Thông điệp từ Nature về các bản đồ khu vực đang có tranh chấp
Không thể đưa vào các bài báo khoa học những bản đồ mang tính chính trị nhằm hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở những khu vực còn đang tranh chấp. Các nhà nghiên cứu nên giữ sự hòa hiếu bằng cách tránh đưa chính trị vào công việc khoa học của mình.
Xưa kia, Muhammad Ali – một nhà quân sự am hiểu về chiến tranh – từng nói rằng chiến tranh giữa các quốc gia là nhằm thay đổi bản đồ. Nhưng ngày nay, có những cách thay đổi các bản đồ một cách kín đáo hơn. Ví dụ như đối với Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên một phần lớn diện tích mặt nước, dù không căn cứ vào bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào, và điều này gây xung đột với tuyên bố chủ quyền của các nước khác.
Điều này thì liên quan gì tới khoa học và những tạp chí như Nature? Không hề – ngoại trừ rằng những xung đột lãnh thổ trong đó có Biển Đông, đang rò rỉ vào các trang tạp chí khoa học. Theo một xu hướng đáng lo ngại, ngày càng có nhiều các bản đồ đi kèm với các bài báo khoa học của các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong đó mô tả một đường đứt khúc trùm lên đa số Biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Có thể hiểu được sự giận dữ từ các nhà khoa học và công dân những nước láng giềng liên quan đối với các bản đồ này, và đa phần là chúng không hề liên quan tới đề tài bài nghiên cứu được công bố. Việc đưa vào đường đứt khúc này không thể là một thông điệp mang tính khoa học, mà hẳn là một thông điệp mang tính chính trị, được gửi theo yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc. Đây là một tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, được đưa vào không đúng chỗ.
Khi có sự pha trộn giữa nghiên cứu và chính trị, thì khoa học nên là một công cụ để cải thiện quan hệ, thay vì nhằm bành trướng lãnh thổ. Ngay cả trong những môi trường nặng tính thù địch chính trị thì khoa học vẫn có thể nuôi dưỡng được sự hợp tác. Ngày càng nhiều nhà nghiên cứu từ Đài Loan tham gia nghiên cứu cùng các đồng nghiệp từ Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh và Đài Bắc vẫn tiếp tục có những bất đồng cơ bản. Theo số liệu từ Lou-Chuang Lee, trưởng Hội đồng Khoa học Đài Loan, số lượng các bài nghiên cứu là kết quả của sự hợp tác như vậy tăng từ 521 năm 2005 lên 1.207 vào năm ngoái.
Những quan hệ hợp tác như vậy tạo cơ sở để cùng đạt được những lợi ích chung, và như chúng ta mong muốn, giúp phần nào hòa giải những khác biệt về chính trị. Ít nhất thì chúng cũng giúp giảm bớt sự căng thẳng.
Tuy nhiên, chính trị vẫn thường tìm ra cách thâm nhập. Ví dụ như tháng 8 vừa rồi, Ann-Shyn Chiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Não tại trường đại học Tsing Hua ở Hsinchu, Đài Loan, đã bị bất ngờ khi nhận được yêu cầu từ Yi Rao, một nhà khoa học thần kinh từ đại học Bắc Kinh, người cùng ông viết một bài báo khoa học. Rao muốn phần thân thế quốc tịch của Chiang là “Đài Loan, Trung Quốc”, cách gọi theo đúng ý của chính quyền Trung Quốc. Chiang đã đáp lại Rao rằng, hoặc là dùng Đài Loan, hay Cộng hòa Đài Loan, hoặc là gỡ tên mình khỏi danh sách tên tác giả. Cuối cùng, họ tìm ra một giải pháp thỏa hiệp, với cách ghi là “Đài Loan, Cộng hòa Trung Hoa”.
Nhưng đối với Biển Đông, nơi có những nguồn tài nguyên và lợi thế địa chính trị đáng kể, vấn đề không dễ giải quyết như vậy.
Liên quan tới vấn đề này và các xung đột chính trị khác, quan điểm của Nature là các nhà khoa học nên tập trung vào chuyên môn khoa học. Các tác giả nên tối đa tránh đưa chính trị vào các bài báo khoa học của mình, bằng cách tránh những nhận xét kích động, những thông điệp và những bản đồ gây tranh cãi. Trong trường hợp những điều này là bất khả kháng, ví dụ như khi một nghiên cứu về tài nguyên của một quốc gia đòi hỏi phải tính đến sự hiện hữu hay không hiện hữu chủ quyền của quốc gia này đối với một hòn đảo nào đó, thì bản đồ này nên chú thích kèm là “đang tranh chấp”, hoặc chú thích bằng nội dung nào khác tương tự. Nếu các tác giả không làm như vậy cho các bài báo đăng trên Nature, thì tòa soạn sẽ bảo lưu quyền bổ sung vào những chú thích cần thiết.
Bằng cách tránh xung đột, các nhà nghiên cứu tránh được để cho chính trị làm ô nhiễm khoa học của họ, giúp cơ hội hợp tác được mở rộng, từ đó các nghiên cứu của họ sẽ được hưởng lợi. Các nhà nghiên cứu cũng có thể, [thông qua khoa học] giúp làm giảm bớt những căng thẳng chính trị, tìm ra con đường đạt được những lợi ích chung, và thực hiện được việc cải thiện quan hệ.
Các nhà nghiên cứu từ các phía đều có nhiều lợi ích chung, những điều cũng được trân trọng chia sẻ từ nhiều nhà khoa học từ các nơi khác đang bất ổn vì những cuộc xung đột. Thật không hợp lý nếu người ta hủy hoại tình đoàn kết này bằng [việc đưa vào khoa học] những vấn đề chính trị và lãnh thổ không liên quan.
Dịch theo: http://www.nature.com/nature/journal/v478/n7369/full/478285a.html