Sao Hỏa không có nhiều nước

Trong số các hành tinh của Hệ mặt trời, sao Hỏa là ứng viên sáng giá nhất ngoài Trái đất để tìm kiếm và nghiên cứu sự sống. Loài người đã tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và sức lực cho nhiều cuộc hành trình “tiến tới sao Hỏa”. Vài năm trở lại đây, các nhà khoa học hành tinh bắt đầu tiến hành nghiên cứu cẩn thận hơn về hành tinh đỏ, và những nghiên cứu này tiết lộ rằng Sao Hỏa ít ẩm ướt và “thiếu vắng” các hoạt động thời tiết hơn chúng ta tưởng, thậm chí ngay trong giai đoạn “ấu thơ” của Hệ mặt trời.

Ở khoảng cách trung bình 228 triệu kilômét, sao Hỏa không quá xa Mặt trời, nhiệt độ cao nhất vào mùa hè có thể lên đến 26oC. Ngoài ra, hành tinh này cũng có một bầu khí quyển mỏng với một số hiện tượng thời tiết tương tự như Trái đất của chúng ta. Chính vì thế đã có bao câu chuyện được thêu dệt về những nền văn minh sao Hỏa. Những quan sát trong quá khứ và cả những những bức ảnh chụp bởi những trạm thăm dò không gian gợi ý tồn tại một hệ thống “kênh đào” trên hành tinh này. Trong những năm gần đây, “nước, nước có ở mọi nơi” đã trở thành khẩu hiệu cho những khám phá hành tinh mang tên vị thần chiến tranh. Có nước cũng đồng nghĩa với có…sự sống. Những biển muối nông cạn đã từng trị vì sao Hỏa, và về mặt địa lý, trong quá khứ, nước đã từng chảy tạo thành những rãnh xói mòn. Những khám phá mới đây được trang bị những thiết bị khoa học tân tiến nhất với những camera và phổ kế có độ phân giải cao đã nói với chúng ta rằng, những điều tượng tưởng của con người về một sao Hỏa chan hòa bởi nước đã dần bị tước đoạt.

“Khô” hơn chúng ta nghĩ
Các phân tích từ những quan sát thực hiện bởi những robot tự hành và các tàu quỹ đạo, cũng như những chi tiết chưa từng được thấy từ trước tới nay cung cấp bởi sứ mệnh thăm dò MRO đã mang tới nhiều điều sáng tỏ về mặt địa lý để giải quyết câu hỏi có tồn tại nước trên bề mặt sao Hỏa hay không? “Trong suốt một thời gian dài sao Hỏa chỉ là một bãi hoang tàn và đổ nát”, nhà địa hóa học Scott mcLennan, Đại học Stony Brook, New York, kết luận.
 

Một kho tàng số liệu phong phú thu được từ thiết bị chụp ảnh độ phân giải cao HiRISE (Thí nghiệm Khoa học Chụp ảnh phân giải cao) của MRO có thể “chớp” một tảng đá có kích thước nửa mét. Với độ phân giải cực mạnh như vậy,  Alffred McEwen và cộng sự đang hăm hở lao vào cuộc tìm kiếm “nước”. Và mới đây, họ thông báo đã chụp được những lớp trầm tích sáng màu xuất hiện thành hai rãnh giữa đường quét của camera MOC gắn trên tàu quỹ đạo MGS bay quanh hành tinh này. Những lớp vật chất sáng màu này có cấu trúc giống như những dòng chảy mà nhóm nghiên cứu MOC kết luận, các đặc điểm này tiết lộ sự hiện diện của nước. Tuy nhiên, HiRISE giờ đây đã khám phá thêm bốn rãnh sáng khác nhưng các nhà khoa học vẫn không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào khẳng định nước đang tồn tại. Và như McEwen nói, “ Chúng ta phải thay đổi tư duy của chính mình ngay từ bây giờ. Không có gì ở đây cả và cũng không có gì để giải thích. Tất cả những gì có được chỉ là những rãnh khô cằn, bao gồm những mảnh vụn trải dọc triền dốc trên khắp địa hình của hành tinh đỏ”.
Những rãnh mới không phải là những đặc điểm duy nhất giống nước, có tuổi tương đối trẻ và nhóm của HiRISE đang đặt ra những câu hỏi để làm sáng tỏ bài toán tìm nước trên sao Hỏa. Họ đang dùng những thiết bị tân tiến nhất của khoa học để tìm kiếm “nguồn thiết yếu” trên một hoang mạc đỏ quạch lớn hơn cả một nửa Trái đất và nằm ở một nơi xa xôi với loài người gần nhất cũng vài chục triệu kilômét. Frank Chuang (Viện Khoa học hành tinh ở Tucson, Azirona), MEwen và đồng sự thông báo đã quan sát được những địa hình lòng chảo bên ngoài những vệt tối chạy dọc triền dốc. Một số nhà khoa học cho rằng nước đã tạo ra những vệt như thế. Nhưng những cấu trúc địa hình tối được ghi nhận thông qua những bóng xế chiều gợi ý, đó chỉ là những thác bụi khô cằn thay vì có dòng nước chảy.
Lội ngược về các thời kỳ địa chất, nhóm HiRISE đang đặt ra những câu hỏi với mục đích làm sáng tỏ những dấu hiệu tồn tại nước. Hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng, nước chảy từ những vết nứt lớn dưới lòng đất, cắt xuyên qua những dòng nham thạch tạo nên thung lũng Athabasca. McEwen vẫn nghĩ rằng, những thung lũng cổ có khả năng bị những dòng nước chia cắt. Tuy nhiên, giờ đây các nhà khoa học được trang bị với thiết bị có khả năng phân giải lớn hơn như HiRISE, những thung lũng và cả các lớp trầm tích lắng đọng ở đó- mà từng được cho là có khả năng dung dưỡng sự sống dưới bề mặt-bị chôn vùi khoảng vài mét dưới lớp nham thạch. Những quan sát có thể giúp giải thích tại sao rất nhiều trạm nghiên cứu sao Hỏa được giả định là đổ bộ xuống những đáy hồ hay kênh đào nhưng không tìm thấy gì cả, thay vì thế chỉ toàn là nham thạch. Điều này phủ nhận quan điểm cho rằng, sự mở rộng những vùng đồng bằng phẳng-nơi nước được giả định chảy từ thung lũng Athabasca từ hàng triệu năm trước-đang là một biển nước đóng băng.
Cuối cùng, những số liệu mới về những vùng đất thấp ở bắc bán cầu của hành tinh đỏ mà HiRISE thu được đã đưa ra những nghi ngờ về sự tồn tại của một đại dương cổ ở đó. Những dải đất ven rìa được tìm thấy xung quanh một lưu vực hình lòng chảo phẳng phiu. Nhưng những hình ảnh chụp bởi thiết bị HiRISE lại tiết lộ vô số tảng đá có kích thước lên tới 2 mét vương vãi khắp nơi dọc theo những vùng đất thấp nơi cho rằng, có một đại dương sâu từng tồn tại suốt một khoảng thời gian dài trong quá khứ, để lại không một thứ gì lớn hơn một hạt cát. Hoặc có một lớp trầm tích khá mỏng hơn chúng ta dự đoán, hoặc không có một đại dương nào cả?

Nước dưới lòng đất
Tuy nhiên, sao Hỏa không phải đã hoàn toàn khô. Với một quan sát cận cảnh hơn bằng việc sử dụng camera HiRISE, McEwen và đồng sự cho rằng, họ đã quan sát được một nguồn nước nằm ở dưới sâu trong lòng đất. Thay vì nguồn nước từ trên trời “rơi” xuống, họ lại cho rằng có một vật va chạm đã tác động vào lớp vỏ chứa nhiều nước, tạo ra những mảng bùn chảy xuống tạo nên những cấu trúc hình quạt. Thiết bị HiRISE đã chụp được những rãnh có tuổi hàng triệu năm như những giải thích sớm nhất cho các dòng nước chảy.
Những kết quả quan sát của HiRISE có khuynh hướng thu nhỏ vai trò của nước lỏng tồn tại trên bề mặt của sao Hỏa. Băng đá và tuyết trước đó đã từng di chuyển trên khắp hành tinh, khi sao Hỏa nghiêng theo trục quay của nó một cách định kỳ. Nhưng những quan sát thực hiện bởi robot tự hành Opportunity và Spirit tiết lộ một quá trình xói mòn đã diễn ra rất chậm chạp. Chính bởi vậy mà các nhà nghiên cứu kết luận rằng: Nước thể lỏng không nhiều ở 3 tỷ năm trước. Và bộ mặt sao Hỏa với màu sắc đỏ quạnh được cho là từng tồn tại một thời tiết ẩm ướt có vẻ như chỉ là một lớp gỉ sắt mỏng bao quanh những tảng đá giàu oxit sắt. Khí hậu quá khứ của sao Hỏa chỉ mang một chút ẩm ướt. Một sao Hỏa quá khứ được cho là “ấm và ẩm ướt” thực tế có vẻ khô hơn nhiều.
Các nhà khoa học hành tinh đang cùng nhau ngồi lại để chọn ra những vị trí đổ bộ thích hợp cho sứ mệnh thám hiểm sắp tới. Tất cả công việc đang và sẽ triển khai là để tăng cường những nghiên cứu mong tìm ra dấu vết của nước trên sao Hỏa.

Đức Phường (Theo Science)

Tác giả