Tiết kiệm năng lượng – những rào cản

Bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, việc sử dụng năng lượng trên thế giới, và cả ở Việt Nam, đang phải đối mặt với hai vấn đề nan giải có khả năng làm sụp đổ công cuộc phát triển kinh tế và đe dọa sự phồn vinh của các quốc gia. Đó là nguy cơ thiếu hụt năng lượng, và nguy cơ biến đổi khí hậu gây ra bởi việc sử dụng các nhiên liệu hoá thạch. Để góp phần giải quyết đồng thời hai vấn đề này, chúng ta cần có những giải pháp để vượt qua những rào cản trước các biện pháp tiết kiệm năng lượng.


Tiết kiệm năng lượng, một vấn đề vô cùng cấp bách

Tiết kiệm năng lượng cũng không có nghĩa là phải hy sinh những dịch vụ do năng lượng cung cấp hay hạ thấp chất lượng đời sống vì phải cắt giảm năng lượng mà chỉ đơn giản là làm tăng hiệu suất sử dụng năng lượng hay giảm cường độ năng lượng nghĩa là tìm cách cung cấp một dịch vụ năng lượng tương đương nhưng với mức tiêu hao năng lượng thấp hơn.

Hiện nay chúng ta đang sử dụng năng lượng một cách rất lãng phí. Trong công nghiệp, cường độ năng lượng ở Việt Nam cao từ 1,5 đến 1,7 lần hơn Thái Lan hay Malaysia, như thế có nghĩa là để sản xuất ra một USD giá trị sản phẩm công nghiệp (thép, xi măng, hoá chất…) chúng ta cần một năng lượng từ 50% đến 70% nhiều hơn các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Các nhà quy hoạch năng lượng của ta đã căn cứ vào cách sử dụng năng lượng lãng phí này để dự báo nhu cầu năng lượng trong tương lai và không lấy gì làm lạ khi họ đưa ra những tốc độ tăng trưởng của nhu cầu điện năng là 17% (trong khi ở hầu hết các nước công nghiệp trên thế giới, tốc độ này chỉ xấp xỉ 5%-6%). Với cách tính như thế, nhu cầu điện năng vào năm 2020 sẽ lên đến gần 500 tỷ kWgiờ và đất nước phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để xây dựng các nhà máy điện mới, kể cả các nhà máy điện hạt nhân.

Đứng trước tình hình lãng phí như vậy, điều cần thiết trước mắt là phải tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất sử dụng, giảm cường độ năng lượng ở nước ta. Tiết kiệm năng lượng được xem là một “nguồn” năng lượng quan trọng nhất và cũng rẻ tiền nhất.


Người dân tham quan sản phẩm tiết kiệm năng lượng tại một triễn lãm ở TPHCM
 

Những rào cản

Việc tiết kiệm năng lượng ở nhiều nước đang phát triển, kể cả ở nước ta, không tiến triển khả quan cho lắm vì gặp rất nhiều rào cản mà những khó khăn về tài chính để đổi mới công nghệ chỉ là một thí dụ điển hình. Nếu vượt qua được các rào cản ấy, người ta có thể hy vọng tiết kiệm đến trên 50% năng lượng cần thiết mà không làm cản trở tiến độ phát triển cũng như gây ô nhiễm môi trường của đất nước.

Các rào cản ấy có thể thuộc nhiều phạm trù, lĩnh vực khác nhau: kinh tế, tài chính, xã hội, giáo dục… và nhất là kỹ thuật:

1. Không có đầy đủ thông tin, kiến thức về các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ tiêu dùng nhỏ lẻ. Muốn khắc phục, người ta phải quảng bá mọi thông tin, kiến thức bằng tất cả mọi phương tiện truyền thông nhắm đến các đối tượng mục tiêu.

2. Không được tiếp cận với các nguồn vốn để các doanh nghiệp có thể bắt đầu những chương trình đổi mới kỹ thuật. Trên cơ sở phân tích thời gian hoàn vốn đầu tư, các ngân hàng hay tổ chức tín dụng sẽ có thể mạnh dạn đầu tư vào các chương trình này.

3. Lãi suất trên các tín dụng dùng cho tiết kiệm năng lượng thường quá cao. Trong quan hệ tài chính quốc tế, các tổ chức chuyên môn và các ngân hàng đầu tư quốc tế đã bắt đầu tìm cách giúp đỡ các nước đang phát triển bằng cách tìm ra những nguồn tín dụng ở lãi suất thấp dành riêng cho lĩnh vực tiết kiệm năng lượng,

4. Cơ cấu giá cả. Thông qua các tập đoàn sản xuất năng lượng, thường là quốc doanh, Chính phủ có thể có một chính sách giá cả năng lượng hợp lý để khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng. Giá điện ở nước ta theo chế độ luỹ tiến theo phụ tải là một hướng đi có lợi cho tiết kiệm năng lượng.

5. Các rào cản về luật pháp và hành chính làm cho các doanh nghiệp khó tiến hành các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Thí dụ như ở một số nước, ngân sách hằng năm không cho phép chuyển dễ dàng kinh phí vào một quỹ đầu tư cho tiết kiệm năng lượng đã làm cho nhiều doanh nghiệp nản lòng, nhất là khi tiết kiệm năng lượng chỉ cho kết quả sau một thời gian nhất định. Ở Úc, người ta phải thay đổi luật pháp về vận chuyển các chất độc hại, về sản xuất rượu, về các trạm xăng dầu…) để có thể sử dụng ethanol làm nhiên liệu thay thế.

6. Các rào cản về thị trường. Cần phải có một thị trường đồng bộ theo đúng luật cung cầu thì mới có thể sử dụng các thiết bị tiên tiến và hiện đại cần thiết cho đổi mới công nghệ. Thí dụ như các máy đo đếm điện tử sẽ không hoạt động tốt nếu chất lượng dòng diện về tần số và điện áp không bảo đảm, các động cơ năng suất cao không phù hợp với nhiên liệu xăng dầu nhiều tạp chất hay không đủ tiêu chuẩn,

7. Tại một số nước, nhiều cơ quan hay hộ tư nhân không chịu thanh toán các hoá đơn điện, nước, khí đốt cũng làm cho các nhà cung cấp năng lượng thiếu khả năng tài chính để đổi mới,

8. Nếu các đồng hồ đo điện, nước không được trang bị đầy đủ thì rất dễ xảy ra thất thoát làm giảm thu nhập của nhà cung cấp năng lượng,

9. Cơ cấu giá cả cũng là một rào cản cho việc tiết kiệm năng lượng. Nếu giá năng lượng quá thấp thì dễ sinh ra sử dụng lãng phí, thậm chí thất thoát qua biên giới. Năm 1997, giá năng lượng ở Hungari được đưa lên bằng giá thị trường quốc tế và chỉ hai năm sau, người ta có thừa ra hằng năm 80 triệu USD để đầu tư vào tiết kiệm năng lượng. Các hộ nghèo được giúp đỡ dựa trên quỹ trợ cấp xã hội địa phương.

10. Thiếu một chính sách quốc gia về tiết kiệm năng lượng nên người dân không có những hướng dẫn và cũng không biết đến các quy định hay chế tài trong sử dụng năng lượng,

11. Do trình độ phát triển còn thấp, tại một số nước người dân không được cung cấp những loại năng lượng đa dạng nên bị hạn chế trong việc lựa chọn thiết bị hiệu suất cao,

12. Chuyên gia và kỹ thuật gia trong ngành tiết kiệm năng lượng còn thiếu nhiều ở các nước đang phát triển. Đây là một ngành học không có sức hấp dẫn lớn nên ngành giáo dục phải có kế hoạch đào tạo đủ số chuyên gia cần thiết.

13. Do tình hình tài chính eo hẹp, nhiều nước đang phát triển bắt buộc phải nhập những thiết bị cũ kỹ hay những xe cộ đã qua sử dụng không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hiện đại về tiết kiệm năng lượng. Một số nước muốn loại bỏ những nhà máy cũ tiêu hao nhiều năng lượng bằng cách bán rẻ cho những nước láng giềng. Những nước này vì ham rẻ nên không biết là làm như vậy, họ sẽ không bao giờ chế tạo được những sản phẩm đủ sức cạnh tranh vì phí tổn năng lượng đã quá cao.

Xây dựng một chính sách năng lượng tích hợp

Một chương trình tiết kiệm năng lượng thành công phải nằm trong một chính sách năng lượng tích hợp dài hạn và phải có sự quyết tâm cao độ của chính quyền. Chương trình ấy phải có những giải pháp thích hợp để khắc phục những trở lực, vượt qua những rào cản của toàn bộ hệ thống kinh tế cũng như của các nhóm mục tiêu. Các khiếm khuyết của thị trường cũng cần phải được để ý đến. Các công cụ chung của một chính sách năng lượng như thuế năng lượng, thuế phát tán khí nhà kính, luật môi trường, các đề án nghiên cứu triển khai, các chương trình giáo dục trong các trường học và trong dân chúng đều phải được sử dụng tối đa.

Trong bảng dưới đây, chúng ta có thể tham khảo một số giải pháp do các chuyên gia của tổ chức OCDE (2004) đề ra nhằm vượt qua các rào cản trước các biện pháp tiết kiệm năng lượng. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)