Spasskij – người thiết kế tàu ngầm Kilo
Mùa hè vừa qua, trong chuyến du lịch nước Nga chúng tôi tìm đến các địa chỉ có liên quan tới việc chế tạo tàu ngầm Kilo của Việt Nam mang tên Kilo Hà Nội đã tắm sóng Biển Đông vào đầu mùa Xuân 2014 này.
Viện Rubin (trong tiếng Nga, rubin có nghĩa là đá quý ruby tức ngọc đỏ), được thành lập từ năm 1901 là nơi quy tập những tinh hoa của ngành hàng hải nước Nga để sản sinh ra những con tàu tạo nên sức mạnh trên biển của cường quốc hàng hải này.
Ngược về phía Bắc thành phố, cách phố Marat 5 km theo đường chim bay là tòa nhà số 4 phố Shpaler. Không ai có thể tưởng tượng rằng, trong tòa nhà cao đẹp, cạnh công viên Mùa Hè ven sông Neva vào những năm 30 của thế kỷ trước có những tù nhân Gulag được gọi tắt là những “Shpalerka” đang thiết kế những tàu ngầm siêu nhỏ, những tàu tuần tra trong xiềng xích… Người ta thường kể lại trường hợp Bzhejinski V.L., người có họ hàng với cố vấn khét tiếng diều hâu của Nhà Trắng, một kỹ sư đóng tàu Xô viết xuất sắc, người Nga gốc Ba Lan. Tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Hàng hải, sĩ quan hải quân Nga Hoàng. Dưới thời Xô viết đã đạt tới những chức vụ cao trong Hải Quân như Trưởng phòng Thiết kế số 4 vào năm 1933, trưởng nhóm nghiên cứu Viện Krylov và đã cho ra đời 3 mẫu tàu ngầm siêu nhỏ (1934-1935). Trong các năm “khủng bố trắng” 1937-1938 dưới thời Stalin, đã bị bắt nhưng “được” hưởng chế độ lao động khổ sai trong tổ chức thiết kế đặc biệt có tên là Phòng thiết kế Đặc biệt Ostekbiuro. Tại đây, ông tiếp tục cho ra đời hai mẫu tàu ngầm tí hon khác và cùng với một bạn tù khác, một giáo sư, đảng viên nổi tiếng Ramdin (bị quy kết trong vụ chống Đảng), đã cho ra đời bản thiết kế tàu phóng lôi “Thực Nghiệm”. Trường hợp của Bzhejinski không phải là đặc biệt. Hàng trăm nghìn trí thức hàng hải khác đã bị lao tù, bị bắn chết trong các thập kỷ 20-30. Ngay trong cái “phòng thiết kế đặc biệt Ostekbiuro” còn giam giữ và bắt phải tiếp tục sáng tạo những người như Startrik, một nhà phát minh người Nga gốc Tiệp, Bekauri người Grudi, Trusov, Sukin… tất cả đều là các chuyên gia thiết kế tàu chiến.
May mắn hơn các kỹ sư của cái gọi là “Phòng thiết kế Đặc biệt”, kỹ sư Malinin B.M, xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ opera Moskva, người tham gia “Phòng thiết kế số 4”, tiền thân của Rubin đã đi hết được chặng đường sáng tạo của mình. Ông là người thiết kế những chiếc tàu ngầm Xô viết đầu tiên thuộc các lớp Dekabrist, Leninets, Shiuka, Malyutka. Chúng ta có thể tới chiêm ngưỡng chiếc tàu ngầm đầu tiên ký hiệu D-2 thuộc lớp Dekabrist hiện nay đang trưng bày tại khu Triển làm quốc tế St. Petersburg. Vỏ tán đinh, các mối gò nham nhở, khi lặn sâu không ổn định,mặc dù mẫu này được Malinin nhái theo mẫu tàu ngầm của Ý, Đức và có cải biên.
Từ chiếc tàu ngầm đầu tiên đó, Rubin đã trưởng thành và trong số 1150 tàu ngầm đã tham gia vào lực lượng hải quân Nga Xô viết suốt trong thời gian qua thì đã có 919 chiếc (trong đó có 139 tàu ngầm nguyên tử) sinh ra từ bản vẽ của Rubin. Tàu ngầm do Rubin thiết kế được dùng tại 14 nước trên thế giới. Sau Thế chiến II, Rubin đã tạo ra một loạt lớn nhất, tới 215 chiếc tàu ngầm nổi tiếng mang tên Whiskey theo thiết kế 613. Trong thời gian này Rubin tập trung xây dựng thế hệ tàu ngầm nguyên tử và tàu diesel kiểu mới trang bị đạn đạo và tên lửa có cánh, tạo ra một số kỷ lục:
– tàu ngầm nguyên tử lặn sâu nhất Komsomolets (NATO gọi là lớp tàu Mike);
– tàu ngầm nguyên tử nặng nhất thế giới, phòng thủ chiến lược, tàu Taifun (đã được ghi trong sách kỷ lục Guiness);
– tàu ngầm nguyên tử nhiều mục đích có hiệu quả nhất trên thế giới Antey (mà NATO gọi là Oscar -1);
– tàu ngầm diesel – điện chạy ít ồn nhất trên thế giới, thiết kế 613 (lớp Kilo).
Anh hùng lao động… tư bản chủ nghĩa
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân mang tên Dzerginskij, với tấm bằng kỹ sư cơ khí, kỹ sư Spasskij I.D thực tập trên tàu Frunze của Hạm đội Biển Đen sau đó lên bờ chuyên theo dõi việc đóng tàu ngầm. Đầu những năm 1950 ở độ tuổi xấp xỉ 30, ông được chuyển về Viện Rubin lúc toàn Viện đang tập trung cho việc chế tạo tàu ngầm nguyên tử. Spasskij đã có những đóng góp to lớn và trở thành kỹ sư trưởng của Viện vào năm 1968 và năm 1974 là Tổng giám đốc kỹ thuật, người trực tiếp thiết kế và chỉ huy thi công trên 200 tàu trong đó có nhiều tàu ngầm nguyên tử, đồng thời giành nhiều học vị khoa học cao như tiến sĩ vào năm 1973, tiến sĩ khoa học năm 1978, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga năm 1984.
Không có số liệu cụ thể nhưng chỉ cần vào trang chủ của Viện Rubin đọc những hàng chữ đầy kiêu hãnh “Sản phẩm của Viện là cơ sở cho việc xuất khẩu kỹ thuật hải quân và đảm bảo cho nước Nga có vị thế xứng đáng trên thị trường vũ khí toàn cầu” ta đủ biết vị trí Rubin ra sao với kinh tế- chính trị nước Nga. Một lần nữa, người ta lại thấy tài năng của Spasskij không phải chỉ là một Viện sĩ, một Công trình sư, một nhà tổ chức, mà còn là một doanh nhân. Dây chuyền công nghệ sản xuất tàu ngầm được thay đổi mạnh mẽ, áp dụng công nghệ nhóm, công nghệ module, được người Nga đề xuất từ những năm 1920 nhưng người sử dụng mạnh mẽ lại là Mỹ và các nước phương Tây. Quy trình thi công này đòi hỏi phải áp dụng nhuần nhuyễn các công cụ tin học, máy tính điện tử…
Trước đây, khoa học quân sự Nga là một vùng cấm, rất ít hoặc không có mối liên kết với sản xuất dân sự. Dưới sự lãnh đạo của Spasskij, Rubin đã hoạt động như các tổ hợp công nghiệp quân sự Âu Mỹ đã làm từ lâu, đó là hướng các kinh nghiệm, công nghệ tàu ngầm vào các chương trình phục vụ đời sống, công nghiệp dầu khí, chinh phục đại dương…, chế tạo từ tàu ngầm du lịch tới các yacht cao tốc, từ nhà máy điện hạt nhân nổi trên mặt nước tới các robot lặn sâu rất có hiệu quả, giúp cho doanh thu của các nhà máy sử dụng bộ não của mình giữ nguyên thậm chí còn tăng doanh thu. Nhà máy điện hạt nhân nổi trên mặt nước mang bằng sáng chế Nga, được thế giới quan tâm. Những đóng góp của doanh nhân Spasskij đã được nhìn nhận xứng đáng. Ngoài rất nhiều huân huy chương, anh hùng lao động XHCN, giải thưởng Lê Nin, thành phố St. Petersburg trân trọng cảm ơn con người đã mang lại danh vọng và sự thịnh vượng bằng cách tôn vinh ông như một công dân ưu tú. Trong buổi lễ, Thị trưởng St. Peterburg Anatolij Sobtchak vui mừng đùa giỡn “Anh xứng đáng là Anh Hùng Lao Động… Tư bản Chủ nghĩa (Герой Капиталистического Труда) mới phải!”, một câu nói phổ biến ở nước Nga với người làm ăn giỏi thời kinh tế thị trường hậu Xô viết.
Putin giao nhiệm vụ cho Spasskij tổ chức giải cứu tàu Kursk |
Đấng Cứu Thế!
Ngày 21/09/2006, tại nhà hát Capella St. Petersburg, một nhà hát cổ kính xây dựng từ thế kỷ 15, một buổi hòa nhạc đặc biệt đã được tổ chức nhằm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Spasskij, một con người có tất cả các chức danh tiến sĩ, bác học, doanh nhân, với đủ các loại bằng khen mà nước Nga đã phong tặng. Vào tuổi tri thiên mệnh, hình như ông đã thấy tính phù du của mọi tiền tài danh vọng nên hướng tất cả hoạt động cho các công tác xã hội, dùng uy tín của mình vận động giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quyên góp xây dựng Nhà Thủy cung, ủng hộ các văn nghệ sĩ và đặc biệt là các hoạt động tôn giáo, xây dựng đền đài. Thời Nga Hoàng, hải quân treo cờ thánh Andreev, ngoài ra còn có một số thánh thuộc Chính thống giáo như thánh Nicholas, thánh Basil Cả (người Nga gọi là Vasilij Velikij), thánh Gioan Baotixta… được coi là những vị thánh bảo hộ cho người đi biển, cho lính thủy quân. Khi lá cờ hải quân Liên Xô với chiếc búa liềm truyền thống được dựng lên thay cho cờ Andreev, nhà thờ các vị thánh này nhiều cái bị phá hủy hoặc để trong hoang phế. Thời thế đổi thay, cờ Andreev hai vạch chéo xanh trên nền trắng lại được dựng lên, tên của vị đô đốc Bạch vệ khét tiếng chống cộng Koltrak lại được khôi phục với cái tên đặt cho chiếc chiến hạm hiện đại bậc nhất kèm theo một bộ phim “Người Tình” tốn kém tới 20 triệu USD, các đền thờ các thánh bảo hộ hải quân lại được khôi phục. Tại St. Petersburg, Spasskij là người đứng đầu cho việc tôn tạo nhà thờ thánh Nicholas nằm ở phía tây thành phố và đặt thêm tấm bia tưởng nhớ các chiến sỹ tàu ngầm Komsomolets và Kursk đã hy sinh trong thời bình bên cạnh tấm bia ghi nhớ trận Tsushima đại bại trước quân Nhật. Cũng như thế, tại nhà thờ thánh Basil Cả và nhà thờ thánh Gioan, nơi thờ cúng các chiến sĩ hải quân Nga hy sinh trong trận đánh với quân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1770, ông cho đặt thêm bài vị của từng chiến sĩ đã chết trong hai chiếc tàu ngầm nguyên tử Komsomolets và Kursk, những tác phẩm của chính ông và ông cũng là người được chính Putin ra lệnh tìm cách giải cứu và trục vớt xác tàu cùng xác người. Có nhà báo bình luận là Spasskij đã trở về đúng là Đấng Cứu Thế (Bog Spastel), một tên gọi khác của Đức Giê su trong Chính thống giáo. Đó là một cách chơi chữ vì trong tiếng Nga Spasskij cùng gốc từ với Spasitel, đều từ động từ ‘spasat’ là cứu giúp!