Sẽ có “Tamiflu” kiểu Việt Nam?

Sau khi chiết xuất thành công axit shikimic từ quả Hồi của Việt Nam, vào trung tuần tháng 3 vừa qua, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thông báo tổng hợp được oseltamivir photphat, hợp chất hữu cơ quan trọng nhất trong Tamiflu. Với thành công này, dường như các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất Tamiflu . Tuy vậy, khả năng tự sản xuất được thuốc Tamiflu của Việt Nam vẫn còn đang ở phía trước.

Một công trình tổng lực
Những tin tức bất lợi về diễn biến của dịch cúm gia cầm ở Việt Nam từ cuối năm 2004 và lặp lại với mức độ leo thang suốt nửa cuối 2005 đã khiến các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học không yên lòng. Họ đã khẩn trương tập hợp và nghiên cứu các tư liệu khoa học để tìm hiểu về hoạt chất của thuốc Tamiflu và các con đường tổng hợp ra nó. Kết quả họ đã lựa chọn ra một hướng đi có triển vọng thực hiện được ở Việt Nam. Đó là từ quả Hồi lấy ra axit shikimic, sau đó tiến hành một chuỗi các phản ứng hoá học để biến đổi axit shikimic thành hoạt chất oseltamivir photphat, từ đó làm thành thuốc Tamiflu. Quả hồi lại là đặc sản xuất khẩu truyền thống của nước ta (xem phần đóng khung), nhưng trong những năm gần đây thường được các thương nhân Trung Quốc mua lại với giá rẻ để bán sang các nước khác làm gia vị và dược liệu dưới thương hiệu của chính họ.
Biết được hoạt chất chính của Tamiflu nhưng tự mình nghiên cứu, chiết xuất và làm ra được chất đó thì lại là một câu chuyện không hề đơn giản, thậm chí cực kỳ gian nan.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên và đặc biệt là tách chiết tinh dầu và các hợp chất có hoạt tính sinh học dùng làm thuốc từ thực vật, họ đã cùng nhau ngồi lại, bàn bạc và quyết định: dù khó nhưng vẫn làm. Cả nhóm báo cáo ý định của mình lên Giáo sư Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Giáo sư Minh đồng ý ngay và giao nhiệm vụ khẩn cấp cho Viện Hóa học với nhóm nghiên cứu là những người thực hiện trực tiếp, vì vấn đề cúm gia cầm lúc đó rất nóng bỏng. Mặc dù cuối năm ngân sách đã cạn nhưng Giáo sư Minh vẫn xuất ngay 100 triệu đồng còn trong quĩ dự trữ để nhóm có kinh phí nghiên cứu.
Bước đầu tiên là chiết xuất cho ra axit shikimic. Các nhà hóa học có trình độ và có kinh nghiệm nhất đã được huy động. Một tháng sau đó (tháng 11/2005), lọ axit shikimic đầu tiên đã ra đời với vẻn vẹn 7 gam. “Cảm giác của anh em lúc đó sướng và phấn khởi lắm”, Tiến sĩ Nguyễn Quyết Chiến, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu thăm dò các phương pháp chiết xuất axit shikimic và tổng hợp hoạt chất oseltamivir photphat đi từ quả Hồi của Việt Nam để dùng làm thuốc chữa bệnh cúm gia cầm” nhớ lại. Làm ra được axit shikimic rồi còn phải xác định đó đúng là nó. Để làm được điều đó, bản chất hóa học của sản phẩm làm ra đã được nghiên cứu bằng một loạt các phương pháp nghiên cứu cấu trúc hiện đại, trong đó quan trọng nhất là phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân. “Trong nghiên cứu hóa học ngày nay, cấu trúc của một hợp chất hữu cơ chỉ được coi là đã được xác định chắc chắn khi được chứng minh bằng các dữ kiện của các phổ cộng hưởng từ hạt nhân ghi trên các máy đo hiện đại cho phép ghi được cả các phổ một chiều và hai chiều với độ chính xác cao”, TS Chiến giải thích. Cũng may chiếc máy này Viện Hóa cũng vừa được trang bị ít lâu và chiếc máy đắt đỏ cỡ 1 triệu đô la này hiện là chiếc máy cộng hưởng từ hạt nhân có tần số hoạt động ở 500 MHz duy nhất ở Việt Nam.

Thành công của giai đoạn đầu thúc đẩy các nhà khoa học tiếp tục giai đoạn hai nhọc nhằn hơn nhiều: tổng hợp được oseltamivir photphat. Giai đoạn đầu, các nhà khoa học có nhiều cơ sở (quả Hồi có rất sẵn ở Việt Nam) và kinh nghiệm (nhiều năm nghiên cứu chiết xuất tinh dầu và các hợp chất thiên nhiên) để thành công. Tuy nhiên, giai đoạn sau này thì quả thật “hy vọng nhiều nhưng chắc chắn thành công thì cũng chắng dám”, TS Chiến nói. Quả thật, khi đặt vấn đề nghiên cứu oseltamivir photphat, nhiều chuyên gia hóa học có uy tín cũng đã nghi ngại.
Với quan niệm “thế giới đã làm được” và điều quan trọng nhất “đây là thứ đất nước đang cần” cộng với niềm đam mê nghề nghiệp “thấy khó vẫn cứ làm” vốn là phẩm chất của các nhà khoa học, những người thực hiện công trình lại lao vào nghiên cứu. Cuối cùng, cuối tuần đầu của tháng 3 vừa qua, lọ oseltamivir photphat đầu tiên đã được tổng hợp tại Viện Hóa học thuộc Viện KH&CN Việt Nam, sau 5 tháng ròng rã nghiên cứu với hàng chục phản ứng hóa học. Tuy nhiên, với TS Chiến và đồng nghiệp, tất cả mới chỉ bắt đầu.

Những công việc còn lại
Tổng hợp được oseltamivir photphat là kết quả có tính chất quyết định để có thể nhìn thấy triển vọng sản xuất được Tamiflu ở Việt Nam, nhưng đi đến sản xuất được thuốc này thì con đường phía trước còn rất dài.
Đối với tiến sĩ Chiến và các cộng sự, công việc hiện giờ là quay trở lại nghiên cứu các phương án khác, các con đường khác (nếu có). Từ đó có thể đưa ra một phương án sản xuất Tamiflu có hiệu quả, và nhất là có tính khả thi trong điều kiện của Việt Nam. “Trong nghiên cứu khoa học, khi làm một chất (một sản phẩm) ở lượng bé, trong phòng thí nghiệm khác hoàn toàn với việc sản xuất nó ở lượng lớn, trên qui mô công nghiệp. Do vậy, tìm ra được một công nghệ mới chỉ là bước đầu mà điều quan trọng là hoàn thiện công nghệ đó để nó có mức khả thi cao nhất”, TS Chiến nhấn mạnh. Thành công trong việc tổng hợp oseltamivir photphat cũng đồng nghĩa với việc nhóm nghiên cứu của TS Chiến tiếp tục nhận được một đề tài lớn hơn, đề tài cấp Quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ. TS Chiến tâm sự: “Do lần đầu thực hiện một đề tài cấp nhà nước cho nên chúng tôi cũng khá lúng túng về mặt thủ tục. Hiện các anh ở trên bộ đang xét duyệt đề tài này”.

Nhóm nghiên cứu cố gắng tới cuối năm nay sẽ tổng hợp được một lượng hoạt chất oseltamivir photphat cần thiết để có thể chuyển giao cho Bộ Y tế (Trường Đại học Dược) tiến hành các bước nghiên cứu phát triển tiếp theo thì oseltamivir photphat mới có thể chính thức trở thành thuốc chống cúm gia cầm được. Cũng không thể quên các nghiên cứu song hành về cây hồi (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) để đảm bảo một nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng cũng như về số lượng cho việc sản xuất trong tương lai.
 

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra cho nhóm nghiên cứu là vấn đề bản quyền của hãng dược phẩm Hoffmann-La Roche (Thụy Sĩ). Để có thuốc Tamiflu ngày nay, hãng này đã phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển đến 500 triệu euro, vì thế bất cứ nước nào muốn sản xuất loại thuốc này đều phải có sự đồng ý của hãng. Tuy nhiên, với tính chất phức tạp của dịch cúm gia cầm, nhiều nước trên thế giới đã thương lượng được với Roche để có thể sản xuất Tamiflu trong nước. Ngoài ra, theo các điều khoản quốc tế, trong những điều kiện dịch bệnh hiểm nghèo, các nước bị ảnh hưởng hoàn toàn có thể tự sản xuất thuốc để ứng cứu kịp thời các trường hợp khẩn cấp. “Chúng tôi nghiên cứu tổng hợp oseltamivir photphat không phải với mục đích thương mại, cạnh tranh với Roche. Mục tiêu của chúng tôi là làm chủ quá trình sản xuất thuốc, đào tạo và tập dượt một đội ngũ chuyên gia cần thiết, để với nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, chúng ta có thể có được Tamiflu đối phó với tình trạng khẩn cấp khi không may xảy ra đại dịch. Chúng tôi coi việc làm này là trách nhiệm và nghĩa vụ của các nhà khoa học Việt Nam đối với nhân dân của mình.”, tiến sĩ Chiến nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàng

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)