Số lượng hổ hoang dã tăng trở lại ở Châu Á

Sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước tại Ấn Độ, Thái Lan, và Nga đã giúp khôi phục phần nào số lượng loài mèo lớn, các nhà khoa học nhận định

Joe Walston, giám đốc Chương trình châu Á của Hội Bảo tồn Sinh vật Hoang dã (WSC) đã bày tỏ sự tuyên dương ba quốc gia nói trên vì đã hành động bảo vệ loài hổ vốn đang bị đe dọa trên toàn cầu. Ngày nay chỉ còn 6 loài hổ sống ở 13 nước châu Á – nghĩa là môi trường sống của chúng đã bị giảm tới 93% so với xưa kia.

“Cần một số điều kiện cần thiết để loài hổ có thể phục hồi, nhưng nếu không có sự cam kết thật sự của chính phủ thì sẽ không thể có thành công”, Walston nói.

Tiến hành các bước cứu loài hổ

Ở các khu bảo tồn quốc gia Nagarahole và Bandipur ở Ấn Độ, sự kết hợp của tuần tra giám sát chặt chẽ, tái định cư tự nguyện dân cư ra khỏi vùng hổ sinh sống, và giám sát bằng công nghệ đã giúp khôi phục số lượng loài mèo lớn trở về bằng với số lượng thời kỳ cao điểm trước đây của chúng tại hai khu bảo tồn quốc gia này. Có được thành công như vậy là nhờ bang Karnataka đã tận tâm cho mục tiêu bảo tồn loài hổ, Walston nới.

Ở Nga, nhà chức trách đang dự thảo một luật mới trong đó coi việc vận chuyển, mua bán, và sở hữu hổ là tội hình sự thay vì dân sự. Điều này giúp xóa bỏ kẽ hở của luật pháp, trong đó các tay săn trộm thường chối cãi rằng họ tìm thấy loài thú đang có nguy cơ bị tuyệt chủng này khi chúng đã bị giết chết từ trước.

Nga cũng gần đây tuyên bố rằng họ đang tạo một hành lang an toàn cho loài hổ ở khu vực được gọi là Vùng Cứu hộ Động vật hoang dã Miền Trung Ussuri, nơi sẽ kết hợp nhân giống hổ ở cả Nga và Trung Quốc.

Vùng an toàn này “cho phép” hổ di chuyển giữa các vùng khác nhau để giao phối và kết nối”, Walston giải thích. “Điều này tạo ra một quần thể [hổ] lớn hơn, ổn định hơn, và mạnh khỏe hơn về di truyền”.

Ở Thái Lan, những cuộc tuần tra chống săn trộm đã gia tăng tăng ở Khu Bảo tồn Động vật hoang dã Huai Kha Khaeng. Năm 2011, chính phủ đã phá vỡ một đường dây săn trộm lớn, và từ năm 2012, những kẻ cầm đầu bị kêt án tới 5 năm tù – hình phạt cao nhất cho tội săn trộm động vật hoang dã trong lịch sử Thái Lan. Kể từ khi những kẻ này bị bắt, trong khu bảo tồn không còn thấy hiện tượng săn trộm hổ và voi.

Không chỉ có vậy, “năm 2011 trong bối cảnh Thái Lan vẫn còn nạn săn trộm, thay vì bỏ qua, chính phủ đã nhìn nhận vấn đề và thuê 60 nhân viên kiểm lâm mới”, Walston cho biết.

Loài hổ vẫn có thể phục hồi

Nhưng những câu chuyện thành công này mới chỉ là những điểm sáng hiếm hoi, trong khi loài thú có nguy cơ tuyệt chủng này vẫn đang giảm về số lượng xuống mức thấp kỷ lục tính trên toàn thế giới, mà nguyên nhân thường là sự kết hợp của nạn săn trộm, sụt giảm lượng mồi, và môi trường sống bị hủy hoại. Các nhà bảo tồn ước tính rằng trên thế giới chỉ còn lại 3200 con hổ hoang dã.

Mặc dù vậy, Walston cho rằng thành công của Ấn Độ, Thái Lan, và Nga đã chứng minh rằng tương lai loài hổ không hoàn toàn tuyệt vọng, và ông hi vọng rằng các quốc gia khác sẽ lưu ý học tập.

“Đây không phải là giống loài không tránh khỏi suy vong… Chúng vẫn đang hồi phục ở một vài nơi”, ông nói.

Walston cũng chỉ ra rằng việc cứu loài hổ còn có những lợi ích khác. “Khi chúng ta bảo tồn loài hổ, thực ra chúng ta cũng góp phần bảo tồn những loài khác, tuy có thể không có sức cuốn hút và có tính biểu tượng như loài hổ, nhưng cũng không kém phần giá trị – và những loài này cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng tương đương”, ông nói.

Nguồn:

http://news.nationalgeographic.com/news/ 2012/12/ 121228-tigers-big-cats-animals-science-conservation-asia/

Tác giả