Rừng nhiệt đới biến đổi khiến loài động vật lớn và tông người tuyệt chủng

Trong một công bố xuất bản trên tạp chí Nature ngày 7/10 “Environmental drivers of megafauna and hominin extinction in Southeast Asia”, các nhà khoa học ở khoa Khảo cổ học ở Viện Max Planck về Khoa học lịch sử loài người (Đức) và Viện Nghiên cứu tiến hóa con người ở Đại học Griffith (Úc) đã phát hiện ra việc mất đi các đồng cỏ ở Đông Nam Á là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động vật lớn (megafauna) trong khu vực, thậm chí có thể còn cả người cổ đại nữa.


Bức tranh tái hiện lại đồng cỏ ở khu vực Đông Nam Á vào giữa Thế Pleistocene. Nguồn: Phys.org

“Những cuộc thảo luận toàn cầu về sự tuyệt chủng của các loài động vật lớn thường bỏ qua khu vực Đông Nam Á”, Phó giáo sư Julien Louys, người dẫn dắt nghiên cứu cho biết. “Nhưng thực tế, khu vực này từng tồn tại một cộng đồng động vật có vú phong phú với kích cỡ khổng lồ, giờ đây tất cả đều tuyệt chủng”.

Thông qua việc nghiên cứu các đồng vị bền trong răng của động vật có vú hiện nay và hóa thạch, các nhà nghiên cứu có thể tái dựng, tìm hiểu các động vật trong quá khứ chủ yếu ăn cỏ hay lá cây, cũng như điều kiện khí hậu tại thời điểm chúng còn sống. “Từ những hướng phân tích khác nhau, chúng tôi có được một bức tranh sơ bộ nhưng độc nhất vô nhị về chế độ ăn của các loài này và môi trường sinh sống của chúng”, TS. Patrick Roberts ở Viện Max Planck, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. 

Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp các dữ liệu đồng vị của các điểm hóa thạch trải dài suốt Thế Pleistocene, khoảng 2,6 triệu năm trước, cũng như bổ sung 250 phép đo mới về các loài động vật có vú ở Đông Nam Á – trước đây chúng chưa từng được nghiên cứu theo cách này. Họ chỉ ra rằng rừng nhiệt đới đã phát triển mạnh ở khu vực từ Myanmar tới Indonesia hiện nay trong suốt giai đoạn đầu của Thế Pleistocene nhưng sau đó bắt đầu nhường chỗ cho các đồng cỏ. Các đồng cỏ phát triển mạnh nhất vào 1 triệu năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho những loài động vật ăn cỏ lớn như voi răng kiếm, cũng như những loài họ hàng gần nhất với con người phát triển mạnh. Sự biến đổi lớn lao trong hệ sinh thái mang lại lợi ích cho một số loài, song cũng dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài động vật khác, chẳng hạn như loài linh trưởng to lớn nhất từng xuất hiện trên hành tinh: vượn gigantopithecus.

Tuy nhiên, như chúng ta biết hiện nay, sự biến đổi này không phải là vĩnh viễn. Những cánh rừng nhiệt đới đã bắt đầu quay trở lại khoảng 100 000 năm trước, cùng với hệ động vật rừng mưa nhiệt đới cổ điển được coi là yếu tố sinh thái chính trong khu vực này.

Sự mất mát của nhiều loài động vật lớn ở Đông Nam Á thời cổ đại liên quan đến sự suy giảm của các đồng cỏ này. Tương tự như vậy, những loài người cổ đại từng xuất hiện trong khu vực này, chẳng hạn như Homo erectus (Người đứng thẳng) không thể thích nghi với việc rừng phát triển trở lại.

“Chỉ có duy nhất loài của chúng ta, Homo sapiens, mới có những kỹ năng cần thiết để khai phá và phát triển thành công trong môi trường rừng nhiệt đới”, Roberts cho biết. “Tất cả những loài hominin (tông người) khác dường như không thể thích nghi với môi trường năng động và khắc nghiệt này”.

Một điều trớ trêu là các loài động vật lớn sống ở rừng mưa nhiệt đới hiện nay đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, nhiều loài trong số đó ở mức cực kì nguy cấp. Đây là hệ quả từ hoạt động của loài hominin duy nhất còn sống sót ở khu vực này trên thế giới, đó là con người.

“Thay vì được hưởng lợi từ sự mở rộng của rừng mưa nhiệt đới trong hàng ngàn năm qua, các loài động vật có vú ở Đông Nam Á đang đứng trước mối đe dọa chưa từng thấy từ các hoạt động của con người”, Louys nhận xét. “Bằng cách chiếm đoạt những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn thông qua việc mở rộng các đô thị, phá rừng và săn bắn quá mức, chúng ta sẽ mất đi một số loài động vật to lớn cuối cùng còn sót lại trên Trái đất”.

Thanh An dịch 
Nguồn: https://phys.org/news/2020-10-tropical-forest-drove-megafauna-hominin.html

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)