Phương pháp định vị tiếng vang cho người khiếm thị

Phương pháp định vị tiếng vang có thể giúp người khiếm thị tự đi đến những nơi mình muốn.

Cậu bé bốn tuổi người Đức Felix (ảnh bên) bị mù bẩm sinh, nhưng em vẫn đi lại tự tin trong ngôi nhà bằng cách đánh lưỡi để những âm thanh chậc chậc phát ra chạm vào đồ vật xung quanh và phản xạ lại, qua đó giúp em nhận biết các chướng ngại trên đường đi của mình. Phương pháp này có tên là “định vị tiếng vang”, do Daniel Kish, một người Mỹ khiếm thị, phát triển.

Chuyên gia Klaus Mönkemeyer cho rằng, với phương pháp này, trẻ em sẽ học được cách vận động trong không gian âm học. Mönkemeyer nhấn mạnh, trẻ em khiếm thị được tiếp cận phương pháp này càng sớm càng tốt, cho dù cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định điều đó.

Daniel Kish được coi là nhà vô địch thế giới về kỹ thuật “định vị tiếng vang”. Ông đã tự học phương pháp này từ khi còn nhỏ. Kish có thể một mình đi dạo trong rừng và đi xe đạp – hiện ông là người hướng dẫn những học sinh khiếm thị và các thầy cô giáo ở nhiều nước trên thế giới.

Kish đã giới thiệu phương pháp này ở Đức vào cuối năm 2011, tuy nhiên cho đến nay chỉ có rất ít người Đức biết về nó. Felix là một trong số 13 em tham gia lớp thí điểm đầu tiên. Đánh giá chung cho thấy, sau khoảng thời gian tập luyện khoảng 18 tháng, các học viên đều đi lại nhanh nhẹn và vững vàng hơn. Những em thành thạo thậm chí có thể biết, trên một đường phố không quen thuộc, có bao nhiêu ô tô đậu ở phía trước, và xác định được những vật cản trên đường đi như thùng đựng rác hay hòm thư.

Việc liên tục phải đánh lưỡi khá vất vả, bởi vậy các em sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ là món đồ chơi có thể phát ra tiếng động “Knackfrosch” và cây gậy giúp nhận biết những chỗ lồi lõm trên đường đi.

XH dịch

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)