PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Người đem dân tộc học đến công chúng

Nửa thế kỷ gắn bó với ngành dân tộc học cũng là hành trình nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huy “xê dịch” trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ những vấn đề “truyền thống” của ngành học này cho tới khám phá những vấn đề văn hóa xã hội đương đại. Cũng là hành trình mà ông khơi mở ra “lãnh địa” mới, kéo ngành học này tới gần công chúng hơn, đó là bảo tàng dân tộc học.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy.

Hẳn nhiều người tự hỏi, con của GS Nguyễn Văn Huyên, người đặt nền tảng quan trọng cho ngành dân tộc học Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ cha mình, nhưng không hẳn vậy, nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huy không đứng dưới cái bóng lớn đó mà định vị cho mình một con đường riêng, khác biệt. Có chăng, ông chịu ảnh hưởng bởi phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn, vừa cụ thể vừa tổng thể và lòng kiên trì, nhẫn nại trong nghiên cứu hơn là các chủ đề nghiên cứu.

Những khảo tả hiếm về các dân tộc rất ít người

Vào những năm 1970 – 1980, ông lặn lội tìm hiểu các dân tộc rất ít người ở Việt Nam, nghiên cứu xây dựng các tiêu chí xác định thành phần tộc người và phân loại tộc người chứ không tiếp tục tìm tòi trong mảng nghiên cứu về văn hóa người Việt như cha. Bối cảnh thống nhất đất nước đặt ra một câu hỏi lớn đối với các nhà dân tộc học: Đất nước ta có chính xác bao nhiêu dân tộc? “Một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản về mặt nhân khẩu học là ‘ông/ bà là người dân tộc nào’ được đặt ra trong cuộc tổng điều tra dân số năm 1969 nhưng không thể trả lời được, mà cần những nền tảng lý thuyết về tộc người và căn cứ thực tiễn. Vì thế tôi cũng như các đồng nghiệp ở Tổ Dân tộc học cùng nghiên cứu về vấn đề này”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói. Ông cùng với các đồng nghiệp ở Tổ Dân tộc học mới tách ra từ Viện Sử học (nay là Viện Dân tộc học) đều tập trung vào làm sáng tỏ các tiêu chí phân loại tộc người chính gồm: 1) Tộc người đó cùng có chung nguồn gốc lịch sử, 2) Có chung một đặc tính văn hóa; 3) Có tâm lý chung – được quyết định bởi ý thức tự giác tộc người.

Song song với nghiên cứu lý thuyết về tiêu chí, các nhà nghiên cứu dân tộc học tỏa đi vào thực tiễn để xác định và phân loại. Nhà nghiên cứu dân tộc học trẻ Nguyễn Văn Huy lúc đó đảm nhận phần nghiên cứu về những dân tộc rất ít người biết đến (thậm chí cho đến tận ngày nay) đang sinh sống ở vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên ven biên giới Việt – Lào, Việt – Trung. Với hành trang chỉ có gạo và muối vừng, hầu như chỉ đi bộ và đi xe đạp, thậm chí nhiều phen phải “vác xe đạp trèo đèo lội suối, đưa xe đạp xuống thuyền độc mộc vượt sông Đà”, trong 10 năm, ông đã tiếp cận được các dân tộc Xinh Mun, Kháng, Khơ Mú (thuộc Ngữ hệ Nam Á); các dân tộc Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Cống, Si La, Phù Lá – Xa Phó (thuộc Nhóm ngôn ngữ Tạng Miến, Ngữ hệ Hán Tạng), các dân tộc Cơ Lao, La Chí, Pu Péo (thuộc nhóm ngôn ngữ Kađai, ngữ hệ Thái Kađai), người Xơ Đăng, Rơ-măm, Brâu để làm khảo tả dân tộc học và xác định thành phần tộc người.
Việc gọi tên các dân tộc ở trên như hiện nay là kết quả sau quá trình nghiên cứu kéo dài 10 năm, chứ ngay tại thời điểm đầu những năm 1970, khi PGS.TS Nguyễn Văn Huy và các nhà dân tộc học khác xách ba lô đi tìm hiểu thì hầu như chỉ có rất ít thông tin về các tộc người này và cách viết tên của mỗi dân tộc cũng rất khác nhau. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc đó là tìm hiểu “họ là ai? bức tranh có thể mô tả về văn hóa, tâm lý, kiến thức, phong tục tập quán của dân tộc đó là gì?” được vạch ra trong bối cảnh thông tin cho trước gần như bằng không, bởi vì các mô tả dân tộc học từ thời Pháp và trước đó hầu như chỉ tập trung vào những tộc người lớn ở Việt Nam, còn phần lớn nhóm tộc người nhỏ hơn chỉ được đề cập tới một cách khá chung chung, mơ hồ, thậm chí nhiều miệt thị. Mặt khác, việc áp dụng các tiêu chí xác định tộc người ở trên vào trong từng trường hợp cụ thể lại rất phức tạp, cần thời gian quan sát lâu dài, với “sự tinh tế, linh hoạt và kỹ lưỡng”. Nhà dân tộc học phải phân biệt rõ: 1) Dân tộc A có phải một dân tộc không hay chỉ là một nhóm của dân tộc B? 2) Trong một dân tộc có rất nhiều nhóm địa phương, phải xác định rõ dân tộc đó có bao nhiêu nhóm địa phương, tại sao lại có sự phân chia như vậy. 3) Phải xác định tên gọi chính xác theo tên tự gọi của các tộc người đó, thay vì gọi họ bằng cách gọi mà người dân tộc đa số hoặc nhà nước quy định/ áp đặt lên họ.

Ví dụ, trước khi được xác định tộc người, một nhóm người sống ở huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Sơn La vẫn được gọi là “người Xá”, hoặc tất cả các dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên đều được gọi là “người Mọi” “người Thượng”. “Dưới những cái tên gọi chung đó có bao nhiêu tộc người? Tộc danh thực sự của họ là gì? Phải ở cùng với họ hàng tháng trời chúng tôi mới xác định được tộc danh là “Xinh Mul” (sau này được ghi danh trong danh mục chính thức là Xinh Mun vì tiếng Việt khó đánh vần đuôi “ul”) chứ không phải là “Xá” – một cách gọi miệt thị và chung chung”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Tại thời điểm năm 1980 – 1990, những nghiên cứu đó của PGS.TS Nguyễn Văn Huy không chỉ góp phần phân loại tộc người, mà còn mang tới tri thức hoàn toàn mới, đầy đủ, có tính chất “mở đường” về văn hóa các tộc người thiểu số nói trên. Những tư liệu từ nghiên cứu của ông này có thể được tìm thấy trong một bộ sách gối đầu giường, của những người làm dân tộc học, một “bách khoa thư” đầy đủ nhất về các dân tộc Việt Nam – cuốn “Các dân tộc ít người ở Việt Nam”(1). Đặc biệt, kết quả của công cuộc xác minh thành phần tộc người này vẫn được sử dụng cho đến hiện nay, được thể hiện rõ trong danh mục các dân tộc được chính phủ ban hành (2).

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (giữa) trong một hội thảo góp ý về quy trình giáo dục trải nghiệm cho học sinh khi tham quan di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Không để văn hóa các dân tộc “đông cứng” trong bảo tàng

Nhưng hành trình dân tộc học của PGS.TS Nguyễn Văn Huy không thể chỉ mãi đi theo một thông lệ đã trở thành lối mòn trong ngành dân tộc học là mô tả truyền thống văn hóa các dân tộc ít người, trong khi các đặc điểm kinh tế xã hội của các dân tộc sẽ không thể đứng yên mãi mãi, phải có sự vận động, thậm chí thay đổi cả về bản sắc để thích ứng với bối cảnh xã hội hiện đại. Vì thế, ông lại bắt đầu đưa chính mình vào một quá trình “thích ứng” mới – kết hợp các phương pháp điều tra xã hội học vào dân tộc học ở đầu những năm 1990, ở thời điểm mà xã hội học còn chưa được thừa nhận chính thức ở nước ta hoặc đa phần những người làm dân tộc học và xã hội học Việt Nam vẫn nghĩ rằng, hai ngành này đi hai con đường riêng biệt, dân tộc học thuần mô tả định tính còn xã hội học thuần thống kê định lượng.

Nhóm nghiên cứu của ông cùng các chuyên gia xã hội học Xô viết thiết kế cuộc điều tra xã hội học đầu tiên để tìm hiểu về thực trạng kinh tế xã hội của các dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, Chăm và Khơ Me. Cuộc điều tra này đã đặt nền tảng cho nghiên cứu xã hội học tộc người và chỉ ra một hướng đi quan trọng trong nghiên cứu dân tộc học: dân tộc học không chỉ là “tầm chương trích cú” mà cần phải phân tích thực trạng phát triển, tìm hiểu những vấn đề thiết thực nhất trong bối cảnh thời đại như hợp tác hóa, xung đột đất đai, biến đổi xã hội nông thôn, đô thị… “Hay nói cách khác, đó là thời điểm mà chúng tôi kéo dân tộc học từ mô tả sang ứng dụng”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Chính bước chuyển này đã giúp ông có được nền tảng quan trọng để mở ra một con đường hoàn toàn mới đối với những người làm công tác dân tộc học, kéo những kiến thức hàn lâm gần với đại chúng: xây dựng Bảo tàng dân tộc học. Tuy nhiên, bảo tàng ra đời muộn, lại hầu như không được kế thừa các bộ sưu tập của các thế hệ trước, ông cùng các đồng nghiệp phải đối mặt với thách thức cơ bản nhất của bảo tàng là thiếu… hiện vật. Nhiều nét văn hóa truyền thống ở các tộc người đang thay đổi, thậm chí mất đi nhanh chóng nên quá trình sưu tầm các hiện vật có giá trị văn hóa rất khó khăn. “Khi làm bảo tàng, tôi hoàn toàn là người ngoại đạo, và chỉ có một niềm tin duy nhất là sẽ đi theo một thế mạnh của mình là văn hóa đương đại, để xây dựng bảo tàng nhưng là một bảo tàng sống động chứ không phải là bất động”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhớ lại. Vì vậy, chủ trương của ông và nhóm xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong sưu tầm cũng như trưng bày là đi ngay từ hiện tại, bắt đầu từ hiện tại, từ đó mới ngược dần về quá khứ. Những hiện vật từ quá khứ phải là căn cứ để giải thích được cái hiện nay, để thấy được sự nối tiếp truyền thống trong cuộc sống đương đại.

Năm 1997, sau khi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khai trương, nhà nghiên cứu dân tộc học về nhà cửa lão làng GS Nguyễn Khắc Tụng đã phê phán trưng bày nhà người Dao trong bảo tàng có treo liềm gặt lúa là không đúng với “truyền thống du canh du cư vốn chỉ sử dụng nhíp cắt lúa của người Dao”. “Nhưng trưng bày ở bảo tàng không phản ánh một truyền thống văn hóa bất động/ đông cứng, mà chúng tôi cho thấy một sự thay đổi trong đời sống vật chất của người Dao, họ đã sử dụng những nông cụ mới khi họ đã định cư làm ruộng nước nhưng vẫn ở trong kiểu nhà cũ. Chính điều đó mới cho thấy văn hóa là một động năng”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy giải thích.

Để bảo tàng là một kênh đem kiến thức dân tộc học tới gần công chúng một cách sống động nhất, ông xây dựng bảo tàng theo một cách “không giống ai”: ngoài tòa nhà trưng bày hiện vật phải tuân theo thiết kế xây dựng và có tư vấn chuyên gia từ Pháp, Mỹ thì 10 ngôi nhà trưng bày ngoài trời đều… do người dân các dân tộc thiểu số xây dựng. Đích thân PGS.TS Nguyễn Văn Huy cùng các cán bộ của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến tận những bản làng Tây Nguyên, lên Tây Bắc, vào Nam Trung Bộ… mời từng người dân về bảo tàng xây dựng ngôi nhà truyền thống theo đúng kiến thức dân gian của họ.

Trong 6 tháng, ngôi nhà rông được xây dựng mà không hề có bản vẽ thiết kế, được ra đời chỉ bằng một niềm tin vào tri thức của người dân, tri thức của cộng đồng. Hiện nay, ở nhiều ngôi nhà trong bảo tàng còn lưu giữ hình ảnh quá trình người dân tháo dỡ nhà cũ, dựng lại trong bảo tàng. Với cách làm này, công chúng thực sự được chiêm ngưỡng những nét đẹp tinh tế từ các kỹ thuật, thẩm mỹ khác nhau của các dân tộc chứ không phải ngắm những hiện vật được tái phục dựng vô hồn thông qua bàn tay của những kỹ sư, người thợ chuyên nghiệp. Từng chi tiết nhỏ trong bảo tàng dân tộc học cũng đều được chăm chút tỉ mẩn bằng tri thức dân gian như thế.

Ví dụ, thủy đình ở Bảo tàng Dân tộc học Việt nam vốn là nơi dành cho các phường rối nước từ Thái Bình, Hải Dương, Hà Tây, Hà Nội tới diễn cho khách chứ không phải của bất kỳ một công ty nghệ thuật chuyên nghiệp nào tổ chức trình diễn. Tôi còn nhớ, mỗi lần bước chân vào căn nhà dài nơi cuối vườn của Bảo tàng, ở đó bao giờ cũng có bếp lửa ấm áp, vài thức quà quê như ngô, kẹo lạc, chén trà xanh… như cuộc sống đang diễn ra ở làng quê. Bếp lửa ấy vừa để giữ ấm ngôi nhà, chống ẩm, và giữ phần hồn của ngôi nhà theo đúng truyền thống của dân tộc.

Không chỉ làm thay đổi hẳn những quan niệm và phương thức hoạt động, đem tới một sức sống mới cho bảo tàng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng mạnh dạn cho thành lập Phòng Hợp tác quốc tế để chớp lấy triển vọng hợp tác quốc tế trong khi một số đơn vị làm nghiên cứu dân tộc học khác vẫn khá đóng và dè dặt trong hợp tác quốc tế vào những năm 1995 (đây cũng là bảo tàng đầu tiên trong cả nước có Phòng đối ngoại).

“Nhà nước chỉ cho đất xây dựng và trang bị cơ sở vật chất cho trưng bày trong nhà, còn lại toàn bộ phần trưng bày ngoài trời được thực hiện phần lớn đều do các dự án hợp tác quốc tế mang lại”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể. Những nỗ lực ấy đã đưa bảo tàng dân tộc học từ một xuất phát điểm muộn hơn nhiều so với các bảo tàng giàu truyền thống khác nhưng đã vượt lên trở thành một điểm đến hấp dẫn. Số lượng khách tới tham quan Bảo tàng Dân tộc học VN lên tới gần 500.000 người/ năm và chỉ đứng sau Bảo tàng chứng tích chiến tranh.

Kiên trì làm giáo dục di sản

Đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông không có một ngày ngơi nghỉ mà tiếp tục hỗ trợ, tư vấn đổi mới cho các bảo tàng khác như Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, Dinh Độc Lập, Trung tâm hoạt động văn hóa và khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, xây dựng Trung tâm Di sản các nhà khoa học và “chiến đấu” để thay đổi cách giáo dục bảo tàng cho học sinh mặc dù ông thừa nhận “tôi không hề giỏi dỗ trẻ con”.

Sau nhiều năm làm bảo tàng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng bảo tàng vẫn là nơi cồng kềnh, bảo thủ và ngại thay đổi nhất. Vì thế phải tiếp tục thay đổi tư duy, đưa bảo tàng trở thành nơi “giáo dục trải nghiệm” cho những thế hệ nhỏ tuổi – thế hệ sẽ quyết định số phận của di sản các dân tộc hiện nay.

Những năm 2006, trong giới nghiên cứu và bảo tàng hầu như chưa ai hiểu “giáo dục trải nghiệm” là gì, ông thậm chí đã đề xuất nhưng không thể thuyết phục những người làm luật đưa cụm từ “Bảo tàng có chức năng giáo dục” hoặc “giáo dục bảo tàng” vào trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi bổ sung năm 2015). “Thực ra những kiến thức, quy trình giáo dục học sinh tham quan di sản như tôi đề xuất không có gì mới so với thế giới, mình chỉ cần áp dụng có sáng tạo là đã thành công rồi”, ông nói. Nhưng hành trình đó cũng mất tới hơn 10 năm và chưa dừng lại. Ông cùng với các chuyên gia giáo dục, chuyên gia về di sản của UNESCO nghiên cứu đưa ra một quy trình giáo dục di sản với ba bước “trước, trong và sau tham quan” ở nước ta nhằm giúp học sinh chủ động, sáng tạo khám phá di sản.

Quy trình này đã thể hiện tính ưu việt trong việc giúp các em củng cố kiến thức phổ thông và kỹ năng sống một cách trực quan, sinh động và được Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch ra thông tư hướng dẫn thực hiện (thông tư 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL). Nhưng rất tiếc cho đến nay số trường học và di sản đã áp dụng đúng quy trình này không nhiều, mà mới chỉ khu trú ở một số đơn vị ở Hà Nội, Hội An, bởi vì chưa nhiều đơn vị quản lý di sản và nhà trường nhận thức được đúng vấn đề này.
——
Chú thích:

1 Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam, nhà xuất bản khoa học xã hội (2 tập, xuất bản vào các năm 1978, 1984). Sau này, bộ sách đã được kế thừa, tiếp nối trong bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” do Nhà xuất bản chính trị quốc gia xuất bản năm 2016.

2 Danh mục các dân tộc Việt Nam: http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=405&idmid=5&ItemID=1851

Tác giả