Thạch Chính Lệ và nguồn gốc của Covid-19 (Kỳ cuối)

Ở kì trước chúng ta đã biết rằng, thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm không chỉ xuất phát từ mối quan ngại về an toàn sinh học, về đạo đức khoa học – những thứ có thể dễ dàng chứng minh mà còn là niềm tin chính trị, cụ thể là định kiến quá sâu sắc với Trung Quốc của một phần giới khoa học phương Tây. Kì cuối cùng này, là những suy nghĩ của Thạch Chính Lệ, về những nguy cơ và mất mát trong tương lai khi người ta lẫn lộn chính trị với khoa học.

Quang cảnh cổng chợ hải sản ở Vũ Hán khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Ảnh: Reuters.

Một buổi chiều nóng nực tháng 7/2021, tôi tham gia cùng Thạch Chính Lệ và đội của bà trên một chuyến săn virus đến một hang dơi ở tỉnh Hồ Bắc. (Đội không muốn tiết lộ địa điểm hang động chính xác, nhằm tránh sự chú ý không cần thiết từ truyền thông.) Hoàng hôn đang buông xuống nhanh, không khí bốc lên mùi khó chịu và ẩm mốc. Hàng nghìn con dơi móng ngựa treo lơ lửng trên trần hang động, im phăng phắc, không nhúc nhích và mỗi con cách nhau một khoảng đều đặn, như những máy bay tiêm kích trên trường bay chờ lệnh cất cánh.

Để bắt được dơi, những nhà khoa học sử dụng một tấm lưới khổng lồ làm từ các sợi nylon rất mảnh chăng giữa hai cột. Lệ và Yang chắn hai cột đó ở hai bên lối vào hang động, điều chỉnh tư thế của mình để che những khoảng trống giữa tấm lưới và những hòn đá. Chúng tôi tắt chiếc đèn đội trên đầu và chờ đợi trong bóng tối. Lát sau, một tiếng đập cánh lúc to lúc nhỏ trên đầu chúng tôi. Một chiếc bóng lượn vòng rồi lao thẳng vào lưới, như côn trùng bay vào mạng nhện. Con dơi lập tức giãy giụa trong lưới. “Đây rồi”, Thạch Chính Lệ hét lên “Bắt được con đầu tiên!”.

Hang động nằm dưới chân ngọn đồi xanh tươi trong một ngôi làng nhỏ, là căn cứ của Thạch Chính Lệ. Đây là nơi bà dùng để lấy mẫu virus, đào tạo học viên và phát triển công nghệ lần theo dấu vết chuyển động của dơi và kháng nguyên mà chúng mang theo. Đến nay, công việc mới chỉ dừng lại ở việc tìm ra những họ hàng xa của các coronavirus mà ta đã biết, nhưng vẫn chưa rõ ý nghĩa đặc biệt của những virus này. (Tuy nhiên, dơi trong hang động khác của Hồ Bắc đã cho thấy những virus giống SARS). “Chúng tôi chỉ đang thu thập những mảnh ghép của trò chơi xếp hình”, Lệ bảo tôi. “Chúng ta không biết được điều gì sẽ gây ra đại dịch tiếp theo”.

Trong những nghiên cứu trước đây, Thạch Chính Lệ và các cộng sự của bà phát hiện ra tới 4% trong số những người sống gần với loài dơi và làm việc gần với động vật hoang dã ở phía Nam Trung Quốc bị nhiễm bệnh với các virus nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người, trong đó coronavirus; tỉ lệ lây nhiễm giữa những người buôn bán thịt là 9%. Nhóm nghiên cứu ở Lào và Pháp từng phát hiện những họ hàng thân thiết của SARS-CoV-2, thấy rằng cứ năm người từng có tiếp xúc trực tiếp với dơi và những động vật hoang dã thì có một người đã có các kháng thể coronavirus.

Những phát hiện trên gợi ý rằng những virus có mối liên hệ với SARS-CoV-2 có thể lan truyền trên một khu vực địa lý lớn, kéo dài ít nhất 3000 dặm từ Nhật đến Campuchia. Sự kết hợp của gia tăng dân số, buôn bán động vật hoang dã, phá rừng quá mức và tăng cường giao thông ở những nơi này đã khiến tác nhân gây bệnh từ động vật đễ dàng hơn trong việc truyền sang người.

Fabian Leendertz, giám đốc đầu tiên của Viện Một sức khỏe Helmholtz, Đức cho rằng nghiên cứu về virus lây truyền từ động vật sang người cần một nỗ lực toàn cầu


Nhiều nhà khoa học nói rằng để quan sát kỹ càng virus lây lan giữa các loài động vật khác nhau, Trung Quốc nên dựa trên những phát hiện của đội đặc nhiệm WHO và xây dựng chương trình giám sát dài hạn. Có thể nên tập trung vào những trang trại ở phía Nam Trung Quốc, là nơi cung cấp động vật cho chợ Hoa Nam, hay những loài được biết là nhạy với SARS-CoV-2, như cầy hương, chồn nâu, lửng, lửng chó, và những người sống gần với động vật hoang dã hay làm công việc trao đổi mua bán động vật hoang dã. Theo lời Fabian Leendertz, chuyên gia về bệnh lây truyền từ động vật và giám đốc đầu tiên của Viện Một Sức khỏe Helmholtz ở Greifswald, Đức, cũng là thành viên của đội đặc nhiệm WHO, điều này không chỉ giúp khám phá chính xác nguồn gốc của covid-19. “Điều này cũng gồm giảm nguy cơ của đại dịch tiếp theo”, ông nói. “Nó có thể giúp nâng cao năng lực ở các vùng nông thôn hẻo lánh. Nó nên là sự phối hợp nỗ lực toàn cầu”. Nhưng dường như những hợp tác quốc tế với Trung Quốc như vậy ngày càng khó diễn ra vì những cáo buộc chất chồng đối với Viện Vũ Hán.

Trong khi đó, theo lời một phát ngôn viên của WHO, tất cả mọi giả thiết đều đang được xem xét và thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm đòi hỏi điều tra sâu hơn, có thể cần tiến hành thêm các nhiệm vụ khác liên quan tới an toàn sinh học và các chuyên gia an ninh sinh học. Tháng 11/2021, WHO tập hợp một nhóm cố vấn để truy tìm nguồn gốc của covid-19, những dịch bệnh tương lai và hướng dẫn nghiên cứu về tác nhân gây bệnh mới nổi. Cũng theo lời người này, nhóm sẽ tung ra phần những khuyến cáo đầu tiên vào những tuần tiếp theo.

Thạch Chính Lệ giờ đây đã nhận ra bản chất gây tranh cãi trong công trình của bà và đồng tình rằng siết chặt các quy định và quản lý các nghiên cứu có tính rủi ro là một nhu cầu cấp thiết. Bà đón nhận một cuộc tranh luận xã hội rộng mở hơn về  chủ đề tìm kiếm virus mới trong tự nhiên và biến đổi các hệ gene của các virus trong phòng thí nghiệm – vốn là điều những chuyên viên an toàn sinh học phản đối dữ dội. Nhưng “họ không phải hành quyết tôi vì lí do đó”, bà bảo tôi.

Qua việc nói chuyện với hàng chục nhà khoa học về giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, điều trở nên rõ ràng với tôi là nói chung, quan điểm của mọi người dựa vào việc họ có tin tưởng bà Lệ hay không. Một số người ủng hộ bà, một phần vì họ biết bà ở ngoài đời hay hiểu được công việc của bà, hay vì họ sẵn sàng chấp nhận sự hỗn độn của thực tế khoa học và sự thiếu minh bạch của Trung Quốc. Những người khác, có khả năng là do xuất phát từ sự bất tín sâu sắc với Trung Quốc và những quan ngại quá mức về an toàn sinh học, hay một khát khao mãnh liệt với sự minh bạch hơn, họ đơn giản là từ chối mọi chứng cứ bà đưa ra để minh chứng cho công việc của mình, và nhìn nhận bất kì sự thiếu nhất quán nào đều là cố tình che đậy một tội ác.

Từ khi dịch bệnh nổ ra, Thạch Chính Lệ đã nhận được vô số những email và cuộc gọi xúc phạm, thậm chí cả những lời dọa giết. Bà bị gọi là kẻ dối trá, kẻ giết người hàng loạt và tiếp tay cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (dù bà không phải là Đảng viên). Tháng 5/2020, có tin đồn thất thiệt rằng bà đã tẩu thoát sang Pháp với gần 1.000 thông tin mật của chính phủ.

Tại văn phòng được trang trí với chủ đề dơi, tôi hỏi Lệ về việc hai năm qua đã ghi dấu ấn điều gì trong bà. Gương mặt mang nét nữ tính bỗng phút chốc mất đi sự tươi tắn.

“Tôi không có gan nhìn lại khoảng thời gian ấy”, bà nói và ngoảnh đầu đi.

Một khoảng không im lặng bao trùm không khí sau đó.

“Tôi từng ngưỡng mộ phương Tây. Tôi từng nghĩ đó là một xã hội bình đẳng và trọng dụng nhân tài. Tôi từng nghĩ sẽ thật tuyệt vời khi sống ở một đất nước mà bất kỳ ai có thể chỉ trích chính quyền”.

“Bây giờ thì bà nghĩ sao?”

“Giờ tôi thấy, nếu bạn là người Trung Quốc thì không cần biết bạn giỏi trong công việc như thế nào – vì bạn bị phán xét bởi quốc tịch”, bà nói. “Tôi nhận ra rằng nền dân chủ phương Tây là đạo đức giả, và phần lớn truyền thống được vận hành bởi những lời nói dối, định kiến và chính trị”.

Nữ người dơi Trung Quốc ngừng lại và thở một hơi thật sâu. Cơ thể bà cứng lại, máu chảy phừng phừng trên má. Bầu không khí nở ra và có vẻ càng nóng nực hơn.

“Tôi lo ngại rằng họ đã mất đi nền tảng đạo đức cao quý”, bà nói. Và nếu chính trị áp chế khoa học, “thì sẽ không có nền tảng cho bất kỳ sự hợp tác nào”. □

Phạm Vĩnh Anh dịch

Nguồn: https://www.technologyreview.com/2022/02/09/1044985/shi-zhengli-covid-lab-leak-wuhan/

Tác giả