Pioneer: “tăng lực” KH&CN Việt Nam
Sau nhiều lần tiếp xúc với các chuyên gia và “mục sở thị” những trung tâm nghiên cứu của Việt Nam, TS.Ji-Ho Hwang cùng các chuyên gia khác từ Viện Kế hoạch và Đánh giá KH&CN Hàn Quốc (KISTEP) đã đề xuất với Bộ KH&CN Chương trình Pioneer với mục đích sàng lọc, đầu tư triển khai những công nghệ chủ chốt đạt trình độ quốc tế bằng việc phát triển những nhóm nghiên cứu mạnh.
Khác hẳn với cách nhìn “khá lạc quan” của nhiều nhà quản lý và nhà khoa học trong nước, TS.Hwang lại có một cái nhìn khác biệt. Anh cho biết, “Qua khảo sát “khá kỹ” môi trường nghiên cứu ở Việt Nam, phân tích các đề tài nghiên cứu chúng tôi đưa ra kết luận: hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học còn quá ít và chủ yếu lấy định hướng giảng dạy là chính; các doanh nghiệp hầu như không tiến hành R&D; liên kết giữa trường, viện và doanh nghiệp rất mong manh; năng lực quản lý các hoạt động KHCN cũng như năng lực cạnh tranh về KHCN còn rất thấp; kinh phí đầu tư cho R&D còn thấp và đầu tư theo kiểu dàn trải”. Trên cơ sở đã “định vị” thực trạng KHCN Việt Nam và “định vị” chương trình Pioneer, TS.Hwang cho biết, “Pioneer rất cần thiết cho Việt Nam bởi vì nó có vị trí là nền tảng của công nghệ và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh về KH&CN. Và các bạn cũng phải luôn nghĩ cho nền tảng KHCN nước nhà. Nếu không đẩy mạnh sáng tạo công nghệ thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước phát triển ngày càng tăng”. Có thể nói, Pioneer là một quá trình đồng bộ, chặt chẽ theo chuẩn mức quốc tế từ việc kêu gọi đề cương, đánh giá xét chọn, theo dõi hàng năm, đánh giá giữa kỳ và cuối cùng là đánh giá kết thúc để làm sao cho “ra lò” những công nghệ chủ chốt, đa ngành đạt trình độ quốc tế.
“Viện KISTEP của chúng tôi và Viện VISTEC của Bộ KH&CN đã làm việc đồng bộ cùng nhau để đưa ra những tiêu chí đánh giá tiềm năng KH&CN Việt Nam, và có thể kết luận rằng, Việt Nam có đủ khả năng để triển khai Chương trình Pioneer hiệu quả”, TS.Hwang khẳng định.
Cũ người nhưng… mới ta
TS.Ji-Ho Hwang |
TS.Sang-Sung Nam |
Những năm của thập kỷ 80, Hàn Quốc cũng đã phải tự tay “bắt mạch” cho mình để mong tìm ra những bài thuốc hiệu nghiệm chữa trị căn bệnh chậm tiến của nền KHCN, khi quốc gia này đặt mục tiêu KHCN là nền tảng phát triển kinh tế. Hàn Quốc đã ý thức rằng, kinh tế tri thức thế kỷ 21 sẽ là kỷ nguyên của cạnh tranh toàn cầu dựa trên sức mạnh KHCN. Và đất nước của xứ sở kim chi cũng đã một vài lần “bốc”… nhầm thuốc. Những chương trình như “Các chương trình R&D quốc gia” hay “Dự án G7” đã không mang lại hiệu quả mong muốn trong sự kỳ vọng của nhiều chuyên gia về chiến lược chính sách. Chỉ đến những năm gần đây, khi viện KISTEP được thành lập, Hàn Quốc đã nhìn ra thế giới bên ngoài học tập kinh nghiệm và mô hình phát triển KHCN của một số nước như Úc, Nhật, Pháp,… sau đó điều chỉnh và áp dụng phát triển KHCN tại nước mình. Pioneer không phải là chương trình do Hàn Quốc “sáng tạo” ra, mà thực chất, đây là một chương trình “tích hợp” kinh nghiệm từ một số nước thành công đi trước. Chính vì vậy, khi áp dụng cho Việt Nam, các chuyên gia đã phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh KHCN trong nước. Do đó Pioneer không phải là một “thuật toán đa năng” và cũng không phải là một phép nhiệm mầu. Nhưng nó sẽ là một liều thuốc hiệu nghiệm nếu chúng ta “nghiêm túc” và nỗ lực hết khả năng thực hiện theo những quy chuẩn chặt chẽ.
Định hướng của chương trình Pioneer là xét chọn các nhóm nghiên cứu mạnh, đánh giá các đề cương nghiên cứu, lựa chọn nhà nghiên cứu xuất sắc và nuôi dưỡng họ cho các nhóm nghiên cứu mạnh quốc gia với mục đích là phát triển và làm chủ các công nghệ chủ chốt, đa ngành đạt trình độ quốc tế sau đó chuyển giao cho các doanh nghiệp. Pioneer coi các nhóm nghiên cứu mạnh đóng vai trò quan trọng liên kết viện, trường và doanh nghiệp. Theo TS.Hwang, “Mục tiêu của chương trình này là đến năm 2011 có thể lựa chọn và nuôi dưỡng khoảng 200 nhóm nhiên cứu mạnh”. Các nhóm nghiên cứu có thể được thành lập ở trường, viện hay doanh nghiệp. Mỗi nhóm nghiên cứu chỉ ở quy mô trung bình nhỏ với lượng nghiên cứu viên chủ chốt từ 3-4 người. Kinh phí đề xuất hỗ trợ đề tài mỗi năm khoảng 150 nghìn USD-nhiều hơn các đề tài thuộc các chương trình khác. Thời gian hỗ trợ cho mỗi đề tài là 4 năm và sẽ tiến hành đánh giá giữa kỳ để loại khoảng 20% đề tài có xếp hạng thấp. Tất cả là một quy trình đồng bộ, chặt chẽ theo những chuẩn mực quốc tế. So với mặt bằng chung thế giới, do kinh phí đầu tư cho KHCN của Việt Nam không nhiều nên cần phải lựa chọn và tập trung vào những đề tài công nghệ mục tiêu. Vì vậy, nhiệm vụ đổi mới quản lý hoạt động KHCN và nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho R&D là việc làm cần thiết nhất. Để làm được việc này, theo các chuyên gia, chúng ta cần phải “khẩn cấp nhập khẩu và thích ứng các kỹ năng tiên tiến trong quản lý R&D”.
Lương bổng của những nhà khoa học Việt Nam ở những viện nghiên cứu, trường đại học còn rất thấp không thể khuyến khích họ đầu tư cho sáng tạo. Chính vì vậy mà Pioneer tạo ra những ưu đãi xứng đáng cho những nghiên cứu viên, đặc biệt là những nghiên cứu viên chính. TS.Hwang cho biết, “Chi phí nghiên cứu có thể bao gồm tiền lương cho những nghiên cứu viên chính trên cơ sở điều chỉnh 150 nghìn USD”. Ngoài ra, cơ sở vật chất sẽ được đầu tư thỏa đáng cung cấp cho những nghiên cứu viên phương tiện và môi trường nghiên cứu tốt nhất để có thể tiến hành phát triển những công nghệ mục tiêu. TS.Hwang nhấn mạnh, “Tất cả 17 phòng thí nghiệm trọng điểm đang triển khai sẽ cần phải được khai thác hiệu quả thông qua cơ chế hoàn chỉnh phù hợp”.
“Cần có một cơ sở dữ liệu chính xác và công tâm”
Có một thực tế là KHCN Việt Nam có vẻ như rất thiếu những nhà khoa học có trình độ cũng như khả năng làm R&D thực sự để có thể đáp ứng được nguồn nhân lực của Pioneer. Xua tan những lo lắng trên, TS.Hwang tự tin, “Trên những thông tin có được trong quá trình khảo sát hiện trạng hoạt động KHCN, tôi thấy rằng, Việt Nam không thiếu những nhà khoa học có năng lực. Quan trọng là tuyển chọn và nuôi dưỡng họ như thế nào để họ trở thành những nhà khoa học tài năng”. Như để bổ sung cho nhận định của TS.Hwang, TS.Sang-Sung Nam cho biết, “Số lượng những nghiên cứu sinh và tiến sỹ trong các truờng đại học, viện nghiên cứu có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Những người này có thể gửi đến những trung tâm nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, sau khi trở về sẽ trở thành nguồn lực dồi dào. Ngoài ra, Việt Nam cũng có một lượng đáng kể những nhà khoa học Việt kiều”. Theo các chuyên gia, đẩy mạnh đào tạo các nhà nghiên cứu, tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp KHCN Việt Nam vượt qua điểm yếu của chính mình.
Một điều nữa được các chuyên gia nhấn mạnh đó là, đối với quá trình xét chọn những nghiên cứu viên xuất sắc cho từng nhóm nghiên cứu mạnh quan trọng nhất là phải có một cơ sở dữ liệu chuyên gia đầy đủ, tin cậy để Hội đồng đánh giá có thể lựa chọn những chuyên gia có năng lực, đặc biệt là những chủ nhiệm đề tài trên cơ sở những thông tin hồ sơ của họ. Những chủ nhiệm đề tài phải được đánh giá thông qua cơ sở dữ liệu tin cậy, được thẩm định để tìm ra những tiêu chí cần thiết như phải có bài báo công bố trên những tạp chí chuyên ngành uy tín, bằng phát minh sáng chế, có kinh nghiệm R&D thực sự. Không nên quá chú trọng vào bằng cấp mà phải xét thực danh. TS.Hwang cho rằng, quan trọng hơn hết là chúng ta phải xây dựng được cơ sở dữ liệu chuyên gia chi tiết, đầy đủ, chính xác và công tâm. Và ở đây, vai trò của Hội đồng đánh giá là tối quan trọng quyết định thành công của chương trình. Hội đồng tổng hợp phải gồm ít nhất 20 chuyên gia là các nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu, và thậm chí bao gồm cả những nhà quản lý từ các công ty. Còn thành viên của Hội đồng chuyên môn phải là những nhà khoa học xuất sắc, dày dạn kinh nghiệm.
TS.Sang-Sung Nam nhấn mạnh, “Những nhà nghiên cứu giỏi không chỉ ở năng lực mà phải có chí hướng lớn. Đặc biệt, trong KHCN không thể đi nhanh. Nếu gấp quá sẽ hỏng. Chúng ta không chỉ cần những nhà khoa học thông minh mà quan trọng hơn, phải vạch ra được hướng đi đúng đắn”.
Pioneer đã được các chuyên gia Hàn Quốc làm sáng tỏ nhưng có vẻ như vẫn còn là một “bài toán” cho các nhà quản lý và khoa học Việt Nam.