Nồng độ “hóa chất vĩnh cửu” ở Nam Cực ngày càng tăng cao

Bằng chứng mới từ Nam Cực cho thấy các “hóa chất vĩnh cửu chứa flo” độc hại trong môi trường đã tăng lên rõ rệt trong các thập kỷ gần đây. Các nhà khoa học cho rằng các hóa chất thay thế CFC có thể là một trong những nguồn này. 

Các nhà khoa học lấy mẫu lõi tuyết nén. Nguồn: Phys.org

Các hợp chất hóa học như perfluorocarboxylic acids (PFCAs) thường được gọi là hóa chất vĩnh cửu vì chúng không phân hủy tự nhiên trong môi trường. Chúng có rất nhiều ứng dụng như tạo lớp phủ của chảo chống dính, chất chống thấm nước cho quần áo và bọt chữa cháy. Một trong số các chất này là perfluorooctanoic acid (PFOA), có khả năng tích tụ sinh học trong chuỗi thực phẩm và gây độc hại cho con người, liên quan đến suy giảm hệ thống miễn dịch và vô sinh.

Đây là kết quả của nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology do các nhà khoa học ở ĐH Lancaster dẫn dắt, kết hợp với Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và Viện Hóa học môi trường bờ biển (Đức).

Họ đã lấy các lõi tuyết nén (firn) từ cao nguyên Dronning Maud Land vô cùng xa xôi, lạnh giá ở phía Đông Nam Cực. Các lõi tuyết nén đã cung cấp dữ liệu lịch sử từ năm 1957 đến 2017, chứng minh rằng nồng độ các chất ô nhiễm hóa học trong các lớp băng tuyết ở Nam Cực đã gia tăng rõ rệt trong vài thập kỷ gần đây. Cho đến nay, hóa chất phổ biến nhất được phát hiện là axit perfluorobutanoic (PFBA). Nồng độ của chúng trong lõi tuyết đã tăng lên đáng kể từ những năm 2000 cho đến lần lấy mẫu gần nhất vào năm 2017. 

Giáo sư Crispin Halsall ở ĐH Lancaster, người dẫn dắt nghiên cứu, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các công ty hóa chất trên toàn cầu khoảng 20 năm trước đã chuyển từ sản xuất các hợp chất hóa học chuỗi dài như PFOA sang các hợp chất chuỗi ngắn hơn như PFBA vì lo ngại vấn đề sức khỏe khi phơi nhiễm với PFOA.

TS. Jack Garnett, người đã tiến hành phân tích các hóa chất trên các mẫu tuyết, cho biết “sự gia tăng của PFBA trong các mẫu tuyết, đặc biệt trong thập kỷ gần đây, cho thấy ngoài sản xuất polymer, có một nguồn khác bổ sung hóa chất này trên toàn cầu. Chúng ta biết rằng các chất phá hủy tầng ozone trước đây (CFC và HCFC) hiện được thay thế bằng các chất như hydrofluoroethers – chất làm lạnh được sản xuất với số lượng lớn trên toàn cầu, tuy nhiên, chúng có thể phân hủy trong khí quyển để tạo thành PFBA. Chúng ta vẫn chưa biết rõ tác động môi trường và độc tính của một số chất hóa học thay thế này”.

Sự gia tăng của PFOA trong tuyết bắt đầu từ giữa những năm 1980. Nhưng khi ngành công nghiệp toàn cầu ngừng sử dụng hóa chất này trong những năm gần đây, không có bằng chứng cho thấy nồng độ PFOA suy giảm theo.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các hóa chất đã phát tán đến Nam Cực bằng cách giải phóng các tiền chất dễ bay hơi của chúng vào khí quyển tại các khu sản xuất công nghiệp. Các tiền chất này lưu thông trong khí quyển và dần dần biến đổi dưới ánh nắng, tạo thành các chất PFCA bền hơn. Những trận tuyết rơi liên tiếp qua nhiều năm đã tích tụ các hóa chất từ bầu khí quyển, dẫn đến mức ô nhiễm kỷ lục toàn cầu giờ đang bị mắc kẹt trong lớp tuyết.

Các kết quả này cũng tương đồng với con số ước tính từ mô hình về phát thải hóa chất PFCA, bổ sung thêm bằng chứng cho thấy các “hóa chất vĩnh cửu” đang gia tăng ở Nam Cực và cao nguyên Tây Tạng, đồng thời phác họa bức tranh toàn cầu và giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sự lưu thông các hóa chất này trong khí quyển.

TS. Anna Jones, Giám đốc Khoa học ở Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, nhận xét “những phát hiện này là một lời cảnh tỉnh rằng các hoạt động công nghiệp của chúng ta đã gây ra những hậu quả toàn cầu. Hoạt động của con người đã gây phát thải và để lại tín hiệu ở những nơi vô cùng xa xôi, cách chúng ta hàng ngàn dặm như Nam Cực. Băng tuyết ở Nam Cực là kho lưu trữ quan trọng về những tác động gây biến đổi hành tinh của chúng ta”. □

Thanh An dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2022-07-chemicals-antarctica.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)