Smart Farming: Công nghệ số hóa đang thay đổi triệt để ngành nông nghiệp
Nhờ công nghệ số hóa  thực phẩm sẽ sạch và lành mạnh hơn: Robot nhổ cỏ dại, vật  bay không người lái (Drohnen) diệt sâu bệnh hại, Big Data giúp hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên những tiến bộ trên đồng ruộng và chuồng trại cũng có cái giá của nó.
Khi trên cánh đồng dù chỉ mọc một vài cây dại ngay lập tức BoniRob xuất hiện. Đó là một cái xe bốn bánh màu xám trang bị một cây gậy sắt và vùi dập các cây dại với tốc độ cao. Thiết bị cực kỳ hiện đại này là sản phẩm của trường cao đẳng Osnabrück và Start-up Deepfield Robotics, một công ty con của tập đoàn Bosch và hãng sản xuất máy nông nghiệp Amazone. Nhờ loại robot này trong tương lai nhà nông không cần phải phun thuốc diệt cỏ nữa.
Hiện nay người nông dân ở vùng này cũng không cần phải phun thuốc trừ sâu hại ngô nữa. Khi chớm xuất hiện sâu hại, người ta huy động cả dàn Drohnen của một hợp tác xã gần đó. Vật thể bay này rải trứng của một loại ong ký sinh và loại ong này diệt côn trùng hại ngô.
Ngày nay nếu có con bò sữa trái gió trở trời, bác sỹ thú y thường dùng kháng sinh để trị bệnh, và điều này khiến nguy cơ vật gây bệnh sẽ nhờn thuốc. Khi đó những loại thuốc có chức năng cứu tính mạng con người cũng có thể bị vô hiệu hóa. Những con robot vắt sữa có thể giúp phòng tránh tình trạng này: robot rửa sạch và khử trùng đầu vú và mỗi lần vắt sữa robot còn thu thập khoảng 100 dữ liệu khác nhau, từ hàm lượng chất béo, hàm lượng protein cho đến cả khả năng dẫn điện của sữa. Qua đó người ta có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh tật của con vật, nguời nông dân nghiễm nhiên sẽ được báo động và từ đó có thể phản ứng kịp thời. Cạnh đó robot còn giúp cho đàn bò được sống thoải mái hơn nhiều nhờ chúng có thể tự quyết định khi nào đi đến trạm vắt sữa.
Ngày nay nông nghiệp chịu sự tác động của công nghệ số hóa thậm chí còn nhiều hơn một số ngành khác: Các chương trình phần mềm và các cảm biến ở một máy nông nghiệp hiện đã chiếm tới 30% giá trị của cỗ máy trong khi đó trong ngành công nghiệp ô tô tỷ lệ này mới khoảng 10%.
Martin Schulze Rötering, chủ một trang trại khoảng 1000 ha ở Münsterland chuyên trồng lúa mì, cải dầu và ngô nói: “Niềm đam mê của tôi là cây trồng”. Vì thế bất chấp mưa rét ông không ngày nào không lặn lội trên cánh đồng để theo giõi sự phát triển của cây trồng trên trang trại của mình. Ông biết cặn kẽ về các loại cây trồng bao nhiêu thì chỉ lại biết mù mờ về đồng đất của mình bấy nhiêu. Mãi đến khi máy gặt đập liên hoàn của ông trong quá trình gặt hái đảm nhiệm thêm chức năng xác định lượng lúa mì thu được trên từng mét vuông đất từ đó cấu trúc đồng đất không còn là điều bí ẩn đối với ông: một tấm bản đồ về năng xuất với mầu xanh và vàng thể hiện trên máy tính bảng của ông thể hiện rất rõ kết quả thu hoạch gắn chặt với chất đất. “Năng xuất giao động rất rõ trên từng mét vuông một” cho đến nay Schulze Rötering vẫn không dấu sự ngạc nhiên của mình về vấn đề này.
Sự hiểu biết đã thay đổi mạnh mẽ mọi công việc quen thuộc hàng ngày: người nông dân không còn sử dụng hạt giống và phân bón theo nguyên tắc dàn trải, mà xác định liều lượng dựa trên hàm lượng chất dinh dưỡng và độ phì của từng thửa đất. Công việc này cũng do máy nông nghiệp điều khiển bằng máy tính đảm nhiệm.
Nền nông nghiệp chính xác mang lại hai điều lợi: một mặt giảm mức độ ô nhiễm đất ruộng, nước ngầm và không khí do bón phân quá nhiều, mặt khác người nông dân có thể giảm chi phí mua hạt giống và phân bón. Nhờ kiểu canh tác chính xác này Schulze Rötering dù sao cũng tiết kiệm được 12% chi phí mua đạm, lân, kali và vôi – tương đương vài chục nghìn Euro mỗi năm.
Tương tự như vậy, công nghệ số hóa cũng giúp giảm lượng tiêu thụ hóa chất bảo vệ thực vật. Những tấm hình chụp từ vệ tinh phản ánh tình trạng cây trồng ngũ cốc cộng với các số liệu về dự báo thời tiết được thể hiện trên máy tính hoặc Smartphon có thể cảnh báo người nông dân về nguy cơ sâu bệnh hại. Nhờ đó Schulze Rötering không còn phải phun tràn lan chống bệnh phấn trắng ở ngũ cốc như trước đây, mà chỉ dùng khoảng 5% thuốc trừ nấm so với phun đại trà. Hơn nữa việc phun phòng này diễn ra trước khi thu hoạch khá dài nhờ đó giảm đáng kể lượng tàn dư hóa chất độc hại trên sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên sự tiến bộ có cái giá của nó: Ngay cả người đi tiên phong như Schulze Rötering cũng phải thừa nhận để sử dụng các loại máy công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi các trang trại phải có diện tích lớn cùng những thiết bị máy móc đắt tiền thì mới có hiệu quả kinh tế. Còn với những doanh nghiệp nhỏ hầu như không thể mua nổi máy kéo công suất cao của Claas, John Deere vv… có giá tới 400.000 Euro, thiết bị lái tự động, thu thập dữ liệu và các cảm biến tốn thêm khoảng 40.000 Euro, robot vắt sữa khoảng 100.000 Euro. Từ đó thấy rõ, công nghệ số hóa thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc trong nông nghiệp.
Xuân Hoài lược dịch từ “Tuần kinh tế” 19.1. 2016
(Visited 1 times, 1 visits today)