Phải chăng thực vật cũng có ý thức? 

Vào những năm 1840, nhà khoa học Gustav Fechner đã có nghiên cứu đầy cảm hứng về sự coi trọng đối với nội tâm của cây cỏ.

Gustav Theodor Fechner. Nguồn: Wikipedia.

Trong khi các nhà khoa học ngày càng đồng thuận rằng nhiều loài động vật cũng có tri giác, thì vẫn còn đó những nghi vấn về cây cối bên cạnh chúng ta. Với nhiều người, các loài thực vật vẫn là trường hợp mà chúng ta e dè thừa nhận chúng cũng có trải nghiệm sự sống phong phú như loài người, hay ít ra cũng có những trải nghiệm để chúng ta có thể nghiên cứu một cách ý nghĩa.  

Cách đây hơn 150 năm trước, Gustav Theodor Fechner đã tiên đoán về rất nhiều những khẳng định trong phong trào sinh học thần kinh thực vật ngày nay. Lối tư duy của ông đứng vững như một ốc đảo giữa một lịch sử tri thức còn lại thù địch với thực vật. Ông đã dành cả đời mình để cố gắng hàn gắn sự chia rẽ giữa ý thức và vật chất, cũng như sự chia rẽ tương đương giữa triết học và khoa học, nhưng, trước hết, ông phải lật tung tất cả mọi thứ đã. 

Một số phận lạ kì 

Fechner sinh ngày 19/4/1801 ở Groß Särchen, Saxony, là con thứ hai của Samuel Traugott Fischer và Dorothea Fechner. Samuel, cha của Fechner, là một mục sư, và cũng là người đầu tiên trong làng tiêm chủng cho các con của mình. Ông đã đặt một cột thu lôi trên nóc nhà thờ và nói tiếng Latin với cậu con trai nhỏ của mình. Ông mất khi Gustav mới lên 5 tuổi. 

Ở tuổi 16, Fechner đã trúng tuyển vào ngành y, Đại học Leipzig. ‘Sau khi học y,’ Fechner thú nhận, ‘tôi đã hoàn toàn vô thần… khắp thế giới tôi chỉ thấy mỗi cấu kiện máy móc.’ Đầu hàng thế giới quan cơ học này, ông đã bỏ ngành y để học vật lý. 

Tháng 2/1820, Fechner đã tình cờ bắt gặp một bản sao của cuốn Grundriß der Naturphilosophie (Phác thảo về triết học tự nhiên, 1802) của Lorenz Oken, và ‘dường như một ánh sáng mới đột nhiên soi rọi toàn bộ thế giới cho tôi. Tôi hoàn toàn quy phục trước nó”. Dự án mà Naturphilosophie hứa hẹn một thế giới quan thống nhất vĩ đại, một thứ mà Fechner cảm thấy cần có ngay lập tức. Tuy vậy, Fechner không thể chối bỏ tình yêu với các phép đo, thực nghiệm và các phương trình của mình. So với vật lý học, những suy đoán tràn lan từ trên xuống của chủ nghĩa duy tâm Đức có lẽ là không đủ. Tính hệ thống chặt chẽ là ‘cách duy nhất để có được kết quả rõ ràng, đáng tin và thành công’. Fechner vẫn mong mỏi nắm bắt được những quy luật vô hình, những thứ đã khiến sự sáng tạo vang vọng bên tai anh như một bản giao hưởng. 

Cỏ bồ câu châu Âu (Aquilegia vulgaris).

Khi Fechner ra đời, Đức vẫn là một cường quốc triết học. Immanuel Kant, Johann Gottlieb Fichte, Friedrich Schelling và Johann Wolfgang von Goethe đã khiến ba thập niên đầu tiên của thế kỷ 19 trở thành thời kỳ sáng tạo nhất về mặt triết học trong lịch sử hiện đại. Sau khi G. W. F. Hegel mất năm 1831, những khám phá lớn về sinh học, sinh lý học và tâm lý học đã đặt ra nền móng cho một hiểu biết đời sống dựa trên toán học. Khi khoa học thực nghiệm ngày càng có uy tín và quyền lực, Ludwig Feuerbach, Carl Vogt, Ludwig Büchner và nhiều nhà tư tưởng khác đã lập luận rằng, người ta có thể diễn giải bất cứ chiếc lá, bông hoa, hay con cáo nào bằng cách viện dẫn các tính chất vật lý và hóa học của vật chất. 

Với một số người, những tiến bộ trong tâm lý học thế kỷ 19 dường như đã khiến cho triết học trở nên lỗi thời. Ngành tâm lý học mới mẻ này tuyên bố sẽ xem xét tâm trí – địa hạt cũ của triết học – dựa trên các quan sát và những phương pháp giàu tính định lượng hơn. Những thí nghiệm kiểu giải phẫu cho thấy sự kích thích não bộ đã ảnh hưởng thế nào đến chuyển động của thân thể, điều đó có nguy cơ khiến cho các quan niệm triết học về ‘linh hồn’ trở nên yếu ớt. 

Fechner chấp nhận các tiêu chuẩn của quan sát thực nghiệm, vật chất, mặc dù ông nung nấu một tình yêu thầm lặng cho tư tưởng Naturphilosophie đang tàn úa. Ông đã nghiên cứu vật lý với cường độ cao hơn và nhận chức giáo sư vật lý năm 1834 ở Đại học Leipzig và giảng dạy không lương. Để chi trả cho cuộc sống, ông đã dịch các tác phẩm vật lý và hóa học từ tiếng Pháp sang tiếng Đức. Điên cuồng tìm việc, nhà vật lý nói tiếng Latin chuyển ngành từ bác sĩ còn dịch bộ 8 tập Hauslexikon, một tác phẩm về chuyện lông gà vỏ tỏi của đời sống thường nhật, dày nhiều nghìn trang. Sự tẻ nhạt – vô nghĩa – của Hauslexikon đã bóp vụn tinh thần của ông. Fechner đã làm việc đến sức cùng lực kiệt. Ông sắp mù đến nơi. 

Được nghiên cứu về màu sắc của Goethe truyền cảm hứng, Fechner đã thực hiện các thí nghiệm về dư ảnh bằng cách nhìn chằm chằm vào Mặt trời qua một tấm kính màu. Thị lực của ông bị hủy hoại, ông sống trong một phòng tối và bịt mắt bằng một miếng vải. Và rồi cho tới khi miếng băng trở nên quá khó chịu, một người bạn đã chế tạo một chiếc kính bảo hộ có cốc chì dày để che mắt cho ông. Đôi khi vợ ông đưa ông đi quanh khu vườn, với hai khối màu đen nhô ra khỏi khuôn mặt trũng sâu. Đi đi lại lại giữa những hàng hoa huệ và tử đinh hương, có lẽ trông ông giống như một chú bọ kim loại mất trí. 

Cây tuyết điểm mùa xuân (Pulsatilla vernalis).

Cuộc khủng hoảng kéo dài từ tháng 12/1839 tới tháng 10/1843. Các bác sĩ đã điều trị cho ông bằng các liệu pháp thời kỳ đó – với từ tính, hơi, điện – mà không mấy thành công. Quãng thời gian mà ngày nay chúng ta có thể mô tả bằng các từ trầm cảm, ám ảnh thần kinh và hưng cảm, đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Fechner. Tới năm 1843, người đàn ông từng rất ham học hỏi nay đã không thể đọc được nữa. 

Fechner đã hồi phục – ban đầu chậm rãi sau đó khỏi hẳn. Khoảnh khắc ấn tượng nhất trong quá trình hồi phục của Fechner diễn ra vào ngày mùng 5/10/1843, lần đầu tiên khi ông bước từ căn phòng tối tăm của mình ra khu vườn mà không cần che mắt. Đột nhiên, ông bắt gặp ‘một cảnh tượng đẹp đẽ vượt khỏi ranh giới trải nghiệm của con người. Mỗi bông hoa đều hướng về phía tôi tỏa sáng rạng rỡ một cách kinh ngạc, như thể nó đang phun ánh sáng nội tại ra ngoài.’ Toàn bộ khu vườn như được biến đổi. Và ông tự nhủ: ‘người ta phải mở to đôi mắt tươi mới để thấy thiên nhiên, từng ủ dột, nay lại trở nên sống động’. 

Năm 1846, trong bài giảng đại chúng đầu tiên của ông trong sáu năm, Fechner đã tuyên bố rằng căn bệnh của ông đã mở ra một ‘tiếng gọi cao cả’ để suy tư về ‘bản chất bên trong’. Ông đã băng qua cây cầu nối giữa trong và ngoài, tới nơi mà biên giới giữa những thứ hữu hình và vô hình bị xóa nhòa. Linh hồn của thực vật đã bén rễ trong Fechner; ông muốn để chúng nảy nở và đơm hoa trên trang giấy, kể cả là một ngọn cỏ dại nhỏ nhoi. Ông sẽ dành hết quãng đời còn lại để đưa người đọc vượt qua, và ngắm nhìn thiên nhiên bằng con mắt mới. 

Aconitum lycoctonum – Chi ô đầu.

Bước vào tâm trí một cái cây?

Được viễn kiến của mình truyền cảm hứng, ông đã viết Nanna oder über das Seelenleben der Pflanzen (Nanna, hay Linh hồn của Thực vật), công bố năm 1848. Cuốn sách này đúc rút từ những thí nghiệm thực vật tiên tiến nhất của Augustin Pyramus de Candolle, Matthias Jakob Schleiden, Hugo von Mohl và những người khác, cũng như sự quan sát kỹ lưỡng của Fechner về thực vật. Trong Nanna (đặt theo tên của Norse – nữ thần của các loài hoa), Fechner đã lập luận rằng thực vật là những sinh thể có nhận thức với cảm xúc và khao khát. Chúng hạnh phúc trong ánh Mặt trời như chúng ta sung sướng trước một bữa ăn tuyệt vời. Thế giới va chạm vào cây cỏ với niềm vui, nỗi đau và thậm chí cả ý nghĩa. 

Cuốn Nanna khẳng định rằng chúng ta chỉ có thể kết luận rằng những trải nghiệm nội tâm có tồn tại thông qua những biểu hiện trên cơ thể bên ngoài. Và mặc dù không thể hiểu hoàn toàn nội tâm của tự nhiên – chẳng hạn ta không thể bước vào tâm trí của một cái cây – nhưng ta có thể tiến gần tới chúng bằng phép so sánh. Ta làm thế suốt, Fechner nói. Ta chia sẻ một số cảm nhận nội tâm chung khi nhìn vào đôi mắt của người yêu, cha mẹ, bạn bè hay kẻ thù: ‘Kết luận của tôi là bạn có một tâm trí được thiết lập dựa trên thực tế rằng vẻ ngoài, lời nói, và cách hành xử của bạn cũng giống như của tôi’. Nếu bạn giống tôi, bạn phải có tâm hồn giống tôi. 

Fechner xác định sự phản đối – phổ biến từ xưa đến nay – cho rằng thực vật không thể có tâm trí chính vì chúng không có một hệ thần kinh. Ông đoan chắc rằng thực vật sở hữu một thứ tương tự như hệ thần kinh của động vật, được tạo thành từ những thớ và sợi cây. Nhưng ông cũng đặt nghi vấn tại sao người ta lại cho rằng thực vật lại không có cảm giác chủ quan khi không có các dây thần kinh. Việc gì phải trao cho hệ thần kinh một vai trò đặc biệt trong việc kiến tạo tâm hồn? Tự nhiên có vô vàn những cách thức đa dạng khác nhau để đi đến cùng một mục tiêu. Chẳng hạn như đàn violin thì cần dây để ngân nga. Chúng ta có thể hình dung các dây đàn như những dây thần kinh. Nhưng người ta có thể kết luận rằng một cây sáo hay kèn trombone không tạo ra âm thanh vì chúng không có dây chăng? Động vật có thể chính là ‘nhạc cụ bộ dây của cảm giác, còn thực vật là các nhạc cụ bộ hơi’. 

Phép loại suy thì không bao giờ hoàn hảo. Nếu hoàn hảo, Fechner thừa nhận, chúng ta sẽ phủ nhận ‘tất cả những thứ không giống mình hoặc có hành vi khác mình’ đều không có tính chủ quan. Với Fechner, nơi phép loại suy thất bại, chính là chỗ nó chỉ dẫn cho ông. Đây có lẽ là đặc điểm đáng chú ý nhất của Fechner: sự khiêm nhường về mặt nhận thức luận của ông chuyển thành một kiểu hào phóng về bản thể học. Với những người cho rằng cây cối không di chuyển, Fechner nói (và Darwin cũng từng nói) rằng đơn giản là chúng ta thiếu kiên nhẫn để quan sát sự chậm rãi của chúng. Với những người nói thực vật không cất tiếng, Fechner chìa ra một từ điển mùi, hương, rót từ đài hoa này sang đài hoa khác khác giống như một cuộc tán gẫu ríu rít: 

Bên cạnh những linh hồn tất bật, rồi khóc lóc và ăn uống no say, lẽ nào không có những linh hồn âm thầm đơm hoa, làm dịu cơn khát bằng cách hớp sương, tỏa hương thơm, thỏa mãn những khao khát cao vời nhất của mình bằng cách đâm chồi và vươn về phía ánh sáng? 

Một loài hoa thuộc chi lưu ly (Myosotis arvensis).

Thế nên, việc thực vật có cấu trúc và cách hoạt động khác với con người và động vật không chứng minh được chúng không có ý thức. Đúng hơn thì, chúng có kiểu tâm hồn khác. 

Fechner hình dung rằng thực vật có thể áp dụng tiêu chuẩn tâm hồn của chính chúng cho con người và thấy rằng chúng ta thiếu sót. Dựa trên trải nghiệm của chúng, thực vật có thể cho rằng, bằng chứng cho tâm hồn là khả năng tự sinh và tự tô điểm, tự tạo ra thân thể của mình qua từng chiếc lá. Nhưng con người thì phải ‘gìn giữ cơ thể vẹn nguyên’ và mặc quần áo bên ngoài. Ngoài ra, thực vật thì không thể di chuyển tự do; chúng ta thì đi lại không ngừng. ‘Cây sồi,’ ông viết, ‘có thể dễ dàng xoay chuyển các lập luận phủ nhận tâm hồn của nó để chống lại chính chúng ta.’ Với thực vật, trông chúng ta rất vô hồn. 

Chứng mù tâm hồn – mù thực vật

Với Fechner, tâm hồn không bao giờ tồn tại độc lập với thể xác. Hình thức vật chất là khía cạnh cảm nhận được, bên ngoài, của tâm hồn, còn tâm hồn là trải nghiệm bên trong của hình thức. Thực tế, thể xác và linh hồn cùng là một, nhưng được nhìn ở những góc độ khác nhau. 

Nhà triết học ý thức đương thời Peter Godfrey-Smith dựa trên bằng chứng thực nghiệm để xác minh xem sinh vật nào có ý thức. Bằng chứng đã thuyết phục Godfrey-Smith rằng bạch tuộc, chó, và gần đây hơn, là ong, có những trải nghiệm chủ quan về thực tại, hay cái mà Fechner có thể gọi là tâm hồn. 

Trong khi giảng dạy tại Harvard, Godfrey-Smith đã trích dẫn một thí nghiệm gần đây khiến bạch tuộc phải phải chịu đau đớn và kết luận rằng chúng quả có đau thật. Nói cách khác, có ‘thứ gì đó giống như’ là một con bạch tuộc bị thương. Trong phần hỏi đáp, một phụ nữ đã giơ tay. ‘Tôi vẫn bối rối không hiểu thí nghiệm này để chứng minh điều gì?’, cô nói. ‘Tôi đoán là mình muốn hơn thế. Làm sao chúng ta biết con bạch tuộc cảm thấy đau? Sao chúng ta dám chắc điều gì đang diễn ra bên trong đó?’ Với sự tử tế thể hiện rằng đã quen với sự phản đối như vậy, Godfrey-Smith đáp, ‘chà, tôi hình dung chị chỉ thấy hài lòng với các bằng chứng nếu các khán giả ở đây, hay bạn bè hoặc người thân của chị, là đối tượng của thí nghiệm tương tự.’ 

Trong Claim of Reason (1979), cuốn sách sâu sắc về Ludwig Wittgenstein của mình, Stanley Cavell đã đưa ra một chẩn đoán về chủ nghĩa hoài nghi: làm thế nào chúng ta thực sự biết được điều gì đang diễn ra bên trong tâm trí người khác? Làm thế nào ta biết rằng cái có vẻ là thật quả có thật? 

Với Cavell, chủ nghĩa hoài nghi thể hiện sự khó chịu trước tính hữu hạn của cuộc sống và từ chối chấp nhận thế giới và những thực thể chúng ta cùng chia sẻ hành tinh này. Không còn là sinh vật với những đặc tính siêu việt, con người thường viện đến lý trí để tìm kiếm câu trả lời. Khi lý trí không lí giải được thực tại, ta chối bỏ thực tại đó. 

Kết quả là cái mà Cavell gọi là ‘chứng mù tâm hồn’, một tình trạng mà người hoài nghi ‘thiếu đi khả năng nhìn nhận con người như con người’. Ông ngụ ý rằng sự mù quáng này bắt nguồn từ việc chúng ta không có khả năng coi thể xác bên ngoài đã là bằng chứng đầy đủ về nội tâm phong phú: ‘không tin có một thứ như tâm hồn con người là không biết gì về thân thể con người’, Cavell viết.

Fechner có thể trả lời, không tin có thứ gọi là tầm hồn con người nghĩa là không biết gì về thân thể thực vật. Và không tin một thứ gọi là tâm hồn thực vật nghĩa là không biết gì về cơ thể con người. Theo lối này, chứng mù tâm hồn có thể gắn liền với một hiện tượng phổ biến mà các nhà khoa học gọi là ‘mù thực vật’ – tình trạng con người không thể nhìn thấy hoặc chú ý đến cây cối trong môi trường.

Tác phẩm của Cavell là một trong những tác phẩm hấp dẫn nhất trong việc làm sáng tỏ những tác động bi thảm của chủ nghĩa hoài nghi đối với cuộc sống của những người theo chủ nghĩa này. Cuộc chạy đua không ngừng cho sự biết đã gạt thế giới thực sang một bên, thế giới của những cuộc đời của những sinh vật khác, ra đời trước chúng ta, rạng rỡ, chờ đợi để được nhìn thấy – có cánh, có lá, có yêu thương, có cơ cực. Cuối cùng, người hoài nghi, cũng như Fechner trong phòng tối – như không có mắt, thiếu đi kết nối trực tiếp với thế giới. 

Nhà sinh vật học E. O. Wilson đã mô tả kỷ nguyên tuyệt chủng sinh thái hiện tại của chúng ta là Eremocene – hay thời đại của nỗi cô đơn. Làm sao chúng ta có thể không cảm thấy cô đơn khi các đô thị phát triển như những khối u di căn, những con đường tỏa khắp và nền nông nghiệp công nghiệp đang tiêu diệt các loài với tốc độ chưa từng có? Nhưng có thể sự cô đơn của giống loài chúng ta có liên quan nhiều đến chứng mù tâm hồn cũng như chính sách sử dụng đất của ta. Bi kịch của thời đại của chúng ta là bi kịch của Vua Lear trong vở kịch của Shakespears, Cavell nói: ‘chúng ta thà hủy diệt thế giới còn hơn cho phép tạo điều kiện cho chúng ta thay đổi’. 

Fechner nhắc nhở chúng ta rằng, tư duy chặt chẽ và khoa học không nhất thiết phải chống lại những tuyên bố siêu hình táo bạo. Ông đã đề xuất một cách để xem xét những gì bí ẩn vô hình mà không phủ nhận vật chất hữu hình, và ngược lại.  

Nhiều quan điểm mà Fechner đưa ra trong Nanna giờ đây đang được các nhà nghiên cứu sinh học thần kinh thực vật đương đại khẳng định lại một lần nữa, mặc dù sử dụng bằng chứng khác. Giống như Fechner, những nhà khoa học này bác bỏ sự sùng bái các tế bào thần kinh. Họ tiếp nối quan điểm của Fechner rằng thực vật sở hữu thứ gì đó tương tự như não bộ động vật – tuy, không giống Fechner, họ thường cố gắng xác định những điểm tương đồng về chức năng ở cấp độ phân tử giữa chất nền của động vật và thực vật. Giống như Fechner, họ lập luận rằng hành vi của thực vật là thông minh – ‘thích ứng, linh hoạt, biết mong chờ, và có chủ đích’ – thay vì chỉ đơn giản là bản năng cố hữu, được chứng minh bằng thí nghiệm ghi lại khả năng học hỏi, nhận biết họ hàng, giao tiếp của thực vật. Một số nhà khoa học ủng hộ khả năng nhận thức ở thực vật cũng đưa ra khả năng chúng có tri giác – cái mà Fechner gọi là tâm hồn (besselt). 

Cởi bỏ tấm bịt mắt

Một giáo sư từng cười khẩy và nhận xét với cháu họ của Fechner rằng: nếu chú anh nghiêm túc với lập luận của mình đến vậy trong Nanna, thì để nhất quán, ông ấy cũng phải trao linh hồn cho các vì sao. Thực tế, trong chuyên luận ba tập Zend-Avesta (1851), Fechner đã đưa ra một bản cập nhật mang tầm vóc vũ trụ cho Nanna, mở rộng sự tương tự hóa của ông sang các thiên thể. Chẳng phải Trái đất, có hành vi giống như cơ thể con người, ở một số khía cạnh nào đó hay sao? Liệu nó có linh hồn hay không? Tất cả tạo vật đều chứa đựng một nội tâm, một đời sống khoái lạc phong phú, một kiểu tự do. Và phần nào, con người tạo thành nhận thức địa cầu này. Chúng ta nổi lên từ hành tinh như những gợn sóng nổi trên đại dương. Chúng ta mọc lên từ đất đai của đất đai của hành tinh như những chiếc lá mọc ra từ một cái cây. Chúng ta là cơ quan cảm nhận của linh hồn Trái đất: khi một người trong chúng ta chết đi, ‘như thể một con mắt của Trái đất đã nhắm lại’, William James đã nói trong một bài giảng liên quan tới tư tưởng của Fechner. Zend-Avesta coi sự sáng tạo bên ngoài (tự nhiên) và cuộc sống bên trong (tâm hồn) là hai khía cạnh của một thực tại. Tất cả vật chất và tinh thần cùng tồn tại, cùng xuất hiện và không thể tách rời.

Những cuốn sách sau của Fechner đều thất bại. Không ai thấy chúng được tái bản và chúng vẫn chưa được dịch. Các đồng nghiệp đã bác bỏ triết lý táo bạo của Fechner như một sản phẩm của một bộ óc điên cuồng, ngay cả khi họ ca ngợi công trình khoa học trước đó của ông. Nhà tâm lý học người Mỹ William James là một trong số ít người ủng hộ Fechner. James kể lại về Fechner: 

Theo Fechner, tội lỗi nguyên thủy, của cả tư duy khoa học và tư duy thông thường của chúng ta, là thói quen thâm căn cố đế coi linh hồn không phải là nguyên tắc mà là một ngoại lệ trong tự nhiên. 

James nghĩ Fechner đã đưa ra một quan điểm đúng đắn, một quan điểm ‘sẽ ngày càng ảnh hưởng rộng rãi theo thời gian’. Ngày nay các nhà thực vật học ủng hộ khả năng nhận thức của thực vật phải đối mặt với sự chỉ trích đáng kể. Trong một bài báo năm 2021 đăng trên tạp chí Protoplasma, các nhà phê bình gọi đó là điều ‘đáng tiếc’ khi ‘các tuyên bố [của các nhà khoa học] rằng thực vật có trải nghiệm có ý thức’ đang ‘tìm đường vào các tạp chí khoa học uy tín – thậm chí cả những tạp chí hàng đầu’, có thể ‘tạo ra ý tưởng sai lầm về khoa học thực vật trong những nhà sinh học thực vật trẻ, đầy tham vọng.’ Những tuyên bố này ‘gây hiểu nhầm và có khả năng định hướng sai các quyết định về chính sách và tài trợ của chính phủ’. Ai đó có thể tự hỏi có hại gì khi ta gán cho thực vật ý thức – và liệu điều đó có nghiêm trọng hơn nếu ta coi thực vật là vô tri chăng? Kể cả ngày nay, như Fechner than vãn ‘mọi người thấy cái nồi của mình quá to so với tay quai, nhưng vẫn cứ tiếp tục dùng nó”.

Năm 1848, khi Nanna của Fechner được xuất bản, một màn tăm tối bao trùm khắp châu Âu. Cách mạng lan rộng. Người Đức chạy trốn trên thuyền – cùng gia đình và một ít đồ đạc tới Galveston, Cincinati, Milwaukee. Fechner biết: nói về linh hồn thực vật ở thời điểm như vậy thì không thích hợp là trường hợp tốt nhất, còn xấu nhất thì là trơ tráo. Tóm lại thì: ai quan tâm? 

Ông bắt đầu cuốn sách bằng một lời xin lỗi: 

Tôi thú nhận rằng mình có chút e ngại về việc nêu ra chủ đề mà tôi sắp nhắc tới, trong thời điểm hiện tại… Làm sao tôi có thể yêu cầu bạn bắt đầu lắng nghe tiếng thì thầm của những đóa hoa, chưa từng được nghe thấy kể cả trong những lúc yên tĩnh nhất, giờ đây khi những ngọn gió đang gầm lên đe dọa lật đổ cả những thân cây bén rễ sâu? 

Chiến tranh, đại dịch toàn cầu, khủng hoảng khí hậu, sự đe dọa của AI, lạm phát, và núi thi thể bị tàn phá – loài người hoặc những thứ khác – bị sát hại dưới danh nghĩa của căm thù, chinh phục, lòng tham. Có lẽ điều đó nhắc ta cần một cái nhìn mới hơn bao giờ hết. Nhưng cũng có lẽ chúng ta vẫn cứ phải cầm cái nồi dù tay quai của nó nhỏ thế nào cũng được chăng? 

Về sự thất bại của những cuốn sách của mình, Fechner bày tỏ sự buồn bã nhưng không lo lắng. Ông viết trong nhật ký: ‘Thời đại sắp tới sẽ tôn vinh những ý tưởng không phù hợp với hiện tại, hay hiện tại không ăn khớp với chúng.’ 

Fechner nhắc nhở chúng ta rằng, tư duy chặt chẽ và khoa học không nhất thiết phải chống lại những tuyên bố siêu hình táo bạo. Ông đã đề xuất một cách để xem xét những gì bí ẩn vô hình mà không phủ nhận vật chất hữu hình, và ngược lại.  

Có lẽ, trên hết, cuộc đời của ông là một lời nhắc nhở rằng chứng mù tâm hồn và chứng mù thực vật như hệ quả đi kèm, tiềm ẩn những rủi ro. Ông nhắc nhở, cách tốt nhất để nắm bắt những gì không thể nhìn thấy ở thực vật là cởi bỏ tấm bịt mắt và ngắm nhìn. Những gì chúng ta có thể thu được bằng cách nhìn ngắm tự nhiên với đôi mắt mới chính là cả thế giới chứ không gì khác.□

Nguyễn Duy Khánh lược dịch 

Bản và ảnh gốc được đăng trên Aeon.co: https://aeon.co/essays/can-we-see-past-our-soul-blindness-to-recognise-plant-minds

Tác giả

(Visited 32 times, 1 visits today)