Phải chăng chúng ta đều xảo quyệt?

Khi còn là một nhà nghiên cứu trẻ, Frans B. M. de Waal đã sớm nhận ra rằng, những cuốn sách giáo khoa mà ông đã từng học không thể giúp ông hiểu được tập tính của loài tinh tinh. Có lẽ sự tư duy theo kiểu Machiavellian* sẽ là một cách tốt hơn giúp Waal hiểu được những gì khi ông quan sát xã hội của loài tinh tinh.

Tôi vẫn cảm thấy băn khoăn và lúng túng trước khái niệm “ý chí quyền lực” (“will to power”) của Friedrich Nietzsche và trước việc vấn đề này có vẻ như là một sự kiêng kị trong xã hội chúng ta. Hầu hết các cuốn sách về tâm lý học thậm chí còn không đề cập đến các khái niệm quyền lực và  thống trị, ngoài sự dính dáng đến các mối quan hệ bất công. Mọi người có vẻ như là vẫn phủ nhận chủ đề này.
 

Trong một nghiên cứu về động cơ quyền lực, một nhóm những người có chức tước được hỏi về mối quan hệ của họ với quyền lực. Tất cả họ đều thừa nhận sự tồn tại của tham vọng quyền lực nhưng lại không hề áp dụng điều này cho chính bản thân họ. Họ cho rằng, họ đơn giản là những người được hưởng vị thế có trọng trách lớn, có thanh thế và có uy quyền. Còn những kẻ tham lam, thích tranh quyền đoạt lợi lại là những kẻ khác cơ.
Các ứng cử viên chính trị đều miễn cưỡng như nhau. Họ “bán mình” để trở thành những người đầy tớ của công chúng, chỉ để vực dậy nền kinh tế hoặc cải thiện giáo dục. Đã bao giờ bạn nghe thấy một ứng cử viên nào thừa nhận là ông ấy muốn quyền lực chưa? Cái từ “đầy tớ” làm nảy sinh hai câu hỏi: Có bất cứ ai tin rằng, từ này chỉ phục vụ lợi ích của chúng ta trong một nền dân chủ hiện đại không? Chính các ứng cử viên có tin vào điều này không? Nếu có thì đây đúng là một sự hy sinh đáng chú ý.
Vấn đề này trở nên mới mẻ trong nghiên cứu về loài tinh tinh: chúng là những chính trị gia thật thà nhất, những chính trị gia mà từ lâu tất cả chúng ta vẫn mong ước. Khi nhà triết học chính trị Thomas Hobbes thừa nhận sự tồn tại của một cuộc chạy đua quyền lực không thể kìm hãm được, ông đã nhắm đúng mục tiêu cho cả loài người và loài khỉ. Cứ quan sát cái cảnh tranh giành om xòm của loài tinh tinh, chúng ta sẽ thấy rằng, không thể nào tìm được ở đây những động cơ giấu giếm hay những lời hứa mưu toan.         
Khi còn là một sinh viên ít tuổi, tôi đã không được chuẩn bị để chứng kiến cảnh tượng này. Hồi ấy, trong sở thú Arnhem, tôi đã quan sát qua một ô cửa sổ những màn trình diễn của những con tinh tinh trên hòn đảo của chúng. Các sinh viên nói chung là thích sự khác biệt và chống lại khuôn mẫu, mái tóc dài chấm vai của tôi là một thí dụ. Chúng tôi đã coi quyền lực là xấu xa và sự tham vọng là lố bịch. Nhưng việc quan sát những con khỉ đã buộc tôi phải mở rộng suy nghĩ của mình, tôi thấy rằng, mối quan hệ quyền lực không phải là cái gì đó tồi tệ mà thực ra là một điều mang tính căn bản và cố hữu.
 

Có lẽ sự bất công không đơn thuần chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản. Nó dường như là mang một bản chất sâu sắc hơn thế. Ngày nay, điều này có vẻ như tầm thường vô vị, nhưng vào những năm 1970, cách cư xử của con người được xem là tuyệt đối linh hoạt; không phải mang tính tự nhiên mà là mang tính văn hóa. Người ta đã tin rằng, nếu thực sự muốn, chúng ta có thể giải thoát chính bản thân mình khỏi những xu hướng cũ kỹ như sự kỳ thị giới tính, quyền sở hữu vật chất, và vâng, cả tham vọng thống trị nữa.
Không hề biết đến những khái niệm đó, những con tinh tinh của tôi cũng đã minh họa những xu hướng cũ kỹ giống như vậy, nhưng không hề có dấu hiệu của sự xung đột mang tính có nhận thức. Chúng là những kẻ ích kỷ, hay ghen ghét, kỳ thị giới tính, thích giành giật một cách cách thô kệch và đơn giản.
Khi ấy, tôi đã không biết rằng, tôi sẽ nghiên cứu về chúng trong suốt cả cuộc đời hay tôi sẽ không bao giờ lại được ngồi thoải mái trên cái ghế gỗ để quan sát chúng hàng ngàn giờ như thế này nữa. Đó là thời điểm mang tính khai sáng nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã trở nên mải mê đến mức nhiều lần cố gắng để tưởng tượng xem có điều gì đã tác động đến hành vi của những con tinh tinh. Tôi đã bắt đầu mơ thấy chúng hàng đêm, và điều đáng chú ý nhất là tôi đã bắt đầu nhìn mọi người xung quanh mình với một cái nhìn khác.
Tôi là một người quan sát bẩm sinh. Mẹ tôi hầu như không bao giờ phải nói với tôi về những gì bà mới mua cả, bà biết rằng, chỉ cần tôi bước vào phòng, thì trong một vài giây tôi có thể phát hiện ra ngay bất cứ sự thay đổi nào, cho dù sự thay đổi đó là rất nhỏ nhặt. Chẳng hạn như một cuốn sách mới được đặt giữa những cuốn sách khác, hoặc một cái chai mới vừa được để trong tủ lạnh. Tôi làm việc đó gần như vô thức và không có chủ đích.
Tôi thích chú ý đến hành vi của con người. Khi ngồi trong khác sạn, tôi muốn nhìn thấy càng nhiều bàn càng tốt. Tôi thích theo đuổi việc tìm hiểu những động thái xã hội – tình yêu, sự căng thẳng, sự buồn chán, sự ác cảm. Những điều đó diễn ra trong cuộc sống xung quanh tôi, dựa trên ngôn ngữ cơ thể, kiểu ngôn ngữ mà tôi cho là chứa đựng nhiều thông tin hơn lời nói. Tôi theo dõi người khác một cách vô thức, và tôi cũng quan sát thế giới những con khỉ bằng bản năng tự nhiên của mình. 
Những quan sát đã giúp tôi nhìn động thái con người dưới ánh sáng của học thuyết tiến hóa. Ở đây, tôi không đơn giản là chỉ nhắc đến tư tưởng Darwin, cái mà mọi người đã được nghe nhiều. Tôi còn muốn để ý đến những điệu bộ vò đầu bứt tai giống khỉ của chúng ta khi gặp phải khó khăn rắc rối.
Tôi cũng đã bắt đầu với vấn đề mà tôi đã từng được học về loài vật: Chúng đơn giản là làm theo bản năng; chúng không mơ mộng gì về tương lai cả; mọi điều chúng làm đều là ích kỷ. Tôi đã không thể làm khớp điều này với những gì tôi nhìn thấy. Tôi đã mất đi khả năng tổng quát hoá về “tinh tinh” theo một cách mà chưa ai từng nói về “con người” theo cách đó. Càng quan sát, tôi càng nhận ra rằng, không có hai con tinh tinh nào hoàn toàn giống nhau cả.
Không thể theo dõi sự trình diễn trong xã hội tinh tinh mà không phân biệt các diễn viên với nhau và tìm cách hiểu được mục đích của chúng. Chính trị của tinh tinh, giống như chính trị của con người, cũng là một vấn đề của những chiến lược cá nhân. Những tài liệu về sinh học không thể giúp gì trong việc hiểu về thủ đoạn xã hội, bởi vì chúng xung khắc với hệ thống ngôn ngữ của những động cơ chính trị. Các nhà sinh học không bao giờ nói đến những dự định hay cảm xúc của những đối tượng mà họ nghiên cứu.
Bây giờ, tôi chuyển sang Niccolò Machiavelli*(1469-1527, được coi là nhà sáng lập khoa học chính trị hiện đại). Tôi đã đọc cuốn Quân vương của Machiavelli, được xuất bản cách đây 4 thế kỷ. Cuốn Quân vương đã đưa tôi tiếp cận đúng hệ tư duy cần thiết để diễn giải những gì tôi đang nhìn thấy ở hòn đảo của loài tinh tinh. Mặc dù, tôi đoán chắc là, bản thân tác giả của cuốn sách cũng chưa bao giờ hình dung ra sự áp dụng nào đặc biệt như thế.
Trong bầy tinh tinh, hệ thống cấp bậc thể hiện ở mọi lúc mọi nơi. Khi chúng ta mang hai con cái vào trong một căn nhà (trong một cuộc thử nghiệm), một con sẽ sẵn sàng ra đi còn con kia sẽ lưỡng lự muốn ở lại. Con thứ hai đủ can đảm để ở lại chờ phần thưởng, và nó sẽ không chạm vào bất cứ thứ gì để trong nhà. Nó hăng hái hơn con kia, và cũng tỏ ra mạnh hơn. Ở đây, không có sự căng thẳng hay thù địch nào cả, và trong một bầy, chúng có lẽ là những người bạn tốt nhất của nhau. Một con đơn giản là ở cấp cao hơn và thống trị con còn lại.
Trong bầy tinh tinh ở Arnhem, con cái đầu đàn Mama thỉnh thoảng cũng củng cố vị trí của nó bằng việc tấn công những con cái khác, nhưng nói chung là nó được thừa nhận và kính trọng mà không cần phải thi đấu. Người bạn tốt nhất của Mama, Kuif, chia sẻ quyền lực với nó, nhưng điều này không giống như sự liên minh của các con đực. Các con cái vươn lên nắm quyền bởi vì cả bầy đều thừa nhận chúng là những nhà lãnh đạo, điều này nghĩa là hầu như không cần phải đánh nhau. Vì địa vị thường là một vấn đề gắn với tuổi và tính chất cá thể nên Mama đã không cần đến Kuif. Kuif đã được hưởng nhưng không đóng góp cho quyền lực của Mama.
Ngược lại, đối với những con đực, quyền lực luôn luôn là đối tượng để giành giật. Nó không phải được phân định dựa trên cơ sở tuổi tác hay bất cứ đặc điểm nào khác mà được phân định dựa trên các trận ẩu đả, đấu tranh gay gắt giữa các định thủ. Nếu các con đực tạo thành liên minh, đó là bởi vì chúng cần có nhau. Địa vị thống trị được xác định bởi việc ai có thể đánh bại ai, không chỉ trên cơ sở cá thể mà là trên cơ sở toàn thể bầy đàn.
Tuy nhiên, một con đực không thể đánh bại các đối thủ của nó một cách đơn thuần để nắm quyền thống trị. Để nắm quyền, một con đực phải cần đến cả sức mạnh vật lý của nó lẫn những kẻ thân cận, những kẻ sẽ giúp nó khi trận chiến trở nên quá khốc liệt. Khi Nikkie là con đầu đàn, thì trợ lý của nó Yeroen là rất quan trọng. Một con tinh tinh già như Yeroen không những có thể kìm lại sự nổi dậy của một con đực khác mà còn có thể giúp Nikkie chặn đứng sự bất mãn và chống đối của nhóm các con cái.
Nhưng vài năm sau, với những sai lầm trong tính toán các chiến thuật phức tạp, Nikkie đã từ bỏ Yeroen vì không chịu nổi con tinh tinh già này, thế là nó mất đi sự hỗ trợ và cũng mất luôn địa vị trong đàn. Nikkie đã đánh giá thấp sự phụ thuộc của nó vào con tinh tinh già. Đây là lý do tại sao mà chúng ta dùng đến từ “các kỹ năng chính trị”.
Quyền lực ở xung quanh chúng ta, liên tục được thừa nhận, liên tục được tranh cãi và cũng đã được nhận thức với độ chính xác cao. Nhưng các nhà khoa học xã hội, các chính trị gia và thậm chí cả những người không có chuyên môn đều coi nó như một vấn đề nan giải. Chúng ta vẫn thích che đậy những động cơ của mình. Và bất cứ ai giống như Machiavelli, phá bỏ “lời nguyền” này và sẵn sàng bộc lộ những động cơ của mình thì đều có khả năng làm ảnh hưởng đến danh tiếng của chính mình. Không ai muốn bị gọi là Machiavellian mặc dù hầu hết chúng ta đều như vậy.

Trung Trung dịch từ The Chronicle of Higher Education           
    
  ————–
* Niccolò Machiavelli (1469-1527) được coi là một trong những nhà sáng lập khoa học chính trị hiện đại. Machiavellian là tính từ thuộc hệ tư tưởng của Machiavelli. Ngoài ra “Machiavellian” còn trở thành một từ phổ biến trong xã hội, nó có nghĩa là “Kẻ xảo quyệt.” (ND)

Frans B. M. De Waal

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)