Thế giới “phẳng” và doanh nghiệp công nghệ

Những thành tựu khoa học-công nghệ, bối cảnh địa chính trị trên thế giới hiện nay cũng như những định chế, pháp lý và chuẩn mực quốc tế đang đưa loài người đến những mô hình sản xuất-kinh doanh và quan niệm hoàn toàn mới về phát triển.

Công nghệ và các định chế toàn cầu giảm thiểu ngăn cách về địa lý, sự khác biệt giữa các vùng, quốc gia và các châu lục. Dòng vốn, tri thức và công nghệ được luân chuyển đến mọi nơi trên thế giới với rất ít trở ngại để đem lại giá trị gia tăng lớn nhất cho con người. Thế giới trở nên “phẳng” hơn như T. Friedman đề cập trong tác phẩm “Thế giới phẳng”. Với công nghệ, vận mệnh của các quốc gia ngày càng ít phụ thuộc vào khí hậu, vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên mà phụ thuộc vào Hệ thống giáo dục, ý chí vươn lên, doanh trí của doanh nghiệp và của mỗi người dân. Với sự phát triển của công nghệ, mối tương tác giữa Nhà nước và Doanh nghiệp cũng thay đổi từ chỗ kiểm tra, mệnh lệnh, bao cấp trở thành hỗ trợ, tạo dựng “sân chơi” bình đẳng mang tính thị trường. Nếu như chỉ một thập kỷ trước, các quốc gia luôn giữ vai trò chủ đạo, thì ngày nay các doanh nghiệp trở thành động lực chính trong sự phát triển. Quan hệ giữa các đối tác chuyển từ cạnh tranh sang “cộng tranh” (Co-opetition) – khi mà các doanh nghiệp vừa “cộng tác” (Co-opetition) vừa “cạnh tranh” (competion) theo hướng “cùng có lợi” (Win-Win-Situation) làm cho “chiếc bánh” lợi nhuận của Nhân loại ngày càng lớn ra chứ không là một hằng số như quan niệm theo kiểu “Tổng bằng không” (Zero-Sum-Behaviour).
Vì công nghệ tạo ra những phương thức sản xuất-kinh doanh mới, nhân loại đang giải lại bài toán tối ưu hóa sản xuất và kinh doanh trên quy mô toàn cầu. Theo J. Welch, Giám đốc General Electric, “Người thành công trong cuộc chơi toàn cầu là người tập hợp được những tối ưu của thế giới trong nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn nhất. Và rất hiếm khi tất cả các yếu tố này tồn tại ở trong một nước hay một châu lục”. Nói cách khác, sản phẩm được tạo ra bởi chuỗi cung cấp quy mô nhỏ của quốc gia sẽ không thể cạnh tranh được với sản phẩm của chuỗi kinh doanh quy mô châu lục, toàn cầu. Thay vì quy hoạch sản xuất kinh doanh trong phạm vi quốc gia, những  chuỗi cung cấp đang trải dài liên lục địa, vượt qua biên giới các quốc gia, mang tính vượt trội về so sánh cạnh tranh. Các phát minh của khoa học cơ bản và khoa học công nghệ trong vài thập kỷ trước đã hội tụ đến ngưỡng mà việc ứng dụng và kết hợp chúng với nhau mang lại lợi nhuận to lớn. Đây là cơ hội cho những nước có tiềm năng sáng tạo công nghệ chưa cao và “đi sau” về công nghệ nhưng có tính thực tế cao, khả năng đổi mới linh hoạt và nhạy bén với thị trường. Thay vì chỉ sản xuất kinh doanh các sản phẩm trong nước, ngày nay người ta tham gia vào các chuỗi cung cấp cho các sản phẩm trên toàn thế giới. Đầu tư để sản xuất phần mềm lớn gấp 7.500 lần so với đầu tư để gia công một (những) công đoạn nhất định. Các nước nhỏ hầu như không thể thực hiện cả quy trình sản phẩm để bán trên toàn thế giới (từ thiết kế, sản xuất đến bán hàng) nhưng các doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia vào một công đoạn của quá trình làm ra sản phẩm đó.
Bên cạnh “phần cứng” hữu hình còn cả một hệ thống các “phần mềm” vô hình ràng buộc, điều chỉnh “cuộc chơi” như luật lệ, chuỗi cung cấp, cụm công nghiệp, liên minh chiến lược, cơ chế hoạt động, văn hóa kinh doanh,… mà nhiều khi các nước đang phát triển chưa nhận thức đầy đủ.
Nếu kinh doanh lành mạnh, tư duy thực tiễn, không dựa vào bảo hộ, bao cấp, những biện pháp hành chính phi thị trường, chủ nghĩa thân quen (crony capitalism) thì công nghệ, tri thức và toàn cầu hóa mang lại cho tất cả các nước, các doanh nghiệp, mọi cá nhân những cơ hội chưa từng có.
Hiện nay, chần chừ, lập những rào cản bảo hộ, dựa vào bao cấp hoặc theo định hướng quốc gia bó hẹp, một mặt, không nắm bắt các cơ hội chưa từng có, mặt khác, cuối cùng cũng không thể ngăn nổi được dòng công nghệ, dòng vốn từ bên ngoài tràn vào.
Muốn tồn tại trong hội nhập, cách hiệu quả nhất là thông qua khoa học-công nghệ. Việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ (technology-based firms) và gia tăng ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất kinh doanh là con đường ngắn nhất dẫn đến phát triển kinh tế. Để làm được như vậy, các khâu nghiên cứu-đào tạo-sản xuất-kinh doanh phải gắn kết với nhau.
Nền kinh tế nhân tài đang phát sinh và lớn mạnh với tốc độ kinh khủng đưa tri thức trở thành nguồn tài nguyên lớn nhất, một đơn vị tiền tệ mới mà các quốc gia, công ty đang tranh giành nhau. Trong thế giới “phẳng”, các công ty chiêu nạp nhân tài từ mọi nước, mọi ngành. B. Gates không sợ các công ty CNTT mà các ngân hàng đầu tư như Morgan Stanley, Goldman Sachs,… vì “hút” hết nhân tài trên thế giới. Thuê khoán ngoài trong sản xuất-kinh doanh (Business Process Outsourcing-BPO) và trong nghiên cứu-thiết kế (Knowledge Process Outsourcing-KPO) đang biến đổi phương thức kinh doanh trên thế giới, làm mờ dần xuất sứ quốc gia của sản phẩm và thay vào đó là tính quốc tế. Các nước phát triển đang bị thách thức và bị thúc ép phải bước lên những bậc thang cao hơn, đem lại những công nghệ, mô hình, quan niệm, triết lý hoàn toàn mới về phát triển cho nhân loại.
Các quốc gia đang khẩn trương thành lập Quốc-Gia-Canh-Tân-Hệ (National Innovation System – NIS) như một hành trang bắt buộc cho thế kỷ 21 như Dự án Thiên niên kỷ do LHQ nêu ra. Chương trình đổi mới bao gồm đổi mới từ công nghệ và việc áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý, vận hành đến đổi mới tư duy, văn hóa làm việc, văn hóa tồn tại của mỗi người và mỗi doanh nghiệp. Động lực của quá trình đổi mới là các doanh nghiệp công nghệ nhưng Nhà nước luôn là tổng chỉ huy của NIS.
Ở nước ta hiện nay, thành phần quan trọng của NIS là Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (technology business incubator). Đó là nơi đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập. Việc hướng doanh nghiệp vào áp dụng công nghệ không những là nhân tố hiệu quả nhất để tồn tại trong cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa mà còn giúp các doanh nghiệp hòa vào trong các chuỗi cung cấp trên thế giới. Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ, tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp về công nghệ, trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất-kinh doanh, ví dụ: các hiểu biết về chuỗi cung cấp, công nghiệp phụ trợ, mạng lưới hậu cần toàn cầu, mạng lưới cung cấp toàn cầu, thuê khoán ngoài, quy trình sản phẩm từ ý tưởng, nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, tiếp thị, kinh doanh, tìm lợi thế cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, liên minh chiến lược, quy luật, phương thức và xu thế vận hành của các dòng công nghệ, vốn trong thời gian tới… Như vậy, các doanh nghiệp công nghệ được hỗ trợ để phát triển thuận với thị trường, đặc biệt trong thời kỳ bắt đầu của hội nhập.     

Đinh Thế Phong

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)