Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam: THÊM CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VỪA VÀ NHỎ

“Sau hai năm, cơ hội đầu tư ở Việt Nam đã tăng lên 5 lần. Và đây là thời cơ tốt cho đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam” – Tại phiên họp thứ 15 của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Mạnh Hải thuật lại nhận xét của lãnh đạo tập đoàn IDG tại Việt Nam như vậy.

Việt Nam hiện đã có một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động như quỹ của tập đoàn IDG (Mỹ), Quỹ Đầu tư mạo hiểm MeKong, nhưng các quỹ này chủ yếu chỉ đầu tư vào công nghệ thông tin, vì vậy việc ra đời một quỹ đầu tư mạo hiểm huy động được các nguồn vốn trong và ngoài nước để thúc đẩy nền công nghệ cao, công nghệ mới của Việt Nam vẫn rất cần thiết. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường công nghệ, Bộ KH&CN vừa trình Thủ tướng đề án Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao Việt Nam (VNFCF – Vietnam Venture Capital Fund) với số vốn dự kiến 450 tỷ đồng, nhằm thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu công nghệ cao.

“Mạo hiểm” hay  “Triển vọng”?
Khái niệm “quỹ đầu tư mạo hiểm” bắt nguồn từ Mỹ. Đó là phương thức đầu tư mà theo đó nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp mới thành lập, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán (chủ yếu là doanh nghiệp khoa học và công nghệ). Khác với đầu tư tài chính thông thường, đối tượng được đầu tư mạo hiểm phần lớn là doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới có quy mô vừa và nhỏ trong giai đoạn khởi nghiệp.Vì đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ mới nên độ rủi ro rất cao, nhưng thành công thì lợi nhuận rất lớn. Một trong những đặc điểm của đầu tư mạo hiểm là nhà cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm không trực tiếp cung cấp vốn cho doanh nghiệp mà thông qua một tổ chức chuyên nghiệp để thực hiện đầu tư và quản lý vốn đầu tư.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, không nên dùng từ “đầu tư mạo hiểm” vì nó gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư. Đã là nhà đầu tư thì ai cũng muốn sinh lãi. Vì vậy nên đặt tên Quỹ là “Quỹ đầu tư triển vọng công nghệ cao Việt Nam”.

 
TS Trương Hữu Chí

TS Trương Hữu Chí thì cho rằng, việc đặt tên Quỹ là “Quỹ Đầu tư Mạo hiểm công nghệ cao” sẽ tạo ra 2 vấn đề: Thứ nhất, gây ra tranh cãi khái niệm công nghệ cao, và trong thực tế, không phải tất các các dự án công nghệ cao đều mang lại hiệu quả kinh tế. Thứ hai, hạn chế Quỹ chỉ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong khi nhiều dự án công nghệ mới có thể không được xếp vào vào loại công nghệ cao lại mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn.
Một ví dụ cụ thể về việc chuyển giao công nghệ chế tạo trạm trộn bê tông tự động của IMI năm 1997. Đây là sản phẩm cơ điện tử do IMI nghiên cứu, có trình độ công nghệ tiên tiến nhưng không thể gọi là công nghệ cao, khi chuyển giao sản xuất thì các nhà khoa học phải bỏ tiền cá nhân để đầu tư (do chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm). Từ công nghệ này, đã có 3 công ty được hình thành và phát triển với tổng doanh thu gần 300 tỷ đồng/năm. Tỷ suất lợi nhuận/vốn là 70%/năm. Một dự án triển khai công nghệ như vậy có đủ điều kiện để Quỹ đầu tư Mạo hiểm đầu tư hay không?
“Theo tôi, nên đổi tên Quỹ thành ‘Quỹ Đầu tư Mạo hiểm công nghệ thích hợp Việt Nam’. Việc thay ‘công nghệ cao’ thành ‘công nghệ thích hợp’ là phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam, đồng thời mở rộng đối tượng đầu tư, làm tăng tính hiệu quả của Quỹ” – TS Chí phát biểu – “Ngoài ra, tên viết tắt của Quỹ là VNVCF, gồm 5 phụ âm, không có nguyên âm là rất khó đọc, khó nhớ, nên chọn tên khác để dễ nhớ hơn”.
Là người thạo tiếng Trung Quốc, GS Nguyễn Hoa Thịnh cho rằng tên “Quỹ Đầu tư Mạo hiểm” là hợp lý: “ Mạo là ‘xông vào’, ‘hiểm’ là ‘nguy hiểm’, đúng với tính chất của việc kinh doanh nhiều rủi ro này”. Đồng ý với GS Nguyễn Hoa Thịnh, GS Đỗ Huy Định cũng cho rằng “phải giữ nguyên tên ‘Mạo hiểm’ để người đầu tư nhận thức rõ tính chất của Quỹ”.

Nguồn vốn và phương thức điều hành
Ông Đỗ Văn Lộc, Quyền Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN cho biết: Con số 450 tỷ đồng mà Dự thảo điều lệ Quỹ đưa ra là dựa trên dự kiến số doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang chuẩn bị hình thành, kinh nghiệm từ Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG và từ 19 quỹ công nghệ cao của Trung Quốc (vốn từ 100 – 1.400 tỷ đồng). Như vậy Quỹ đầu tiên của Việt Nam có số vốn bằng gần 1/3 quỹ của IDG và bằng một quỹ trung bình trong 19 quỹ của Trung Quốc.
Về phương thức đầu tư, Quỹ sẽ đầu tư vào doanh nghiệp dưới dạng góp vốn cổ phần (không quá 30% tổng số vốn của dự án đầu tư), mua lại cổ phần chứng khoán của doanh nghiệp công nghệ cao. Lấy mục tiêu hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao là cơ bản, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu chính nên Quỹ sẽ được Nhà nước bảo đảm cấp vốn từ ngân sách.
Để tăng nguồn vốn, Quỹ được phép huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách của các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước.
Bộ máy điều hành Quỹ gồm Hội đồng Quản lý Quỹ (năm thành viên, do Bộ trưởng KH&CN thành lập), Giám đốc Quỹ, Hội đồng Thẩm định đầu tư.  Bộ KH&CN phối hợp cùng Bộ Tài chính để kiểm soát hoạt động đầu tư. Chi phí quản lý của Quỹ hàng năm không vượt quá 2,5 % tổng số vốn của Quỹ.
Không đồng ý với mục tiêu “cơ bản là hỗ trợ” của Quỹ, GS Nguyễn Công Nghiệp cho rằng đầu tư mạo hiểm là chấp nhận rủi ro để tìm kiếm lợi nhuận cao theo “nguyên tắc của thị trường”. Kinh nghiệm cho thấy, sự bao cấp quá sâu của nhà nước (như mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm của Đức) đã làm quỹ này hoạt động không hiệu quả.
Nhận định “Việt Nam chưa có những tập đoàn kinh tế mạnh nên trong giai đoạn trước mắt, việc hình thành Quỹ bằng nguồn vốn nhà nước là cần thiết”, song Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng: “Có quá nhiều cơ quan tham gia vào điều hành quỹ. Sẽ không có ai chịu trách nhiệm thực sự nếu Quỹ hoạt động không hiệu quả. Chí phí điều hành 2,5%/năm của 450 tỷ là 11,25 tỷ mà không có bất cứ cam kết gì về kết quả hoạt động là không phù hợp với yêu cầu sử dụng ngân sách có hiệu quả.”
“Từ kinh nghiệm của Mỹ cho thấy, trình độ của người chủ đầu tư triển vọng cả về công nghệ, kinh doanh và tài chính là quyết định. Người đầu tư phải có lợi ích trực tiếp, gắn với đầu tư, từ đó mới nỗ lực tối đa để thu lời qua đầu tư”. Theo ông, giải pháp để vận hành quỹ một cách tốt nhất trong giai đoạn hiện nay là đầu tư trực tiếp mà thông qua một tổ chức chuyên nghiệp. “Công chức nhà nước không thể có đủ quan tâm và dám chịu rủi ro để điều hành một công ty hay quỹ như thế này” – Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

Việt Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)