Thiếu minh bạch trong quản lý an toàn hạt nhân Trung Quốc

Trong bối cảnh sắp tròn 2 năm kể từ lần xảy ra thảm họa Fukushima, người ta sẽ đặt câu hỏi liệu Trung Quốc đã rút ra bài học gì từ Nhật Bản. Liệu 28 lò phản ứng mà nước này đang xây dựng có được vận hành và kiểm soát một cách phù hợp? Liệu chúng có an toàn? Hiện nay, có rất ít thông tin để có thể đưa ra câu trả lời tích cực cho những câu hỏi này.

Trung Quốc đã khởi động lại chương trình năng lượng hạt nhân đầy tham vọng sau 19 tháng treo lại kể từ vụ tai nạn Fukushima ở Nhật Bản. Gần một nửa các lò phản ứng nguyên tử đang được xây dựng trên khắp Trung Quốc, và quốc gia này muốn tăng gấp 3 lần sản lượng điện hạt nhân chỉ trong vòng 4 năm, từ 12,5 gigawatt của năm 2011 lên thành 40 gigawatt vào năm 2015 – một kết quả khó đạt được ở bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.

Các lò phản ứng mà Trung Quốc đang xây dựng thuộc thế hệ lò phản ứng thứ 3, như lò Westinghouse AP1000, hay Areva European Pressurized Reactor (EPR). Ngành công nghiệp điện hạt nhân Trung Quốc cam kết rằng những lò mới này sẽ an toàn hơn vì chúng dựa nhiều hơn vào những biện pháp an toàn “cố hữu” – ví dụ, chúng sẽ không cần những máy bơm bên ngoài để bảo đảm vận hành an toàn khi có sự cố – nhưng đó mới chỉ là lời nói. Điều người ta lo ngại hơn là liệu các công ty Trung Quốc và hệ thống xây dựng – vốn bị mang tiếng về nạn tham nhũng, chất lượng thấp, và bớt xén chi phí – sẽ chấp nhận đánh đổi tốc độ lấy an toàn cho công trình.

Trung Quốc cần tránh lặp lại tình huống năm 1998, khi lò phản ứng CNP-300 theo công nghệ nội địa tại Qinshan phải xây lại vì những sai sót ở mối hàn trên khoang thép chứa lò.
Tập đoàn Areva khẳng định rằng lò EPR có thể được xây dựng ở Trung Quốc với mức chi phí là 4 tỷ USD – 40% thấp hơn chi phí nếu xây dựng ở châu Âu – trong thời gian 46 tháng, nhanh hơn so với thời gian 71 tháng nếu làm ở châu Âu. Đây cũng là lò phản ứng đã gặp chi phí phát sinh khổng lồ và trì hoãn đáng kể khi thi công ở Phần Lan và Pháp.
Đến nay, chỉ có các lò AP1000 ở các tỉnh Zhejiang và Shandong là loại lò đã được thương mại hóa phổ biến trên thế giới. Trong số 4 lò EPR đang được xây dựng trên thế giới, có 2 lò đang được xây ở tỉnh Guangdong của Trung Quốc. Vì vậy, có thể coi Trung Quốc là phòng thí nghiệm sống cho các thiết kế và vận hành lò phản ứng hạt nhân thế hệ III.

Điều này có nghĩa là Trung Quốc cần phải có một hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, những quy định và hướng dẫn của Trung Quốc đã lạc hậu cả thập kỷ, và không có một hệ thống pháp lý sáng sủa giúp quản lý việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Bên cạnh đó, sau thảm họa Fukushima, Trung Quốc vẫn chưa có những hành động hiệu quả trong cải cách và tăng cường cho các cơ quan chức năng và hoạt động kiểm soát hạt nhân, trong khi hệ thống kiểm soát của Trung Quốc không hề tốt hơn hệ thống đã gây ra thảm họa ở Nhật Bản, nếu không muốn nói là tệ hơn.  

Cũng như Nhật Bản, ở Trung Quốc khả năng giám sát và đảm bảo an toàn hạt nhân bị tác động bởi mối quan hệ quá thân tình giữa các cơ quan quản lý của Nhà nước và các công ty vận hành cũng do Nhà nước sở hữu – thường xuyên có sự luân chuyển cán bộ làm việc trong bộ máy hành chính Nhà nước và các công ty này. Trách nhiệm quản lý năng lượng hạt nhân của Trung Quốc bị phân tán và phân chia ra nhiều cơ quan. Và tệ hơn nữa là các nhà quản lý lại có thứ bậc hành chính thấp hơn những người phụ trách vận hành nhà máy.

Hai cơ quan quản lý ở Trung Quốc là Ban An toàn Hạt nhân Quốc gia và Ban Năng lượng Quốc gia có thứ bậc thấp hơn nhiều so với Hội đồng Nhà nước, trong khi các công ty năng lượng hạt nhân – Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Năng lượng Quảng Đông Trung Quốc, hay Tập đoàn Công nghệ Năng lượng Hạt nhân Nhà nước – chỉ phải báo cáo trực tiếp lên Hội đồng Nhà nước. Như vậy, các nhà vận hành sẽ được cấp cao nhất lắng nghe nhiều hơn so với các nhà quản lý khi có sự cố khẩn cấp xảy ra.

Thiếu minh bạch và thiếu sự tham gia tiếng nói của công chúng đã tạo ra môi trường đóng kín thông tin trong ngành công nghiệp hạt nhân Nhật Bản, một yếu tố gây ra tai nạn Fukushima. Còn ở Trung Quốc, môi trường quản lý và hoạt động làm chính sách trong ngành công nghiệp hạt nhân cũng không có gì khả quan hơn. Các chính sách hạt nhân dựa quá nhiều vào những hội đồng chuyên gia khép kín. Và vì đa số các viện nghiên cứu hạt nhân ở Trung Quốc là các đơn vị sự nghiệp của các nhà máy điện hạt nhân, hầu hết các chuyên gia chịu trách nhiệm thẩm định đề án xây dựng lò phản ứng mới đều có mối liên quan đến chủ đầu tư. 

Cũng như Nhật Bản, Trung Quốc vẫn chưa thúc đẩy tính minh bạch và sự tham gia tiếng nói người dân trong các vấn đề hạt nhân. Công chúng được mời tới nhận xét về đánh giá tác động môi trường của các dự án, nhưng chỉ được phép làm vậy trong vòng 10 ngày, khiến không thể có được những thẩm định an toàn hạt nhân một cách toàn diện và độc lập.

Trung Quốc cần năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng và các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon. Nhưng quốc gia này cần cải cách và tăng cường hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân. Cần hướng tới tăng cường minh bạch và sự tham gia của công chúng, và thành lập những viện nghiên cứu hạt nhân độc lập, cung cấp cho những viện này nguồn ngân sách dài hạn để họ có thể tiến hành những nghiên cứu độc lập, đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm kiểm soát an toàn hạt nhân.

Nhưng điều cấp thiết nhất là xây dựng một cơ sở pháp lý toàn diện trong quản lý năng lượng hạt nhân, trao trách nhiệm an toàn lò phản ứng cho những cơ quan độc lập, đáng tin cậy, và có đủ thẩm quyền.

http://www.nature.com/news/nuclear-safety-lies-in-greater-transparency-1.12493

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)