Theo dõi mức độ phơi nhiễm ô nhiễm không khí trong ngày

Theo “Big mobility data reveals hyperlocal air pollution exposure disparities” nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Cities của các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), có sự khác biệt đáng kể về mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí của mỗi người khi tính đến mức độ di chuyển hằng ngày.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi tính đến thói quen di chuyển hằng ngày, mức độ tiếp xúc của mọi người với các hạt vật chất có kích thước 2,5 micron hoặc nhỏ hơn sẽ tăng lên khoảng 2,4%. Ảnh: iStock

Nghiên cứu, được thực hiện tại Bronx, New York, không chỉ ước tính được mức độ ô nhiễm không khí dựa trên nơi người dân sinh sống hoặc làm việc mà còn sử dụng dữ liệu di động để xem xét những địa điểm mà mọi người đến trong một ngày thông thường, từ đó đưa ra đánh giá toàn diện hơn về tác động của môi trường đối với họ.

Kết quả cho thấy, mức độ phơi nhiễm với các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micron tăng khoảng 2,4% khi tính đến thói quen di chuyển hằng ngày của mọi người.

“Một trong những điểm mạnh chính của nghiên cứu này nằm ở việc cố gắng cải thiện thông tin về cả khía cạnh chất lượng không khí cũng như việc ước tính chi tiết về khả năng di chuyển của mọi người”, Paolo Santi – nhà nghiên cứu chính tại Senseable City Lab thuộc Khoa Nghiên cứu và Quy hoạch Đô thị (DUSP) của MIT, đồng thời là đồng tác giả của bài báo mới – cho biết. “Điểm mạnh cho phép chúng tôi xây dựng quỹ đạo di chuyển của mọi người. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi có thể kết hợp những dữ liệu này để đưa ra cách đo lường phơi nhiễm mới”.

Xét cho cùng, mức độ phơi nhiễm hằng ngày với không khí ô nhiễm của con người có thể là sự kết hợp phức tạp giữa việc sống gần, làm việc gần hoặc di chuyển gần các nguồn phát sinh hạt bụi.

“Mọi người di chuyển khắp thành phố vì công việc, học tập và nhiều lý do khác, và nghiên cứu về vấn đề này giúp chúng ta có được thông tin tốt hơn về mức độ phơi nhiễm”, An Wang thuộc Đại học Bách khoa Hồng Kông – đồng tác giả khác của nghiên cứu – cho biết.

Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu ô nhiễm không khí bằng cách lắp các cảm biến môi trường chạy bằng năng lượng mặt trời, bao gồm máy đếm hạt quang học, cảm biến nhiệt độ và độ ẩm, cùng GPS, trên các xe dịch vụ của Thành phố New York đang hoạt động tại Bronx. “Chiến lược này cho thấy các thành phố có thể sử dụng đội xe hiện có của mình làm cảm biến môi trường”, Simone Mora của Phòng thí nghiệm Senseable City cho biết.

Để đo lường mức độ tiếp xúc với ô nhiễm của những người di chuyển qua Bronx vào những thời điểm khác nhau, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hồ sơ điện thoại ẩn danh của 500.000 cá nhân khác nhau và 500 triệu hồ sơ ghi nhận vị trí hằng ngày tại New York.

Dữ liệu ô nhiễm mặt đất cho thấy khu vực phía Đông Nam của Bronx – nơi có nhiều đường cao tốc và khu công nghiệp nhất – có nhiều hạt bụi nhất.

Dữ liệu về khả năng di chuyển cũng cho thấy có sự chênh lệch về mức độ phơi nhiễm theo đặc điểm nhân khẩu học, liên quan đến chênh lệch về thu nhập và trầm trọng hơn là chênh lệch theo chủng tộc. Câu chuyện này rất phức tạp, chẳng hạn, một số cộng đồng đa số là người gốc Tây Ban Nha có mức độ phơi nhiễm cao nhất nhưng trong lòng cộng đồng này cũng ẩn chứa sự chênh lệch giữa những người có mức thu nhập khác nhau. 

Theo Fábio Duarte của Phòng thí nghiệm Senseable City, thông tin về sự phơi nhiễm ô nhiễm có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe. Bronx – nơi có chất lượng không khí tệ nhất so với các quận còn lại của thành phố New York – có số trường hợp mắc bệnh hen suyễn cao hơn 2,5 lần so với các quận khác.

Và Wang lưu ý rằng các nghiên cứu chi tiết như thế này có thể được mở rộng thành các nghiên cứu bổ sung thêm các loại mối nguy hại khác đối với chất lượng không khí, chứ không chỉ là các hạt bụi PM2.5.

“Điều này thực sự mở ra cánh cửa cho những phân tích mới về nhiều loại nghiên cứu độc tính kết hợp với phơi nhiễm”, ông cho biết.□

Kim Dung lược dịch

Nguồn: https://news.mit.edu/2024/study-tracks-air-pollution-exposure-through-day-0729

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)