Thí nghiệm tái tạo Big Bang

Các nhà nghiên cứu quốc tế đã khởi động một cuộc thí nghiệm vật lý với mục đích tái tạo sự kiện khai sinh vũ trụ nhằm tìm câu giải thích về nguồn gốc vũ trụ và cách mà nó nuôi dưỡng sự sống.

Cỗ máy khổng lồ Large Hadron Collider (LHC) sử dụng các nam châm cực lớn để phóng các tia nguyên tử xung quanh đường ống dài 27 km, nơi mà chúng sẽ va chạm nhau với tốc độ gần với tốc độ ánh sáng. Vụ va chạm tức khắc tạo ra nhiệt độ nóng gấp 100.000 lần Mặt trời, tạo ra các điều kiện giống như vào thời khắc khoảng 1 phần tỉ giây sau Big Bang được cho là điểm khởi đầu tạo nên vũ trụ cách đây 13,7 tỉ năm. Hệ thống máy tính sẽ ghi lại những gì xảy ra trong mỗi thời điểm và khoảng 10.000 nhà khoa học trên khắp thế giới sẽ phân tích vật chất thu được sau phản ứng. Các chuyên gia hy vọng sẽ khám phá thêm nhiều bí mật về những khái niệm như vật chất tối, năng lượng tối… đặc biệt là xác định liệu có sự tồn tại của hạt Higgs hay không để giải mã được bí mật về cách vật chất có được khối lượng.

T.M

Tác giả