Thuyết phục Science đăng thư phản đối đường lưỡi bò thế nào?

Trong năm 2011, có một sự kiện đáng chú ý là nỗ lực của giới khoa học Việt Nam nhằm "lật tẩy" đường lưỡi bò trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới là Science. Họ đã góp phần làm cho giới khoa học thế giới hiểu thêm về vấn đề phức tạp và có phần nhạy cảm này, đồng thời cũng tạo nên những cứ liệu khoa học chất lượng phản bác lại hiện trạng áp đảo các công trình khoa học có dùng "bản đồ lưỡi bò" minh họa.

Dưới đây là bài  trao đổi của TS Lê Văn Út, ĐH Oulu, Phần Lan với GS Phạm Quang Tuấn, ĐH New South Wales, Australia – người đã kiên trì tranh luận với BTV tạp chí Science để cuối cùng tạp chí này đăng thư phản đối của giới khoa học Việt Nam dưới bài báo chèn đường lưỡi bò phi lý của tác giả Trung Quốc.


Việt Nam vẫn bất lợi vì thực lực khoa học kém Trung Quốc

TS Lê Văn Út: Giáo sư đã nghĩ gì khi Science đã im lặng trước thư phản đối mà ông gửi cho họ, sau khi họ  cho đăng “Thông báo của tổng biên tập” có phần lấp liếm?

GS. Phạm Quang Tuấn: Tôi không nghĩ họ cố ý “lấp liếm” mà là không đủ quan tâm về vấn đề, nên không đọc kỹ mọi lá thư mà cho rằng chỉ cần một trả lời chung chung. Tuy nhiên, tôi nghĩ là phản ứng này khá đáng thất vọng. Họ là một trong hai tờ báo khoa học đa ngành nổi danh nhất mà phản ứng yếu xìu và có vẻ không quan tâm về vụ xâm phạm đạo đức khoa học trên tờ báo của họ.

TS Lê Văn Út: “Thông báo của tổng biên tập” có làm giáo sư nản chí? Ông có nghĩ câu chuyện đã kết thúc ở đó không?

GS. Phạm Quang Tuấn: Dĩ nhiên là không, nhưng tôi khá ngạc nhiên khi họ không trả lời thẳng câu hỏi của mình là có định đăng bài hay không.
 
 
TS Lê Văn Út: Có thể nói bức thư ông phản ứng về việc họ trưng ra “thông báo của tổng biên tập” đã chuyển câu chuyện theo hướng tích cực? Xin ông vui lòng cho biết những điểm nhấn trong bức thư này là gì?

GS. Phạm Quang Tuấn: Căn bản là chỉ ra cho họ rằng nội dung bản thông báo của họ không áp dụng cho thư của chúng tôi, và yêu cầu họ xử lý lá thư theo thủ tục thông thường.

TS Lê Văn Út: Tại sao họ lại im lặng sau khi giáo sư phản ứng việc họ dùng “Thông báo của tổng biên tập” để hồi đáp lá thư phản đối của ông?

GS. Phạm Quang Tuấn: Tôi không biết tại sao. Tuy nhiên, trong việc gửi bài đăng báo khoa học, việc trì trệ, không được trả lời cả tuần hay cả tháng là thường. Việc phải viết thư nhắc nhở cũng rất thường.

TS Lê Văn Út: Science chưa in lá thư phản đối trên báo giấy. Ông có đang tiếp tục yêu cầu họ về vấn đề này?

Lược thuật quá trình tranh luận của GS Phạm Quang Tuấn với BTV tạp chí Science

Bài báo “Lịch sử nhân khẩu học của Trung Quốc và thách thức trong tương lai” của Xizhe Peng, đăng trên Science vào ngày 29 tháng 7 năm 2011, số trang 1581-587, với các bản đồ Trung Quốc có chèn đường lưỡi bò phi pháp, đã bị nhiều tri thức Việt phản đối. Do Science nhận thức được sự vô lí của đường lưỡi bò trong bài báo của Xizhe Peng nên họ đã đăng cho đăng một thông báo của tổng biên tập. Tuy nhiên thông báo đó chỉ đề cập “có thể đã có sự hiểu nhầm”, “Science không đứng về bên nào” hay “chúng tôi sẽ xem lại quy trình … để tránh lặp lại…”.

Không bằng lòng với sự không rõ ràng của Science, nhiều tri thức Việt đã tiếp tục gửi thư phản đối đến Science.

GS Phạm Quang Tuấn cùng nhiều tri thức Việt đã gửi một lá thư cho Science (mã số: 177180) giải thích rõ về tính phi pháp của đường lưỡi bò, và đề nghị Science xét đăng lá thư này.

Tuy nhiên, Jennifer Sills, phó ban biên tập trang thư của Science, đã hồi đáp rằng họ đã đăng thông báo của ban biên tập. Không đồng ý với câu trả lời của bà Jennifer Sills, GS. Phạm Quang Tuấn đã phản ứng: “Bà đã không nói rõ liệu lá thư của chúng tôi sẽ được công bố hay không. Thông báo của tổng biên tập viên về các bản đồ Trung Quốc đề cập đến một vấn đề hoàn toàn khác với lá thư của chúng tôi. Tôi biết rằng đã có nhiều thư phản đối đưa đến việc Science đã ra một thông báo như vậy, nhưng lá thư của chúng tôi là về một vấn đề hoàn toàn khác. Chúng tôi không đặt vấn đề liệu các bản đồ có phản ánh một lập trường của Science hay không. Vấn đề mà lá thư của chúng tôi đề cập là tính khoa học và tính hợp pháp của các tài liệu trong một bài báo được xuất bản trên Science. Như vậy, nó cần phải được xem xét theo thủ tục bình thường dành cho các thư phản hồi, điều đó có nghĩa rằng nó phải được chuyển đến tác giả bài báo gốc để lấy ý kiến, và sau đó tổng biên tập sẽ quyết định có công bố lá thư hay không, dựa trên giá trị khoa học của nội dung. Tóm lại, tôi kính xin quý báo áp dụng một quy trình khoa học bình thường cho lá thư của chúng tôi. Tôi mong đợi thư trả lời của bà.”

Trước sự phản hồi nhẹ nhàng, khoa học, và thẳng thắn của GS. Phạm Quang Tuấn, bà Jennifer Sills và Science đã phải im lặng. Một tuần sau đó, GS. Phạm Quang Tuấn đã gửi cho bà Jennifer Sills một bức thư quyết định: “Tôi đã gửi bà bức thư đính kèm một tuần trước đây, nhưng vẫn chưa nhận được trả lời của bà. Chắc chắn thật là một vấn đề đơn giản để cho tôi biết liệu lá thư của chúng tôi có đang được xem xét để xuất bản hay không, và nếu nó đã bị bác thì dựa trên những căn cứ gì. Như bà phải biết, chúng tôi cần biết điều này để chúng tôi có thể sắp xếp cách khác, chẳng hạn như tìm kiếm một nơi thích hợp cho bức thư của chúng tôi. Tôi mong nhận được trả lời sớm của bà.”

Lần này, bà Jennifer Sills đã lập tức đưa ra giải pháp mà tri thức Việt đang mong đợi: “Chúng tôi có thể đăng lá thư của ông trên trang web của Science. Xin vui lòng cho tôi biết liệu ông muốn chúng tôi thực hiện giải pháp này, hay ông muốn tìm một giải pháp khác như ông đã đề cập“.

Theo người viết được biết, ngoài việc GS. Phạm Quang Tuấn hồi đáp bà Jennifer Sills rằng ông hài lòng với quyết định của bà, ông còn yêu cầu Science phải đăng lá thư trên báo giấy của Science. Nhưng Science đã từ chối đề nghị này này. Tuy nhiên, việc Science buộc phải cho công bố lá thư phản đối trên trang web của họ ngay sau bài báo của Xizhe Peng cũng đã là một thành công to lớn.

GS. Phạm Quang Tuấn: Họ đã ra quyết định tối hậu là chỉ đăng trên trang điện tử, đó là quyền của họ, mình chỉ đòi hỏi được đến mức đó. Tôi không hiểu thái độ của họ, nhưng có thể là những người trong ban biên tập – đều là khoa học gia – có quá nhiều nối kết khoa học với Trung Quốc– đồng nghiệp, sinh viên, hợp tác khoa học….

Đây là một điều vô cùng bất lợi cho Việt Nam, vì thực lực của chúng ta trong trường khoa học quốc tế rất kém cỏi, chưa bằng thể so sánh với Trung Quốc. Một phần vì dân số mình ít, nhưng một phần lớn hơn là vì sự phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam thua Trung Quốc quá xa. Họ có quá nhiều khoa học gia tầm cỡ, nằm trong ban biên tập các tập san khoa học quốc tế, các hội khoa học, các đại học quốc tế.

Trình độ nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu của họ lên đến tầm cỡ cao trên thế giới, có những công trình cộng tác với Tây phương ở tư cách ngang hàng (chứ không phải chỉ là xin tiền hay được giúp đỡ). Trừ phi Việt Nam có chính sách phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ đàng hoàng, tiếng nói của chúng ta sẽ càng ngày càng yếu ớt.

Nhưng quyết tâm theo đuổi sẽ thành công

TS Lê Văn Út: Giáo sư nghĩ gì về quá trình tranh luận giữa ông và vị đại diện của Science, và sự thắng lợi vừa qua? Những kinh nghiệm gì mà ông muốn chia sẻ với những người gửi thư phản đối các tạp chí khoa học có đăng bài dính đường lưỡi bò?

GS. Phạm Quang Tuấn: Thư phải đi thẳng vào vấn đề, xác thực, dẫn chứng đầy đủ. Nên viết với tư cách một nhà khoa học hay ít ra một người khách quan, chứ đừng viết trên cương vị của một người Việt Nam, vì độc giả không phải chỉ có người Việt Nam. Nếu không được đăng ngay thì cần phải để tâm theo đuổi.

TS Lê Văn Út: Các tạp chí bị phản đối về đường lưỡi bò thường trả lời rất chung chung “đó trách nhiệm của tác giả” hay “chúng tôi không quan tâm chính trị”. Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?

GS. Phạm Quang Tuấn: Tôi nghĩ là các báo khoa học cũng rất lúng túng về vấn đề các tác giả Trung Quốc đưa bản đồ lưỡi bò vào công trình nghiên cứu. Người chịu trách nhiệm đăng bài là tổng biên tập, nhưng thường thường tổng biên tập không có thì giờ đọc kỹ hết các bài gửi đến mà dựa lên các người bình duyệt (reviewers). Người bình duyệt thì rất đông, trên nguyên tắc toàn thể các nhà khoa học trên thế giới ai cũng có thể được chọn để bình duyệt nếu thông thạo đề tài. Vì không tìm được biện pháp cụ thể, họ phản ứng lập lờ và lúng túng. Có lẽ chúng ta phải tìm cách giúp họ bằng cách đưa tra những đề nghị cụ thể và khả thi

TS Lê Văn Út: Được biết giáo sư đang tham gia ban biên tập của hai tạp chí quốc tế và đã công bố hàng trăm công trình khoa học, có phải chỉ những kinh nghiệm này làm nên thắng lợi vừa qua hay không? Những người không có thành tích khoa học như giáo sư có thể làm nên những thắng lợi tương tự hay không?

GS. Phạm Quang Tuấn: Mỗi người chúng ta đều có thể làm theo cách của mình. Chẳng hạn, thư phản đối gửi cho các báo của các cựu sinh viên New Zealand, tuy không theo quy củ hàn lâm, nhưng đã đưa tới hai bài viết rất mạnh trên báo Nature. Tuy nhiên, với những người không thông thạo tiếng Anh và văn hóa Tây phương thì việc này rất khó và cần sự cộng tác của những người đã ở ngoại quốc lâu năm.

* ĐH Oulu, Phần Lan

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)