Tắt tiếng khi hội ngộ

Không nói nên lời trong giây phút đoàn viên không hẳn lúc nào cũng vì xúc động. Đau họng hay khản tiếng sau chuyến bay là điều không mấy xa lạ với nhiều hành khách. Lý do không có gì khó hiểu. Độ ẩm trong máy bay rất thấp, thường không đến 10% (trong khi bầu không khí trên mặt đất có độ ẩm trung bình là 45-60%).

Không nói nên lời trong giây phút đoàn viên không hẳn lúc nào cũng vì xúc động. Đau họng hay khản tiếng sau chuyến bay là điều không mấy xa lạ với nhiều hành khách. Lý do không có gì khó hiểu. Độ ẩm trong máy bay rất thấp, thường không đến 10% (trong khi bầu không khí trên mặt đất có độ ẩm trung bình là 45-60%). Hậu quả là niêm mạc cổ họng dễ bị khô. Thêm vào đó là lượng vi khuẩn chực chờ trong môi trường đông đúc hành khách, hay đám vi trùng núp kín trong lưới lọc của hệ thống máy lạnh. Chuyến bay càng dài thì xác suất viêm họng càng cao. Đáng tiếc là chưa thấy công ty du lịch nào phát kẹo ngậm trị đau cổ cho khách hàng.

Thay vì trông mong vào thái độ biết điều của họ, khách du hành có thể tự bảo vệ sức khỏe nếu quán triệt một số biện pháp tương đối đơn giản, như:

    *
      Uống nước nhiều hơn bình thường, thậm chí đến 3 lít trong suốt chuyến bay kéo dài hơn 8 giờ. Nếu được nước trái cây pha loãng là tốt nhất. Nhưng cũng đừng quên đi tiểu để tránh gánh nặng cho trái tim, đặc biệt ở người có vấn đề với tĩnh mạch chi dưới.
    *
      Uống nhiều nước nhưng không nên dùng nước có ga để tránh trường hợp đầy hơi vốn dễ bộc phát khi ở trên cao. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa cho người có đường tiêu hóa quá nhạy cảm và tất nhiên cũng không lấy gì làm thoải mái cho người lân cận.
    *
      Mang theo chai xịt có chứa nước muối pha loãng 5%. Xịt vào cổ họng mỗi giờ, hay thậm chí mỗi nửa giờ, một lần.
    *
      Tránh ngậm kẹo thông cổ mà không uống ly nước lớn sau đó, vì chính hoạt chất trong kẹo sẽ làm khô cổ họng.
    *
      Cố gắng ngủ nhiều trong chuyến bay vì giấc ngủ chính là nhân tố lý tưởng để cơ thể tổng hợp kháng thể trong môi trường dễ bội nhiễm.
    *
      Nếu dùng thuốc chống say thì đừng uống rượu, dù không dễ cầm lòng trên máy bay, vì tình trạng “lơ tơ mơ” lại là điều kiện thuận lợi cho hoạt tính của vi khuẩn.

Lạc giọng khi hạ cánh cũng có thể không vì đau họng mà do nhăn nhó sau cơn chuột rút. Kinh nghiệm đau thương này không hiếm thấy ở người có vấn đề với mạch máu chi dưới mà phải bó gối quá lâu.

Bệnh nào cũng có thuốc. Muốn tránh cảnh “muốn bước tới mà chân cứ như không nỡ rời mặt đất” thì đừng quên:

    *
      Chọn khẩu phần có nhiều rau quả trước và trong chuyến bay để dự trữ khoáng tố vôi, kalium, magnesium…
    *
      Tránh mặc quần áo quá chật trong suốt chuyến du hành. Cơ thể cần thở cho dễ trong môi trường vốn thiếu dưỡng khí.
    *
      Cởi giày, kê chân cao, thể dục ngón chân, xoa bóp bàn chân, đặc biệt là lòng bàn chân, đi lại ít bước mỗi giờ khi máy bay còn trên mây.
    *
      Dùng thuốc có sinh tố E, thí dụ 400mg mỗi ngày trong 3 ngày liên tục, trước, trong và sau chuyến đi để giữ độ loãng lý tưởng cho dòng máu.

Thói quen thoa dầu (như dầu bạc hà…) trên lòng bàn chân, nơi có nhiều huyệt đạo với tác dụng hưng phấn sức đề kháng, theo các nhà nghiên cứu về Y tế du lịch, còn có lợi điểm là giúp hành khách tự điều trị tình trạng mệt mỏi, bứt rứt, nặng đầu, khó ngủ… do khác biệt về giờ giấc khi đến nơi.

Các biện pháp vừa kể chỉ không hữu ích trong một trường hợp. Đó là khi khách viễn du bỗng buồn chán vì… nhớ nhà!

P.V

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)