Thách thức Net Zero 2023: Việt Nam chiếm hai trong ba giải chung cuộc

Cuộc thi quốc tế về giải pháp công nghệ xanh do các quỹ đầu tư mạo hiểm tổ chức đã tìm ra ba đội thắng cuộc để nhận giải thưởng 15 tỷ đồng (630.000 USD) không quy đổi cổ phần, trong đó hai đội là Việt Nam.

Các đội thi tại chung kết Net Zero Challenge 2023. Ảnh: TD

Chiều 8/12, hai quỹ đầu tư Touchstone Partners (Việt Nam) và Temasek Foundation (Singapore) đã tổ chức chung kết “Thách Thức Net Zero 2023”- cuộc thi nhằm tìm kiếm những giải pháp công nghệ xanh có thể triển khai ở Việt Nam

Được phát động từ tháng Tám, Cuộc thi tập trung tìm kiếm những công ty công nghệ đang ở giai đoạn đầu, có tiềm năng giải quyết các thách thức môi trường ở quy mô lớn trong ba mảng: Năng lượng tái tạo và Trung hoà carbon, Hệ thống lương thực và Nông nghiệp bền vững, và Kinh tế Tuần hoàn và Quản lý Rác thải.

Ban tổ chức cho biết đã nhận được hơn 300 hồ sơ đăng ký từ 45 quốc gia trên toàn thế giới. Hơn 30% trong số đó đến từ các đội ở ngoài Việt Nam. Hạng mục nhận được nhiều hồ sơ nhất là Hệ thống Thực phẩm và Nông nghiệp Bền vững.

Có 9 đội lọt vào vòng chung kết, với kết quả chung cuộc như sau:

  • Alternō (Việt Nam) chiến thắng hạng mục Năng lượng tái tạo & Trung hòa Carbon. Alterno sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ, gọi là pin cát. Hệ thống này lấy năng lượng dư thừa trong mùa hè hoặc từ tấm pin mặt trời trên mái nhà để lưu trữ trong một thùng chứa cát cách nhiệt. Với một thiết kế cách nhiệt thích hợp, silicon dioxide (cát) có thể lưu nhiệt và ổn định nhiệt lên đến 1.000 độ C trong vài tháng. Khi sử dụng, nhiệt từ pin cát sẽ được xả qua đường ống dẫn để dùng cho các ứng dụng như sấy nông sản, cấp nhiệt công nghiệp, cung cấp nước nóng cũng như làm mát cho các tòa nhà.
  • Forte Biotech (Singapore/Việt Nam) chiến thắng hạng mục Hệ thống lương thực & Nông nghiệp bền vững. Forte Biotech sản xuất các bộ kit xét nghiệm, giúp chẩn đoán nhanh tại chỗ để phát hiện một số bệnh ở tôm như EMS, EHP, đốm trắng v.v. trong vòng 60 phút. Với công nghệ này, chủ trang trại hoàn toàn có thể tự mình xét nghiệm mà không cần kiến thức khoa học chuyên sâu, từ đó chủ động theo dõi tình hình ao tôm và giảm được thiệt hại trong quá trình nuôi tôm.
  • AirX Carbon (Việt Nam) chiến thắng hạng mục Kinh tế Tuần hoàn & Quản lý Rác thải. AirX Carbon sản xuất vật liệu thay thế nhựa từ chất thải sinh học (bã cà phê, bã mía…) với chi phí cạnh tranh khi so sánh với các loại nhựa gốc dầu mỏ truyền thống. Các sản phẩm này được quảng bá có khả năng lưu trữ carbon (từ 0,8-1,5 tấn carbon/tấn nhựa), phù hợp với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng muốn giảm dấu chân carbon.

Các đội được trao giải thưởng trị giá 15 tỷ đồng tiền mặt (không quy đổi cổ phần) để thí điểm các giải pháp chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Ngoài ra, hai giải thưởng đầu tư trị giá 50.000 USD mỗi giải từ Quỹ Touchstone Partners (Việt Nam) và Quỹ East Ventures (Indonesia) cũng được trao cho đội Alterno và AirX Carbon.

Tất cả chín đội tham gia chung kết cũng nhận được 10.000 USD mỗi đội từ nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây AWS.

“Năm nay là năm đầu tiên Thách Thức Net Zero được tổ chức tại Việt Nam. Là một cuộc thi mang tính chất quốc tế về mảng công nghệ chống biến đổi khí hậu đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi thực sự bất ngờ với số lượng và chất lượng của các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu đã nhận được”, bà Ngô Thuỳ Ngọc Tú, Giám đốc Quỹ Touchstone Partners, chia sẻ.

Touchstone Partners đã trực tiếp kết nối các đội thi với các đối tác doanh nghiệp chiến lược cho công nghệ của họ tại Việt Nam. Quỹ đầu tư này mong muốn có thể hỗ trợ và phát triển hơn nữa những sáng kiến mới trong mảng kinh tế xanh.

9 ĐỘI LỌT VÀO CHUNG KẾT CUỘC THI “THÁCH THỨC NET ZERO 2023″

Hạng mục: Năng lượng tái tạo & Trung hòa Carbon
* Alternō (Việt Nam) – Lưu trữ năng lượng nhiệt chi phí thấp sử dụng pin cát.
* Sierra Energy & NSEC (Mỹ/Việt Nam) – Sản xuất nhiên liệu xanh từ chất thải hỗn hợp chưa phân loại thông qua khí hóa.
* VOX Cool (UK) – Pin lạnh có điều khiển thông minh để khử cacbon trong dây chuyền lạnh.

Hạng mục: Hệ thống lương thực và Nông nghiệp bền vững
* Forte Biotech (Singapore/Việt Nam) – Xét nghiệm chẩn đoán RAPID tại chỗ để phát hiện sớm bệnh ở tôm.
* NEORICE (Việt Nam) – Kỹ thuật trồng lúa bền vững và chi phí thấp giúp giảm tới 50% lượng khí thải metan.
* Tepbac (Việt Nam) – Nuôi trồng thủy sản chính xác và quản lý trang trại thông minh cho nông hộ nhỏ

Hạng mục: Kinh tế Tuần hoàn và Quản lý Rác thải.
* AirX Carbon (Việt Nam) – Giải pháp thay thế nhựa gốc dầu mỏ từ chất thải sinh học với chi phí tương đương
* GreenPod Labs (Ấn Độ) – Màng bọc hoạt tính sinh học giúp tăng thời gian bảo quản rau quả
* Origo Eco (Malaysia) – Pallet vận chuyển làm từ trấu và phế thải nông nghiệp

Trang Linh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)