Rừng thế giới ngày càng teo lại
Các nhà nghiên cứu Mỹ, với sự hỗ trợ của các nhân viên Google, đã phân tích và xử lý trên 650.000 bức ảnh vệ tinh do Lansat-7 cung cấp để đánh giá về tình hình rừng trên thế giới từ năm 2000 đến năm 2012.
Nhìn chung, theo nhóm nghiên cứu này, diện tích rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới – nơi có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đang bị teo lại.
Một số kết quả quan trọng rút ra từ việc nghiên cứu, thu thập dữ liệu:
• Từ năm 2000 đến 2012, toàn thế giới đã mất đi 2,3 triệu km2 rừng, lớn hơn diện tích nước Mông Cổ. Cũng trong thời gian đó đã hình thành 800.000 km2 rừng mới trồng.
• Brazil đã thành công trong việc bảo vệ rừng. Trong khi từ 2003 đến 2004, nước này đã phá khoảng 40.000 km2 rừng thì tới 2010 và 2011, mức độ triệt hạ rừng đã giảm một nửa.
• Tại Indonesia tỷ lệ rừng bị triệt hạ tăng. Từ 2011 đến 2012 đã biến mất gần 20.000 km2 rừng mưa nhiệt đới – tăng trên gấp đôi so với thời kỳ bắt đầu tiến hành quan sát. Bất chấp một lệnh cấm của chính phủ ban hành năm 2011, những tháng sau đó việc triệt hạ rừng đã diễn ra mạnh mẽ hơn.
• Sự mất mát rừng ngày càng tăng còn diễn ra ở Malaysia, Paraguay, Bolivia, Sambia và Angola.
• 32% diện tích rằng bị giảm trên toàn thế giới là rừng nhiệt đới.
• Trong khoảng thời gian từ năm 2000-2012, ở vùng đông nam Mỹ đã khai thác 31% diện tích rừng đồng thời song song là việc trồng lại rừng. Điều này phản ánh việc thâm canh rừng ở Mỹ.
• Diện tích rừng ở vùng ôn đới chỉ giảm nhẹ, ở đây cũng có nhiều diện tích trồng mới rừng. Tại Đức trong khoảng thời gian từ năm 2000-2012, theo nghiên cứu này, đã có 4.980 km2 rừng bị biến mất, trong khi diện tích trồng mới là 2585 km2.
Theo Matthew Hansen thuộc ĐH Maryland, một trong những tác giả tham gia công trình nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí “Science”, việc xây dựng bản đồ thế giới được hoàn thành nhờ có ba sự thay đổi. Thứ nhất, chương trình “Landsat 7” với “Enhanced Thematic Mapper Plus” (ETM+) khởi động năm 1999 đã tiến hành thu thập dữ liệu toàn cầu. Thứ hai, việc tiếp cận các lưu trữ của “Landsat” từ năm 2008 không mất tiền, nhờ đó các nhà khoa học có thể sử dụng rất nhiều bức ảnh để xây dựng bản đồ rừng rộng 128,8 triệu km2. Và thứ ba, nếu trước đây việc tính toán với các máy tính riêng lẻ mất khoảng 15 năm thì giờ đây nhờ Cloud Computing công việc được hoàn tất trong vòng vài ngày.
Xuân Hoài dịch