Sau bánh phở là mặt hàng nào có chất biến đổi gen?

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản vừa đồng loạt đưa tin phát hiện chất biến đổi gen (GMO) trong bánh phở làm từ gạo của Công ty cổ phần Thực phẩm (CPTP) Bích Chi, có trụ sở tại thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (Vietnam.net,17/11/2011). Cơ quan chức năng của Nhật Bản còn cho biết chất biến đổi gen đó là gen Bt (Bacillus thuringiensis).

Ngay sau khi nhận được thông báo từ Nhật Bản, Công ty CPTP Bích Chi đã cho tiến hành lấy các mẫu sản phẩm và gửi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 ở thành phố Hồ Chí Minh (QUATEST 3), thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng Việt Nam để phân tích. Tại phiếu thông báo kết quả thử nghiệm đối với 4 mẫu phân tích gồm gạo, bánh phở, bột gạo, tinh bột khoai mì QUATEST 3 khẳng định không phát hiện có chứa hàm lượng chất biến đổi gen.

Cũng ngay sau khi được thông tin, Văn phòng Chính phủ và Hiệp hội lương thực Việt nam VFA đã vào cuộc, đề nghị “các bộ nhanh chóng giải quyết trường hợp trên để lấy lại uy tín cho gạo Việt Nam”. Tức khắc Cục Trồng trọt của Bộ NN & PTNT khẳng định “Hiện luật pháp Việt Nam không cho phép nhập khẩu và kinh doanh loại gạo biến đổi gen, nên rất khó có khả năng loại gạo này có mặt tại thị trường trong nước. Không riêng gạo, tất cả loại thực phẩm biến đổi gen đều chưa được Chính phủ cho phép nhập khẩu để kinh doanh”. Sở NNPTNT Đồng Tháp, nơi công ty CPTP Bích Chi đặt trụ sở, cũng khẳng định “Hiện nay, nguồn nguyên liệu lúa đang trồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là những loại giống không có nguồn gốc GMO”.

Việt Nam có chính sách không phát triển giống lúa GMO nên chắc chắn là không có gạo biến đổi gen, đúng như Tổng Giám đốc Công ty CPTP Bích Chi đã nói “đây là thông tin không đúng với thực tế ở Việt Nam”. Tuy nhiên dù cho đa số nguyên liệu trong bánh phở của công ty CPTP Bích Chi làm từ bột gạo (87%) và bột khoai mì (13%), nhưng nếu (xin nhắc lại – nếu) trong quá trình làm bánh phở mà công ty CPTP Bích Chi sử dụng các chất phụ gia – thường là dầu – hoặc trộn thêm một ít các loại bột khác làm từ đậu tương hoặc ngô như những sản phẩm chế biến khác, và nếu (cũng xin nhắc lại – nếu) đậu tương và ngô nhập từ Mỹ, thì sự có mặt chất biến đổi gen trong bánh phở của công ty CPTP Bích Chi có xác suất rất cao bởi vì đa số đậu tương (89%) và ngô (60%) của Mỹ là giống biến đổi gen. Trên thế giới cho đến bây giờ chưa có gạo chuyển gen Bt, chỉ có ngô và đậu tương mới được chuyển gen Bt thôi.

Nhớ lại vào năm 2009, khi Nhật Bản thông báo cho biết gạo xuất khẩu qua Nhật của Việt Nam có chứa thuốc BVTV – chất  acetamiprid – cao hơn ngưỡng cho phép, thì phía Việt Nam cũng đã phản ứng quyết liệt. Tuy nhiên dù phản ứng như thế nào, năm ấy (2009) Nhật Bản vẫn ra lệnh ngưng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Chúng ta mất thị trường gạo Nhật Bản. Nên nhớ rằng vào năm 2005, Nhật Bản nhập khẩu 80.000 tấn gạo Việt Nam, qua đến năm 2008 nhập khẩu trên 200.000 tấn, chủ yếu là gạo thơm, với giá cao hơn nhiều lần so với gạo thường. Cho nên đối với sự kiện Nhật Bản công bố bánh phở Việt Nam có chất biến đổi gen, dù Việt Nam có giải thích kiểu nào đi nữa, Nhật Bản cũng sẽ ngưng nhập khẩu bánh phở từ Việt Nam. Nhiều đơn hàng sẽ bị hủy, mọi hoạt động sản xuất bánh phở sẽ bị dừng lại. Nhật Bản đã nghiêm khắc cảnh báo cho Việt Nam biết thị trường Nhật Bản không chấp nhận thực phẩm biến đổi gen!

Sau bánh phở, còn có bao nhiêu mặt hàng có chất biến đổi gen???

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản đạt 4,85 tỷ đô la, chủ yếu là nông sản thực phẩm, thủy hải sản, đồ may mặc, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong số gần 1 tỷ đô la hàng thủy hải sản xuất khẩu sang Nhật, tôm là nhóm mặt hàng đạt khối lượng và giá trị cao nhất. 

Trong khi không cho phép trồng cây lúa biến đổi gen, thì Chính phủ Việt Nam lại cho phép trồng cây bông, ngô và đậu tương biến đổi gen (Quyết định 11/2006/QĐ-TTg ngày 12.1.2006), trong đó khẳng định cho biết các loại cây biến đổi gen sẽ được cho phép sản xuất thương mại từ 2011 – 2015, để cho đến năm 2020, diện tích 3 loại cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam phải đạt 30-50%. Cứ thấy quyết tâm của Bộ Nông nghiệp & PTNT và không khí hồ hởi của báo chí về kết quả thử nghiệm 7 giống ngô biến đổi gen của các công ty Mỹ (Syngenta, Monsanto và Pioneer Hi-Bred) trên đồng ruộng Việt Nam, chúng ta thấy trước Việt Nam sẽ thành công trong việc phát triển 50% diện tích ngô và đậu tương biến đổi gen như lộ trình Chính phủ đã đề ra. Như vậy đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 600.000 ha ngô và 100.000 ha đậu tương biến đổi gen. Một diện tích quá lớn về cây biến đổi gen cho một đất nước chỉ có khoảng 4-5 triệu ha dành để trồng cây lương thực.

Vì ngô và đậu tương là nguyên liệu chính làm thức ăn cho gia súc và thủy sản cho nên khi nuôi cá tra và tôm, nông dân Việt Nam tất nhiên phải sử dụng loại thức ăn biến đổi gen. Theo như cách phân loại của Bộ Nông nghiệp Mỹ, động vật nào được nuôi bằng thức ăn biến đổi gen cũng được xếp vào nhóm thức ăn biến đổi gen.  Cá tra và tôm Việt Nam từ nay được xếp vào nhóm thức ăn biến đổi gen.  Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2010 cả nước xuất khẩu được 1,353 triệu tấn thủy sản trị giá 5,034 tỷ đô la. Dẫn đầu trong xuất khẩu thủy sản phải kể đến sự đóng góp của sản phẩm tôm. Năm 2010 Việt Nam đã xuất khẩu 220 ngàn tấn tôm, đạt kim ngạch 1,8 tỷ đô la, con số được coi là kỷ lục xuất khẩu của ngành thủy sản trong những năm qua. Đứng thứ hai là sản phẩm cá tra, hiện nay, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 650.000 tấn cá tra. Trong 5 năm tới (2011-2015), lượng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 800 nghìn tấn/năm.

Sự kiện Nhật cảnh báo bánh phở Việt Nam có chất biến đổi gen cho ta hiểu rằng đây chỉ là màn mở đầu cho những khó khăn cực kỳ lớn sắp tới cho một mặt hàng khác của Việt Nam: Thủy sản. Rồi đây khi được phép thương mại, thị trường thức ăn gia súc và thủy sản Việt Nam sẽ vô cùng hỗn tạp, lẫn lộn thức ăn có và không có chất biến đổi gen. Nông dân và doanh nghiệp sẽ rất bối rối trong việc lựa chọn thức ăn cho vật nuôi của mình. Để tránh những hiểu lầm đáng tiếc như vụ bánh phở, không biết Chính phủ Việt Nam đã ra quy chế kiểm soát giống biến đổi gen một cách thích ứng chưa, ví dụ như:

1. Phân vùng một cách rõ ràng nơi có trồng cây biến đổi gen;

2. Buộc dán nhãn cho các sản phẩm biến đổi gen; và

3. Giúp nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản sang Nhật Bản và Châu Âu tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình sản xuất nông nghiệp/thủy sản tốt GAP để truy nguyên nguồn gốc khi cần.

Những động thái này sẽ giúp nông dân và doanh nghiệp – ví dụ như công ty CPTP Bích Chi – phân biệt được loại sản phẩm nào có và không có chất biến đổi gen, chủ động được tình hình sản xuất, và không bất ngờ bị quy kết một điều mà nông dân/doanh nghiệp không chủ ý làm.

Nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học/biến đổi gen là một ngành khoa học hiện đại cần phải tích cực đầu tư. Nhưng việc sử dụng cây biến đổi gen ở Việt Nam lại mang tính kinh tế cực kỳ nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng của hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Chỉ khi nào Việt Nam làm chủ được công nghệ, chắc chắn thị trường xuất khẩu chấp nhận thức ăn biến đổi gen, và nông dân chủ động quản lý được việc sản xuất của mình, thì lúc đó cây biến đổi gen mới thực sự giúp nông nghiệp, nông thôn, và nông dân ta phát triển sản xuất một cách bền vững. Rất may Nhật Bản đã kịp thời cảnh báo, giúp Việt Nam sớm nhìn lại bước phát triển xuất khẩu nông nghiệp của mình. Trong chiến lược phát triển xuất khẩu, ngoài việc xây dựng nội lực như đã nói trên, chúng ta tuyệt đối không cung cấp cho “đối thủ thương mại” một cơ hội nào, chẳng hạn như rêu rao nông sản Việt Nam có lẫn lộn giống cây biến đổi gen. Chỉ vì bị “nghi ngờ” có sự hiện diện của giống lúa biến đổi gen mà Mỹ đã mất 1,2 tỷ đô la vì không xuất khẩu được gạo vào năm 2006. Trước đây vào năm 1999 ngô của Mỹ cũng đã bị thị trường Châu Âu tẩy chay ngô biến đổi gen. Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA đã từng kết luận “việc Mỹ mất thị phần ngô ở thị trường Châu Âu là kết quả từ những vấn đề liên quan đến công nghệ biến đổi gen”.

Cảnh báo của Nhật Bản về bánh phở Việt Nam xác quyết nhận định của Bộ Nông nghiệp Mỹ là không sai! 

* Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Việt Nam
Đại học RMIT, Melbourne Vic 3001, Úc

Tác giả