Sản xuất thịt liên quan đến bùng phát bệnh truyền từ động vật sang người

Trước nhu cầu về thịt động vật ngày càng tăng trên toàn cầu, ba giáo sư từ Trường Khoa học và Nghệ thuật tại Đại học Indiana (Mỹ) đã làm một nghiên cứu phát hiện mối liên hệ có hệ thống giữa số lượng động vật được nuôi làm thịt với các đợt bùng phát bệnh truyền từ động vật sang người.

Sản lượng thịt gia tăng có mối liên hệ với các đợt bùng phát dịch bệnh.

Nghiên cứu có tựa đề “Meat production and zoonotic diseases outbreaks in Asia [Sản xuất thịt và bùng phát bệnh từ động vật sang người ở châu Á]”, đăng trên tạp chí Australian Journal of Agricultural and Resource Economics. Trong công bố, các tác giả xem xét tác động của quá trình sản xuất thịt bò, thịt gà, thịt lợn với các đợt bùng phát bệnh truyền từ động vật sang người. Nghiên cứu phát hiện sản xuất thịt theo quy mô trang trại có thể góp phần làm gia tăng đáng kể các đợt bùng phát bệnh từ động vật sang người ở các nước châu Á, nhất là các tác nhân gây bệnh cúm.

“Trước nghiên cứu này tôi đã viết một bài báo khác”, Phó giáo sư Ore Koren tại Trường Nghệ thuật và Khoa học, đồng tác giả của bài báo, giải thích. “Trong những lần trò chuyện với Amit Hagar [đồng tác giả], chúng tôi bàn về một giả định cho rằng trong ngành công nghiệp chăn nuôi, dịch bệnh sẽ lây lan từ vật nuôi sang người. Và tuy có một số bằng chứng ở cấp độ vi mô về các bệnh cụ thể, chúng ta chưa có đánh giá ở cấp độ vĩ mô. Vì thế, rõ ràng là chúng tôi cần có dữ liệu gốc về các sự kiện cụ thể, như các sự kiện diễn ra tại châu Á”.

Chẳng hạn, họ sử dụng dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xác định 22 mầm bệnh liên quan tới nghiên cứu. Tuy nhiên, dữ liệu từ WHO “có thể không bao gồm những sự kiện nhỏ có thể trở thành các trận đại dịch hoặc dịch bệnh”. Vì thế, Koren cùng các đồng nghiệp xây dựng một bộ dữ liệu gốc tập trung vào các nước châu Á, khảo sát mầm bệnh xuất hiện trong khoảng thời gian 1996-2019. “Chúng tôi tập trung vào các khu vực này bởi vì gần đây khu vực này xuất hiện nhiều mầm bệnh, và nhu cầu về thịt ở các quốc gia châu Á đã tăng mạnh trong những năm gần đây”, Koren nói. 

Mối lo ngại chính mà các tác giả nhấn mạnh là nếu những căn bệnh này lây lan thông qua ngành công nghiệp thịt, thì đây có thể là một vấn đề có tính hệ thống rộng hơn. Chẳng hạn, đợt bùng phát virus Nipah ở Singapore năm 1999 liên quan tới người lao động trong ngành công nghiệp thịt tiếp xúc với thịt bị nhiễm bệnh. 

Một phát hiện quan trọng từ nghiên cứu, trong một quốc gia, sản lượng thịt bò, thịt gà và thịt lợn tăng một triệu tấn trong một năm tương ứng với sự gia tăng các đợt bùng phát dịch bệnh từ 48% đến 530% liên quan đến các mầm bệnh cúm. Dù nhìn thấy được mối tương quan giữa sản xuất thịt và số đợt bùng phát dịch nhưng các nhà khoa học cũng không xác định được mối quan hệ rõ ràng với các bệnh cụ thể, bao gồm các dịch hô hấp như SARS và MERS.

Các nhà khoa học cũng lưu ý, nếu như sản lượng thịt tiếp tục tăng thì có thể dẫn tới những đợt bùng phát lớn ở trong các quần thể, nếu vấn đề này không được các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo ngành công nghiệp giải quyết. Vì thế, nhóm tác giả đề xuất một số cách khả thi để kiểm soát mối đe dọa này, ví dụ như thu thập nhiều dữ liệu hơn và giám sát các đợt bùng phát ở cấp địa phương; các cán bộ địa phương và nhà nghiên cứu có thể theo dõi nông dân thiết kế trại nuôi gia súc để cung cấp bản đồ khả năng mầm bệnh này lây lan.

Một cách thức khác là tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông \lương (FAO) soạn bộ hướng dẫn để phòng ngừa những khu vực có nguy cơ mắc bệnh do tiêu thụ thực phẩm. Ngoài ra, việc chuyển sang tiêu thụ loại thịt có chất lượng cao hơn (thường được sản xuất trong điều kiện vệ sinh tốt hơn) có thể giảm thiểu tác động của mầm bệnh đang lây lan, nhờ thế ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.□

Phương Anh dịch

Nguồn: https://news.iu.edu/college/live/news/37230-iu-professors-discover-robust-link-between-meat

Bài đăng Tia Sáng số 15/2024

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)