Phát minh mới chấm dứt tranh cãi đạo đức

Các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản vừa tuyên bố đã biến những tế bào da người bình thường thành những tế bào gốc mà không cần sử dụng phôi hay trứng. Thành tựu này được đánh giá là “cột mốc khoa học quan trọng không kém phát minh máy bay của anh em nhà Wright”

Với khám phá mới này, những người từ trước tới nay từng lên tiếng chỉ trích khía cạnh đạo đức của việc tạo ra tế bào gốc giờ đây cũng cảm thấy hài lòng. Và trong một cuộc họp được Vantican tổ chức, khi kỹ thuật mới này được giới thiệu, các nhà khoa học đều không thấy có bất cứ vấn đề đạo đức nào nảy sinh. Ngoài ra, hướng nghiên cứu này sẽ nhận được những khoản tài trợ lớn từ phía các chính phủ.
Sau thành công của thí nghiệm tiến hành trên chuột, nhiều nhóm nghiên cứu cùng chạy đua để có thể tạo ra những tế bào gốc mà không sử dụng phôi người. Song chiến thắng huy hoàng đã dành cho hai nhà khoa học James Thomson (ĐH Wisconsin) và Shinya Yamanaka (ĐH Tokyo).
“Thật là một công việc đồ sộ. Mười năm khó nhọc, bây giờ là một kết thúc tốt đẹp và tôi có thể thư giãn”, Thomson nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Còn Yamanaka thì ngạc nhiên khi biết rằng những nhóm nghiên cứu khác cũng theo sát họ: “Nhiều người nói rằng, họ cũng đang tiến hành nghiên cứu cùng trên lĩnh vực đó. Nhưng tôi không biết họ có thành công hay không”. Những công bố của hai nhà khoa học này lần lượt được công bố trên Science và Cell.
Giấc mộng tạo tế bào trứng trong phòng thí nghiệm bắt đầu trở thành hiện thực vào tháng 6, khi nhóm nghiên cứu của Yamanaka xác định 4 gen trong những tế bào da chuột khi kết hợp với nhau thì có thể “tắt”, “bật” vô số những gen khác theo một khuôn mẫu chính xác để tạo nên những tế bào da hầu như không khác với tế bào gốc.

 Bởi vì những tế bào “nghịch đảo” này có chút khác biệt với tế bào gốc nên Yamanaka đặt tên là “ips” (viết tắt của “induced pluripotent stem cells” – tạm dịch là “tế bào gốc nhân tạo”) . Ông đã ngay lập tức áp dụng kỹ thuật tương tự với tế bào da người nhưng liên tiếp bị thất bại. Điều mà ông không nhận ra đó là, đối với tế bào của người quá trình này cần phải diễn ra trong nhiều tuần, không như các tế bào của chuột thời gian chỉ cần vài ngày. Sau vài ngày chờ đợi không có dấu hiệu khả quan ông cảm thấy chán nản. “Chúng tôi đã không có đủ kiên nhẫn”, Yamanaka  nói.
Nhưng cuối cùng, ông cũng đã thu được 10 tế bào ips từ 50.000 tế bào da, một tỷ lệ có thể chấp nhận được, và điều này cho thấy rằng có thể dễ dàng phát triển hàng nghìn tế bào da từ một mẫu nhỏ. Đặc biệt, Yamnaka có thể biến những tế bào ips thành tế bào thần kinh, tế bào tim và cả những loại  tế bào chủ yếu khác
Cùng thời điểm đó, Thomson, Junying và đồng sự đang cùng chạy đua phía trước. Họ đã tiến hành thí nghiệm với danh sách ban đầu gồm 14 gen được xem là có thể tạo nên tế bào phôi của người. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã dẫn thu hẹp lại chỉ còn 4 gen. Những tế bào của Thomson cũng trải qua những lần thử nghiệm tương tự như thí nghiệm của Yamanaka, mặc dù trong phương pháp thực hiện cuối cùng ông sử dụng hai loại gen khác. Rõ ràng có nhiều cách khác nhau để đến được thành Rome. Bích Ngọc (Theo Washinton Post)

Tác giả