Olympic Toán Quốc tế IMO 2007: Từ “đỉnh cao” nhìn lại

Với 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, và tổng điểm xếp thứ 3 (cùng điểm với đội tuyển Hàn Quốc, chỉ sau hai cường quốc là Nga và Trung Quốc), chúng ta lại leo lên “đỉnh cao” ngay trên sân nhà, trong một kỳ thi mà số nước tham gia chiếm kỷ lục. Nhưng đây cũng là lúc mà những người “trong cuộc” thở dốc sau chặng đường vất vả, ngoái nhìn lại con đường đã qua, chuẩn bị cho những gì còn đang ở trước mặt.

Ngày 30/7/2007, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình đã long trọng diễn ra lễ bế mạc kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48. Đây là kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và là kỳ thi lớn nhất trong lịch sử, các kỳ thi Olympic toán quốc tế, với 95 nước và vùng lãnh thổ tham gia, trong đó có 93 nước gửi học sinh đến tranh tài, với tổng số 520 em, gồm đủ 5 Châu lục.
Có thể khẳng định, cuộc thi đã thành công tốt đẹp về nhiều mặt, chúng ta đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao về khả năng chuyên môn, công tác tổ chức và nhất là lòng mến khách.

Tại sao lại là “Olympic”?

Tên gọi của kỳ thi “International Mathematical Olympiad”  không phải là ngẫu nhiên. Đây đúng là một cuộc thi thể thao, theo tinh thần Olympic. Vì thế, người chiến thắng là người đã thi đấu trung thực, phấn đấu hết khả năng của mình vì màu cờ sắc áo, cho dù họ không nhận được huy chương nào. Trong kỳ thi Olympic toán, yếu tố trung thực càng phải được đặt lên hàng đầu. Điều này được lý giải từ cách chấm điểm của kỳ thi: mỗi em làm bài bằng tiếng mẹ đẻ của mình, nước chủ nhà cùng với trưởng đoàn chấm bài cho thí sinh nước họ thông qua lời dịch của trưởng đoàn. Vì thế, nếu trưởng đoàn không thật sự trung thực thì họ có thể “đánh lừa” khi dịch. Trên thực tế, hầu hết các trưởng đoàn đã thể hiện tinh thần “fair play”. Đơn cử một ví dụ: khi cầm bài làm dài 8 trang của một học sinh Israel, ban chấm thi của ta hết sức bối rối vì không hiểu gì cả. Nếu ông trưởng đoàn Israel dịch giống y như đáp án thì chắc học trò của ông ta đã được điểm tối đa! Vậy nhưng ông ấy nói ngay: “cậu này viết nhiều nhưng không đúng ý nào, chỉ được 0 điểm thôi!” Trong 6 bài thi thì có hai bài khó nhất là bài số 3 và bài số 6. Bài số 6 do Hà Lan đề xuất, vậy nhưng tất cả học sinh của họ đều được 0 điểm, bài số 3 do Nga đề xuất, mà người giỏi nhất trong đoàn họ cũng chỉ đạt 4/7 điểm. Tuy nhiên, cũng không thiếu những ví dụ ngược lại, khi có một số trưởng đoàn có ý định đánh lừa ban chấm thi. Rất may là lần này chúng ta chuẩn bị khá kỹ: trong ban chấm thi của chúng ta có những người thạo các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Nhật, Hungary, và nhờ thêm các phiên dịch tiếng Hàn Quốc, Ba Tư, Ả rập. Điều đó đã góp phần đảm bảo cho việc chấm thi diễn ra công bằng, mặc dù làm “mếch lòng” không ít trưởng đoàn bạn! Cần nói thêm một điều, ngay một số người đã từng là trưởng đoàn Việt Nam tham dự các kỳ Olympic toán cũng có quan niệm: cần “chiến đấu” cho thành tích của học sinh, nghĩa là đôi khi học sinh làm không chính xác mà vẫn dịch ra cho đúng (mà tiếng Việt thì mấy ai hiểu được). Thậm chí họ còn tự hào vì thành tích mang về cho Tổ quốc » thêm huy chương. Quan điểm này thật sai lầm, vì học sinh tự biết là mình làm không đúng, và biết thầy giáo đã không trung thực. Chắc chắn, “mặt trái của tấm huy chương” mà họ nhận được khi đó sẽ ám ảnh suốt cuộc đời họ, và nếu nguy hiểm hơn, họ sẽ nhiễm tính không trung thực ngay từ khi chưa bước vào con đường khoa học. Không có “bệnh thành tích” nào tai hại hơn. Vậy nên, khi tự hào về thành tích của học sinh ở IMO, cần tránh hết sức việc đạt thành tích bằng “mọi giá”. Hơn nữa, thành công của một kỳ thi không chỉ là những tấm huy chương, mà điều quan trọng hơn là kỳ thi phải góp phần thúc đẩy phong trào học toán ở học sinh phổ thông. Đặc biệt, với kỳ thi IMO-2007 tại Việt Nam thì việc giới thiệu với bạn bè 5 Châu về đất nước, con người Việt Nam mới là điều quan trọng nhất.

Nước đến đâu thì nhảy?

Có nhiều việc mà nếu để nước đến chân thì không thể nhảy kịp nữa. Chẳng hạn như các việc chuyên môn của kỳ thi: ra đề, chấm thi. Để chọn được 6 bài thi chính thức, ban tuyển chọn đề thi phải làm việc trong hơn 2 tháng để ra được một danh sách gồm 30 “ứng cử viên”. Từ các ứng cử viên này, trải qua khoảng 30 cuộc bỏ phiếu, Hội đồng giám khảo quốc tế mới chọn ra được 6 bài thi. Và để có được một ban chấm thi đủ trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, chúng tôi đã phải liên hệ với nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước từ hơn một năm nay. Họ đều là những người bận rộn, nên nếu không có kế hoạch trước ít nhất một năm thì rất khó thu xếp công việc để về tham gia chấm thi. Vì thế, chúng tôi đành làm cái việc “cầm đèn chạy trước ôtô”: khi chưa được Bộ giáo dục và đào tạo giao nhiệm vụ, đã “tự tiện” liên hệ và đề nghị anh em đang ở nước ngoài thu xếp về nước dịp tổ chức IMO 2007. Chúng tôi thực sự gặp may: cái ôtô chạy khá chậm đằng sau nên không đến nỗi bị nó đè chết! Hơn nữa, anh em đang công tác nước ngoài nhiệt tình ngoài sự mong đợi: có 29 bạn thu xếp về tham gia chấm thi, trong đó có nhiều tên tuổi đã rất nổi tiếng: Lê Tự Quốc Thắng, Vũ Hà Văn, Đàm Thanh Sơn, Phùng Hồ Hải, Hà Huy Tài, Phạm Hữu Tiệp… khó mà kể hết. Và dịp tổ chức IMO 2007 là một dịp vui lớn của cộng đồng toán học Việt Nam: chưa bao giờ giới toán học Việt Nam lại tề tựu đông đủ đến vậy, đủ các thế hệ, cả trong nước lẫn ngoài nước. Bạn bè quốc tế đánh giá Ban chấm thi của chúng ta thực sự là mạnh nhất từ trước đến nay, còn nhiều người am hiểu trong nước thì cười vui: ta đã đem dao giết trâu để mổ gà! Cũng có phần đúng, nhưng mấy cái “dao giết gà” của ta, nếu muốn dùng được thì phải có người đứng ra lo tổ chức mài dũa chu đáo. Không biết ai sẽ làm việc đó, khi nước đã đến chân rồi?
Thế nhưng, vẫn còn nhiều việc mà quả thật, nước đến chân vẫn còn chưa nhảy. Ví dụ thì nhiều, khó mà kể hết. Có lẽ những ai dự hoặc xem tường thuật trực tiếp buổi lễ bế mạc IMO 2007, chứng kiến màn trình diễn lộn xộn trên sân khấu thì đều thấy rõ hình như đến khi đó, chúng ta vẫn còn chưa nhảy? Càng giật mình hơn, khi thấy nước chủ nhà IMO 2011 là Ha Lan đã cử một đoàn sang đây, trình bày cả một cuốn sách về công tác chuẩn bị của họ. Mà trình độ tổ chức của họ thì khó có thể nói là thua xa trình độ của chúng ta!

Đến đỉnh rồi, đi đâu?
Một câu hỏi khó, nhất là khi cái “đỉnh” này mới chỉ là một gò đất thôi, phía trước còn bao nhiêu ngọn đồi, bao nhiêu đỉnh cao của khoa học nữa. Nhìn thấy đội ngũ những người chấm thi, những gương mặt “cựu IMO” nay đã thành danh, có thể tin rằng, nếu được đào tạo tốt, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng thì những mầm non Olympic ngày nay có thể trở thành “cây đa cây đề” của khoa học nước nhà mai sau. Nhưng cũng có phần lo ngại: hầu như tất cả đều trưởng thành nhờ được học tại các đại học nước ngoài, và sau khi học, tiếp tục ở lại làm việc. Đến nỗi, nhiều tờ báo gọi họ là “Việt kiều”, mặc dù từ này có lẽ không thật chính xác. Thật đáng lo ngại, khi hầu hết học sinh tài năng của Việt Nam, nếu muốn trưởng thành về khoa học đều phải trở thành “Việt kiều”. Đây là câu hỏi mà những người hoạch định chính sách cần tìm câu trả lời. Một trong những biện pháp cấp thiết có lẽ là nhà nước phải gấp rút, với quyết tâm thật cao, xây dựng cho được một vài trường đại học đạt trình độ quốc tế, làm mảnh đất gieo mầm những hạt giống tốt đã lựa chọn. Và cần có những chính sách khuyến khích người làm khoa học, đặc biệt những bạn trẻ. Có như vậy họ mới có thể ở lại trong nước mà vẫn trưởng thành. Điều đó có thể là dễ làm hơn rất nhiều so với việc để họ thành “Việt kiều” rồi mới nghĩ các chính sách “thu hút”.
————
* Phó Trưởng Ban tổ chức IMO-2007, Trưởng ban tuyển chọn đề thi, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo quốc tế

Hà Huy Khoái*

Tác giả