Nội lực cộng đồng trong phát triển nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số

Việc phát triển chuỗi nông nghiệp ở cộng đồng dân tộc thiểu số cần dựa trên nền tảng nguồn lực sẵn có của cộng đồng, quản trị chuỗi nông sản chặt chẽ cũng như vai trò tư vấn lâu dài theo nguyên tắc “win – win”(đôi bên cùng có lợi) của các nhà khoa học. Đó là những kinh nghiệm của PGS.TS Trần Văn Ơn (Trưởng Bộ môn Thực vật, trường Đại học Dược Hà Nội, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc DKPharma) sau hơn 20 năm hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.


Gian hàng của Sapanapro tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ngành Thực phẩm và Nông sản sạch tại Hà Nội tháng 10/2016.

Một trong những điểm nhấn của “Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ngành Thực phẩm và Nông sản sạch năm 2016” từ 6-9/10/2016 tại Hà Nội là gian hàng “Sản phẩm khởi nghiệp đồng bào dân tộc thiểu số”, nơi những người phụ nữ Hmông, Dao, trong chiếc váy hoa xòe truyền thống, bày bán tinh dầu, dầu tắm chiết xuất từ nhiều bài thuốc dân gian. Đó chính là các cổ đông của Sapanapro JSC., một startup tại xã Tả Phìn, huyện Sapa, Lào Cai, do Lý Láo Lở làm giám đốc. Họ khác hẳn hình dung thông thường của chúng ta về các startup (thường đặt ở các thành phố lớn, làm về công nghệ cao, có mô hình kinh doanh hiện đại,…). Vậy điều gì đã giúp những người dân tộc thiểu số – vẫn thường chịu cái nhìn định kiến gắn với sự nghèo đói, thiếu năng lực sản xuất và kinh doanh – tạo dựng thành công một startup có doanh thu hằng năm từ 3 – 4 tỉ đồng?

Đánh thức nội lực cộng đồng

Sapanapro chỉ là một trong hàng chục startup tương tự được gây dựng nhờ sự tư vấn từ PGS.TS Trần Văn Ơn, người đã đeo đuổi công việc tư vấn phát triển cộng đồng tại 22 hợp tác xã, bảy công ty sản xuất dược liệu ở khắp các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh…). Ông phân tích: “Người dân có sẵn các nguồn vốn quan trọng là đất đai, tri thức bản địa, vốn con người, và cuối cùng là vốn tài chính (mỗi hộ gia đình cá thể có ít tiền nhưng một cộng đồng thì không hề ít). Nhiệm vụ của các nhà làm phát triển cộng đồng là phải hỗ trợ các nguồn vốn khác mà họ chưa có như mạng lưới xã hội, khoa học kỹ thuật để họ tự phát triển lên bằng chính sản phẩm nông nghiệp truyền thống của mình. Vấn đề mấu chốt là người làm phát triển cộng đồng phải tin vào nội lực của người dân. Tôi vẫn tin như thế, nhờ đó mới có thể xây dựng hợp tác xã, công ty thành công ở ngay cả những xã đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình giảm nghèo quốc gia 135 hoặc 30A”1.
Với quan điểm như vậy, khi xây dựng một hợp tác xã nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số, trước hết, PGS.TS Trần Văn Ơn và các đồng nghiệp ở Bộ môn Thực vật, trường ĐH Dược Hà Nội và Công ty DKPharma đã cùng người dân xác định các sản phẩm truyền thống, chọn loại cây vừa phù hợp với thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu và kinh nghiệm chăm sóc của người dân lại vừa phù hợp với yêu cầu của thị trường làm thành các “sản phẩm chiến lược”. Từ đó họ tạo dựng nên các hợp tác xã trồng, sơ chế, tinh chế và bán sản phẩm từ thảo dược truyền thống (như chiết xuất thuốc tắm của Sapanapro ở huyện SaPa, Lào Cai; tinh dầu gừng tía ở Bát Xát, Lào Cai; Actiso tại huyện Quản Bạ, Hà Giang…), là những sản phẩm có tính khả thi cao vì lượng “cầu” từ các công ty dược, mỹ phẩm và người tiêu dùng rất lớn.
Để quản trị các hợp tác xã và công ty cộng đồng một cách hiệu quả, ông Ơn tìm nguồn nhân lực điều hành tại chỗ. Ông chia sẻ, “người đứng đầu các hợp tác xã, công ty phải là người dân tộc thiểu số tại địa phương, có trí tuệ, tâm sáng. Nhưng chỉ nên ở khoảng 30 tuổi thôi. Vì ở tuổi này mới ‘xông xáo hết mình’ được, ít tuổi hơn thì còn ‘non’ quá, mà nhiều tuổi hơn, đủ độ chín thì lại có sức ì”. Ví dụ, “nhóm quản trị nòng cốt” do ông Ơn xây dựng khi thành lập Sapanapro gồm Lý Láo Lở – một chàng trai trẻ sinh năm 1982 có quyết tâm giữ gìn, phát huy tri thức bản địa – và một số thầy lang vườn nắm vững các bài thuốc, vị thuốc cổ truyền của người Dao. Ban đầu, vào năm 2006, bảy hộ gia đình trong nhóm nòng cốt này thành lập công ty Sapanapro để sản xuất và kinh doanh thuốc tắm. Theo thời gian, công ty ngày càng mở rộng quy mô số hộ cổ đông (đến nay đã hơn 100 hộ) và đa dạng hóa sản phẩm.
Trong bối cảnh lâu nay, các chương trình phát triển nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số thường có cách tiếp cận đòi hỏi sự hỗ trợ từ bên ngoài về tài chính, công nghệ, quản trị… thì phương pháp tiếp cận hỗ trợ cộng đồng “từ bên trong” của PGS.TS Trần Văn Ơn đã tỏ rõ ưu thế về hiệu quả và tính bền vững.

“Từ kinh nghiệm làm tư vấn phát triển cộng đồng của mình, tôi rút ra rằng, ở các vùng dân tộc thiểu số không thể chỉ đặt trọng tâm phát triển nông nghiệp với quy mô kinh tế hộ gia đình. Vì một gia đình ít khi đủ khả năng ‘xoay sở’ toàn bộ các khâu của chuỗi sản xuất. Nên phát triển mô hình hợp tác xã hoặc công ty cổ phần, nhiều hộ dân thì có nguồn lực lớn hơn và cùng bàn bạc sẽ tìm ra được các phương án tối ưu và cùng lo đảm nhiệm được các khâu khác nhau trong chuỗi sản xuất. Và đương nhiên, khi đó luôn cần tìm những thủ lĩnh có tâm và có tầm trong cộng đồng. Còn nhà khoa học thì phải cam kết đồng hành cùng các cộng đồng một cách lâu dài, làm tư vấn ‘suốt đời’…” PGS.TS Trần Văn Ơn.

Kiểm soát sản phẩm “từ nguồn tới đích”

Thông thường, với mô hình hợp tác giữa nông dân – nhà khoa học, nhà khoa học chỉ “đóng vai” chuyển giao công nghệ, kỹ thuật còn người nông dân sẽ tiếp tục vận hành hợp tác xã hoặc công ty của mình và tự tổ chức các mối quan hệ kinh tế với các đối tác khác. Nhưng PGS.TS Trần Văn Ơn và các đồng sự không chỉ “đóng tròn vai” như vậy mà còn tiếp tục tư vấn phát triển sản phẩm và quản trị chuỗi nông sản “từ nguồn tới đích”.
Sau khi nghiên cứu thành phần, công dụng của các loại thảo dược và chuyển giao quy trình chiết xuất, cô đặc, đóng gói thành phẩm cho người dân, ông Ơn cùng nhóm đồng sự còn “đồng hành” với các hợp tác xã sản xuất để kiểm soát chất lượng mọi khâu trong chuỗi sản xuất theo quy trình chuẩn GACP-WHO2 (từ đầu vào giống cây, phân bón… cho các hợp tác xã, sau đó tới các công ty thu mua, sơ chế, và cuối cùng là các công ty dược như DKPharma). Song song với đó, các cơ sở khoa học tại địa phương (hoặc cấp Bộ) chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng quy trình sản xuất có đạt các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành hay không. Như vậy, sản phẩm của các hợp tác xã này được thẩm định chất lượng theo đúng quy chuẩn và có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng.
Sau gần 20 năm, trong số 23 hợp tác xã, bảy doanh nghiệp các dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm nông sản nhận được sự hỗ trợ của PGS.TS Trần Văn Ơn, khoảng 1/3 phát triển mạnh, có lợi nhuận cao. Ông so sánh, “với một công ty dược, lãi khoảng 20% đã là thành công rồi, còn công ty Sapanapro lãi tới trên 30%”. Khoảng 1/3 số hợp tác xã, doanh nghiệp khác có lợi nhuận ở mức độ “bình bình”, đủ chia lãi với nhu nhập ổn định cho các “cổ đông”. Số còn lại “ngắc ngoải”, nhưng “không thể từ bỏ các hợp tác xã này được, tôi cùng nhóm cộng sự vẫn tiếp tục đánh giá lại quá trình hỗ trợ, cải thiện tư vấn cho họ”, ông nói.

Nguyên tắc tư vấn “win – win”

Để đồng hành với cộng đồng lâu dài, ông đặt ra nguyên tắc “win – win” đôi bên cùng có lợi với các hợp tác xã. Cụ thể, một – hai năm đầu tiên, ông và các đồng sự hỗ trợ miễn phí trong việc hình thành, phát triển hợp tác xã, chuyển giao công nghệ, tạo dựng mối liên hệ giữa các mắt xích khác trong chuỗi giá trị,… Bắt đầu từ năm thứ ba, các hợp tác xã phải trả 3-5% doanh thu cho các hoạt động tư vấn phát triển sản phẩm và quản trị doanh nghiệp. Có nghĩa là, các nhà khoa học chỉ được hưởng lợi khi họ tư vấn đúng và các hợp tác xã này làm ăn có lãi. Còn ngược lại, khi vai trò tư vấn của nhà khoa học mờ nhạt, quản trị hợp tác xã lỏng lẻo, nghiên cứu phát triển sản phẩm không phù hợp với thị trường thì cả hai bên đều thiệt hại. Công việc tư vấn này cũng sẽ thành “nhiệm vụ suốt đời” của ông Ơn và các đồng sự, bởi theo ông, phải mất hàng chục năm các hợp tác xã mới có thể “tự đứng vững”. Trường hợp phát triển mạnh được như Lý Láo Lở không nhiều, nhưng ngay cả đối với Lý Láo Lở, thi thoảng ông cũng vẫn giúp kiểm soát về kỹ thuật sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và quảng bá sản phẩm. Chính vì thế, “cứ cuối tuần tôi lại đi các hợp tác xã, thứ sáu xách ba lô đi đến tối chủ nhật mới về Hà Nội. Mỗi cuối tuần đi một hợp tác xã để kiểm tra tình hình, phân tích các vướng mắc và tìm phương án giải quyết. Trong những trường hợp có việc gấp thì gần như nhận điện thoại của người dân xong là tôi thu xếp công việc tại Hà Nội rồi đi ngay”, ông kể.
Rõ ràng, khả năng của một cá nhân là không đủ. PGS.TS Trần Văn Ơn rất cần một đội ngũ những cộng sự chuyên tư vấn, thảo luận và giải thích cho người dân cùng xây dựng và tổ chức hợp tác xã kinh tế. “Tôi đã từng đề cập đến vấn đề này ở nhiều Bộ, ngành nhưng dường như họ không quan tâm đến việc xây dựng hoặc đào tạo cho cán bộ để có thể tư vấn cộng đồng, còn cán bộ ở cấp tỉnh và huyện hiện nay không đủ năng lực, chưa được đào tạo để làm điều đó”, ông Ơn nói.
Ông cũng cho rằng, các chính quyền địa phương, doanh nghiệp/tổ chức xã hội rất cần quan tâm tạo điều kiện để người dân có thể tham gia các khóa học phù hợp (được giảng dưới hình thức trực quan, dễ hiểu) và nhận được tư vấn quản trị doanh nghiệp lâu dài. Bên cạnh đó, chính quyền nên “bỏ công” khảo sát thực trạng phát triển của các hợp tác xã của người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện ưu đãi vốn vay, vận dụng các chương trình khuyến nông, khuyến công để hỗ trợ người dân về cây giống, kỹ thuật chế biến nông sản cũng như thẩm định chất lượng sản phẩm, tìm thị trường…
———
1Chương trình giảm phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số theo quyết định 135/1998/QĐ-TTg và Chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững theo nghị quyết 30/A/2008/NQ-CP của chính phủ dành cho 61 huyện có các xã đặc biệt khó khăn có tỉ lệ nghèo hơn 50%.
2 GACP-WHO là hướng dẫn Thực hành tốt trồng và thu hái cây dược liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành và khuyến cáo ứng dụng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)