Phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam:
Vẫn ở tầm vĩ mô

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) đến năm 2015 tầm nhìn 2020 cách đây gần 2 năm (Đề án 117) nhưng đến nay, việc triển khai đề án vào thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Cụ thể là còn thiếu khá nhiều các văn bản pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án NLSH tại Việt Nam, chưa có sự gắn kết các nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và tốc độ phát triển NLSH tại Việt Nam chưa được như mong muốn. Tại cuộc hội thảo "Phát triển nhiên liệu sinh học hiệu quả và bền vững: Chính sách, định hướng và lộ trình", do Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã có rất những ý kiến đóng góp nhằm khắc phục tình trạng nói trên.

Nghiên cứu trùng lặp, chồng chéo
Mục tiêu của Đề án 117 là “Phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường”, với các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), triển khai sản xuất thử sản phẩm phục vụ phát triển sinh học; Hình thành và phát triển ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học của Việt Nam; Xây dựng tiềm lực phục vụ phát triển nhiên liệu sinh học trong nước; Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu tự nhận mình là một người “cổ động viên bóng đá”, nhưng cũng có một số góp ý với đội trưởng (Bộ Công thương, nơi được giao chủ trì tổ chức thực hiện đề án”. Theo ông, Bộ Công Thương cần tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia liên quan để cùng thực hiện đề án này bởi “cứ theo báo cáo thì có rất nhiều đề tài trùng lặp, gây lãng phí không biết bao nhiêu tỉ (tiền ngân sách của Nhà nước)”. Và đặc biệt là “Không ai làm đến nơi, đến chốn và có hiệu quả kinh tế”.
Tương tự như vậy, PGS. TS. Hồ Sơn Lâm, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng cũng cho rằng có sự lãng phí chất xám, lãng phí trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, làm chậm tiến độ ứng dụng. “Do không có một “bộ chỉ huy chung” nên nhiều Bộ, ngành, trường, viện và doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều kinh phí cho việc nghiên cứu. Nhiều đề tài được cấp tiền tỉ nhưng kết quả cũng chỉ để đăng báo hay báo cáo khoa học”, ông nói.
Một nhà khoa học trong giờ nghỉ cũng cho biết tình trạng lãng phí trong nghiên cứu phát triển NLSH là khá lớn: “Lãng phí nhiều lắm, thí dụ chúng ta đã có tới 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu với tổng công suất thiết kế là 300 triệu lít/năm nhưng vừa rồi vẫn có đề án nghiên cứu sản xuất ethanol nhiên liệu với công suất 100 tấn/năm được duyệt. Chẳng hiểu để làm gì?”. Ông cũng cho biết thêm một nghiên cứu khác cũng đã được duyệt và đang tiến hành với tổng chi phí được duyệt lên tới vài tỉ đồng. Trong khi nhiều nước đang chào hàng chúng ta công nghệ và thiết bị cả gói với mức kinh phí rẻ hơn như thế, đặc biệt là công suất lớn hơn và có thể thực hiện được ngay (chẳng mất công nghiên cứu gì cả).
Một Phó viện trưởng một viện nghiên cứu khác cũng cho rằng vấn đề lựa chọn công nghệ cần phải xem xét kỹ, không sẽ dẫn tới việc lãng phí. Riêng trong lĩnh vực NLSH, thế giới đã tiến xa hơn chúng ta rất nhiều. Do vậy, nhiều công nghệ chỉ cần xem xét xem khả năng ứng dụng nếu phù hợp với điều kiện của chúng ta thì có thể nhập công nghệ và thiết bị về sản xuất. Như vậy sẽ tiết kiệm hơn kể cả về mặt thời gian, công sức lẫn tiền bạc. “Nhiều khi chúng ta cứ tưởng nghiên cứu các công nghệ, thiết bị sản xuất NLSH từ các nguyên liệu rẻ tiền, có sẵn là lợi. Nhưng thực tế, nếu tính tổng chi phí cho việc nghiên cứu, ứng dụng để sử dụng các nguyên liệu này thì lại hóa ra là đắt”, ông nói.
Rất nhiều ý kiến cho rằng trong khi các nhà máy mía đường hiện đang thiếu nhiên liệu, gặp khó khăn trong sản xuất thì việc phê duyệt 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu với tổng công suất 300 triệu lít/năm quả thực là một sự lãng phí lớn. Ngay trong báo cáo đánh giá bước đầu kết quả thực hiện Đề án 117 cũng thừa nhận: “Nhóm ngành sản xuất diesel sinh học chưa đạt được nhiều hiệu quả như mong muốn do việc phát triển vùng nguyên liệu đòi hỏi thời gian cũng như khó khăn trong nghiên cứu lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp”.

Nguyên liệu: vấn đề không nhỏ
Theo báo cáo của PGS. TS Đỗ Huy Định, Hội Hóa học Việt Nam, bất cứ quốc gia nào muốn phát triển NLSH, đầu tiên phải lựa chọn nguyên liệu cho hiện tại và lâu dài bởi nguyên liệu chiếm trên 70% giá thành của NLSH. Nguyên liệu làm NLSH rất đa dạng, bao gồm: nguyên liệu chứa đường (mía, củ cải đường, cao lương ngọt…), chứa tinh bột (ngô, sắn, cao lương…), chứa dầu (dầu mỡ động, thực vật, tảo, bèo dâu và kể cả dầu đã qua sử dụng), chứa cellulose (phế liệu nông, lâm nghiệp) và những nguyên liệu khác chứa lipit và hydratcacrbon.

Các cây jatropha giống hiện nhập chủ yếu từ Trung Quốc (jatropha)

Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh các vùng nhiên liệu cho NLSH rất có thể gây ra những hậu quả khó lường, ảnh hưởng tới việc phát triển bền vững. Thí dụ như Chương trình quốc gia Proalcool của Brazil, một nước đi tiên phong trong phát triển NLSH đã tạo nhiều áp lực đối với tài nguyên đất trồng trọt, đất dùng cho chăn nuôi và đất rừng ở nước này. Nước Mỹ đã dùng quá nhiều ngô, đậu tương làm NLSH khiến sản lượng nông sản xuất khẩu giảm dẫn đến giá nông sản tăng nhanh. Người dân Malaysia, Indonesia và Ấn Độ có lúc đã phá rừng để trồng cọ dầu, jatropha (cây cọc rào), nhưng sau các quốc gia này phải điều chỉnh lại chính sách và kiểm soát chặt chẽ để NLSH được phát triển một cách hiệu quả và bền vững.
Tại Việt Nam, nhiều đại biểu tại hội thảo cũng nói đến “hiện tượng jatropha”, tức là phong trào xin đất trồng jatropha ở khắp nơi trên cả nước. “Năng suất jatropha ở Bình Thuận, Bình Dương và nhiều nơi khác thấp lắm vì cây giống nhập từ Trung Quốc, không kiểm soát được chất lượng”, GS. VS Nguyễn Văn Hiệu nói. Ông còn cảnh báo: “Cũng phải cẩn thận tình trạng doanh nghiệp lấy đất trồng jatropha, nhưng thực chất là để chiếm đất”. Một vấn đề khác mà Giáo sư Hiệu cũng nhấn mạnh là sắn là loại cây gây thoái hóa đất rất nhanh. Nếu qui hoạch không tốt, người nông dân ào ạt trồng sắn thì sẽ nguy hại về lâu dài vì sẽ phá hỏng đất. Ông cũng đề nghị nếu thực sự có kế hoạch sử dụng cây jatropha làm nguyên liệu thì nên đầu tư thích đáng để nghiên cứu có một bộ giống jatropha tốt, phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau ở Việt Nam. Sau đó thành lập một công ty để sản xuất và cung cấp giống cho thị trường, chứ “cần gì phải sang Trung Quốc mà mang về”.
Một số nguyên liệu khác cho NLSH như sắn, mỡ cá hiện lại đang là các mặt hàng rất được phía Trung Quốc ưa thích. Do vậy, họ thường trả giá cao để nhập khẩu các mặt hàng này, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. “Đây cũng là các vấn đề cần được quan tâm nếu chúng ta muốn phát triển các nguồn nguyên liệu này về mặt dài hạn”, một đại biểu nói.
Còn ông Trịnh Minh Tú, Chủ tịch công ty Minh Tú đơn vị sản xuất NLSH và đã xuất khẩu được ra nước ngoài thì đưa một ví dụ cụ thể hơn: “Doanh nghiệp trong nước rất thiệt thòi vì nếu mua nguyên liệu mỡ cá trong nước thì phải chịu thuế VAT 10%, trong khi mỡ cá xuất khẩu sang Trung Quốc lại không bị đánh thuế”. Chính điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi “10% không phải là con số nhỏ”, ông nói.

Cần một “nhạc trưởng”
Để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án 117 cũng như đưa ra các định hướng rõ ràng, cụ thể cho việc phát triển NLSH tại Việt Nam, nhiều đại biểu tại hội thảo cho rằng cần có một cơ quan đóng vai trò “nhạc trưởng”, hay “Bộ tư lệnh” để điều phối tất cả các hoạt động liên quan.
GS. TS Hồ Sĩ Thoảng, trong phần kết luận hội thảo nói rằng cơ quan này phải có quyền lực, trách nhiệm cao, đặc biệt là trong việc phân bổ ngân sách, nhiệm vụ nghiên cứu để tránh trùng lặp. Bên cạnh đó, bàn tay của Nhà nước phải mạnh để đẩy nhanh được việc phát triển NLSH đúng với tầm vóc và qui mô đáng có của nó. Bên cạnh đó, ông cũng ủng hộ ý tưởng của GS. VS Nguyễn Văn Hiệu là nên có một diễn đàn trên mạng (online forum) nhằm cung cấp thông tin đến mọi người, là nơi bàn thảo, trao đổi học thuật và kinh nghiệm trong việc phát triển NLSH tại Việt Nam.
Tóm lại, xin mượn lời của PGS. TS Hồ Sơn Lâm để kết thúc bài viết này: “Ngay từ khi Đề án 117 đang ở dạng dự thảo, chúng ta đã chậm hơn các nước khác gần 20 năm trong lĩnh vực NLSH. Sau gần 2 năm thực thi đề án, chúng ta đã có nhiều nỗ lực lớn nhưng kết quả vẫn chưa tương xứng với tầm quan trọng của nó và chưa được thực hiện trên qui mô cả nước”.
Như vậy, nếu không có những hướng đi cụ thể để đưa nhanh việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất NLSH, những quyết sách chắc chắn vẫn chỉ nằm ở tầm vĩ mô mà thôi.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)