Thế giới phi hạt nhân, một ảo tưởng? *
Những nghiên cứu thuần túy cơ bản “trong tháp ngà” về hạt nhân nguyên tử hồi đầu thế kỷ 20 đã vĩnh viễn làm thay đổi thế giới, đưa thế giới bước sang một giai đoạn hoàn toàn khác, khi vũ khí hạt nhân và điện hạt nhân trở thành tiêu điểm chi phối cục diện thế giới và quan hệ quốc tế trong hơn bảy thập kỷ qua.
Sau khi phát xít Đức đầu hàng đồng minh ngày 9 tháng 5 năm 1945, ở mặt trận Thái Bình Dương, Nhật Bản gần như tuyệt vọng, chỉ chờ ngày hạ vũ khí. Trong những ngày này đã diễn ra nhiều cuộc thương lượng để Nhật đầu hàng vô điều kiện. Trong thế vô vọng không có gì để mặc cả, phía Nhật chỉ yêu cầu Nhật hoàng được tại vị. Mỹ không chấp thuận, nhưng không vội thúc ép.
Sáng 17 tháng 6, các nhà khoa học Mỹ đã cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên làm bằng plutonium lấy từ lò phản ứng. Sức công phá đã vượt quá mọi tưởng tượng của chính những nhà khoa học chế tạo ra nó.
Ngày 6 và 9 tháng 8 hai quả bom nguyên tử làm bằng plutonium và uranium giàu với sức công phá gần 20 nghìn kiloton TNT mỗi quả đã hủy diệt hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, giết chết thê thảm hơn 225 nghìn người dân vô tội bằng sức nổ, bỏng nhiệt và tia phóng xạ. Ngày 15/8, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng. Mỹ và phe đồng minh chấp thuận, đồng thời chấp thuận cả sự tại vị của Nhật hoàng sau chiến tranh.
Không có bất cứ lý do nào biện minh cho ba tháng kéo dài chiến tranh để cuối cùng phải nhận lấy thảm cảnh ở Hiroshima và Nagasaki. Ngược lại, cũng không có bất cứ lý do nào biện minh cho hành động hủy diệt bằng bom nguyên tử của Mỹ. Ngay đến những tướng lĩnh chủ chốt, trong đó có D. MacArthur, tư lệnh lực lượng đồng minh ở Thái Bình Dương cũng hồi tưởng rằng thảm họa nguyên tử này không phải là không thể tránh được. Các nhà khoa học thai nghén ra bom nguyên tử càng không muốn nhìn thấy thành quả lao động của mình giết chết những người dân vô tội. Đối với Einstein, đây là nỗi dằn vặt không nguôi trong những năm cuối đời. Năm tháng trước khi qua đời (1955), Eisntein còn kịp trăn trối đã phạm sai lầm lớn nhất trong đời khi viết thư đề nghị Tổng thống Mỹ Roosevelt làm bom nguyên tử.
Những gì diễn ra ở Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945 đã cảnh báo nhân loại về một nguy cơ hủy diệt mới.
Hiệp ước Giảm khả năng Tấn công Chiến lược (Strategic Offensive Reductions Treaty, SORT) ký năm 2002 giữa hai tổng thống George W. Bush và Vladimir Putin
Sau chiến tranh lạnh, kho vũ khí của hai siêu cường đã giảm đi nhiều.Với hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược SORT có hiệu lực từ năm 2003, hai nước Mỹ và Nga chỉ còn để lại khoảng 4000 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng. Hàng chục nghìn đầu đạn còn lại được tháo gỡ, nhiên liệu được tái sinh theo một thỏa thuận “chuyển megaton thành megawatt” để sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân.
Nhưng với ngần ấy đầu đạn nằm trên bệ phóng, Trái Đất này vẫn còn quá mong manh. Một thế giới phi hạt nhân là ước mong của mọi người, song giờ đây vẫn còn là ảo tưởng.
————————————————
* Trích từ cuốn sách “An toàn điện hạt nhân” (Phạm Duy Hiển), NXB Khoa học kỹ thuật ấn hành tháng 5/2015. Tít bài do Tia Sáng đặt.