Phát hiện hải cảng 1.500 tuổi lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ

Đó dường như là một khung cảnh quen thuộc của một đô thị đổ nát: những tòa nhà bỏ hoang, các bức tường xiêu vẹo, rác thải chất đống và những vỏ chai rượu nằm chỏng chơ.

Quang cảnh còn nguyên vẹn từ hơn 1.500 năm trước. Các kỹ sư đã phát hiện ra khu đổ nát của hải cảng La Mã cổ đại này trong khi đào một đường tàu dưới mặt đất tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Giống như các thành phố lịch sử khác thời La Mã, Istanbul cũng là nơi chứa đựng rất nhiều di tích khảo cổ quan trọng. Nhưng khu cảng cổ được phát hiện vào năm ngoái ở vùng ngoại ô Yenikapi có một quy mô hoàn toàn khác: Nó trở thành một phát hiện khảo cổ lớn nhất trong lịch sử Istanbul.
Các nhà khảo cổ gọi nó là “Cảng Theodosius”, lấy tên từ vị hoàng đế thành Rome và Byzantine chết vào năm 395. Họ hy vọng sẽ có cái nhìn sâu hơn về cuộc sống giao thương cổ đại của thành phố từng mang tên Constantinople, và là thủ phủ của các đế chế La Mã, Byzantine và Ottoman.
Đến nay, 17 nhà khảo cổ, 3 kiến trúc sư và khoảng 350 công nhân đã tìm thấy một nhà thờ, một cổng vào thành phố và 8 con thuyền bị chìm.
Tiến sĩ Cemal Pulak, tại Đại học A&M Texas, Mỹ, tin rằng những con thuyền này đã bị lật chìm trong một cơn bão lớn. Ông cho biết các con thuyền gỗ đã lấp một lỗ hổng trong lịch sử chế tạo thuyền, bởi sự kết hợp giữa các kỹ thuật cũ và mới trong việc chế tạo chúng.
Khu vực hải cảng rất rộng lớn. Xung quanh, các công nhân tìm thấy rất nhiều mảnh gốm và xương động vật. Tất cả đều là rác thải, chẳng hạn như một mảnh gốm vỡ mà các thủy thủ vứt đi từ con tàu hay xương động vật mà một lò mổ gần đó ném xuống cảng.
Hàng nghìn đồ vật cũng được nạo vét từ dưới đáy biển Bosporus. Chỉ một lượng nhỏ trong số này là có giá trị bảo tàng và nghiên cứu, phần còn lại sẽ lại được chôn vùi.
Những di vật này cũng giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu những thương nhân cổ đại đã chở rượu, dầu oliu trong các bình lọ như thế nào và chuyên chở ra sao.

M.T. (theo AP)

Tác giả