PGS Lê Minh Đại và nỗi lo

Hai mươi năm qua, PGS.TS Lưu Minh Đại đã miệt mài theo đuổi nghiên cứu về vật liệu đất hiếm của nước ta. Mới đây, ông cùng nhóm nghiên cứu (GS Đặng Vũ Minh, TS. Nguyễn Hồng Quyền, PGS.TS Đỗ Kim Chung, TS. Nguyễn Văn Huân) đã được nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ cho Cụm công trình: “Công nghệ vật liệu đất hiếm phục vụ sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường”.

PGS.TS Lưu Minh Đại sinh năm 1948 ở thị xã Phủ Lý – Hà Nam. Được cử đi học nước ngoài sau khi học hết cấp ba (lớp 10 thời đó), trường Đại học Hóa Công nghệ Mendeleev ở Matxcova đã cho ông nhiều kỉ niệm với nước Nga, trong đó, ấn tượng nhất là trận động đất ở Tasken, cùng kiến thức về chuyên ngành hóa Bức xạ, để khi trở về có thể đóng góp cho sự phát triển ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam.
Năm 1973, khi về nước, Lưu Minh Đại được phân công vào làm việc tại Viện Vật lí, dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng, GS. Nguyễn Văn Hiệu, một trong những nhà vật lí hàng đầu của nước ta. Ông cũng có một may mắn là được trực tiếp GS. Đặng Vũ Minh – Viện trưởng Viện KHCNVN hiện nay, phụ trách công tác. GS là người mà ông luôn xem như bậc đàn anh trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu phóng xạ và những khoáng chứa đất hiếm, Urani. Nhờ ngay từ những ngày đầu tiên tiếp xúc với các nhà khoa học lớn, được động viên và khuyến khích, gần mười năm sau, Lưu Minh Đại trúng tuyển kỳ thi nghiên cứu sinh và đăng kí chương trình nghiên cứu sinh tại Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, dưới sự hướng dẫn của GS. Korbusov, người cũng đạt nhiều thành tựu khoa học, trong đó, có giải thưởng Nhà nước trao cho công trình về đất hiếm và Urani. Vì vậy, “nối tiếp bước chân thầy” là điều mà ông ấp ủ nhất khi được Viện KHVL trao cho một phòng thí nghiệm để làm việc.
Theo PGS. Lưu Minh Đại, ở nước ta, vào những năm cuối của thế kỉ XX, cùng sự phát triển mạnh của các ngành công nghiệp hiện đại, đất hiếm với những tính chất vật lý, vật liệu học vô cùng phong phú cho ta những khả năng ứng dụng ngày càng hấp dẫn và đã được khẳng định trong sản xuất, đời sống. Tuy nhiên, những tính năng, công dụng của đất hiếm vẫn chưa được khoa học nghiên cứu và khai thác “đến nơi đến chốn”. “Nếu khai thác tận cùng những tầng chất từ vi mô đến vĩ mô của đất hiếm, ta sẽ tận dụng được tất cả để ứng dụng vào không chỉ ở những lĩnh vực mà ta từng triển khai như luyện kim, nấu thủy tinh, huỳnh quang, vật liệu từ… hay những ứng dụng khác trong nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, mà hiện nay vẫn mới dừng lại ở ứng dụng cho lúa, hạt điều, cà phê, lạc, chè”.


Ống khói lò đốt rác y tế

Tuy hạn chế, nhưng một số kết quả nghiên cứu điều chế đất hiếm mà Lưu Minh Đại cùng các nhà khoa học thuộc Viện KHVL đã khẳng định được là: chế tạo vật liệu có chứa đất hiếm để hình thành các chất xúc tác, từ đó sử dụng để giảm thiểu khí độc hại của ô tô, xe máy; đưa loại vật liệu này vào lò đốt rác y tế made in Vietnam, khắc phục những nhược điểm của lò đốt rác y tế nhập ngoại vốn có giá thành đắt, người sử dụng không làm chủ được công nghệ. Một số lò đốt rác y tế từ đây đã chuyển giao cho các đơn vị như Trung tâm kế hoạch hóa gia đình Nghệ An, Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn – Hà Nội, Bình Giang – Hải Dương, Dương Minh Châu – Tây Ninh… và trong nhiều năm vẫn hoạt động bình thường.
Ngoài ra, một số kết quả về nghiên cứu và điều chế đất hiếm của PGS. Lưu Minh Đại cùng các đồng nghiệp cũng đã được ứng dụng trong nông nghiệp, như sử dụng phân vi lượng cho canh tác lúa, năng suất lúa sẽ tăng lên từ 7-12 %, lá lúa dày hơn cho sức đề kháng chống lại các căn bệnh thường gặp như đạo ôn, khô vằn, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, đồng thời chất lượng hạt được nâng cao, từ đó người nông dân giảm bớt được chi phí trong vận chuyển, công sử dụng, tiền mua các loại phân đa lượng. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa đối với đồng bào vùng sâu vùng xa. Với cây điều, cà phê, việc sử dụng các phân vi lượng hiếm cho phép cây rụng hoa ít, năng suất quả và chất lượng quả thu được tốt hơn. Hiện nay, Viện Công nghệ Xạ hiếm thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã triển khai chế phẩm đất hiếm đối với cây chè, những kết quả đầu tiên rất khả quan.
Một số vật liệu chế tạo từ ôxít đất hiếm kích thích nanô phục vụ cho công nghệ hạt mài trong lắp ráp thiết bị điện tử như tivi, các thiết bị kính quang học, bột huỳnh quang… cũng đã cho thấy khả năng ứng dụng rộng rãi các sản phẩm công nghệ phân chia và làm sạch đất hiếm. Với mong muốn chứng minh khả năng ứng dụng rộng rãi của đất hiếm trong đời sống, mặc dù rất bận rộn (bên cạnh nghiên cứu khoa học, ông còn là Trưởng ban tổ chức cán bộ của Viện KHCN, đồng thời phụ trách đào tạo cho nhiều thạc sĩ, tiến sĩ tại phòng thí nghiệm), vài năm gần đây, PGS. Lưu Minh Đại vẫn tranh thủ đến các di tích văn hóa, những chùa chiền, đền tháp nổi tiếng để áp dụng phương pháp hoá học cũng như một số chất chứa đất hiếm trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng. Đó là các hợp chất được điều chế từ đất hiếm, tiêm vào gỗ tác dụng chống mối, mọt, tiêm vào thân cây diệt các cây xâm hại quần thể kiến trúc… Là các loại vật liệu composit đưa vào các phần rỗng mục của cột, xà để gia cố bảo quản, phục chế các hạng mục di tích chất liệu gỗ.
Mấy chục năm gắn bó với đất hiếm, cho đến tận giờ, ông vẫn băn khoăn lo lắng, bởi theo ông, những lớp người đi trước nghiên cứu vật liệu đất hiếm nay đều đã lớn tuổi, lớp nhà khoa học kế cận thì vẫn… “chưa hết tâm sức”. Kinh phí cho nghiên cứu, triển khai và đầu ra vẫn là vướng mắc lớn cho các nhà khoa học, y hệt băn khoăn chưa tháo gỡ được của hầu hết các nhà khoa học ở những ngành nghiên cứu khác. Ông nói: “Tôi rất sợ bị… bỏ quên. Không phải là sự bỏ quên nhà khoa học, bỏ quên bản thân hay gì khác, mà là sự bỏ quên việc chưa đầu tư đúng mức cho một ngành khoa học có tiềm năng phát triển mạnh”.

Lê Mỹ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)