Phương pháp xây dựng chính sách giảm nghèo

Từ nhiều năm nay, các tổ chức quốc tế đã đánh giá, một thách thức rất lớn với quá trình xây dựng chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội cho vùng nông thôn, miền núi ở nước ta là vẫn duy trì cách thức huy động nguồn lực từ “bên ngoài” mà chưa chú trọng thúc đẩy các nguồn “vốn nội lực” của cộng đồng cũng như tham vấn ý kiến người dân. Điều đó khiến cho nhiều chính sách không đạt được hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực.


Hoạt động lấy ý kiến người dân trước khi hỗ trợ giảm nghèo do Trung tâm dịch vụ phát triển nông thôn (RDSC) thực hiện.

Có thể thấy, mặc dù những chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội như 135 hay 30A đặt mục tiêu lâu dài “giúp người dân từng bước phát huy vốn nội lực, vươn lên phát triển bền vững” nhưng trong thực tế triển khai chính sách, khái niệm “vốn giảm nghèo” mới chỉ mang hàm nghĩa hẹp – khu trú trong phạm vi của “vốn tài chính” từ phía Nhà nước mà không hề nhắc tới “nội lực” người dân.
Vì vậy, cũng hai thập kỷ nay, các tổ chức quốc tế đưa ra khuyến nghị nên thay đổi cách xây dựng chính sách giảm nghèo: từ tiếp cận bằng nguồn lực bên ngoài chuyển sang hỗ trợ phát triển nguồn lực của cộng đồng. Họ chỉ ra, để phát triển sinh kế bền vững, các hộ gia đình/ cộng đồng phải tự thiết kế “chiến lược sử dụng tổng hòa các nguồn vốn” của chính mình để ứng phó với các thay đổi về kinh tế, xã hội, đặc biệt là khi có bối cảnh tổn thương như các cú sốc sức khỏe, mùa vụ, thị trường. Còn thể chế nhà nước đóng vai trò điều chỉnh và tác động lên yếu tố bối cảnh đó. Do đó, nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý tốt, tổ chức thực hiện hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng phát huy nguồn nội lực của họ chứ không phải là loay hoay rót vốn tài chính (trừ vốn xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, dịch vụ công cơ bản và an sinh xã hội).
Nếu tiến hành xây dựng chính sách theo khuyến nghị trên, thông thường phải theo trình tự: 1) đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của các nguồn vốn tại chỗ. Theo Khung sinh kế bền vững của Cơ quan Phát triển quốc tế Anh (DFID), các nguồn vốn đó bao gồm: + Vốn vật chất, là cơ sở hạ tầng và các loại hàng hóa mà người sản xuất cần để hậu thuẫn sinh kế; + Vốn xã hội, là các nguồn lực xã hội bao gồm: mạng lưới xã hội, thành viên nhóm, niềm tin, sự phụ thuộc lẫn nhau…; + Vốn con người là các kỹ năng, tri thức, khả năng làm việc và sức khỏe…của mỗi cá nhân. Ở cấp độ hộ gia đình, vốn con người là số lượng và chất lượng lao động của hộ, khả năng quản lý, tình trạng sức khỏe, tri thức về các cấu trúc, thể chế chính thống và phi chính thống; + Vốn tự nhiên như đất đai, rừng, sông suối… tất cả những nền tảng tự nhiên mà hộ gia đình và cộng đồng đang sở hữu và khai thác; và + Vốn tài chính ngụ ý các nguồn lực tài chính mà con người sử dụng để đạt được các mục tiêu sinh kế. 2) hoạch định một chiến lược giảm nghèo, 3) thực hiện, 4) giám sát đánh giá và thường xuyên bổ sung, sửa chữa. Toàn bộ trình tự này phải được thực hiện “từ dưới lên”, tức là luôn thảo luận lấy ý kiến người dân, để người dân “chủ động” chỉ ra “vấn đề” ở cộng đồng mình.
Trên thực tế, cách làm này cần tới những người làm phát triển cộng đồng thật sự, những người nắm vững các khung phân tích, có kiến thức thực tiễn, có khả năng phân tích các nguồn lực, có kỹ năng làm việc với cộng đồng… Đó lại là điều rất khó trong bối cảnh hiện nay, khi mà, các cán bộ làm công tác giảm nghèo ở tất cả các cấp mới chỉ là những người những nhân viên hành chính thuần tuý. Và càng khó hơn khi về cơ bản, chính sách phát triển vẫn được lập kế hoạch và thực hiện từ trên xuống, áp dụng một kiểu mẫu cho tất cả các vùng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)