Nơi nào trên thế giới canh tác khoai tây đầu tiên?

Các nhà khảo cổ học thuộc Đại học California, Merced, Mỹ, mới đây đã xác định được chính xác địa điểm và thời điểm khoai tây lần đầu tiên được con người thuần hóa.

Sau khi được người Tây Ban Nha mang về châu Âu, khoai tây trở thành loại lượng thực quan trọng trong đời sống. Tranh “Những người ăn khoai tây”  do họa sĩ Vincent van Gogh vẽ năm 1885.

Những nghiên cứu về gene được thực hiện gần đây đã chỉ ra các cao nguyên trên rặng Andes ở phía Nam Peru và Tây Bắc Bolivia là nơi đầu tiên cây khoai tây hoang dại được con người thuần hóa nhưng vẫn thiếu bằng chứng trực tiếp để xác thực điều đó. Tuy nhiên, theo các nhà khảo cổ học thuộc Đại học California, Merced, đã cung cấp bằng chứng về những hạt tinh bột còn sót lại của khoai tây được thuần hóa có niên đại vào khoảng năm 3.400 trước công nguyên trên các công cụ đá cổ đại được tìm thấy ở Peru. Nghiên cứu này đã được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences.

Các nhà nghiên cứu đã dùng kính hiển vi soi các hạt tinh bột khoai tây được tìm thấy trong kẽ nứt các công cụ đá được tìm thấy ở cao nguyên Jiskairumoko ở phía nam Peru. Họ ngờ rằng những công cụ đá này vốn được dùng để lột vỏ khoai tây.

“Trong quá trình lột vỏ khoai, tinh bột bị mắc kẹt trong các kẽ và rãnh nhỏ của các công cụ đá”, Mark Alderfer, một tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Ông và đồng tác giả Claudia Rumold đã nhúng những công cụ đá này vào sonicator – một thiết bị chuyên dụng có chức năng phá vỡ các hạt siêu nhỏ bằng sóng siêu âm, để lấy các tinh bột ra khỏi công cụ đá, sau đó đem phân tích dưới kính hiển vi và so sánh chúng với các mẫu được trích từ hoa quả dại mọc trong vùng.

Có tất cả 141 mẫu tinh bột được lấy ra từ 14 công cụ đá và “50 mẫu trong số đó tương tự như tinh bột của khoai tây thông thường”, TS Rumold cho biết.

Yếu tố đóng vai trò chủ chốt trong nghiên cứu này chính là kỹ thuật phân tích tinh bột khá mới mẻ. Trước đây, người ta gặp khó khăn trong việc tìm ra bằng chứng về khoai tây bởi đặc điểm của các loại cây ăn củ dễ bị phân hủy, TS Aldenderfer giải thích. “Khi một hạt giống bị cháy thì thường vẫn còn gì đó của lớp vỏ ngoài sót lại. Khi một bắp ngô bị cháy thì một phần lõi ngô cũng có thể sót lại. Nhưng nếu một củ khoai tây bị cháy thì nó sẽ cháy sạch – hiếm khi có mẩu nào nó còn nguyên vẹn”.

Đánh giá về tác động của việc thuần hóa và gieo trồng khoai tây ở thời điểm năm 3.400 trước công nguyên, TS Aldenderfer cho rằng nó góp phần vào một thay đổi lớn tại Jiskairumoko – từ săn bắt, hái lượm sang chăn nuôi, trồng trọt. Cũng vào khoảng thời gian này, cư dân Jiskairumoko cổ đại bắt đầu xây dựng những ngôi nhà có kiến trúc khá phức tạp, và một xã hội phân tầng sơ khai đã manh nha. Cũng tại Jiskairumoko vào năm 2008, nhóm nghiên cứu do TS Aldenderfer đứng đầu, tìm thấy một vòng cổ bằng vàng được chế tác năm 2000 trước công nguyên, cho thấy tầng lớp trên trong xã hội đã hình thành vào thời điểm này.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp như việc trồng khoai tây được phổ biến như thế nào và bằng cách nào mà khoai tây lại có kích cỡ như ngày nay. “Chúng tôi chưa có đủ dữ liệu để biết cần bao nhiêu mùa vụ hay chỉ cần một vụ để thuần hóa khoai tây”, TS Rumold nói.

Các nhà lịch sử mới chỉ biết rằng, nhiều thiên niên kỷ sau, người Tây Ban Nha đã tới xâm lược đế chế Inca và mang khoai tây về châu Âu. Thế rồi thực dân Anh đem khoai tây trở lại Bắc Mỹ, nơi nó nhanh chóng trở thành một cây lương thực quan trọng. Và có lẽ kể từ những năm 1800, khoai tây xuất hiện trong thực đơn của ngày lễ Tạ ơn.

Nguồn: Who First Farmed Potatoes? Archaeologists in Andes Find Evidence

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)