“Tiền có mọc từ rừng?”

Trong chuỗi hợp tác giữa tạp chí Tia Sáng và Hội đồng Anh tại Hà Nội, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ lâm nghiệp Châu Á Thái Bình Dương, vừa qua tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình đã có buổi giao lưu giữa thính giả với những nhà văn hoá, nhà khoa học: nhà văn Nguyên Ngọc, GS Võ Quý, TS Nguyễn Ngọc Lung, TS Đặng Kim Sơn với chủ đề Rừng và biến đổi khí hậu - “Tiền có mọc trên cây?"

“Rừng xưa đã mất”

Trong câu chuyện của nhiều người già, thời Pháp thuộc, lá cây rừng “sát sạt” cửa sổ toa tàu tuyến từ Hà Nội lên Yên Bái và chỉ cần lên đến vùng núi Ba Vì là đã có thể tìm thấy dấu vết của hổ. TS Nguyễn Ngọc Lung, Bộ NN&PTNT đưa ra con số rất cụ thể: “Năm 1943, diện tích rừng chiếm tới 43% lãnh thổ nhưng sau 50 năm, diện tích rừng đã mất đi 1/3, từ 14,3 triệu ha còn 9 triệu ha, mức thấp nhất trong lịch sử”
Rừng mất quá nhanh chóng có thể đổ tại cho chiến tranh, song không thể bỏ qua thực tế rằng rừng bị cạn kiệt nhiều nhất khi chúng ta xây dựng đất nước trong hoà bình. Vì sao khi còn là “rừng thiêng nước độc”, khi còn bị đốt bằng napalm, bị hủy diệt bằng chất độc da cam, rừng lại còn; nhưng đến khi được coi là “vàng” thì rừng lại bị huỷ hoại nhanh chóng?
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, rừng bị phá huỷ chủ yếu do sai lầm trong quản lý. Nêu ví dụ từ những lần cháy lớn rừng U Minh, nhà văn Nguyên Ngọc kể: Trước đây, ngay cả trong thời Mỹ ném bom napalm, rừng U Minh cháy nhưng không thiêu trụi hàng nghìn, hàng chục nghìn hecta rừng, vì vừa bén lên ở đâu, chúng bị dập tắt ngay ở đó. Ngày nay, khi U Minh trở thành “rừng quốc doanh” thì “dân không chăm chăm ngày đêm canh rừng, giữ rừng, không sống chết dập tắt ngay bất cứ ngọn lửa nào bén lên từ rừng nữa, rất đơn giản là vì rừng không còn là của họ. Họ không còn có “trách nhiệm”, thậm chí không còn có quyền gìn giữ rừng. Ðối với rừng, giờ đây họ kẻ đứng ngoài, là người dưng”.

Bảo vệ rừng thế nào?

Theo GS Võ Quý “chưa có nước đang phát triển nào giữ rừng thành công… Hiện nay chúng ta trồng được thêm nhiều diện tích rừng, song rừng nguyên sinh vẫn đang tiếp tục bị tàn phá”. TS Nguyễn Ngọc Lung cũng cho rằng, “việc quy hoạch rừng hiện chưa tốt, trồng rồi lại phá”. Đó là chưa kể tới vấn đề chất lượng rừng tái sinh. Một trong giá trị lớn của rừng nhiệt đới chính là việc diện tích lá của loại rừng này lớn gấp hàng chục lần so với rừng ôn đới và khả năng hấp thụ CO2 cũng nhờ thế mà cao hơn hàng chục lần. Đối với rừng trồng, diện tích lá bị suy giảm đáng kể so với rừng nguyên sinh và điều đó có nghĩa là giá trị sinh thái của rừng cũng bị hạn chế.
Nêu thực trạng: “Chương trình 327 thuê dân trồng và giữ rừng, song mức thuê không thoả đáng khiến nhiều người lại ‘che chở’ bọn phá rừng”, TS Đặng Kim Sơn đề nghị phải có chế tài thật nghiêm, “phải coi kiểm lâm là cảnh sát rừng với đầy đủ trang bị và quyền lợi”.
Nguyên nhân sâu xa của những sai lầm trong quản lý rừng, có lẽ là do nhiều người đã không nhìn ra điều mà nhà văn Nguyên Ngọc gọi là “một nền văn hoá rừng” của những chủ nhân rừng thực sự: “Ở U Minh, cũng như ở Tây Nguyên, có một nền văn hóa rừng, do những con người đã ngàn đời chung sống hài hòa với rừng xây dựng nên. Nó thấm sâu trong máu con người và trong các tế bào xã hội ở đây. Khi ta loại dân ra khỏi rừng, quốc doanh hóa tất cả, là ta đã phá tan nền văn hóa sâu xa ấy”.
Và hơn một lần, nhà văn Nguyên Ngọc đặt câu hỏi: Nên giao rừng cho ai? Ai là người có thể, thậm chí là người duy nhất có thể giữ được rừng?
Câu trả lời của ông luôn là: “Chỉ có thể là dân”.
Một ví dụ thành công được nhà văn Nguyên Ngọc nhiều lần nhắc đến trong các buổi nói chuyện: “Sau hai năm thử nghiệm giao đất rừng lại cho làng tại Quảng Nam, đã hạn chế được rất nhiều nạn phá rừng”.

Tiềm năng kinh tế khổng lồ

Có lẽ không cần phải nói nhiều về giá trị của rừng trong việc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, phòng chống lũ lụt,… mà thiết thực hơn, nói như một câu ngạn ngữ Anh “Money does grow on trees” (tiền có mọc từ cây (rừng), hãy thử suy nghĩ xem liệu rừng có đem lại cuộc sống sung túc cho chính những người dân địa phương đang trồng và giữ nó? Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) tại Việt Nam cho biết: Hiện nay, rất nhiều người nghèo nhất trong số những người nghèo ở Việt Nam đang sống gần rừng hoặc trong rừng. Những năm qua, Việt Nam xuất khẩu hàng tỷ đô la đồ gỗ, song những người dân địa phương có rừng lại được hưởng rất ít từ nguồn lợi này. Nguyên nhân, theo nghiên cứu này, là do một số chính sách… bất lợi cho người những người nghèo trồng và giữ rừng. Họ không được bán chính “sản phẩm” của mình.
TS Đặng Kim Sơn cũng đưa ra so sánh: “Thời hợp tác xã, gạo làm ra là của nhà nước, nông dân không được buôn bán khiến sức sản xuất lúa suy giảm. Chỉ đến khi có cơ chế khoán, khi gạo làm ra thuộc về người nông dân sau khi đã đóng các khoản nghĩa vụ, sức sản xuất lúa mới được “cởi trói” và “cất cánh” mang lại no đủ cho nông dân. Với rừng cũng vậy. Nếu có chính sách đúng, rừng có thể làm giàu cho người trồng”.
Bên cạnh việc cần có chính sách hợp lý cho người trồng rừng, một phương án được rất nhiều nhà khoa học nêu ra là việc thực hiện Cơ chế phát triển sạch (CDM) được khởi xướng từ Nghị định thư Kyoto.
Những nước phát triển muốn giảm 1 tấn CO2 sẽ mất khoảng 40 USD, còn nếu hỗ trợ các nước đang phát triển giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và mua “quota khí thải” từ những nước này thì chỉ mất khoảng 16USD. Việt Nam đánh giá có tiềm năng CDM trong trồng rừng. Vì vậy, việc thực hiện tốt chương trình “5 triệu ha rừng” sẽ đem lại hàng tỷ đô la cho nước ta. Đó là một phương án không phải là không đáng để suy nghĩ.

Lê Tự Do

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)