Tiết kiệm năng lượng– hai việc phải làm ngay
Công nghệ sản xuất và công nghệ sử dụng năng lượng của VN chủ yếu được hình thành từ thời bao cấp, do đó cũ kỹ, kém hiệu quả, và tiêu hao năng lượng quá lớn. Trong khi đó, VN lại nghèo tài nguyên năng lượng, nếu tính theo tiềm năng quy đổi về nguồn năng lượng sơ cấp trên đầu người, mà tốc độ cạn kiệt do khai thác lại rất cao, vì vậy việc tiết kiệm năng lượng là đương nhiên.
Trữ lượng than ở cấp tin tưởng (cấp 111 và 122 theo phân loại mới) của cả bể than Quảng Ninh chỉ có 2,1 tỷ tấn, chiếm 25%, còn lại 75% chỉ là tài nguyên (cấp 333 và 334). Bể than Đồng bằng Sông Hồng có tổng tài nguyên khoảng 210 tỷ tấn cần phải thăm dò và đưa vào khai thác sớm, nhưng hiện vẫn còn nằm trên giấy, chưa biết đến bao giờ. |
Trong khí đó, VN là một trong những nước nghèo về các nguồn tài nguyên năng lượng. Nếu tính bình quân đầu người, tiềm năng quy đổi về nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí, uranium) của VN quá thấp. Trữ lượng đã ít, mà tốc độ cạn kiệt do khai thác lại rất cao. Đây là một thực tế rõ ràng, dễ hiểu. Đã đến lúc chúng ta không thể tự dối mình. Nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng sẽ diễn ra vì nguồn năng lượng các loại (kể cả nguồn năng lượng tái tạo) có thể khai thác được của VN không nhiều như chúng ta tưởng.
Mô hình tăng trưởng kinh tế của VN trong thời gian gần đây cho thấy có hai nhánh. Nhánh thứ nhất là những lĩnh vực phụ thuộc một cách quyết định vào năng lượng và nhánh thứ hai là những lĩnh vực ít phụ thuộc vào năng lượng. Thực tế đòi hỏi chúng ta cần có các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp và chỉ cần tập trung vào nhánh thứ nhất.
Kết luận của thế giới về tiết kiệm năng lượng
Rõ ràng, để đảm bảo cân bằng cung-cầu về năng lượng, có hai biện pháp: (i) tăng cung – phát triển các cơ sở khai thác, sản xuất, chế biến cung ứng năng lượng; và (ii) giảm cầu- nâng cao hiệu quả của việc sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng. Liên quan đến cả hai biện pháp này, kinh nghiệm của thế giới đã được tổng kết thành hai kết luận thực tế như sau:
Việc xuất khẩu than là một biểu hiện rõ nét nhất cho những bất cập trong việc thực thi không đúng các chính sách và chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và cho việc sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước. |
Kết luận rút ra từ hiện tại: chi phí đầu tư để sản xuất ra cùng một đơn vị năng lượng đắt hơn ít nhất 2,5 lần so với chi phí đầu tư để tiết kiệm hay nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Số liệu khô khan này rất có ý nghĩa khi chúng ta đang rất thiếu tiền vốn đầu tư cho các ngành năng lượng.
Kết luận định hướng cho tương lai: ít nhất 30% nhu cầu năng lượng trong tương lai của loài người có thể và cần phải được đáp ứng bằng biện pháp tiết kiệm.
Nếu như không phải là toàn bộ, thì trọng tâm của các chính sách, chiến lược về năng lượng cần được xây dựng theo hai kết luận trên.
Vừa qua, VN đã thông qua luật về tiết kiệm năng lượng, nhưng mới chỉ đề cập chủ yếu đến tiết kiệm điện (chỉ là một thành phần rất nhỏ trong tiết kiệm năng lượng). Vấn đề tiết kiệm năng lượng cần được đặt ra và tiệm cận một cách toàn diện, khoa học. Năng lượng cần được tiết kiệm trong tất cả các khâu: thăm dò, khảo sát, quy hoạch, thiết kế, khai thác, chế biến, vận chuyển và sử dụng.
Lãng phí, tổn thất về năng lượng ở VN đang xảy ra ở tất cả các khâu này.
Trước hết, ít nhất 30% nguồn tài nguyên năng lượng là than, dầu mỏ, khí đốt bị tổn thất (nằm lại trong lòng đất) trong quá trình thăm dò khảo sát (do chúng ta không đủ điều kiện để khai thác nên đã áp dụng các tiêu chuẩn tính trữ lượng theo hướng chấp nhận tổn thất cao).
Trong khâu quy hoạch và thiết kế, ít nhất 50% nguồn tài nguyên năng lượng đã được thăm dò bị tổn thất tiếp do phụ thuộc vào công nghệ khai thác (ví dụ đối với than đá, nếu thiết kế khai thác được bằng công nghệ lộ thiên, tổn thất khoảng 30%, nếu khai thác bằng hầm lò, tổn thất khoàng 70%, đối với dầu mỏ và khí đốt, tổn thất cũng không ít hơn 30% phụ thuộc vào các công nghệ/quy trình khai thác).
Trong khâu chế biến năng lượng, tổn thất năng lượng đã được khai thác còn rất cao: từ than nguyên khai chế biến thành than sạch tổn thất 10-15%, từ than sạch hay từ dầu mỏ và khí đốt chế biến thành điện năng (qua các nhà máy phát nhiệt điện) tổn thất 50- 60% (phụ thuộc vào các chu trình nhiệt của lò hơi).
Trong khâu vận chuyển năng lượng đã được chế biến, tổn thất cũng đáng kể: than, dầu mỏ hay khí đốt vận chuyển từ nơi khai thác đến các nhà máy điện hoặc đến các hộ tiêu dùng khác tổn thất 2-3%, điện năng vận chuyển từ các nhà máy phát điện đến các hộ tiêu dùng tổn thất 5-10%.
Và cuối cùng, trong khâu tiêu dùng năng lượng, tổn thất hay lãng phí cũng ít nhất 30%. Nếu chỉ đề cập đến tiết kiệm điện năng thì chúng ta mới chỉ đề cập đến khả năng và nhu cầu tiết kiệm ở một phần rất nhỏ của tiết kiệm năng lượng. Có thể nói, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của chúng ta là rất lớn.
Câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ về than
Câu hỏi về xuất khẩu than, tại sao phải sớm chấm dứt việc xuất khẩu than? Hiện nay, VN đang xuất khẩu hơn 50% sản lượng than. Riêng việc xuất khẩu than sang Trung Quốc, nếu thống kê đầy đủ, con số thực còn cao hơn nhiều.
Có lẽ trên thế giới chưa có mô hình trao đổi năng lượng nào khó hiểu và không thể chấp nhận được như của VN hiện nay: TKV xuất khẩu than cho TQ, TQ dùng than của VN phát điện, EVN nhập khẩu điện của TQ. Ở đây có thể có cái gọi là “ba bên cùng có lợi”. Nhưng, nền kinh tế của VN thì thua thiệt: hoặc TKV đang xuất khẩu than với giá quá rẻ, hoặc EVN đang nhập khẩu điện với giá quá đắt, hoặc cả hai khả năng này.
Trong tương lai, sẽ không có đủ than để VN có thể nhập khẩu, và giá than nhập khẩu (CIF) vào VN chắc chắn cao hơn ít nhất 1,5-2 lần so với giá VN đang xuất khẩu (FOB). Trong tình hình như vậy, việc nhập khẩu than cho điện trong tương lai đối với VN là quá sức. |
Nếu nhìn tổng thể phát triển ngành than, việc xuất khẩu than hiện nay chỉ tạo ra sự tăng trưởng nhất thời để báo cáo thành tích và vì lợi ích cục bộ trước mắt. Lý do phải xuất khẩu than để: (i) bù lỗ cho than bán trong nước, và (ii) để đầu tư phát triển ngành than là không thuyết phục và không chính đáng. Thứ nhất, để bù lỗ cần phải giảm chi phí sản xuất, tăng cường quản lý kỹ thuật (vì buông lỏng quản lý kỹ thuật, chi phí khai thác ngày càng tăng). Thứ hai, tuy xuất khẩu một khối lượng lớn than hàng năm, nhưng trong suốt 15 năm qua, ngành than hầu như không có đầu tư tái sản xuất mở rộng. Sản lượng khai thác than hiện nay chủ yếu là nhờ “thâm canh” tại các mỏ đã có từ thời bao cấp. Sản lượng than hiện nay đã vượt mức tối ưu và trong điều kiện vi phạm kỹ thuật cơ bản một cách nghiêm trọng dẫn đến môi trường vùng than ngày càng xấu đi và tai nạn lao động chết người vẫn ở mức rất cao. Ngành than đang đứng trước nguy cơ giảm sản lượng và phải cải tạo lại mỏ lần thứ ba. Càng đẩy mạnh xuất khẩu than, chúng ta càng tiến nhanh đến nguy cơ phải cải tạo mỏ.
Câu hỏi về nhập khẩu than, nhập khẩu than có dễ? Tổng sản lượng than của VN trong tương lai chỉ đáp ứng 50% tổng nhu cầu trong nước. Lượng than nhập khẩu của VN dần dần sẽ cao hơn cả sản lượng than có thể sản xuất được trong nước. Mặc dù vậy, ngay trong phương án quy hoạch phát triển ngành than mới nhất của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng không có câu trả lời cho câu hỏi VN sẽ nhập than như thế nào, từ đâu, có nguồn than nào để nhập hay không v.v.
Thực ra, câu trả lời đã rõ, chỉ có điều không ai dám nói thẳng ra là: trong tương lai, sẽ không có đủ than để VN có thể nhập khẩu, và giá than nhập khẩu (CIF) vào VN chắc chắn cao hơn ít nhất 1,5-2 lần so với giá VN đang xuất khẩu (FOB). Hiện nay, lượng than trao đổi trên thế giới đã đạt mức 1 tỷ tấn/năm, chủ yếu là than năng lượng và tập trung ở khu vực châu Á. Trung Quốc hiện đang khai thác gần 3 tỷ tấn/năm, chỉ nhập hơn 150 triệu tấn/năm, nhưng, sau 15 năm nữa, dự kiến sẽ phải nhập khoảng 1,6 tỷ tấn/năm. Doanh số xuất khẩu than của Úc vào thị trường Trung Quốc đã vượt qua con số 5,6 tỷ USD. Việc phát triển ngành than trong nước đang bế tắc, nhưng việc nhập khẩu than sẽ còn bế tắc hơn. Với cung cách và trình độ điều hành như hiện nay, kể cả nếu Chính phủ giao nhập khẩu than bằng bất cứ giá nào để cấp đủ cho điện TKV cũng không thể thực hiện được.
Hai việc phải làm ngay
Rà soát lại cân bằng năng lượng của nền kinh tế, phải coi tiết kiệm năng lượng (điện, than, dầu, khí) là quốc sách. Việc mất cân bằng năng lượng ở VN trong tương lai (thiếu điện, phải nhập khẩu than cùng với việc phải nhập khẩu xăng dầu khí đốt) sẽ chính là rào cản lớn nhất cho việc phát triển nền kinh tế, làm giảm đáng kể sức hút vốn đầu tư, triệt tiêu mọi khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm, và, điều quan trọng hơn là có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán của nền kinh tế.
Hiện nay, VN là nước xuất khẩu về năng lượng. Nhưng chỉ sau năm 2015-2020, VN sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Thời gian không còn dài. VN đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc khủng hoảng thiếu về năng lượng. Rất đáng tiếc là chúng ta vẫn còn đang mơ hồ về vấn đề này.
Tăng trưởng của nền kinh tế gắn liền với tiêu dùng năng lượng. Đại diện cho mối quan hệ này là hệ số đàn hồi về năng lượng. Hệ số này của VN đang lớn hơn 1 rất nhiều; điều đó có nghĩa là càng phát triển kinh tế thì VN càng có nguy cơ bị mất cân bằng về năng lượng, và, trong điều kiện mất cân bằng về năng lượng, nền kinh tế càng phát triển càng kém hiệu quả.
Với chính sách và chiến lược phát triển ngành năng lượng như hiện nay, VN sẽ sớm là nước vừa đói vừa nghèo về năng lượng. Theo mọi dự báo, mức tiêu dùng điện của VN vào năm 2020 mới đạt được mức của Thái Lan ở năm 2000. Nói cách khác, về năng lượng VN đang lạc hậu hơn so với Thái Lan ít nhất là 20 năm.
Sớm cơ cấu lại nền kinh tế vì đây là giải pháp vĩ mô quan trọng nhất. Trong khi còn nghèo đói về năng lượng, và không đủ vốn đầu tư, chúng ta cần có chính sách và chiến lược phát triển lực lượng sản xuất phù hợp với khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng. Nên ưu tiên nguồn lực cho việc phát triển các cơ sở khai thác, sản xuất năng lượng truyền thống (điện, than, dầu, khí) cũng như năng lượng tái tạo và triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng, không nên phát triển và đầu tư vào các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Việc phát triển những ngành công nghiệp vừa tiêu hao điện vừa tốn nhiều tiền (như thép, xi măng, bauxite-nhôm v.v.) sẽ chỉ góp phần đáng kể vào việc gia tăng đói nghèo về năng lượng của cả nước.
*Nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng – TKV, hiện là Giám đốc BQL các dự án than Đồng Bằng Sông Hồng – Vinacomin.