Sarah Frances Whiting – Chụp ảnh những thứ vô hình

Bằng sự gắn bó sâu sắc với những tiến bộ khoa học đương đại, Sarah Frances Whiting đã đem lại cho sinh viên của mình những trải nghiệm mà rất ít sinh viên thời đó, nhất là sinh viên nữ, có được. Nhờ vậy, các nhà khoa học nữ tại phòng thí nghiệm vật lý của Đại học Wellesley là một trong những nhóm đầu tiên ở Mỹ thực hiện thành công thí nghiệm về tia X.


Sarah Frances Whiting (1847 – 1927).

Tháng hai năm 1896, Sarah Frances Whiting, người sáng lập các khoa vật lý và thiên văn của Đại học Wellesley, thực hiện một loạt các thí nghiệm về tia X. Khám phá của Wilhelm Röntgen mới chỉ được công bố vài tuần trước đó, và bà không phải người duy nhất: các nhà khoa học, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, tại các trường đại học và bệnh viện trên khắp nước Mỹ đều cố gắng lặp lại và mở rộng các kết quả của Röntgen. Nhưng Whiting cùng với một đồng nghiệp và một số sinh viên của Đại học Wellesley là một trong những người đầu tiên thành công. Quan trọng hơn cả, Whiting là phụ nữ đầu tiên – và hầu như chắc chắn là người đầu tiên, tính cả nam và nữ – làm được điều đó trong một phòng thí nghiệm dành cho giảng dạy1. Những tấm kính2 được dùng trong thí nghiệm hiện không còn, nhưng 15 bức ảnh in từ chúng mới được tìm thấy trong một tòa nhà cũ sắp bị phá đi. Chúng là những bằng chứng sống động cho thành công của Whiting.

 

Wellesley, Whiting và một cách giáo dục khoa học mới

 

Đại học Wellesley được hai nhà hảo tâm Pauline Fowle Durant và Henry Fowle Durant sáng lập năm 1870 như một thử nghiệm về giáo dục. Ở nước Mỹ thời đó không có nhiều lựa chọn cho phụ nữ muốn theo học đại học, và ông bà Durant quyết định dùng tài sản của mình để giúp sinh viên và giảng viên nữ có được cơ hội ngang bằng với nam giới [1]. Tìm kiếm giảng viên [nữ] là một thách thức. Trừ một vài ngoại lệ, những thế hệ giảng viên đầu tiên của trường là những phụ nữ độc thân, thời đó bị người ta coi là các “bà cô”. Quan niệm phổ biến là phụ nữ có chồng phải có bổn phận với gia đình và không thể theo đuổi nghiệp học hành. Ngay cả Alice Freeman, vị chủ tịch thứ hai nổi tiếng của Wellesley, cũng phải từ chức sau khi kết hôn vào năm 1887. Các giảng viên sống ở gần trường, thường là với mẹ hoặc chị em; Sarah Whiting sống cùng em gái Elizabeth, người cũng làm việc ở trường.

Là một trong số rất ít những trường đại học ở Mỹ vừa đào tạo vừa tuyển dụng nữ giới, Wellesley nhanh chóng trở thành một bến đỗ cho những trí thức nữ cấp tiến. Giảng viên của trường tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống sinh viên và cùng nhau xây dựng một chương trình học mang tính đòi hỏi cao, tương đương với những chương trình của các trường đại học dành cho nam giới. Nhưng Wellesley cũng chủ động tìm kiếm sự khác biệt với những trường đại học khác. Henry Durant từng nói: “Nếu chúng ta cũng giống như các trường đại học khác, chúng ta sẽ không thể trở thành thứ chúng ta hướng đến [2]”.
 

Nhưng không dễ để xây dựng được một trường đại học thành công cho phụ nữ. Hầu hết phụ nữ ở thời đó bước vào đại học mà không có nền tảng tốt như nam giới, và khá nhiều trong số họ rút lui trước khi tốt nghiệp, để kết hôn hoặc do những áp lực xã hội khác. Khóa đầu tiên, năm 1875, của Đại học Wellesley có 246 sinh viên, nhưng bốn năm sau chỉ có 18 người tốt nghiệp. Để chống lại sự sụt giảm này, ông bà Durant đã lập ra một trường dự bị để giúp sinh viên sẵn sàng với việc học ở đại học. Họ cũng mở rộng chương trình để bao gồm nhiều môn học trong một phạm vi rộng hơn, cung cấp cơ hội việc làm cho phụ nữ trí thức trong nhiều lĩnh vực. Từ năm 1875 đến năm 1921, Wellesley tuyển nhiều nhà khoa học nữ hơn bất kỳ một trường đại học Mỹ nào khác [3].

Một trong những nhà khoa học nổi bật nhất của Wellesley là Whiting, được tuyển làm giảng viên vật lý vào năm 1876. Chúng ta biết về Whiting qua những tác phẩm của bà và qua các bài cáo phó do học trò nổi tiếng nhất của bà, nhà thiên văn học Annie Jump Cannon, sinh viên khóa 1884 [4], viết. Từ nhỏ Whiting đã yêu thích khoa học, một phần nhờ ảnh hưởng và sự khuyến khích của cha bà, một thầy giáo. Năm 1864, sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Ingham, Le Roy, New York, bà bắt đầu dạy toán và văn học Hy Lạp – La Mã tại một trường trung học nữ ở Brooklyn. Whiting, giống như hầu hết các đồng nghiệp ở Wellesley trong những năm đầu, không được đào tạo về khoa học ở bậc đại học, nhưng bà đi nghe giảng để mở rộng kiến thức và tạo được một ấn tượng đủ lớn trong cộng đồng giáo dục để được vợ chồng Durant chú ý. Họ mời bà về dạy ở Wellesley và thu xếp để trong hai năm đầu, bà có thể tham quan và làm việc tại các trường đại học quanh khu vực New England.

Trong hai năm đó, Whiting trở thành người phụ nữ đầu tiên tham dự các lớp vật lý của Edward Pickering tại Viện Công nghệ Massachusettes (MIT). Phương pháp giảng dạy thực hành mới mẻ, trực tiếp của Pickering gây ấn tượng mạnh với Whiting và ông bà Durant, Whiting lấy đó làm hình mẫu để xây dựng chương trình môn vật lý của chính mình. Giống như Pickering, Whiting yêu cầu sinh viên tự thiết kế và thực hiện các thí nghiệm. Cách làm này rất phù hợp với những nỗ lực của Wellesley nhằm khuyến khích sinh viên chủ động trong việc học, và nó nhanh chóng lan sang các môn học khác. Trường phát triển phòng thí nghiệm giải phẫu học so sánh dành cho giảng dạy đầu tiên của nước Mỹ, và dưới sự dẫn dắt của Alice Van Vechten Brown, sinh viên lịch sử nghệ thuật được học và thực hành những kỹ thuật cổ xưa. Cách tiếp cận của Brown gây ấn tượng mạnh với các nhà giáo dục khác đến nỗi nó được gọi là “phương pháp Wellesley” và được áp dụng ở nhiều nơi khác [5].

 

Cơ sở vật chất tại Wellesley

 

Phương pháp dạy vật lý bằng thực hành đòi hỏi nhiều thiết bị thí nghiệm. Phòng thí nghiệm do Whiting sáng lập là phòng thí nghiệm vật lý cho giảng dạy thứ hai ở Mỹ, sau MIT, và là cái đầu tiên dành cho phụ nữ. Khi đó ở Mỹ không có nhiều nhà sản xuất thiết bị thí nghiệm, nhưng nhờ sự ủng hộ hào phóng của ông bà Durant và lời khuyên của Pickering tại MIT, Charles Baker tại Đại học Pennsylvania – người sau này được Whiting gọi là “cha đỡ đầu khoa học” [6] của bà – và nhiều người khác, Whiting cũng có được những thứ bà cần. Bà chọn một số thiết bị của các nhà sản xuất châu Âu được trưng bày ở cuộc Triển lãm Bách niên3 năm 1876 ở Philadelphia và gửi thiết kế chi tiết tới các thợ thủ công ở New England để đặt làm số còn lại. Khi Whiting bắt đầu dạy vật lý vào mùa thu năm 1878, phòng thí nghiệm của bà được trang bị đầy đủ, với những thiết bị để nghiên cứu âm thanh, nhiệt, điện, và cơ học. Bà cũng có một bộ các máy chụp ảnh và các thiết bị quang học phức tạp, trong đó có nhiều máy quang phổ các loại.


Sarah Frances Whiting xem xương bàn tay của mình bằng huỳnh quang nghiệm trong phòng thí nghiệm vật lý của Đại học Wellesley, khoảng 1896. Trên mặt bàn trước mặt bà là một ống Crookes được gắn trên giá và một cuộn Ruhmkorff để điều chỉnh điện áp.

Whiting là một giáo viên tận tâm. Bà viết giáo trình thiên văn học Daytime and Evening Exercises in Astronomy for Schools and Colleges4 (1912), cũng như nhiều bài viết về giáo dục khoa học, tất cả đều nằm trong những nỗ lực đào tạo thế hệ các nhà khoa học nữ tiếp theo. Bà cũng luôn cập nhật những tiến bộ mới nhất để dạy cho sinh viên. Bà từng gặp Thomas Edison và giới thiệu bóng đèn dây tóc của ông với cộng đồng Wellesley để thuyết phục hội đồng quản trị của trường đầu tư vào công nghệ của ông. Bà nghe giảng ở Đại học Berlin và Đại học Edinburgh và trao đổi trực tiếp hoặc qua thư từ với nhiều nhà khoa học Mỹ và châu Âu. Những chuyến đi và những lần gặp gỡ các nhà khoa học là một niềm tự hào đối với bà. Sau này bà hồi tưởng:

Tôi có mặt ở cuộc gặp của Hiệp hội Khoa học Anh5 năm 1881 khi nhiệt kế bức xạ của Langley được công bố, năm 1888 khi những khám phá của Hertz được thảo luận, rồi năm 1896 khi tia X của Röntgen đang là tâm điểm và Ramsey cho tôi một ống chứa chất helium ông ấy mới tìm ra. Ở Hiệp hội Khoa học Mỹ6, tôi có mặt năm 1901, khi Nichols tuyên bố chứng minh được tiên đoán của Maxwell về áp suất ánh sáng. […] Năm 1896, tôi được đặc cách mời đến thăm các phòng thí nghiệm của Dewar tại Viện Khoa học Hoàng gia ở London và chứng kiến tận mắt chiếc máy hóa lỏng khí đang hoạt động. Năm 1896, tôi còn thăm các phòng thí nghiệm của Onnes ở Đại học Leyden đúng vào tuần ông hóa lỏng thành công helium [7].

Bất hạnh thay, là phụ nữ làm việc trong một lĩnh vực thời đó gần như thuộc về nam giới, Whiting và các nhà khoa học nữ khác phải đối mặt với định kiến lớn và số cơ hội rất ít ỏi [8]. Gần về cuối sự nghiệp của mình, bà nghĩ lại về “trải nghiệm có phần căng thẳng khi phải thường xuyên có mặt ở những nơi một phụ nữ không được trông đợi, và làm những việc mà phụ nữ bình thường không làm [6].” Một số nhà khoa học có cách tiếp cận tiến bộ đối với sự hiện diện của các đồng nghiệp nữ. Ở London, Whiting gặp Nam tước Kelvin; trong một bài báo viết cho Science năm 1924, bà nhớ lại ấn tượng mạnh của mình khi ông “không hề ngạc nhiên hay cảnh giác” vì giới tính của bà [9]. Nhưng những người khác thì lo ngại về những điều có thể xảy đến với thế giới tiện nghi của họ nếu có thêm nhiều phụ nữ bước chân vào lĩnh vực của họ. Người ta kể rằng khi Whiting gặp William Crookes vào năm 1888, ông đã nói: “Cúc áo và bữa sáng sẽ ra sao nếu mọi phụ nữ đều biết rõ đến thế về máy quang phổ?” [10]


Một bức ảnh tia X, do Sarah Frances Whiting chụp năm 1896, cho thấy một cặp kính trong bao da và một cái gối cắm kim.

Có lẽ nhận xét của Crookes khiến Whiting buồn cười, vì bà quả thực biết rất nhiều về máy quang phổ. Bà hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm với quang phổ Mặt trời, quang phổ phát xạ của nhiều kim loại, quang phổ hấp thụ của diệp lục, và, trong môn Thiên văn học vật lý bà dạy, phân loại quang phổ sao [11]. Kiến thức đó cùng với xu hướng coi trọng thực nghiệm của bà đã dẫn đến thành công với tia X.

 

Röntgen và tia X

 

Tháng 11/1895, khi quan sát quang phổ tạo ra bởi các chùm tia electron trong một ống tia âm cực, Wilhelm Conrad Röntgen có một phát hiện quan trọng. Một bức xạ lạ phát ra từ ống đi xuyên qua các vật liệu rắn và để lại hình ảnh trên các tấm kính dùng để chụp ảnh. Sau khi dùng hóa chất để cố định những hình ảnh đó, ông dùng những tấm kính âm bản để in ra những bức ảnh giấy tiện cho việc sao chép và vận chuyển hơn. Mặc dù một số nhà khoa học khác đã để ý đến những hiện tượng tương tự, Röntgen là người đầu tiên tìm hiểu các tính chất vật lý của bức xạ đó, mà ông đặt tên là “tia X”, theo chữ cái thường biểu diễn các ẩn số trong toán học. Röntgen công bố khám phá của mình trong Tạp chí của Hội Vật lý – Y khoa Würzburg7 vào cuối năm đó; ban biên tập bỏ qua bài giảng tiền – xuất bản như một cách thừa nhận tầm quan trọng của bài báo.

Mặc dù Röntgen đăng bài ở một tạp chí tiếng Đức ít phổ biến, ông gửi một số bản báo và những tấm ảnh cho các đồng nghiệp. Tin về khám phá của ông bắt đầu xuất hiện trên báo chí tiếng Anh ngày 7/1/1896. Nhiều bài báo được đăng tiếp đó, đỉnh điểm là các bản dịch bài báo của Röntgen trên cả hai tạp chí Nature, ngày 14/1, và Science, ngày 14/2. Đặc biệt, tấm ảnh bàn tay đeo nhẫn cưới của Anna Bertha Ludwig, vợ Röntgen, còn tạo ra một cơn sốt.

Khả năng chụp ảnh những thứ không nhìn thấy được thu hút trí tưởng tượng của công chúng một cách chưa từng có đối với những công bố khoa học trước đó. Nó tạo cảm hứng cho bài hát, thơ, sách, và cả biểu tình. (Phải sau này, các nhà khoa học và các bác sỹ mới nhận ra những nguy cơ do tiếp xúc với tia X [12]) Các nhà vật lý nổi tiếng trên thế giới, cũng như khá nhiều nhà khoa học nghiệp dư, chạy đua để thực hiện lại những thí nghiệm của Röntgen. Năm 1926, một nghiên cứu sinh tại Đại học Davidson (bang Bắc Carolina) tuyên bố mình đã cùng với các bạn học bí mật thực hiện thành công một thí nghiệm tia X vào ngày 12/1/1896; tuy nhiên điều này không thể được chứng thực [13]. Những thí nghiệm được xác nhận thành công đầu tiên ở Mỹ có sự hỗ trợ của các trường đại học nghiên cứu lớn: Arthur Wright tại Đại học Yale, ngày 27/1; John Trowbridge tại Đại học Harvard, ngày 29/1; Edwin Frost tại Đại học Dartmouth, ngày 3/2; Mihajlo Pupin tại Đại học Columbia, ngày 4/2; Arthur Goodspeed tại Đại học Pennsylvania, ngày 5/2; và William Magie tại Đại học Princeton, ngày 6/2 [14].

 

Thí nghiệm tia X của Whiting

 

Ngày 7/2, Whiting bước vào danh sách tinh hoa đó. Có vẻ như bà nghe đến tia X lần đầu tiên nhờ tờ Boston Daily Advertiser vào ngày 14/1. Bài báo đó mô tả các thiết bị thí nghiệm của Röntgen, gồm một ống Crookes, một cuộn Ruhmkorff, và một ắc-quy. Tất cả đều sẵn có ở phòng thí nghiệm của Wellesley, cùng với các tấm kính, giá đỡ, hóa chất chụp ảnh.


Đồng nghiệp Mabel Chase của Sarah Frances Whiting đặt tay trên một tấm kính ảnh và bên dưới một ống Crookes để chụp xương bàn tay của bà, phòng thí nghiệm vật lý của Đại học Wellesley, khoảng 1896.

Whiting được hỗ trợ bởi một đồng nghiệp giảng viên vật lý là Mabel Augusta Chase, người sau này có một sự nghiệp lâu dài tại Đại học Mount Holyoke. Theo phương pháp dạy học của Wellesley, hai giảng viên làm việc cùng ít nhất hai sinh viên: Cannon, người quay lại học thêm một số lớp trước khi tiếp tục học thiên văn tại Đại học Radcliffe và Harvard, và Grace Evangeline Davis, khóa 1898, người sau này trở thành một nhà khí tượng nổi tiếng và dạy vật lý tại Wellesley từ năm 1899 đến năm 1936. Bốn người phụ nữ cùng làm thí nghiệm theo một số cách khác nhau – các vật khác nhau, các thiết bị khác nhau, các khoảng thời gian khác nhau – để tạo ra ít nhất 15 bức “ảnh bóng”, cách Whiting gọi những hình ảnh tia X trên những tấm kính.

Ngoài một số ghi chú trên mặt sau của một số tấm ảnh được in từ những tấm kính đó, Whiting không lưu lại ghi chép nào về những thí nghiệm tia X của mình. Tuy nhiên, ai đó đã thông báo cho tờ Boston Daily Advertiser, và họ đưa tin vào ngày 8/2. Tờ báo còn phỏng vấn Whiting và đăng thành một bài dài trong số ngày 11/2. Trong bài báo đó, bà giải thích tỉ mỉ các kết quả thí nghiệm của mình, về cách sử dụng các nguồn điện, thời gian phơi, và các vật liệu khác nhau để cải thiện chất lượng của hình ảnh và tìm hiểu mức độ xuyên thấu của bức xạ đối với những vật liệu có khối lượng riêng khác nhau.

Một bức thư Cannon viết cho người em họ Ned Jump cho biết thêm về những thí nghiệm đầu tiên của họ. Trên mặt sau của một trang vở bị xé ra, Cannon mô tả chi tiết công việc họ đã làm:

Sáng nay, bọn chị chụp một bức ảnh bằng cái gọi là quy trình Röntgen, nói cách khác là bằng tia âm cực. Hình ảnh không sáng rõ lắm, nhưng điều quan trọng là nó tồn tại. […] Cô Whiting đã dự định làm, vì thế quyết định làm ngay. Thế là bọn chị sắp xếp rất đơn giản. Một dòng điện từ bốn chiếc pin chạy qua một cuộn Ruhmkorff nối với một ống Crookes. Tất cả được để trên một cái bàn, và ngay bên dưới cực âm của ống, bọn chị để một cái giá đỡ nằm ngang giữ khay kính. Phía trên khay, bọn chị để một cái kìm, một cái móc treo tranh, một cái chìa khóa. Bọn chị đóng mạch điện, và để tất cả ở nguyên vị trí đó trong một giờ mười lăm phút. Sau đó cô Chase và chị vào phòng tối để rửa ảnh. Chị không biết có ra được hình ảnh gì không! Chị có chút phấn khích, chắc em cũng hình dung được. Ban đầu có vẻ như không có gì cả. Chị bọc chặt tấm kính để phòng hơi nước. Khi chị nhìn lại thì ô kìa, có một vệt mờ, “Là cái đinh móc,” bọn chị cùng thốt lên, và đúng là nó, rõ ràng, không thể nhầm được. Cái kìm cũng xuất hiện, nhưng cái chìa khóa thì không [15].

Whiting ghi tên của mình và Chase vào một tấm ảnh thí nghiệm cùng với mô tả như sau: “Móc treo tranh và kìm trong hộp gỗ. Lần thử đầu tiên. Phơi sáng chưa đủ, nhưng cho thấy có thể thành công với các thiết bị được dùng, tức là ống Crookes [bà vẽ kèm sơ đồ của ống] để làm hiện ra bóng của phân tử. Thực hiện với cuộn 6 inch.” Cuộn dây trong câu cuối là cuộn Ruhmkorff đường kính 6 inch trên bàn của Whiting.

Dù thiếu phơi sáng, đó vẫn là một kết quả gây hồi hộp và giúp bốn người phụ nữ hiểu rõ hơn cách thực hiện. Bước tiếp theo được tóm tắt trong bức thư của Cannon: “Trong lúc chị viết cho em, bọn chị đang phơi sáng một tấm kính khác. Đó là một sự phơi sáng kỳ quặc chưa từng thấy. Một hộp các-tông đóng kín chứa nhiều đồ kim loại khác nhau được gắn vào giá đỡ với khay kính – tất cả được dựng trước ống Crookes, dòng điện chạy xẹt xẹt. Bọn chị sẽ để như thế hai giờ [15]”.

Vài giờ sau, một Cannon mệt rũ viết thêm một trang cho bức thư. Bà viết: “Chị thức để rửa bức ảnh thứ hai và có được một âm bản tốt. Mọi thứ bên trong hộp đều rõ, nhưng không có dấu vết gì của cái hộp hay của khay kính. Chị mệt quá, không thể viết thêm nữa” [15].

Họ in ra một tấm ảnh từ âm bản đó. Tuy các đồ vật – một cái nhẫn, một cái móc, và hai thứ khác không rõ là gì – còn mờ, nhưng bức ảnh đã khá hơn lần trước. Whiting ghi chú: “Đồ vật kim loại trong hộp gỗ. Bức ảnh thứ hai được chụp ngay sau khi báo chí đưa tin về tia X.” Sau đó, Whiting và Chase thực hiện một thí nghiệm thứ ba, lần này với các khối vật liệu khác nhau, gồm thủy tinh, thạch anh, chất dẻo, phèn, tinh thể khoáng, và muối, để đánh giá độ cản tia X của chúng. Vật liệu khác nhau khiến cho khó xác định được thời gian phơi sáng; bức ảnh không cho thấy sự khác biệt rõ ràng nào giữa các khối, và Whiting ghi chú ở mặt sau: “Một bức ảnh hỏng”.


Sarah Frances Whiting (thứ 4 từ trái sang) và đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.

Những ghi chú của Whiting cho thấy bà muốn theo đuổi và hoàn thiện những thí nghiệm của mình. Với hiểu biết thu được từ ba lần thử đầu tiên, bà tạo thêm những bức ảnh khác. Trong nhiều bức, bà sử dụng các vật dụng của phòng thí nghiệm, như tuốc-nơ-vít, và những chiếc hộp chứa chúng biến mất như một phép màu khi để trước bức xạ. Trong một bức ảnh, bà dùng một số đồ trang sức, có thể của chính bà hoặc của đồng nghiệp, điều này cực kỳ tương phản với những thứ mà các nhà khoa học nam giới sử dụng. Trong những bức ảnh khác có một cặp kính kẹp mũi và một cái gối cắm kim (hình ở đầu bài), dụng cụ, một bàn tay đeo nhẫn và một bàn tay không đao nhẫn.

 

Di sản của Whiting

 

Báo chí Boston và những nơi khác ca tụng thành công của Whiting bên cạnh thành công của các đồng nghiệp nam giới. Nhưng một số người vẫn không thể kiềm chế việc nhắc đến giới tính của bà với một giọng bề trên. Ngày 16/2, tờ Boston Daily Globe dẫn lời một vị giáo sư giấu tên: “Biết đâu mấy phụ nữ ở Wellesley sẽ phám khá ra một loại tia hoàn toàn mới – tia nữ tính, hay đại loại thế. Hoặc họ sẽ phát hiện ra là tia Röntgen có hai thành phần, đực và cái. Mặc dù chưa từng có một phát hiện khoa học vĩ đại nào được phụ nữ tìm ra, nó không có nghĩa là sẽ không bao giờ có, và mọi sinh viên khoa học đều vui mừng khi thấy phụ nữ quan tâm”.

Nhưng Whiting biết những thí nghiệm tia X của mình có ý nghĩa như thế nào đối với giáo dục dành cho nữ giới. Trong một bài báo ngày 11/2 trên tờ Boston Daily Advertiser, bà nói “trường đại học cho phụ nữ quan tâm và hiểu biết về vấn đề không kém các trường cho đàn ông”. Một số bài báo đăng trên các tờ báo ở Boston và tờ New York Tribune cho thấy bà đã có một số bài giảng về tia X tại Wellesley trong tháng hai, tháng ba và tháng tư.

Cũng như các đồng nghiệp ở Wellesley, Whiting tích cực hoạt động trong các cộng đồng đan xen của phụ nữ Boston gồm trí thức, nhà văn, họa sỹ, người vận động bãi nô, người vận động quyền bầu cử phổ thông, và những người cải cách. Bà trở nên nổi tiếng trong những cộng đồng phụ nữ này sau thành công với tia X. Những bức thư được lưu trữ tại Đại học Wellesley cho thấy nhà cải cách Mary Livermore từng mời Whiting đến nói chuyện tại Câu lạc bộ Boston’s Fortnightly, một nhóm phụ nữ đấu tranh cho công bằng xã hội thường xuyên tụ họp nghe nói chuyện về các chủ đề khác nhau. Ngày 14/3, tờ báo của hội, The Woman’s Column, viết về thành công của bài giảng: “Phòng chật kín người nghe Giáo sư Whiting, Đại học Wellesley, nói về ‘Chụp ảnh những thứ vô hình’ (tia Röntgen). Nhiều người còn không tìm được chỗ để đứng”.

Những thí nghiệm tia X của Whiting nhanh chóng được đưa vào chương trình học tại Wellesley. Trong khi Whiting nghỉ dạy năm học 1896-1897 [để nghiên cứu], giảng viên thay thế bà đảm nhiệm môn học; trong vở ghi, hiện còn trong lưu trữ của trường, của Florence Crofut, khóa 1897, có nhiều chỗ đề cập đến “tia Röntgen”. Nhiều năm sau, Lucy Wilson, tốt nghiệp năm 1909 và là người đầu tiên nhận vị trí Giáo sư Vật lý Sarah Frances Whiting vào năm 1945, nhớ lại khi Whiting “cho chúng tôi một trải nghiệm không thể nào quên khi bà cung cấp các dụng cụ thí nghiệm để chúng tôi thực hiện lại thí nghiệm khám phá tia X của Röntgen […] và chúng tôi chụp được ảnh của xương của mình một cách rõ ràng” [16].

Whiting nhớ về nỗ lực tập thể của những người phụ nữ tham gia thí nghiệm với một tình cảm trìu mến. Trên một tấm bưu thiếp Giáng sinh gửi cho Cannon vào khoảng giữa 1914 và 1926, bà nhắc lại một loạt kỷ niệm với người học trò cũ, trong đó có thí nghiệm với tia X [17]. Cannon có lẽ cũng có cùng cảm xúc; trong bài cáo phó về Whiting, đăng ngày 4/11/1927 trên Science, bà viết: “Những sinh viên vật lý ngày đó sẽ luôn nhớ đến nhiệt huyết của cô Whiting khi cô nhanh chóng chuẩn bị cái ống Crookes cũ, và niềm vui khi cô tạo được một trong những bức ảnh đầu tiên của nước Mỹ chụp tiền xu ở trong ví và xương ở trong cơ thể”.

Whiting nghỉ hưu năm 1916, nhưng vẫn tham gia vào các hoạt động ở Wellesley cho tới khi qua đời năm 1927. Mặc dù những thí nghiệm về tia X của bà được nhắc đến trong cáo phó của Cannon và một số học bổng ngày nay, chi tiết và những bức ảnh bằng chứng của chúng đến giờ mới được công bố. Gần như chắc chắn là những thí nghiệm tia X thành công đầu tiên ở một trường đại học bậc cử nhân, chúng có thể thành công là nhờ tâm huyết của Whiting đối với phương pháp giảng dạy bằng thí nghiệm, cũng như sự quan tâm của bà đối với những tiến bộ khoa học. Là những thí nghiệm đầu tiên như vậy được thực hiện bởi các giảng viên và sinh viên nữ, chúng minh họa cho vai trò tiên phong của Whiting và Đại học Wellesley trong việc giảng dạy khoa học và truyền bá tri thức cho phụ nữ ở Mỹ. Đó là một di sản được tiếp nối bởi các học trò của Whiting, mà ngoài Cannon, Davis, và Wilson còn có Isabelle Stone, khóa 1890, tiến sỹ Vật lý nữ đầu tiên của Mỹ, và Louise Sherwood McDowell, khóa 1898, phụ nữ Mỹ đầu tiên làm việc tại Cục Tiêu chuẩn Quốc gia Mỹ (nay là NIST). Từ những phòng thí nghiệm của mình ở Wellesley, Whiting giúp định hình vai trò của phụ nữ trong khoa học cho nhiều thập kỷ tiếp theo.

 

Nguyễn Hoàng Thạch dịch

Nguồn: Physics Today 73, 8, 26 (2020); doi: 10.1063/PT.3.4545

——–

* Tác giả: John S. Cameron là giáo sư danh dự ngành sinh học, Jacqueline Marie Musacchio là giáo sư ngành lịch sử nghệ thuật tại Đại học Wellesley, Massachusetts.

——–

Chú thích của người dịch

1 Tạm dịch; nguyên văn: undergraduate laboratory. Phân biệt với phòng thí nghiệm nghiên cứu ở các trường có đào tạo sau đại học (graduate). Đại học Wellesley chỉ đào tạo ở bậc cử nhân (undergraduate). – ND
2 Trước khi có phim máy ảnh, người ta dùng những tấm kính tráng muối bạc. – ND
3 Centennial Exhibition, triển lãm quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày ký Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. – ND.
4 Tạm dịch: Bài tập thiên văn học ban ngày và ban đêm cho trường phổ thông và đại học.
5 “British Association” [for the Advancement of Science].
6 “American Association” [for the Advancement of Science].
7 Sitzungsberichte der Würzburger Physikalischen-Medicinischen Gesellschaft.
——-
Tài liệu tham khảo 
1. J. Glasscock, ed., Wellesley College 1875–1975: A Century of Women, Wellesley College (1975); H. L. Horowitz, Alma Mater: Design and Experience in the Women’s Colleges from Their Nineteenth-Century Beginnings to the 1930s, Knopf (1984); P. A. Palmieri, In Adamless Eden: The Community of Women Faculty at Wellesley, Yale U. Press (1995).
2. S. F. Whiting, “Department of physics,” Wellesley College News, 22 February 1911, p. 6.
3. M. W. Rossiter, Women Scientists in America: Struggles and Strategies to 1940, Johns Hopkins U. Press (1982), pp. 25–26.
4. Ref. 2; S. F. Whiting, “The experiences of a woman physicist,” Wellesley College News, 9 January 1913, p. 1; S. F. Whiting, “History of the Physics Department of Wellesley College from 1878 to 1912,” box 2, Physics Department Papers, Wellesley College Archives; A. J. Cannon, Pop. Astron. 35, 539 (1927); A. J. Cannon, Science 66, 417 (1927); F. A. Stahl, Am. J. Phys. 73, 1009 (2005).
5. K. Hentschel, Mapping the Spectrum: Techniques of Visual Representation in Research and Teaching, Oxford U. Press (2002); M. R. S. Creese, Ladies in the Laboratory? American and British Women in Science, 1800–1900: A Survey of Their Contributions to Research, Scarecrow Press (1998); C. R. Sherman, in The Early Years of Art History in the United States: Notes and Essays on Departments, Teaching, and Scholars, C. H. Smyth, P. M. Lukehart, eds., Princeton U. Press (1993), p. 151.
6. Ref. 4, S. F. Whiting, “The experiences of a woman physicist,” p. 3.
7. Ref. 4, S. F. Whiting, “History of the Physics Department of Wellesley College from 1878 to 1912.”
8. M. W. Rossiter, in The Cambridge History of Science, vol. 5, M. J. Nye, ed., Cambridge U. Press (2002), p. 54.
9. S. F. Whiting, Science 60, 149 (1924), p. 150.
10. Ref. 4, S. F. Whiting, “The experiences of a woman physicist,” p. 4.
11. Ref. 5, K. Hentschel, p. 385.
12. R. Herzig, Am. Q. 53, 563 (2001).
13. W. H. Sprunt III, N. C. Med. J. 18, 269 (1957); “X-Ray: Davidson College, 1896–1939 and 1940–2010,” Davidsoniana file, Davidson College Archives.
14. R. Brecher, E. Brecher, The Rays: A History of Radiology in the United States and Canada, Robert E. Krieger (1969); P. K. Spiegel, Am. J. Roentgenol. 164, 241 (1995).
15. A. J. Cannon to N. Jump (7 February 1896), box 1, Personal Correspondence, Papers of Annie Jump Cannon, 1863–1978, Harvard University Archives.
16. S. S. Hinerfeld, ed., Wellesley After-Images, Wellesley College Club of Los Angeles (1974), p. 4.
17. S. F. Whiting to A. J. Cannon (no date), Cannon papers, in ref. 15.

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)