Số lượng bạch tuộc và mực trên thế giới đang gia tăng
Nghiên cứu mới cho thấy, sự thay đổi môi trường sống ở các đại dương – nhiệt độ tăng cao, số lượng đàn cá giảm, nguồn nước bị axit hóa do các hoạt động của con người – đang làm gia tăng dân số các loài chân đầu, tức các loài không xương sống như bạch tuộc, mực, mực ống.
Theo phân tích của các nhà khoa học đăng tải trên tạp chí Current Biology, sự “bùng nổ dân số” này bắt đầu xuất hiện từ những năm 1950, và không chỉ giới hạn ở các loài sinh sống dưới biển sâu như loài mực Humboldt mà còn có ở các loài sống gần bờ như mực nang.
Tại sao loài chân đầu lại phát triển trong khi các loài hải sinh khác lại giảm đi? Theo các nhà nghiên cứu, tương tự như loài gặm nhấm, loài chân đầu có khả năng thích nghi cao đối với những thay đổi trong môi trường sống, nguyên nhân chính là do đa phần các loài này đều có tuổi thọ rất ngắn, chỉ 1-2 năm, và chết ngay sau khi sinh sản.
Tỉ lệ sinh sản gia tăng này đồng nghĩa với việc các loài chân đầu sẽ cần tiêu thụ thêm nhiều thức ăn, trong khi bản thân chúng là động vật rất phàm ăn (có những chi thuộc loài này tiêu thụ lượng thức ăn tới 30% trọng lượng cơ thể chúng khi vào tuổi trưởng thành).
Những diễn tiến tiếp theo của quá trình biển đổi khí hậu có thể tạo ra những tác động khó dự đoán hơn, làm giảm tuổi thọ của loài này xuống còn dưới một năm, từ đó gây xáo trộn thời điểm động dục hằng năm của chúng. Bên cạnh những hoạt động đánh bắt của con người, nhiều chi trong loài chân đầu cũng là động vật ăn thịt đồng loại. Vì những lý do này, các nhà nghiên cứu đặt ra giả định, để tạo sự cân bằng trong môi trường sống, có thể loài này sẽ quay sang ăn thịt lẫn nhau.