Thế bất lực của Ủy hội sông Mekong

Ngày 16/10/2018, tại tọa đàm khoa học “Hợp tác quản lý nguồn nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng” do trường ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN) phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (Đức) tổ chức, việc củng cố vai trò Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission – MRC) đã được nêu là yếu tố quan trọng trong quản lý nguồn nước và môi trường con sông có lưu lượng nước lớn thứ 10 thế giới này.

Mô hình đập thủy điện Pak Beng, Lào. Nguồn: The Nation 

Đề cập đến vai trò là nguồn cung cấp nước chính cho hơn 60 triệu người dân của sông Mekong, GS. Detlef Briesen (ĐH Giessen, Đức) cho biết, việc kiểm soát nguồn cung này trở thành vấn đề trọng tâm trong thảo luận chính sách của các quốc gia trong lưu vực, đặc biệt là các quốc gia vùng hạ nguồn – chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các hành vi gây ô nhiễm ở các quốc gia thượng nguồn. Điều đó được thể hiện qua nghiên cứu của GS. Win Maung (Viện Môi trường Myanmar) về hoạt động đào vàng ở sông Chindwin  – dòng chính của sông Mekong trên đất Myanmar, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng nước ở khu vực hạ lưu như làm tăng độ pH, nitrogen, phosphorus, sắt…

Nhận thức được ảnh hưởng này, ngay từ những năm 1957, bốn quốc gia hạ nguồn gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã xây dựng các ủy ban hợp tác quản lý nguồn nước, và đến năm 1995, Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission – MRC) được thành lập với tư cách là một cơ quan liên chính phủ “phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan bằng cách triển khai những hoạt động và chương trình, cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách”, theo trang web của Ủy hội. TS. Trần Diệp Thành (ĐH KHXH&NV) đánh giá: “Dù đã hoạt động 23 năm nhưng MRC vẫn chưa triển khai hết các chức năng cũng như chưa đạt được các nhiệm vụ đề ra.” Ngay từ đầu những năm 2010, hàng loạt các đập thủy điện vẫn được xây dựng ồ ạt trên dòng chính Mekong – hiện tại có đến 11 đập đang triển khai xây dựng ở Lào và Campuchia. Thậm chí, không có sự đồng ý của MRC thì các dự án như Pak Beng, Pak Lay của Lào vẫn được thực hiện mà không phải chịu bất kỳ chế tài xử phạt nào.

Lý giải cho sự yếu kém trong quản lý và đảm bảo sự phát triển bền vững của sông Mekong của MRC, TS Thành cho rằng, MRC là một thể chế khu vực nhưng bị giới hạn ở quyền hạn. Và một hạn chế lớn của MRRC là hoạt động dựa vào nguồn tài trợ từ các quốc gia phát triển như Úc, Bỉ, EU, Nhật Bản, Mỹ…, nên thay vì thực hiện đúng chức năng, MRC đang “bằng mọi giá” đáp ứng các lợi ích cho những nhà tài trợ, ví dụ như thông qua các dự án hợp tác dù chưa đánh giá được đầy đủ những tác động của nó.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến MRC bị giảm sút sức mạnh là sự thiếu vắng Trung Quốc và Myanmar trong Ủy hội, qua đó tổ chức này thiếu tính đại diện trên trường quốc tế. Nhiều năm qua, Trung Quốc đã “bỏ lơ” MRC và xây dựng hơn 10 đập thủy điện trên dòng chính Lan Thương – tên gọi của sông Mekong trên đất Trung Quốc, thậm chí họ còn đang đầu tư cho Lào để quốc gia này tiếp tục xây dựng nhiều đập thủy điện khổng lồ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn khiến MRC không thể thực hiện đầy đủ các chức năng của mình là các quốc gia trong Ủy hội chưa thực sự quan tâm giải quyết một cách thỏa đáng giữa “lợi ích quốc gia” và “lợi ích khu vực” – ông Chheang Vannrith (Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia), nêu nhận xét.

Để giải quyết những hạn chế này, các chuyên gia đều nhất trí: điều cần thiết trước mắt là gia tăng quyền lực cho MRC để tổ chức này thực hiện đúng các chức năng và nhiệm vụ đã được đặt ra, cũng như thực thi các chế tài xử phạt khi cần thiết. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi MRC mở rộng hợp tác để tăng tính đại diện toàn cầu.

 

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)