Soi mình giữa đồng bằng

Ở miền Tây Nam bộ, đa phần bà con nông dân quen gọi các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL là “thầy”; họ cũng thích kêu tên cái viện này là “Viện Lúa Ô Môn”...

Là vì Viện Lúa ĐBSCL ra đời trên một cánh đồng sâu thuộc huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ cách đây đã 29 năm (nay Viện thuộc huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ). Nơi đây, đang có hơn 300 “quân”, chuyên lo nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học phục vụ phát triển kinh tế xã hội của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và nhiều vùng khác, tất nhiên “mạnh” nhất là về cây lúa.
Theo thời vụ, hằng năm trên những cánh đồng thí nghiệm, Viện thường tổ chức những buổi giao lưu chọn tạo giống lúa mới hoặc mô hình nuôi trồng mới có lợi nhất. Khi ấy, thường ít khi vắng mặt những nông dân giỏi của miền Tây Nam bộ. Trước đây, chúng tôi hay gặp những “lão nông tri điền” như bác Hai Chung ở Tiền Giang, bác Hai Hữu ở Long An, ông Hai Triểm ở An Giang… Giờ thì đa phần là cánh nông dân trẻ đến với Viện Lúa Ô Môn.
Riêng với những “ngày đánh giá giống lúa” (mỗi năm làm hai lần nhằm vụ đông xuân và hè thu), thì không khí trên những cánh đồng này vui không khác những ngày lễ hội ở nông thôn. Mỗi lần như vậy, thường có khoảng 500 nông dân từ khắp miền Tây đổ đường tới dự. “Thầy ơi!”, “Cô ơi!”… bà con nông dân gọi các nhà khoa học ới ới, hỏi đủ thứ, xong rồi kéo nhau vào hội trường để… hỏi nữa. Miễn sao khi ra về, họ biết thêm được nên xài những giống lúa mới nào, rồi cách gieo sạ, chăm sóc ra sao cho có lợi nhất trong mùa này.

5 năm qua, Viện Lúa ĐBSCL đã góp sức chính làm cho sản lượng lúa ĐBSCL tăng từ 16 triệu tấn (năm 2002) lên 18,5 triệu tấn (năm 2004); riêng giống lúa mới đã giúp tăng thêm 0,8 triệu tấn, tương đương 1.600 tỉ đồng.

Riêng ở tỉnh An Giang, do áp dụng qui trình kỹ thuật mới, mỗi hecta, bà con nông dân tiết kiệm được 138.000 đồng về chi phí hạt giống, 363.000 đồng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, 183.000 đồng về công lao động; năng suất lúa tăng 437 kg/ha/vụ; giá thành giảm trung bình 249 đồng/kg lúa; lợi nhuận 1.853.000 đồng/ha/vụ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Trưởng Bộ môn Di truyền giống của viện, kể: “Có những hội thảo, mình không mời, bà con cũng bao xe đi một lúc 50-60 người tới dự. Cái nết riêng của nông dân miền Tây, theo tôi là bà con rất mê và rất nhạy với những cái mới của khoa học kỹ thuật nông nghiệp”.
Hồi Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Luật còn làm viện trưởng, ông hay nói vui với cánh nhà báo rằng: “Các bạn có biết bà con nông dân miền Tây đặt tên cho những giống lúa thuộc dòng OMCS của Viện là gì không? Họ kêu là “ôm em cực sướng” đấy!”. Rồi ông lại cười, giải thích: “OM là để nhớ địa phương Ô Môn, còn CS là viết tắt của chữ “cực sớm”, vì đây là dòng lúa ngắn ngày, hợp với thời vụ, kể cả chuyện né lũ ở miền Tây”.
Giáo sư Luật hiện đã nghỉ hưu. Và ông đang có một lớp nhà khoa học trẻ tiếp nối công việc của mình với cái “máu” cũng văn nghệ và lãng mạn như ông. Lớp cán bộ này đa phần được ông gửi đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Ấn Độ và nhiều nước khác, từ những năm Viện Lúa ĐBSCL còn “vùng vẫy” trong cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung và bao cấp của cả nước.

 
“Lão nông tri điền” tại Viện Lúa ĐBSCL.

Có thể kể tên một số nhà khoa học đi lên từ những năm tháng ấy, hiện đang ở lớp tuổi trên dưới 50,những người mà bà con nông dân vẫn thích gọi là “thầy” mỗi khi họ gặp nhau. Tiến sĩ Bùi Bá Bổng (nguyên là Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, giờ là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn); tiến sĩ Bùi Chí Bửu (đương kiêm Viện trưởng); tiến sĩ Lê Văn Bảnh (Viện phó kiêm Hiệu trưởng trường Trung học Cơ điện & kỹ thuật Nam bộ); tiến sĩ Phạm Sĩ Tân (Viện phó); tiến sĩ Dương Văn Chín (Trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp); tiến sĩ  Nguyễn Thị Lộc (Trưởng Bộ môn Sinh thái côn trùng & phòng trừ sinh học); tiến sĩ Lê Thị Dự (Trưởng Bộ môn Công nghệ hạt giống); tiến sĩ Lương Minh Châu (Trưởng Bộ môn Côn trùng); tiến sĩ Chu Văn Hách (Trưởng Bộ môn Phân bón & kỹ thuật canh tác); tiến sĩ Cao Văn Phượng (Trưởng Bộ môn Khoa học đất); tiến sĩ Phạm Văn Dư (Trưởng Bộ môn bệnh cây); thạc sĩ Nguyễn Xuân Lai (Trưởng phòng khoa học)…

 
Tại một “Ngày đánh giá giống lúa”.

Kể lại như vậy, càng hiểu thêm cái tiếng “thầy” của bà con nông dân, rằng đằng sau cái ánh vàng của bông lúa và cái vẻ trắng trong của hạt gạo Việt Nam, là những dòng “chất xám” thứ thiệt, mà nói như lời tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng: “Hầu hết cán bộ có trình độ cao của Viện đều được đào tạo từ những nước có nền giáo dục tiên tiến với nền khoa học phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Ấn Độ, Philippines”.
Làm việc với các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL, dù chỉ là một cú điện thoại ngắn hay gặp trực tiếp cả giờ đồng hồ, tôi thường cảm thấy nhẹ nhàng, vui và thu được nhiều thông tin. Tỉ như với Giáo sư tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng, một người đàn ông 53 tuổi, ánh mắt lúc nào cũng thấy sinh động. Xin được dẫn một lời “rủ rê lãng mạn” của anh gửi bạn đọc, để kết thúc bài này: “Ẩn mình sau những vườn cây xanh là các ngôi nhà xinh đẹp soi bóng dưới hồ nước xanh, các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL cũng có thể tự soi mình hàng ngày, để khẳng định thế đứng của mình giữa đồng bằng này, giữa lòng người dân đang góp phần đổi mới đất nước”.

Huỳnh Kim 


Nguồn tin: nguồn: Viện Lúa ĐBSCL
    

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)