Ruth Belville: nhà cung cấp dịch vụ

Để có thời gian chuẩn (chính xác) hiện giờ đối với chúng ta là một việc quá dễ dàng. Thế nhưng vào những năm 1930 ở Luân Đôn, Thủ đô của đất nước công nghiệp Anh quốc, để biết được thời gian chuẩn, người ta chỉ có thể nghe các tiếng bíp trên đài phát thanh, đặt mua dịch vụ thời gian bằng điện báo hoặc hàng tuần đến gặp... Ruth Belville- một bà cô hơn tám mươi tuổi. Trong vòng hơn 50 năm, Belville đã dùng một chiếc đồng hồ có tuổi già hơn cả bà để “mang” thời gian chuẩn Greenwich từ Royal Observatory (Đài thiên văn Hoàng gia) tới vài chục khách hàng nằm rải rác trong thành phố. Điều kỳ lạ là mặc dù các công nghệ mới thay nhau ra đời nhưng dịch vụ này vẫn tiếp tục phát đạt

Nhu cầu của sự “chính xác”
Vào đầu thế kỷ 19 ở Luân Đôn, thời gian chuẩn là một “sản phẩm dịch vụ” có nhu cầu rất cao nhưng lại ít người cung cấp. Lúc đó, tuy các loại đồng hồ đã xuất hiện và phổ biến trên thị trường nhưng một chiếc đồng hồ tốt theo đúng nghĩa là luôn phải được đặt giờ chuẩn. Phần lớn những người có đồng hồ lúc đó chỉnh đồng hồ theo mặt trời. Nhưng như vậy thì đồng hồ chỉ có độ chính xác tương đối. Muốn có giờ chuẩn thì phải làm thế nào? Ở thời đó, phần lớn thời gian chuẩn chỉ có thể hỏi ở các nhà thiên văn học, những người luôn cần tới sự chính xác để phục vụ việc quan sát, nghiên cứu các vì sao. Và như vậy, họ cũng là những người cung cấp dịch vụ thời gian chuẩn cho các thủy thủ để họ có thể tính toán được kinh, vĩ độ khi đi thuyền. “Nếu ai đó muốn có giờ chuẩn, họ có thể tới các đài thiên văn hoặc hỏi Nhà thiên văn Hoàng gia”, David Rooney, người hướng dẫn tại Đài thiên văn Hoàng gia nói.
Các nhà sản xuất đồng hồ chính xác hơn ai hết chính là những người cần có giờ chuẩn trong suốt quá trình chế tạo đồng hồ. John Pond, Nhà thiên văn Hoàng gia lúc đó phát ốm vì quá nhiều người tới hỏi thời gian chuẩn và tất nhiên cả phía các nhà sản xuất đồng hồ cũng chẳng muốn quấy rối quá nhiều các nhà thiên văn. Và họ tìm ra một giải pháp: đề nghị Pond cung cấp một dịch vụ giờ chuẩn bằng cách nào đó cho tiện lợi.
Pond đã giao cho người phụ tá của mình, John Henry Belville công việc này. Henry đã tìm cách có một thời gian biểu thích hợp để có thể “cung cấp dịch vụ thời gian chuẩn” cho khách hàng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, Pond đưa cho Henry chiếc đồng hồ của một trong những nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng nhất lúc bấy giờ-John Arnorl & Son. Chiếc đồng hồ này thực tế là được làm cho công tước xứ Sussex, George IV, một người cực kỳ đam mê chơi đồng hồ. Tuy nhiên, chiếc này quá lớn so với yêu cầu của công tước. Do vậy, ông gửi trả lại nó cho nhà sản xuất. Nhận được chiếc đồng hồ, Henry liền thay chiếc vỏ vàng bằng bạc bởi ông không thích quá phô trương.

Dịch vụ khởi sắc và kẻ ngáng chân

Henry chính thức bắt đầu cung cấp dịch vụ “thời gian chuẩn” vào tháng 6/1836 và sử dụng phương tiện đi lại là xe lửa. Lúc đó ông có tới 200 khách hàng gồm không chỉ các nhà sản xuất mà cả những người sửa chữa đồng hồ, ngân hàng và các công ty lớn. Các doanh nhân lúc đó nhận thức rất rõ ràng về tầm quan trọng của thời gian chính xác bởi nó ảnh hưởng tới các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, trên đường “giao hàng”, ông thỉnh thoảng cũng dừng lại ở một vài gia đình để cung cấp cho họ thời gian chuẩn. Lúc đó, đối với một số cá nhân, có thời gian chuẩn cũng là có một cái gì đó tượng trưng cho sự “sành điệu” và địa vị xã hội.
Khi Henry qua đời vào năm 1856, công việc của ông được chuyển sang cho người vợ góa. Đến năm 1892, bà giao việc này cho người cháu gái Ruth. 16 năm kế tiếp sau đó, Ruth thầm lặng tiếp tục công việc. Vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần, cô gái rời ngôi nhà mình ở Berkshire để tới Greenwich. Ở đó, cô chỉnh lại đồng hồ theo giờ chuẩn, lấy giấy chứng nhận và lên đường phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, tới năm 1908, công việc đều đặn của Ruth đã gặp một trở ngại lớn: một doanh nghiệp lớn trong cùng lĩnh vực muốn hất cẳng cô ra khỏi thị trường này. Câu chuyện này thực ra mới được làm sáng tỏ vào năm ngoái khi người ta đi tìm tư liệu cho Phòng bảo tàng thời gian của Đài thiên văn Hoàng gia.

 
Thời gian chính xác, một “món hàng” xa xỉ ở Anh nửa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20

Trong đống tư liệu của đại học Cambridge, nhà sử học Rooney đã tìm thấy một tập hồ sơ bao gồm các thư từ và thông cáo báo chí. Từ các hồ sơ này, ông tìm kiếm thêm các thông tin liên quan để tái dựng lại câu chuyện.
Câu chuyện bắt đầu vào ngày 4/3/1908 khi “ngài” St John Wynne đọc một bài phát biểu trước nhóm các nhà tư vấn và ủy viên hội đồng thành phố Luân Đôn. Với tựa đề “Yêu cầu của sự đồng bộ”-A Plea for uniformity,  chủ đề chính của bài phát biểu này nói tới sự cần thiết thống nhất giờ chuẩn trên cả nước Anh. Wynne cho rằng một xã hội hiện đại và hiệu quả trước hết cần phải thống nhất được giờ chuẩn trong toàn xã hội đó. Mặc dù múi giờ GMT (Greenwich Mean Time) được coi là giờ chuẩn ở Anh từ năm 1880, Wynne vẫn “cảm thấy” có quá nhiều người và doanh nghiệp phụ thuộc vào việc “lấy giờ chuẩn”. Dịch vụ báo giờ bằng điện báo điện tử là một phương thức rất tốt và đã được thực hiện từ những năm 1852. Như vậy chẳng cần phải nhờ tới các phương thức truyền thống khác đã lỗi thời và ít hiệu quả. Trong buổi nói chuyện đó tất nhiên có một số người đang sử dụng dịch vụ của Ruth.
Theo những gì tờ The Times đưa tin sau đó 3 ngày, Wynne đã phê phán kịch liệt dịch vụ của Ruth. “Điều kỳ cục là vẫn có những công ty hiện nay không biết làm thế nào để có giờ chuẩn và một phụ nữ có trong tay một chiếc đồng hồ chính xác, được trang bị thêm một giấy chứng nhận của Đài thiên văn Hoàng gia có thể thực hiện dịch vụ “bán” thời gian chuẩn”.
Trên thực tế, dường như Wynne không trực tiếp phê phán dịch vụ của Ruth mà ám chỉ tới Ruth, nhờ sắc đẹp và sự duyên dáng của phụ nữ mới có thể vào được đài thiên văn để lấy giờ chuẩn và sau đó “bán lại”. Nếu không có lợi thế đặc biệt này, liệu cô có duy trì được việc làm ăn của mình?
Nhưng Wynne là ai? Ông ta chính là Giám đốc của Công ty Giờ chuẩn (Standard Time Company-STC), công ty tư nhân lớn nhất cung cấp giờ chuẩn qua điện báo ở Anh. Âm mưu của Wynne đã rõ ràng, nếu hất được Ruth ra khỏi thị trường cung cấp dịch vụ thời gian chuẩn này thì ông ta sẽ kiếm được kha khá khách hàng cũ của cô. Lo sợ việc này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Đài thiên văn Hoàng gia và công việc của mình, Ruth liên tiếp gửi thư xin lỗi tới Nhà thiên văn Hoàng gia lúc đó là William Christie: “Tôi rất lấy làm tiếc vì sự việc này và rất có thể Đài thiên văn cho rằng tôi dính líu tới việc này”. Trong một cuốn nhật ký của mình, Ruth cũng từng viết: “Mình hy vọng Công ty Giờ chuẩn không nên tiếp tục tấn công mình nữa trước công chúng”. Dường như tất cả các nỗ lực phá hoại của Wynne không hề ảnh hưởng nhiều tới công việc của Ruth. Cô tiếp tục dịch vụ của mình trong suốt thời gian 30 năm sau đó. Một điều mà Wynne không nghĩ tới là dịch vụ của công ty ông ta khiến khách hàng phải bỏ ra khá nhiều tiền. Mỗi người thuê dịch vụ phải có một đường truyền điện báo. Mặc dù vậy, việc các tín hiệu điện báo gửi đi bị trục trặc và không tới người nhận là chuyện bình thường. Trong khi đó, Ruth chỉ ngừng cung cấp dịch vụ khi cô bị ốm. Sau năm 1924, các tín hiệu thời gian chuẩn đã được các đài phát thanh phát đi nhưng các thiết bị thu phát không dây lúc đó còn rất tốn kém và đòi hỏi không chỉ giấy phép mà cả hệ thống dây ăng ten rất phức tạp.
Ruth thực sự chỉ ngừng cung cấp dịch vụ của mình khi các tín hiệu truyền thanh về giờ chuẩn ngày càng phổ biến và khi người ta chỉ cần nhấc điện thoại lên là có thể hỏi ngay được giờ chính xác. Lúc đó vào khoảng năm 1939 và Ruth thực sự đã quá già: 86 tuổi. Khi quyết định dừng dịch vụ, Ruth vẫn còn tới 50 khách hàng. 4 năm sau đó, bà qua đời.

Hoàng An
Nguồn tin: NewScientist, 25/2/2006

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)