cứu khoa học. Nhờ các nghiên cứu này, ông đã góp phần khám phá hàng trăm vụ án giết người ở Mỹ.

Vào buổi chiều thứ bảy mùa đông năm 1971, một nhân viên làm việc tại sân vận động ở Knoxville, Tennessee, đã bị sốc dữ dội. Khi ông định dọn nhà kho, ông đụng phải một cái bao chất dẻo được buộc khá kỹ lưỡng. Mở cái bọc ra, ông phát hiện xác một người đàn ông không đầu trương phềnh bên trong.

Chủ của cái bọc kinh hoàng này là Giáo sư Bill Bass, người phụ trách Viện Nhân chủng học đặt trong khu hầm của sân vận động. Ông là một nhà nghiên cứu xác chết con người đầy tâm huyết, vì một lý do rất đơn giản đã phải cất cái bọc trong nhà kho. Trước đó, cơ quan cảnh sát đã yêu cầu ông xác định danh tính cái xác chết. Nhưng hôm đó là chiều thứ bảy, viện không có chỗ chứa nên ông phải để tạm cái bọc đó trong nhà kho. Người phụ trách sân vận động không thể thông cảm với việc làm tùy tiện của Giáo sư Bass, do đó hai người đã to tiếng với nhau. Cuối cùng giáo sư đã nói chuyện điện thoại với ông hiệu trưởng trường đại học. Ông này một mặt tỏ ra thông cảm với phản ứng dữ dội của người quản lý sân vận động, mặt khác ông giới thiệu với nhà khoa học một vị trí nơi ông có thể yên tâm làm công tác nghiên cứu của mình mà không làm ảnh hưởng đến những người khác.

Ngày 24/1/1971, tại một khu vực vốn là một trại lợn, Giáo sư Bill Bass đã xây dựng “Body Farm”, phòng nghiên cứu ngoài trời độc nhất vô nhị chuyên theo dõi quá trình phân hủy của cơ thể con người. Chính nhờ các nghiên cứu của Giáo sư Bill Bass, vài chục năm sau đó, ngành khoa học pháp y đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc nhận dạng tử thi và xác định chính xác thời điểm tử vong. 

Nghiên cứu sự phân hủy của xác chết

Khi nào răng bị rụng khỏi đầu? Cánh tay rời khỏi cơ thể trong những điều kiện nào? Quá trình để một xác chết phân hủy hoàn toàn, chỉ còn trơ lại bộ xương là bao lâu? Đây là những câu hỏi được đặt ra đối với Body Farm, vào những ngày đầu thành lập. Giờ thì phòng thí nghiệm này đã có tên chính thức là “Anthropological Research Facility” (Cơ sở Nghiên cứu Nhân loại học) thuộc trường Đại học Tổng hợp Knoxville. Khu vực nằm trong rừng này có diện tích 12.000 m2 được rào chắn bằng những tấm gỗ cao quá đầu người và gia cố bằng dây thép gai. Nơi này chứa khoảng 50 cái xác ở trong những điều kiện và quá trình phân hủy khác nhau, có cái bị vùi ở độ sâu 3 mét, có cái nằm trong cốp xe ô tô, có cái cuộn trong một tấm thảm và có cái nằm giữa vũng nước…

Những nhà nghiên cứu làm việc tại Body Farm chụp ảnh, đo và ghi chép tỉ mỉ toàn bộ quá trình phân hủy cơ thể con người. Họ cũng rất quan tâm đến sự hình thành và phát triển của các loại sâu bọ, ruồi nhặng nơi có xác chết cũng như âm thanh do chúng phát ra từ chỗ có xác chết. Hiểu biết sâu sắc và chính xác về những vấn đề này giúp người ta xác định khá chuẩn xác thời điểm tử vong, từ đó các nhà điều tra có thể tìm ra dấu vết của kẻ giết người.

Trước đó, nghiên cứu quá trình phân hủy xác chết trước đó mới chỉ là theo dõi sự phân hủy ở súc vật như chó hoặc lợn, nhưng chính Giáo sư Bass là người đầu tiên dám vi phạm điều cấm kị khi tiến hành nghiên cứu sự thối rữa trên chính các xác chết của con người.

Nhà nghiên cứu Bass không hề sợ hãi khi va chạm với xác chết. Ông đã không ít lần làm bà vợ đầu của ông, một nhà nghiên cứu về dinh dưỡng suýt bị ngất xỉu, khi ông ninh một cái đầu lâu hoặc một cái đùi trong nồi nấu xúp cỡ 8 lít ngay trong bếp nhà mình để sau đó mang vào Viện tiếp tục nghiên cứu. Từ khi có cơ sở nghiên cứu ở trong rừng, ông cũng gặp những phản ứng không mấy thiện cảm của người dân ở Knoxville, nhất là vào thời kỳ đầu, khi cơ sở này chưa được che chắn kín đáo. 

Công việc nghiên cứu diễn ra khá êm đẹp cho đến những năm 90 thế kỷ trước. Nhưng sự bình yên của “đế chế tử thần” này đã bị xáo trộn khi nữ nhà văn  Patricia Cornwell xuất bản cuốn tiểu thuyết  ly kỳ rùng rợn rất ăn khách của bà vào năm 1994 với nhan đề “Body Farm”. Khu thí nghiệm ngoài trời này bỗng nhiên được cả nước Mỹ biết đến: các đoàn quay phim truyền hình vây quanh khuôn viên này, cựu Tổng thống Ronald Reagan nhân một bữa ăn trưa cũng tạt qua đây… Ít lâu sau đó, cả nước Mỹ rầm rộ phản đối sự tồn tại của Body Farm.

Những vụ án được khám phá

Số các xác chết đưa về cơ sở nghiên cứu là xác người vô gia cư, được nhà khoa học Bass và các cộng sự để phân hủy tự nhiên, song có lần họ cũng để bị lẫn một cái xác cựu chiến binh. Do đó người đại diện cựu chiến binh ở bang Tennessee đã đệ trình một dự án luật mà nếu được thông qua thì Giáo sư Bass không thể tiếp tục công việc nghiên cứu của mình.

Chính nhờ có sự can thiệp quyết liệt của các luật sư, Body Farm mới được tiếp tục tồn tại. Các luật sư đã chịu ơn Bill Bass rất nhiều vì nhờ ông, nhiều kẻ lừa đảo, giết người đã bị phát hiện. Thí dụ như vụ án mạng đầu tháng 12/1992 đối với vợ chồng  Perry và cô con gái Krystal của họ ở bang  Mississippi. Đầu năm 1993, cảnh sát phát hiện xác của họ trong tình trạng bắt đầu thối rữa trong một nhà kho. Ông của Krystal là kẻ bị tình nghi nhưng y lại có bằng chứng ngoại phạm. Giáo sư Bill Bass phát hiện hố mắt của các nạn nhân hoàn toàn trống rỗng. Để có thể ăn ruỗng hoàn toàn hố mắt, loài ruồi và dòi phải trải qua ít nhất hai vòng đời. Từ đó ông khẳng định thời điểm tử vong là giữa tháng 11. Kẻ sát nhân không thể chối cãi và bị tuyên án tử hình. 

Thành công của nhà nghiên cứu Bass còn dựa vào các phân tích ADN. Đó là trường hợp  liên quan đến gã triệu phú đồng thời là tên lừa đảo Madison Rutherford ở Connecticut. Gã buôn chứng khoán 34 tuổi này đã dựng lên một vụ tai nạn ô tô hòng nhận 7 triệu USD tiền bảo hiểm nhân mạng. Bill Bass đã xem xét kỹ những mẩu xương và răng mà các nhà điều tra thu được trong chiếc ô tô bị cháy trụi của Madison Rutherford, ông phát hiện đây là một vụ án mạng lừa đảo bảo hiểm nghiêm trọng vì người chết không phải là Rutherford. Xác chết trong xe là của một công nhân Mêhicô khoảng 50 đến 60 tuổi, người làm việc cho Rutherford. Ngày 7/11/ 2000, thủ phạm đã bị FBI  tóm cổ.

Vụ án nổi tiếng nhất mà Giáo sư Bass và các đồng nghiệp của ông ở Body Farm phá được là vụ bê bối liên quan đến lò hỏa thiêu “Tri-State-Crematory” ở Georgia vào năm 2002. Để tiết kiệm chi phí hỏa táng, lò hỏa thiêu trong nhiều năm liền đã vùi các xác chết ngay tại khuôn viên của mình rồi lấy tro củi và bột xi măng trộn với nhau, đổ vào hộp tro hài cốt trả lại cho thân nhân người quá cố. Một đội điều tra do Giáo sư Bass đứng đầu đã tiến hành so sánh mẫu ADN của 339 thi hài, trong đó có những cái ở trong tình trạng thối rữa để xác định danh tính người chết. Chủ của đài hóa thân này sau đó bị tòa án buộc phải đền bù tổng cộng 80 triệu USD cho người nhà của những người đã chết.

Cuộc sống giữa những xác chết

Hằng ngày phải tiếp xúc với xác chết bị phân hủy, với dòi, ruồi, nhặng… các chuyên gia pháp y và kể cả nhà nghiên cứu Bass cũng căm ghét cái chết. Ông đã viết điều này trong cuốn hồi ký của mình. Theo tiết lộ của bà vợ, khứu giác của chồng bà từ lâu không còn hoạt động. Khi Bass lần đầu tiên tiếp xúc với xác chết ông đã bị nôn thốc nôn tháo. Nhưng điều làm ông vượt qua được sự ghê tởm là sự mong muốn tìm ra sự thật.

Giờ thì Giáo sư Bill Bass đã già và bước qua tuổi 80, với mái tóc bạc phơ, cặp kính dày cộp và máy trợ tim bên người. Từ lâu, đã có những người khác tiếp tục sự nghiệp của ông tại Body Farm. Kể cả ở những nơi khác, dù ở hố chôn xác tập thể ở Bosnia, tại Ground Zero ở New York hay những nơi khác trên thế giới, người ta vẫn thấy những học trò của ông kiên trì bám gót cái chết.

Xuân Hoài  Theo Spiegel 4.2010

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)